Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 19 đến 25-3-2018)

Gia Bảo (tổng hợp từ TTXVN, chinhphu.vn)
21:54, ngày 28-03-2018

TCCSĐT - Những lo ngại về sự quay trở lại của chủ nghĩa bảo hộ, có thể dẫn tới các cuộc chiến tranh thương mại gây thiệt hại cho nhiều nền kinh tế và đe dọa tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đã trở thành chủ đề nổi cộm trong hai ngày họp của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) tại thủ đô Buenos Aires của Argentina.

Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về chính sách phát triển công nghiệp

Ngày 22-3-2018, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (số 23-NQ/TW, ngày 22-3-2018).

Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Việt Nam hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực ASEAN về công nghiệp, trong đó một số ngành công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030 tỷ trọng công nghiệp trong GDP đạt trên 40%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 30%, trong đó công nghiệp chế tạo đạt trên 20%. Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 45%. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân trên 8,5%/năm, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt bình quân trên 10%/năm. Tốc độ tăng năng suất lao động công nghiệp đạt bình quân 7,5%/năm. Chỉ số hiệu suất cạnh tranh công nghiệp (CIP) nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN. Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ đạt trên 70%. Xây dựng được một số cụm liên kết ngành công nghiệp, doanh nghiệp công nghiệp trong nước có quy mô lớn, đa quốc gia, có năng lực cạnh tranh quốc tế.

Công bố điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng đồng bằng sông Cửu Long

Ngày 23-3, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Xây dựng đã tổ chức hội nghị công bố điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng vùng đồng bằng sông Cửu Long nhưng bên cạnh những thành tựu về kinh tế xã hội, các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long đang diễn ra những thách thức mới đặt ra đối với phát triển kinh tế xã hội trong vùng. Đó là tác động của biến đổi khí hậu, hạn chế trong liên kết nội vùng và ngoại vùng, hệ thống kết cấu hạ tầng chưa chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của vùng...

Để đáp ứng yêu cầu phát triển về kinh tế xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 15-01-2018.

Theo đó, sự phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long không chỉ có ý nghĩa đối với các tỉnh trong vùng mà còn có ý nghĩa đối với quốc gia và cả tiểu vùng sông Mekong; đồng thời, đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với phát triển sản xuất nông nghiệp cho cả nước.

Với mục tiêu để vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững, an toàn, thịnh vượng, phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao kết hợp với dịch vụ du lịch sinh thái, công nghiệp chế biến..., quy hoạch mới dựa trên sự tôn trọng quy luật tự nhiên phù hợp với điều kiện thực tế. Bên cạnh đó, xác định biến đổi khí hậu, nước biển dâng là xu thế tất yếu cần phải sống chung và thích nghi, biến thách thức thành cơ hội; trong đó, tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi và là cơ sở để triển khai quy hoạch.

G20 quyết tâm ngăn chặn chủ nghĩa bảo hộ, chiến tranh thương mại

Những lo ngại về sự quay trở lại của chủ nghĩa bảo hộ, có thể dẫn tới các cuộc chiến tranh thương mại gây thiệt hại cho nhiều nền kinh tế và đe dọa tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đã trở thành chủ đề nổi cộm trong hai ngày họp của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) tại thủ đô Buenos Aires của Argentina.

Bởi vậy, tại diễn đàn G20 năm nay, các đại biểu tham dự một lần nữa thể hiện quyết tâm thúc đẩy hệ thống thương mại tự do toàn cầu dựa trên luật lệ quốc tế nhằm đối phó với những mối đe dọa của chủ nghĩa bảo hộ.

Ngay trong phiên họp đầu tiên, các bên đã có những tranh cãi xung quanh quyết định mới đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế nhập khẩu cao đối với các sản phẩm thép và nhôm, dẫn tới phản ứng gay gắt của nhiều nước trên thế giới. Thậm chí các đối tác thương mại quan trọng của Mỹ, như Liên minh châu Âu (EU), từng đe dọa trả đũa nếu Mỹ tiếp tục áp đặt thuế nhập khẩu nhôm và thép.

Tại hội nghị, đích thân Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde khẳng định không có ai là người chiến thắng nếu chủ nghĩa bảo hộ “lên ngôi”, trong khi các đối tác thương mại chính của Mỹ đều cảnh báo về những hệ lụy đối với tăng trưởng kinh tế thế giới khi một cuộc chiến thương mại nổ ra.

Nhiều ý kiến cho rằng biện pháp của Mỹ có thể sẽ tạo một tiền lệ nguy hiểm gây cản trở tới quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Phản ứng trước những ý kiến trái chiều, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin bảo vệ quan điểm rằng nền kinh tế số một thế giới vẫn giữ cam kết về thương mại tự do với điều kiện phải là sự “có đi có lại”, đem đến một mối quan hệ thương mại cân bằng chứ Mỹ sẽ không đánh đổi lợi ích quốc gia để hệ thống tự do thương mại hoạt động khi người lao động và các doanh nghiệp nước này bị ảnh hưởng.

Những tranh cãi tại hội nghị lần này một lần nữa cho thấy các nền kinh tế lớn trên thế giới đang đứng trước bài toán khó là làm sao dung hòa được lợi ích quốc gia và những cam kết hợp tác thúc đẩy tự do thương mại vì lợi ích chung. Việc Mỹ đưa ra những rào cản thuế đối với nhập khẩu, cũng như khuyến khích các doanh nghiệp chuyển địa điểm sản xuất về trong nước, trong khi Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, cũng tìm mọi cách tăng kim ngạch xuất khẩu song dựng lên những rào cản đối với hàng nhập khẩu, giữ thị phần trong nước cho các doanh nghiệp nội địa, là những minh chứng rõ nét về xu hướng theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ. Và chính những căng thẳng kinh tế và địa chính trị là mối đe dọa lớn đối với tăng trưởng toàn cầu.

Làn sóng bảo hộ thương mại đang trỗi dậy khá mạnh trong thời gian gần đây trong bối cảnh kinh tế thế giới bắt đầu tăng trưởng chậm lại kể từ năm 2013. Ngày càng nhiều nước quay trở lại chính sách thúc đẩy sản xuất hàng hóa công nghiệp để thế chân hàng nhập khẩu, thắt chặt quy định về tỷ lệ nội địa hóa và trợ giá hàng xuất khẩu, dựng nên các rào cản thương mại để bảo vệ nền sản xuất trong nước.

Trong khi đó, thành quả của toàn cầu hóa không được phân chia đồng đều giữa các khu vực, các nền kinh tế cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới xu hướng phản đối tự do hóa thương mại gia tăng mạnh ở nhiều khu vực trên thế giới, nhất là tại các nền kinh tế lớn, trong đó có Mỹ và châu Âu.

Trong thời gian qua, số lượng biện pháp bảo hộ thương mại mà các nền kinh tế lớn thực hiện ngày càng tăng lên. Đặc biệt, tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump, với chính sách “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại,” đã áp dụng nhiều biện pháp, từ rút khỏi các thỏa thuận thương mại mà ông coi là “gây thiệt hại” cho nền kinh tế đất nước, tới kêu gọi các doanh nghiệp lớn quay trở lại kinh doanh ở Mỹ để mang lại việc làm cho người dân Mỹ.

Mặc dù vậy, việc áp đặt một biện pháp đơn phương mang tính rào cản đối với thương mại tự do được đánh giá không phải là giải pháp tối ưu, bởi nó đi ngược lại xu hướng toàn cầu hóa hiện nay, cản trở hệ thống thương mại toàn cầu, đồng thời có thể dẫn tới lên các cuộc chiến thương mại, ảnh hưởng bất lợi đến tăng trưởng kinh tế của các nước, khu vực và thế giới.

Tuyên bố chung của hội nghị G20 khẳng định cam kết tiếp tục đối thoại để đạt được sự đồng thuận về vai trò của thương mại tự do, đồng thời nhấn mạnh thương mại và đầu tư quốc tế là những động lực quan trọng đối với tăng trưởng toàn cầu, năng suất, tạo việc làm và sự phát triển chung. Ngoài ra, các nước cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các thỏa thuận song phương, nội khối, đa phương phải là những cam kết mở, minh bạch và phù hợp với những qui tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), qua đó ngăn chặn các nguy cơ chiến tranh thương mại.

Mặc dù vậy, tại hội nghị, các nước cũng đã thống nhất sẽ không đưa khái niệm “chủ nghĩa bảo hộ” vào trong tuyên bố chung mà sử dụng cụm từ “chính sách hướng nội” để bày tỏ quan điểm về những vấn đề tranh cãi trên. Thay vào đó, hội nghị G20 nhấn mạnh đã tới lúc phải hành động để hạn chế những rào cản đối với tăng trưởng, giảm thiểu sự bất bình đẳng toàn cầu và đẩy lùi những nguy cơ đối với kinh tế thế giới.

Hội nghị G20 lần này một lần nữa cho thấy thương mại tự do, chủ nghĩa đa phương và hợp tác quốc tế vẫn được coi là xu hướng chủ đạo giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Xuất khẩu gạo Thái Lan năm 2018 dự báo sẽ giảm mạnh

Theo thông tin từ Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA), việc đồng baht mạnh lên gần 10% và sản lượng dự báo giảm sẽ khiến xuất khẩu gạo trong năm nay không đạt chỉ tiêu tăng 9,5%, mặc dù mức chỉ tiêu đó đã thấp hơn 18% so với 11,6 triệu tấn của năm trước.

Chủ tịch TREA, ông Charoen Laothamatas giải thích: “Đồng baht mạnh lên là khó khăn lớn đối với xuất khẩu gạo năm nay, vì giá gạo Thái Lan trở nên kém hấp dẫn so với các đối thủ khác”.

Theo ông Charoen, con số xuất khẩu 9,5 triệu tấn được đưa ra vào cuối năm ngoái. Tuy nhiên, đồng baht đã tăng hơn 9% so với USD trong năm 2017, và tăng tiếp 3,1% trong 1,5 tháng đầu năm nay, ở thời điểm giữa tháng 2 năm nay là 31,6 THB/USD, trong khi cùng thời điểm tiền đồng của Việt Nam chỉ tăng 1%, và rupee tăng 6%.
Ông Laothamatas cho biết “nếu đồng baht tiếp tục tăng, Hiệp hội sẽ hạ chỉ tiêu xuất khẩu gạo”. Hiện gạo hương nhài (Hom Mali) của Thái Lan giá 1.200 USD/tấn vào giữa tháng 2, gần gấp đôi mức 650 USD/tấn gạo cùng loại của Việt Nam.

Ngoài ra, dù giá dầu tăng cũng sẽ thúc đẩy sức mua của các nước Trung Đông nhưng những hàng rào phi thuế quan ở một số nước nhập khẩu, chẳng hạn như kiểm soát chặt chẽ hơn dư lượng hóa chất, cũng có thể ảnh hưởng tới xuất khẩu sang Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ.

Về thị trường thế giới, TREA nhận định nhu cầu toàn cầu vẫn sẽ mạnh vì những nước nhập khẩu lớn như Philippines và Indonesia dự kiến sẽ mua khoảng 1-1,5 triệu tấn trong năm nay. Chính phủ Thái Lan mới đây thông báo chính sách kiểm soát sản lượng gạo hàng năm ở mức khoảng 30 triệu tấn, giảm so với khoảng 33 triệu tấn của năm 2017.

EU thông qua đường lối chung cho đàm phán quan hệ thương mại với Anh

Các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) ngày 23-3 đã chính thức thông qua đường lối chung về đàm phán quan hệ thương mại với Anh trong tương lai sau khi nước này rời khỏi khối.

Phát biểu sau cuộc họp tại Brussels, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho biết đường lối chung được thông qua cùng với đề xuất thời gian chuyển tiếp kéo dài 21 tháng nhằm giúp các doanh nghiệp thích nghi với tình hình sau khi Anh rời khỏi EU dự kiến vào tháng 3-2019.

Thủ tướng Anh Theresa May đã hoan nghênh động thái trên của EU, đồng thời kêu gọi tạo ra "xung lực mới" trong các cuộc đàm phán về quan hệ tương lai. Phát biểu với các phóng viên trước khi rời Brussels sau cuộc họp với các lãnh đạo EU, Thủ tướng Anh bày tỏ tin tưởng thời gian chuyển tiếp sẽ tạo sự chắc chắn cho các doanh nghiệp cũng như các công dân, và thỏa thuận về quan hệ tương lai cần mang lại lợi ích cho cả hai bên.

Trong khi đó, Trưởng đoàn đàm phán của EU về Brexit, ông Michel Barnier cho biết thỏa thuận mới với Anh và các cuộc đàm phán về vấn đề này dự kiến bắt đầu vào tháng tới "phải tôn trọng các nguyên tắc và tính đồng nhất của EU và thị trường chung".

Theo kế hoạch, EU và Anh sẽ nhất trí về thỏa thuận Brexit, thời gian chuyển tiếp và cơ cấu quan hệ tương lai vào mùa Hè này để các lãnh đạo EU thông qua tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng 10, trước khi đưa ra thông qua tại từng nước với hy vọng sẽ kịp trước khi Anh chính thức rời EU vào tháng 3-2019./.