Bảo đảm an ninh năng lượng trong khu vực và trên thế giới: Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
TCCS - An ninh năng lượng là tiền đề cho sự phát triển của các quốc gia trên thế giới, chính vì vậy việc bảo đảm nguồn cung năng lượng sẽ góp phần ổn định kinh tế - xã hội, thúc đẩy sự phát triển thịnh vượng của mỗi quốc gia nói riêng và toàn thế giới nói chung.
Thách thức đối với an ninh năng lượng thế giới
Tiêu thụ năng lượng thế giới tăng mạnh trong năm 2018 (2,9%), cao gần gấp đôi so với mức trung bình mười năm từ năm 2007 đến 2017 (1,5%) và là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2010 đến nay. Tiêu thụ khí thiên nhiên chiếm hơn 40% mức tăng. Việc tiêu thụ các loại năng lượng khác trừ năng lượng tái tạo, đều có mức tăng cao hơn trung bình mười năm. Mức tăng tiêu thụ năng lượng tại Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ chiếm hơn 2/3 tổng mức tăng, trong đó tiêu thụ năng lượng tại Mỹ tăng với tốc độ cao nhất trong 30 năm qua (3,5%).
Tổng trữ lượng đã xác minh vào cuối năm 2018 của dầu tăng thêm 2 tỷ thùng và đạt mức 1.730 tỷ thùng. Trữ lượng đã xác minh của dầu chủ yếu nằm ở Trung Đông (48,3%), sau đó là ở Trung và Nam Mỹ (18,8%) rồi đến Bắc Mỹ, châu Âu và khu vực Âu - Á, châu Phi và cuối cùng là ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trữ lượng đã xác minh của khí tăng 0,7 nghìn tỷ m3 lên đến 196,9 nghìn tỷ m3. Tương tự như dầu, khu vực Trung Đông có trữ lượng đã xác minh của khí lớn nhất (38,4% thế giới). Trữ lượng đã xác minh của than phần lớn nằm ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương (42,2%), trong đó Trung Quốc chiếm 13% trữ lượng của thế giới. Mỹ là nước có trữ lượng than đã xác minh lớn nhất (24%).
Tổng trữ lượng đã xác minh của dầu vào cuối năm 2018 đủ để khai thác trong 50 năm với sản lượng như năm 2018. Tương tự như dầu, trữ lượng khí đã xác minh cũng đủ để khai khác hơn 50 năm nữa. Trữ lượng than đã xác minh trên toàn thế giới đủ để khai thác trong 132 năm.
An ninh năng lượng trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của tất cả các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước trong khối APEC, mặc dù đối với mỗi nước quan niệm về an ninh năng lượng có sự khác nhau. Vào năm 2001, các nhà lãnh đạo của APEC đã thiết lập chương trình sáng kiến an ninh năng lượng (ESI) để củng cố an ninh năng lượng khu vực và nhấn mạnh vào chính sách và hành động thực tế.
Đối với an ninh năng lượng thế giới có thể kể đến các thách thức sau:
Đầu tiên là sự cạn kiệt của các nguồn năng lượng truyền thống. Một mỏ năng lượng truyền thống phải trải qua từ hàng chục đến hàng trăm triệu năm kiến tạo địa chất mới được hình thành, vì vậy nguy cơ cạn kiệt các nguồn năng lượng truyền thống này là không tránh khỏi, nhất là khi tốc độ khai thác của các quốc gia đang ngày một tăng lên. Hai nguyên nhân chính dẫn đến sự cạn kiệt nhanh chóng của nguồn năng lượng truyền thống là khả năng tìm kiếm thăm dò các nguồn năng lượng mới còn hạn chế do trình độ công nghệ còn thấp; hoạt động khai thác năng lượng không được quy hoạch, quản lý tốt về quy mô và tổ chức dẫn đến hiệu quả khai thác thấp, không triệt để, nhiều hoạt động khai thác ở quy mô nhỏ, nhất là khai thác than, trình độ công nghệ khai thác thấp.
Thứ hai, gia tăng mức tiêu thụ năng lượng của các quốc gia. Nhu cầu tiêu thụ năng lượng lớn và tốc độ gia tăng nhu cầu tiêu thụ năng lượng nhanh của khu vực đe dọa nghiêm trọng đến tình hình an ninh năng lượng ở khu vực do cung không đáp ứng đủ cầu, đồng thời dẫn đến những vấn đề về môi trường. Tốc độ tăng tiêu thụ dầu, khí và than của khu vực châu Á - Thái Bình Dương là cao nhất và dự báo sẽ tiếp tục gia tăng, đặc biệt là ở Trung Quốc và Ấn Độ.
Thứ ba, nguy cơ gián đoạn nguồn cung ngày càng tăng do tình hình bất ổn chính trị ở các quốc gia Trung Đông - nơi có nguồn cung cấp dầu mỏ và khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) lớn. Do đó, các bất ổn ở các quốc gia Trung Đông sẽ là thách thức lớn đối với việc bảo đảm nguồn cung năng lượng cho khu vực.
Thứ tư, an toàn vận chuyển trên biển. Phần lớn việc nhập khẩu dầu mỏ và khí LNG từ Trung Đông, châu Phi, Mỹ và trong nội bộ khu vực đến thông qua đường biển. Do đó, an toàn vận chuyển trên biển đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng của khu vực. Hiện nay có nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn vận chuyển trên biển, bao gồm: bão tố thường xuyên do biến đổi khí hậu; hoạt động cướp biển gia tăng; bất ổn chính trị tại các quốc gia dọc đường biển, như các nước Trung Đông, châu Phi, In-đô-nê-xi-a; tranh chấp lãnh thổ trên biển ngày càng quyết liệt cả trong và ngoài khu vực.
Bảo đảm an ninh năng lượng cho Việt Nam
Theo dự thảo báo cáo “Quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2035”, tổng tiêu thụ năng lượng quốc gia đạt 54,1 triệu TOE (tấn quy dầu) vào năm 2015, trong đó ngành công nghiệp chiếm 47%, giao thông vận tải chiếm 30%, dân dụng 15%, phi năng lượng 3%, thương mại dịch vụ 3% và nông nghiệp 2%. Năng lượng từ sản phẩm dầu mỏ chiếm tỷ trọng lớn nhất (41%), điện (30%), than (27%) và khí (2%).
Trong khi đó, theo phương án cơ sở tăng trưởng kinh tế, kịch bản tăng trưởng cho thấy tổng nhu cầu về tiêu thụ năng lượng cuối cùng sẽ tăng ở mức 5,66%/năm trong giai đoạn 2015 - 2035 và đạt 137,8 triệu TOE vào năm 2035 (gấp 2,5 lần so với năm 2015). Tốc độ tăng theo từng giai đoạn lần lượt là 5,65%/năm giai đoạn 2015 - 2020; 5,03%/năm giai đoạn 2020 - 2025; 4,78%/năm giai đoạn 2025 - 2030 và 3,69%/năm giai đoạn 2030 - 2035. Ngành công nghiệp, xây dựng chiếm 45%, giao thông vận tải chiếm 28%, dân dụng: 19%, phi năng lượng: 3%, thương mại dịch vụ: 4% và nông, lâm, thủy sản: 1%. Trong đó, điện năng trở thành nguồn năng lượng chiếm tỷ trọng lớn nhất (42%).
Tăng trưởng kinh tế thường gắn liền với gia tăng nhu cầu tiêu thụ năng lượng, đặc biệt là điện năng. Tỷ lệ giữa nhu cầu tiêu thụ năng lượng so với tăng trưởng GDP của Việt Nam hơn hai lần, trong khi ở các nước phát triển tỷ lệ này là dưới một.
Trước thực tiễn về tình hình an ninh năng lượng đang diễn ra trên thế giới, Việt Nam cần tập trung làm tốt những yêu cầu sau:
Một là, đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng. Tiết kiệm năng lượng là giải pháp bảo đảm an ninh năng lượng luôn được ưu tiên vì đầu tư cho giải pháp này thấp hơn nhiều so với các giải pháp khác. Theo Cơ quan năng lượng Đan Mạch, Việt Nam có thể tiết kiệm đến 17% lượng điện tiêu thụ vào năm 2030.
Hai là, lập kho dự trữ năng lượng. Đây là giải pháp để đối phó với tình trạng khẩn cấp khi có gián đoạn về nguồn cung bên ngoài cho khu vực hoặc bất ổn trong nội bộ khu vực. Hiện nay trong khu vực, có Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc là những nước đã thiết lập hệ thống dự trữ dầu mỏ và sản phẩm. Các nước khác, như Xin-ga-po, Thái Lan cũng đang bắt đầu xúc tiến các chương trình xây dựng các kho dự trữ dầu thô và sản phẩm. Việt Nam cũng đã có dự trữ sản phẩm dầu mỏ và ban hành quy hoạch dự trữ dầu mỏ và sản phẩm.
Ba là, đẩy mạnh tìm kiếm thăm dò các nguồn tài nguyên năng lượng. Đây là giải pháp thường xuyên nhằm tăng cường khả năng khai thác sản xuất các nguồn năng lượng sơ cấp, giảm bớt sự phụ thuộc bên ngoài.
Bốn là, tăng cường sử dụng nguồn năng lượng thay thế, tái tạo, như thủy điện, năng lượng hạt nhân, năng lượng mặt trời, sinh khối, địa nhiệt giúp giảm tiêu thụ năng lượng truyền thống và giảm tác động tiêu cực đến môi trường.
Năm là, xây dựng cơ chế hợp tác an ninh năng lượng toàn khu vực. Cơ chế hợp tác an ninh năng lượng toàn khu vực giúp các quốc gia trong khu vực trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau trong việc phòng ngừa và ứng phó với các nguy cơ làm giảm an ninh năng lượng khu vực. Việc xây dựng và hoàn thiện cơ chế an ninh năng lượng sẽ góp phần: 1- Bảo đảm an ninh năng lượng cho các quốc gia trong khu vực. Nếu quốc gia nào gặp nguy cơ về an ninh năng lượng thì các quốc gia khác có trách nhiệm hỗ trợ bằng các giải pháp tài chính hay kỹ thuật; 2- Thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia về năng lượng. Tiêu biểu là việc thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia giàu năng lượng nhưng thiếu tiền và công nghệ (một số nước ASEAN) để khai thác với các quốc gia thiếu năng lượng nhưng có khả năng đáp ứng về tiền và công nghệ hiện đại (Hàn Quốc, Nhật Bản, Xin-ga-po). Sự hợp tác này sẽ giúp cả hai bên cùng bảo đảm được an ninh năng lượng của quốc gia, giảm thiểu sự phụ thuộc vào bên ngoài; 3- Tạo điều kiện phát triển những dự án chung về cung cấp năng lượng cho toàn khu vực, như đường ống khí xuyên Á; 4- Giảm thiểu những bất đồng giữa các quốc gia có thể ảnh hưởng đến an ninh năng lượng khu vực, xây dựng lòng tin giữa các nước trong khu vực, tăng cường đối thoại giữa các nước tranh chấp về các khu vực trên đường vận chuyển dầu./.
Bảo đảm an ninh năng lượng trong khu vực và trên thế giới: Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam  (14/08/2019)
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết giải thích một số điều của Luật Quy hoạch  (13/08/2019)
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết giải thích một số điều của Luật Quy hoạch  (13/08/2019)
Vietcombank tiếp tục là thương hiệu ngân hàng có giá trị nhất Việt Nam  (13/08/2019)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam