Bộ trưởng Giao thông vận tải: Năm 2018 sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân
Chia sẻ về những khó khăn, thách thức trong năm 2018, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định sẽ nỗ lực để giao thông tiếp tục đi trước mở đường, tạo đột phá phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng đời sống người dân và đồng hành cùng doanh nghiệp.
Trong thời gian qua, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành cắt giảm các điều kiện kinh doanh, tháo bỏ rào cản để hỗ trợ cho doanh nghiệp, Bộ Giao thông vận tải đã và sẽ có những hành động như thế nào?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Chương trình hành động và tập trung triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ toàn diện các doanh nghiệp trong ngành.
Về hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về điều kiện kinh doanh, đổi mới thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp: Bộ Giao thông vận tải đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành 08/08 nghị định theo nguyên tắc các quy định về điều kiện kinh doanh phải rõ ràng, minh bạch, dễ thực hiện, có lộ trình phù hợp để sớm loại bỏ giấy phép con, phí, phụ phí bất hợp lý; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước theo hướng đơn giản hóa khâu tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm gắn với điều kiện, quy định cụ thể và thanh tra, kiểm tra, giám sát.
Sau khi các Nghị định được ban hành, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức hướng dẫn, kiểm tra đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thuộc ngành Giao thông vận tải, đảm bảo mục tiêu ngăn chặn, phát hiện xử lý vi phạm đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ các quy định của pháp luật.
Hiện nay, Bộ đang phối hợp với bộ ngành liên quan tiếp tục rà soát các điều kiện kinh doanh theo hướng cắt giảm các ngành nghề, điều kiện, thủ tục hành chính không thực sự cần thiết.
Về đổi mới thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp, Bộ đã tích cực đổi mới, tăng cường áp dụng dịch vụ công trực tuyến (tổng số 501 thủ tục hành chính, trong đó mức 4 là 60 thủ tục hành chính, mức 3 là 186 thủ tục hành chính, còn lại mức 2 là 255 thủ tục hành chính) tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển.
Bộ đã chủ động đối thoại, làm việc, tiếp xúc với các hiệp hội, doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp; tổ chức các hội nghị lớn theo hình thức trực tuyến tại nhiều điểm cầu trên cả nước về các lĩnh vực vận tải biển và cảng biển, cảng thủy nội địa, hàng không.
Bộ cũng đã thiết lập số điện thoại đường dây nóng và đến nay, đã tiếp nhận trên 3.000 thông tin phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về hoạt động vận tải và đảm bảo an toàn giao thông, xử lý theo thẩm quyền hoặc kịp thời thông tin, đề nghị cho các cơ quan chức năng xác minh, xử lý theo thẩm quyền.
Năm mới, chúng tôi xin hứa sẽ tiếp tục nỗ lực để giao thông tiếp tục đi trước mở đường, tạo đột phá phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng đời sống người dân và đồng hành cùng doanh nghiệp.
Có thể thấy, ngành giao thông đang có nhiều "mảng tối" làm mất lòng tin của người dân và doanh nghiệp như: các trạm BOT nhầm chỗ, sự mắc kẹt của các dự án Metro tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, hướng đi cho ngành hàng không, sự trì trệ của ngành đường sắt. Là người đứng đầu ngành giao thông, ông sẽ giải quyết những vấn đề này theo hướng nào?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Đây là 4 trong nhiều vấn đề mà cá nhân tôi và toàn ngành giao thông đang và sẽ nỗ lực giải quyết.
Về các dự án BOT, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với địa phương rà soát về trạm thu giá (vị trí, mức giá) và nhận thấy cơ bản các trạm thu giá đều trong phạm vi dự án tuân thủ quy định hiện hành; có 3 trạm ngoài phạm vi dự án BOT (trước đây là những trạm thu phí nộp ngân sách nhà nước) do lịch sử để lại, mặc dù tại thời điểm xây dựng trạm được thực hiện đúng quy định pháp luật, tuy nhiên khi đối chiếu với quy định hiện nay không còn phù hợp, dẫn đến có một số ý kiến phản đối từ người dân.
Để hạn chế tối đa ảnh hưởng đối với người dân trong khu vực trạm thu giá, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm việc với các địa phương và nhà đầu tư rà soát, đề xuất phương án xử lý tại các trạm, theo hướng có chính sách giảm cho các phương tiện của người dân sinh sống trong phạm vi lân cận trạm thu giá và các luồng xe theo tuyến cố định đi qua trạm nhưng sử dụng quãng đường BOT ngắn.
Về các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, hiện nay các dự án đều gặp vấn đề rất lớn đó là khả năng cân đối nguồn lực đầu tư và áp lực nợ công. Đối với các dự án đang triển khai, việc không bố trí kịp thời vốn sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án; giảm hiệu quả kinh tế-xã hội các dự án do chậm đưa dự án vào khai thác…
Trong thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục đồng hành, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và UBND TP. Hà Nội, UBND TP. Hồ Chí Minh giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các dự án.
Với ngành đường sắt, có thể điểm qua một số khó khăn, thách thức chính như kết cấu hạ tầng, phương tiện yếu kém, lạc hậu; khả năng kết nối với các loại hình vận tải khác chưa cao… Trong thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục chỉ đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện Đề án tái cơ cấu theo chỉ đạo của Chính phủ; rà soát, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải; sửa chữa, mua sắm đầu máy toa xe; tăng cường công tác bảo trì kết cấu hạ tầng và tích cực phối hợp với các địa phương có đường sắt đi qua để đảm bảo an toàn giao thông đường sắt đồng thời chủ động báo cáo Chính phủ, Quốc hội cân đối, bố trí nguồn lực đầu tư để thực hiện cải tạo, từng bước nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội-TP. Hồ Chí Minh hiện có.
Đối với hướng đi cho ngành hàng không, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục tăng cường nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm an ninh, an toàn trong đó đẩy mạnh việc đầu tư cải tạo, mở rộng các Cảng hành không quốc tế quan trọng như: Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Cát Bi; đầu tư xây dựng mới cảng hàng không quốc tế Long Thành và báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy hoạch phát triển Giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến giai đoạn năm 2030.
Ngoài ra, toàn ngành Giao thông vận tải sẽ tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu các phương thức vận tải để giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam; phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành liên quan hoàn chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đầu tư BOT theo hướng hài hoà lợi ích giữa người dân, nhà đầu tư và Nhà nước để đây sẽ tiếp tục là kênh huy động vốn quan trọng để phát triển hạ tầng trong điều kiện hiện nay cũng như trong tương lai.
Nếu như BOT liên quan nhiều đến các doanh nghiệp vận tải thì với những người dân sống trong thành phố, "cuộc chiến" giữa taxi công nghệ (Grab, Uber) và taxi truyền thống đang tác động trực tiếp tới họ. Quan điểm của Bộ trưởng về việc này như thế nào? Làm sao để người dân tiếp tục được hưởng dịch vụ tốt, giá rẻ?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Việc ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách và tạo thuận lợi cho hành khách được hưởng dịch vụ tốt nhất đã, đang và sẽ là xu thế tất yếu và ngành Giao thông vận tải đã đẩy mạnh việc áp dụng tổ chức quản lý, điều hành, đảm bảo trật tự an toàn giao thông và nâng cao chất lượng dịch vụ thông qua các ứng dụng công nghệ thông tin (thu phí tự động, dịch vụ đỗ xe qua phần mềm kết nối điện thoại, quản lý hoạt động của phương tiện qua thiết bị giám sát hành trình…).
Trong thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục thúc đẩy việc đưa ứng dụng công nghệ vào các lĩnh vực khác nhau để tăng tính minh bạch, hiệu quả, giảm chi phí thời gian cũng như tiền bạc cho doanh nghiệp và người dân.
Về việc triển khai thực hiện và sơ bộ kết quả thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, Bộ Giao thông vận tải đang phối hợp các bộ, ngành và địa phương liên quan xây dựng hành lang pháp lý để đảm bảo việc quản lý của Nhà nước cũng như hài hoà lợi ích của người dân và doanh nghiệp.
Trên thực tế, việc thí điểm thay hợp đồng giấy bằng hợp đồng điện tử là phù hợp với quy định về các giao kết thông qua hợp đồng, qua đó đưa hoạt động kết nối dịch vụ vận tải dựa trên nền tảng công nghệ thông tin vào nề nếp, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của người dân về thời gian và chi phí giao dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân cũng như đơn vị vận tải trong cung ứng dịch vụ vận chuyển của xe hợp đồng, thúc đẩy sự đổi mới và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, chúc Tết Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Hưng Yên  (19/02/2018)
Các Bộ trưởng - Thành viên Chính phủ đánh giá về cải cách hành chính trong năm 2017  (19/02/2018)
Phương thức quản lý thống nhất, có tính đột phá trong toàn hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh  (19/02/2018)
Hà Nội lần đầu tổ chức Phố sách trong dịp Xuân Mậu Tuất 2018  (18/02/2018)
Xử lý nghiêm khắc, triệt để các hành vi vi phạm an toàn giao thông  (18/02/2018)
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên