Ngành xây dựng Việt Nam 60 năm phát triển, trưởng thành và hội nhập
TCCSĐT - Ngay sau Cách mạng tháng 8-1945 thành công, ngày 13-4-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 50 về tổ chức các cơ quan Bộ và thuộc Bộ của Bộ Giao thông Công chính. Ngày 29-4-1958, tại kỳ họp thứ VIII Quốc hội khóa I ra nghị quyết thành lập Bộ Kiến trúc (nay là Bộ Xây dựng). Trải qua 60 năm xây dựng, phát triển với những tên gọi gắn với nhiệm vụ cụ thể của từng thời kỳ lịch sử, ngành xây dựng vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, khẳng định vai trò là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển của đất nước.
Tự hào truyền thống và những bước phát triển vững chắc
Tháng 4-1958, Bộ Kiến trúc ra đời theo quyết định của Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 (Quốc hội khóa I) trên cơ sở tách Bộ Thủy lợi - Kiến trúc thành 2 bộ: Bộ Thủy lợi và Bộ Kiến trúc. Những bước đi ban đầu tuy còn non trẻ, nhưng toàn ngành xây dựng nỗ lực hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó. Tháng 6-1973, Bộ Xây dựng được thành lập trên cơ sở sáp nhập Ủy ban Kiến thiết cơ bản nhà nước với Bộ Kiến trúc. Hiện nay, theo Nghị định 81/2017/NĐ-CP, ngày 17-7-2017 của Chính phủ quy định: Bộ Xây dựng thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong các lĩnh vực: quy hoạch xây dựng, kiến trúc; hoạt động đầu tư xây dựng; phát triển đô thị; hạ tầng kỹ thuật; nhà ở; công sở; thị trường bất động sản; vật liệu xây dựng; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ theo quy định của pháp luật.
Nhìn lại chặng đường những năm đầu kháng chiến chống Pháp, toàn ngành xây dựng có 3 nhiệm vụ lớn: cùng toàn dân tham gia “tiêu thổ kháng chiến”; tham gia kiến thiết các khu căn cứ, các vùng chiến khu, các vùng tự do, tạo dựng những vật kiến trúc, phòng, ngăn, chống địch, bảo đảm an toàn, ổn định cho các hoạt động, điều hành của Trung ương Đảng, Chính phủ và bộ máy chính quyền địa phương; tổ chức tập luyện để sẵn sàng chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở các chiến trường, mặt trận. Giai đoạn 1954 - 1964, cán bộ công nhân ngành nỗ lực thực hiện nhiệm vụ được giao, thi công xây lắp những công trình đầu tiên của miền Bắc, như: Mỏ thiếc Tĩnh Túc, các nhà máy chè Phú Thọ, diêm Thống Nhất, thuốc lá Thăng Long, gỗ dán Cầu Đuống, cá hộp Hải Phòng,… đặc biệt là nhà máy cơ khí Hà Nội - đứa con đầu lòng của ngành công nghiệp nặng ở nước ta. Bước đầu hình thành khu công nghiệp Thượng Đình gồm các nhà máy: Cao su Sao Vàng, thuốc lá Thăng Long, Xà phòng và bóng đèn phích nước Rạng Đông (gọi tắt là cụm nhà máy Cao - Xà - Lá). Ngành xây dựng từng bước hình thành và phát triển để chính thức ra đời với tư cách là một ngành kinh tế quốc dân độc lập.
Giai đoạn 1961 - 1965, bên cạnh một số cơ sở quan trọng của công nghiệp nặng, nhiều xí nghiệp công nghiệp nhẹ được xây dựng, như: nhà máy giấy Việt Trì, đường Vạn Điểm, đường Sông Lam, pin Văn Điển, dệt kim Đông Xuân, dệt 8-3 và một số cơ sở lớn ở miền Bắc như công trình thủy điện Thác Bà, nhà máy Supe phốt phát Lâm Thao, nhà máy điện Cao Ngạn, nhà máy phân đạm Hà Bắc, nhà máy điện Uông Bí… Nhiều công trình dân dụng như: nhà ở, trường đại học, các công trình công cộng, phúc lợi phục vụ nhân dân,... được xây dựng. Công tác quy hoạch đô thị vừa tiến hành điều tra khảo sát để đề xuất nhiệm vụ thiết kế quy hoạch lâu dài, vừa thiết kế cụ thể để hướng dẫn việc xây dựng thành phố mới và cải tạo mở rộng thành phố cũ trên miền Bắc. Ở những thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội, việc hình thành và đưa vào sử dụng các khu công nghiệp đánh dấu những bước quan trọng trong sự phát triển của ngành. Bộ tiến hành xây dựng thí điểm khu nhà ở Kim Liên theo mô hình “tiểu khu nhà ở” - khu nhà ở đầu tiên ở nước ta được nghiên cứu và thiết kế đồng bộ về quy hoạch, kiến trúc nhà ở được xây dựng bằng phương pháp lắp ghép, tạo ra những căn hộ khép kín. Đây là tiểu khu nhà ở thí điểm về cả phương pháp thiết kế lẫn phương pháp thi công, mở đầu hình thức cư trú mới với nếp sống mới ở đô thị.
Bước vào giai đoạn 1965 - 1975, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “vừa sản xuất vừa chiến đấu”, ngành xây dựng nhanh chóng chuyển mọi mặt hoạt động thích ứng với hoàn cảnh. Đến năm 1975, toàn ngành có trên 30.000 cán bộ công nhân ở khắp các khu vực, địa phương trên miền Bắc. Trong mọi hoạt động, lãnh đạo Bộ chỉ đạo các phong trào thi đua, tạo động lực thúc đẩy toàn ngành lao động, sản xuất, nâng cao tư tưởng và ý thức trách nhiệm, thực hiện xuất sắc các nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó. Ngày 29-8-1975, ngành xây dựng hoàn thành công trình đặc biệt quan trọng và có ý nghĩa nhất là Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đáp ứng nguyện vọng và tình cảm của nhân dân 2 miền Nam - Bắc đối với Bác Hồ. Song song đó, ngành khẩn trương xây dựng lại những công trình bị đình hoãn, bị địch bắn phá nghiêm trọng; tổ chức thiết kế, khảo sát, quy hoạch các thành phố, thị xã, thị trấn; đẩy mạnh việc xây dựng lại và xây dựng mở rộng thêm cơ sở vật chất, tập trung lực lượng xây dựng phát triển các khu nhà ở tại các đô thị. Giai đoạn 1981 - 1985, ngành tập trung hoàn thành các công trình trọng điểm như mở rộng nhà máy supe phốt phát Lâm Thao, xi măng Bỉm sơn, Hoàng Thạch, giấy Bãi Bằng... Tốc độ xây lắp đạt 25%. Các đơn vị xây lắp đảm nhận công trình trọng điểm quốc gia, tỷ trọng giá trị xây lắp các công trình trọng điểm chiếm 79,7% tổng giá trị xây lắp.
Đồng hành cùng sự nghiệp đổi mới đất nước
Thực hiện chính sách đổi mới, ngành xây dựng có những chuyển biến quan trọng. Các đơn vị của ngành mở rộng sản xuất kinh doanh theo hướng đa dạng hóa sản phẩm gắn với thị trường, từng bước hạch toán kinh doanh theo cơ chế thị trường. Nhiều công trình quan trọng hoàn thành, như: tổ máy số 3,4 của Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại; 4 tổ máy của Thủy điện Trị An; 2 tổ máy của Thủy điện Hòa Bình; 3 tổ máy của Thủy điện Đrây Linh; Nhà máy kính Đáp Cầu, dây chuyền xi măng Kiến Lương, Nhà máy giấy Tân Mai và các công trình phục vụ khai thác dầu khí…, góp phần làm tăng năng lực sản xuất cho nền kinh tế quốc dân. Ngành đã có những đổi mới trong nhận thức, quan điểm về phát triển đô thị, từ việc thiết kế quy hoạch, thiết kế nhà ở do Nhà nước đầu tư chuyển sang cơ chế mới là quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch các khu nhà ở do Nhà nước và nhân dân cùng làm. Từ quan điểm trên, công tác thiết kế quy hoạch, đô thị được đẩy mạnh. Thập niên 90 của thế kỷ XX, hàng triệu mét vuông nhà ở được xây dựng lại, xây dựng mới. Bộ mặt đô thị, kết cấu hạ tầng đô thị đã có sự chuyển biến, đời sống nhân dân được cải thiện một bước.
Giai đoạn 1996 - 2000, nhiều cơ chế, chính sách được Bộ Xây dựng tập trung xây dựng, tạo khung pháp lý khá đồng bộ. Việc triển khai mạnh mẽ công tác quy hoạch, chiến lược định hướng phát triển góp phần nâng cao hiệu quả quản lý ngành ở cấp vĩ mô. Thời kỳ này, các công trình lớn về hạ tầng, công nghiệp, dân dụng được tập trung xây dựng với tốc độ thi công nhanh gấp 2 - 3 lần. Bộ đã dự thảo và được Chính phủ phê duyệt Định hướng quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam; Định hướng phát triển cấp nước đô thị đến năm 2020. Cho đến năm 2000, quy hoạch tổng thể xây dựng các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng được phê duyệt điều chỉnh.
Tính đến hết năm 2010, hệ thống cơ chế, chính sách trong các lĩnh vực của ngành được hoàn thiện, cơ bản phủ kín trong tất cả các lĩnh vực, tạo điều kiện nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước. Biểu hiện rõ nhất là việc phân cấp, làm rõ hơn trách nhiệm của các cấp, các ngành và các chủ thể tham gia đầu tư xây dựng, đồng thời giảm thiểu thủ tục hành chính, tạo động lực thúc đẩy các hoạt động đầu tư xây dựng, phát triển thị trường xây dựng với quy mô rộng, đa dạng. Công tác quản lý xây dựng và phát triển đô thị theo quy hoạch từng bước đi vào nề nếp. Các đô thị Việt Nam phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Tính đến cuối tháng 12-2010, cả nước có 755 đô thị, tăng 37 đô thị so với năm 2005. Tỷ lệ đô thị hóa hiện đạt gần 30%. Nhiều khu đô thị mới, khu nhà ở với hệ thống hạ tầng kỹ thuật - xã hội được xây dựng tại các đô thị. Mô hình chung cư được cung cấp dịch vụ đồng bộ dần trở thành xu thế chủ yếu trong phát triển nhà ở tại đô thị Việt Nam. Trình độ, năng lực quản lý đô thị của chính quyền địa phương từng bước được nâng cao. Chính quyền các đô thị đóng vai trò điều phối tạo cơ chế và hành lang pháp lý cho công tác phát triển đô thị, nâng cao vị thế của từng đô thị. Các cơ chế chính sách về nhà ở bám sát chủ trương xã hội hóa và xóa bỏ bao cấp trong lĩnh vực nhà ở, tạo điều kiện cho các các hộ gia đình tự tạo lập nhà ở. Ngay sau khi Luật Nhà ở ra đời, Bộ chủ động nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng là học sinh, sinh viên, nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp tập trung và người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị, hỗ trợ người nghèo về nhà ở. Thị trường bất động sản tuy mới hình thành, nhưng có bước phát triển tích cực. Việc các giao dịch bất động sản được thực hiện thông qua các sàn giao dịch là bước khởi đầu quan trọng để minh bạch hóa thông tin về thị trường, góp phần bảo đảm thị trường bất động sản phát triển lành mạnh và bền vững.
Công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng, quản lý năng lực hành nghề của các tổ chức, cá nhân, quản lý giấy phép xây dựng chuyển biến tích cực. Số giấy phép xây dựng được cấp tăng dần theo các năm. Số công trình xây dựng có giấy phép xây dựng năm 2010 đạt khoảng 90%. Lần đầu tiên, Bộ Xây dựng tập trung chỉ đạo hoàn chỉnh trình Chính phủ ban hành 08 nghị định liên quan đến lĩnh vực hạ tầng đô thị, như: quản lý chất thải rắn; thoát nước đô thị và khu công nghiệp; về sản xuất cung cấp và tiêu thụ nước sạch; xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang; quản lý không gian ngầm đô thị; quản lý cây xanh đô thị.
Vững bước trong quá trình hội nhập
Từ năm 2011 đến nay, thực hiện định hướng Đại hội XI của Đảng: “phát triển ngành xây dựng đạt trình độ tiên tiến trong khu vực. Nhanh chóng tiếp cận và làm chủ các công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực công nghiệp xây lắp đáp ứng yêu cầu xây dựng trong nước và có khả năng cạnh tranh trong đấu thầu quốc tế. Phát triển mạnh công nghiệp vật liệu xây dựng, nhất là vật liệu chất lượng cao, áp dụng công nghệ mới”, ngành xây dựng bước vào thời kỳ chiến lược mới trong bối cảnh thế giới thay đổi nhanh, phức tạp. Ngành đã rà soát, xây dựng, điều chỉnh các chiến lược, định hướng phát triển phù hợp với từng lĩnh vực. Nổi bật là Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2127/QĐ-Tg, ngày 30-11-2011. Lần đầu tiên, ngành xây dựng có được chiến lược phát triển nhà ở với quan điểm, cách tiếp cận mới, cụ thể cho các nhóm đối tượng khác nhau trong xã hội. Bộ Xây dựng đã hoàn thành, trình và được Quốc hội thông qua 03 dự án luật, đó là: Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 (thay thế cho Luật Xây dựng số 13/2003/QH11); Luật Nhà ở số 65/2014/QH13 (thay thế cho Luật Nhà ở số 56/2005/QH11); Luật Kinh doanh bất động sản số 66/2014/QH13 (thay thế cho Luật Kinh doanh bất động sản 63/2006/QH11).
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các địa phương rà soát, đánh giá toàn diện tình hình các dự án phát triển đô thị và phát triển nhà ở; đề xuất các nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn và được đưa vào Nghị quyết số 02/NQ-CP, ngày 07-1-2013 của Chính phủ. Đề xuất trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 61/NQ-CP, ngày 21-8-2014 về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 02/NQ-CP; ban hành kịp thời các thông tư hướng dẫn chi tiết việc chuyển đổi các dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội; các điều kiện, thủ tục để doanh nghiệp được vay đầu tư và người dân vay để thuê, thuê mua, mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại diện tích nhỏ, giá bán thấp từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng...
Công tác quản lý phát triển vật liệu xây dựng được tăng cường trên cơ sở tuân thủ quy hoạch, bám sát nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu, duy trì sự ổn định thị trường xi măng và các vật liệu xây dựng chủ yếu. Triển khai Chương trình phát triển vật liệu xây không nung, Bộ Xây dựng chỉ đạo các đơn vị trong ngành nghiên cứu công nghệ sản xuất bê-tông khí chưng áp; nghiên cứu chế tạo dây chuyền thiết bị sản xuất gạch xi măng cốt liệu...; chỉ đạo các địa phương xây dựng lộ trình chấm dứt hoạt động của các loại lò thủ công, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch theo tinh thần của Chỉ thị số 10/CT-TTg, ngày 26-4-2012 của Thủ tướng Chính phủ.
Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi trong đầu tư xây dựng. Giai đoạn 2011-2015, Bộ công bố 192 thủ tục hành chính mới; sửa đổi, bổ sung 27 thủ tục và bãi bỏ 44 thủ tục; công bố và cập nhật các nội dung liên quan đến thủ tục hành chính vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính và đề nghị Bộ Tư pháp công khai.
Bộ Xây dựng soát xét, ban hành thêm 7 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và hoàn thành nhiều tiêu chuẩn quốc gia lĩnh vực xây dựng, nâng tổng số quy chuẩn kỹ thuật quốc gia lĩnh vực xây dựng lên 15, tổng số tiêu chuẩn quốc gia lĩnh vực xây dựng lên 1.250. Bộ Xây dựng chủ động xây dựng 03 chương trình khoa học công nghệ môi trường trọng điểm về vật liệu xây dựng công trình trên biển, đảo; phát triển vật liệu xây không nung và phát triển vật liệu xây dựng sử dụng phế thải tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất phân bón và các cơ sở công nghiệp phát thải khác. Công tác quản lý đầu tư xây dựng có chuyển biến tích cực. Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 42/2017/NĐ-CP, ngày 05-4-2017 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP, ngày 18-6-2015 về quản lý dự án đầu tư xây dựng và Nghị định số 53/2017/NĐ-CP, ngày 08-5-2017 quy định các loại giấy tờ hợp pháp về đất đai để cấp giấy phép xây dựng, trong đó có nhiều nội dung đổi mới theo hướng tăng cường phân cấp, ủy quyền hợp lý trong quản lý các hoạt động xây dựng, nhờ đó, quy trình, thủ tục, thời gian thực hiện cấp phép xây dựng được đơn giản và rút ngắn. Chỉ số cấp phép xây dựng (theo Báo cáo về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới) được xếp hạng thứ 20/190 quốc gia, tăng 4 bậc so với năm 2016.
Bộ chỉ đạo mạnh mẽ việc tiếp tục triển khai công tác cổ phần hóa 04 tổng công ty, gồm Sông Đà, HUD, IDICO và VICEM. Tập trung thoái vốn tại các doanh nghiệp theo kế hoạch. Thực hiện niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán 02 doanh nghiệp; sàn giao dịch Upcom 06 doanh nghiệp; hoàn tất thủ tục, chờ đăng ký giao dịch 04 doanh nghiệp. Tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển khoa học công nghệ ngành xây dựng, trọng tâm là nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến nhằm bảo vệ môi trường. Mở rộng các hoạt động đối ngoại, tăng cường hợp tác song phương, đa phương; tiếp tục vận động có hiệu quả các chương trình, dự án ODA cho các lĩnh vực liên quan đến phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật, nhà ở xã hội, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường.../.
Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tháng 4-2018  (27/04/2018)
Bộ Quốc phòng gặp mặt một số tướng lĩnh nguyên lãnh đạo Quân đội  (27/04/2018)
Agribank thông tin về việc khách hàng bị rút tiền từ tài khoản ATM  (27/04/2018)
Lễ tưởng niệm 20 năm ngày mất của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và đón Bằng xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia Khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh  (27/04/2018)
- Quảng Ngãi phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên