Hội nhập quốc tế với việc tạo nguồn lực bên ngoài cho phát triển đất nước
TCCS - Một trong những nguồn lực quan trọng tạo điều kiện cho sự phát triển của đất nước đó là các nguồn lực bên ngoài thông qua việc tăng cường hội nhập quốc tế. Trong hơn 30 năm đổi mới vừa qua, hội nhập quốc tế trở thành một nội dung quan trọng, xuyên suốt, góp phần vào những thắng lợi quan trọng của đất nước trong tiến trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
1- Nguồn lực phát triển xã hội là vấn đề quan trọng, cần thiết hàng đầu đối với sự phát triển của mọi thời đại, mọi quốc gia, dân tộc. Đó chính là yếu tố đầu vào cho sự phát triển do con người và thiên nhiên tạo ra. Các thành tố tạo nên nguồn lực tổng hợp cho phát triển đất nước bao gồm: Thứ nhất, nguồn nhân lực: số lượng và chất lượng nhân lực, giá trị văn hóa, phân bố dân cư theo địa bàn và phân bổ lao động theo ngành nghề. Thứ hai, tài nguyên thiên nhiên, trong đó có diện tích đất đai, núi non, sông ngòi, biển, khí hậu, tài nguyên khoáng sản. Thứ ba, tổng sản phẩm quốc gia, ngân sách quốc gia, đầu tư xã hội. Thứ tư, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội, như năng lượng, giao thông, thông tin liên lạc, giáo dục, y tế, khoa học kỹ thuật, nhà ở, cơ sở văn hóa. Thứ năm, các nguồn lực quốc tế mà quốc gia có được qua hội nhập quốc tế (quan hệ thương mại, hợp tác, trao đổi).
Hội nhập quốc tế là một trong năm thành tố nêu trên, nhưng nếu xét trong tương quan khác, hội nhập quốc tế là nguồn lực quan trọng bên ngoài để bổ sung cho nguồn lực bên trong của đất nước; để đất nước phát huy nội lực và tranh thủ tối đa ngoại lực. Nguồn lực do hội nhập quốc tế đem lại mang tính tổng hợp, như góp phần làm gia tăng sức mạnh tổng hợp, thế và lực của đất nước. Nguồn lực đó cũng được kể đến đối với các lĩnh vực cụ thể như chính trị, kinh tế, quốc phòng an ninh, văn hóa - xã hội.
Hội nhập quốc tế là quá trình chủ động tham gia ngày càng sâu vào đời sống mọi mặt của quốc tế. Hội nhập quốc tế đang là lực hấp dẫn lớn, là lời vẫy gọi, ngày càng cuốn hút mạnh mẽ đối với mọi quốc gia bởi không ai muốn bị tụt hậu hoặc bị đứng bên lề của sự phát triển. Hội nhập không giới hạn trong phạm vi và một lĩnh vực nào trong đời sống quốc tế, mà nó lan tỏa ở mọi cấp độ, mọi lĩnh vực trên phạm vi khu vực và toàn cầu. Tham gia vào mọi mặt của đời sống quốc tế có nghĩa là tham gia vào các quá trình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh. Hội nhập quốc tế vừa là đòi hỏi khách quan của thời cuộc nói chung, vừa là nhu cầu nội tại của mỗi nước. Quá trình hội nhập quốc tế diễn ra ở nhiều cấp độ và nhiều phương thức khác nhau. Tùy theo tình hình cụ thể, tùy theo thời gian và không gian cũng như lĩnh vực cụ thể mà sự tham gia hội nhập được tiến hành ở những hình thức khác nhau như song phương, tam giác, tứ giác, khu vực và toàn cầu. Thực tế chứng tỏ, hội nhập quốc tế trở thành nhân tố quan trọng của thời cuộc, thành nội dung cơ bản trong chính sách của mỗi nước, thành yếu tố tạo nguồn lực phát triển cho mọi quốc gia.
2- Đối với nước ta, trong nhận thức cũng như trên thực tế, tiến trình hội nhập quốc tế với mục tiêu thu hút nguồn lực từ bên ngoài được bắt đầu từ rất sớm nhưng chủ yếu được đẩy mạnh từ sau khi Đảng ta phát động sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước. Hội nhập quốc tế trở thành một nội dung quan trọng, xuyên suốt trong hơn 30 năm đổi mới vừa qua. Các quan điểm, chủ trương về hội nhập quốc tế của Đảng ta mang tính nhất quán, hệ thống, luôn được cập nhật, kế thừa và phát triển qua các kỳ đại hội của Đảng. Đại hội XII của Đảng đã xác định: “Trên cơ sở vừa hợp tác, vừa đấu tranh, hoạt động đối ngoại nhằm phục vụ mục tiêu giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước... Đẩy mạnh hội nhập trên cơ sở phát huy tối đa nội lực, gắn kết chặt chẽ và thúc đẩy quá trình nâng cao sức mạnh tổng hợp, năng lực cạnh tranh của đất nước”(1).
Đảng ta đã xác định, hội nhập quốc tế là định hướng chiến lược để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, coi hội nhập quốc tế là sự nghiệp của toàn dân và của cả hệ thống chính trị. Hội nhập quốc tế trên cơ sở phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực; hội nhập kinh tế là trọng tâm, hội nhập các lĩnh vực khác từng bước được mở rộng; nghiêm chỉnh tuân thủ các cam kết quốc tế đi đôi với chủ động, tích cực tham gia xây dựng, thực hiện các mục tiêu chung bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc. Quan điểm của Đảng ta về hội nhập quốc tế có nội dung chính yếu sau đây:
Thứ nhất, đặt lợi ích quốc gia - dân tộc là tối thượng, kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế vì lợi ích quốc gia - dân tộc là định hướng chiến lược lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vận dụng sáng tạo các bài học kinh nghiệm và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn, nhất là quan hệ giữa độc lập, tự chủ và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.
Thứ hai, hội nhập quốc tế là sự nghiệp của toàn dân và của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. Mọi cơ chế, chính sách phải phát huy tính chủ động, tích cực và khả năng sáng tạo của tất cả các tổ chức, cá nhân, khai thác hiệu quả các tiềm năng của toàn xã hội, bao gồm cả cộng đồng người Việt Nam sống ở nước ngoài vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ ba, hội nhập kinh tế là trọng tâm, hội nhập trong các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế. Hội nhập quốc tế trên cơ sở phát huy tối đa nội lực, gắn kết chặt chẽ việc thúc đẩy quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực cạnh tranh quốc gia.
Thứ tư, bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức xã hội; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tiến trình hội nhập quốc tế.
3- Triển khai đồng bộ chủ trương chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, hơn 30 năm đổi mới vừa qua, chúng ta đã đạt được những thắng lợi to lớn có ý nghĩa lịch sử.
Một là, trong lĩnh vực chính trị. Đã đẩy mạnh và làm sâu sắc quan hệ với các đối tác, nhất là các đối tác quan trọng đối với sự phát triển và an ninh của đất nước, đưa khuôn khổ quan hệ đã xác lập đi vào thực chất. Chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN và Liên hợp quốc. Hội nhập khu vực và hội nhập toàn cầu góp phần đáng kể tiềm lực trong nước, nâng cao vị thế địa - chiến lược của Việt Nam tại khu vực Đông Nam Á, châu Á - Thái Bình Dương và trên phạm vi toàn cầu. Từ một quốc gia hội nhập sau, Việt Nam đã trở thành một quốc gia tích cực tham gia tiến trình hội nhập khu vực, chủ động đề xuất các sáng kiến, thúc đẩy các liên kết, trở thành thành viên có trách nhiệm và uy tín trong cộng đồng quốc tế.
Trên cơ sở phát huy vị trí chiến lược cũng như thế và lực ngày càng gia tăng của đất nước, Việt Nam đã góp vai trò quan trọng trong hợp tác ASEAN - Trung Quốc, hợp tác ASEAN - Ấn Độ, ASEAN - Nhật Bản, ASEAN - Hàn Quốc. Thông qua khuôn khổ hợp tác Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng, Việt Nam đóng vai trò cầu nối giữa các đối tác, đưa hoạt động của khuôn khổ hợp tác này đi vào chiều sâu, thực chất.
Hai là, trong lĩnh vực kinh tế. Đẩy mạnh quan hệ hợp tác, hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần tăng cường nguồn lực cho phát triển đất nước. Xúc tiến mạnh thương mại và đầu tư quốc tế, mở rộng thị trường, khai thác hiệu quả các cơ chế hợp tác quốc tế, các nguồn lực và vốn, khoa học - công nghệ, trình độ quản lý tiên tiến, khai thác hiệu quả các thỏa thuận đã được ký kết, đặc biệt là các khu vực mậu dịch tự do song phương và đa phương.
Hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng có hiệu quả giúp Việt Nam từng bước trở thành một mắt xích sản xuất và phân phối của nhiều công ty siêu quốc gia. Thành công của việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) rõ nhất là đã hình thành các cụm sản xuất và phát triển các ngành sản xuất có trình độ công nghệ tiên tiến. Kết quả đặc biệt quan trọng là chúng ta đã mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút nguồn lực quốc tế nhằm phục vụ phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Việt Nam đứng vào nhóm 15 quốc gia thu hút FDI hàng đầu thế giới. Hiện nay, cộng đồng tài trợ quốc tế hoạt động thường xuyên ở nước ta đã lên tới 51 nhà tài trợ, bao gồm 28 nhà tài trợ song phương và 23 nhà tài trợ đa phương. Ngoài ra, nước ta còn nhận vốn ODA từ hơn 600 tổ chức phi chính phủ quốc tế. Việc thúc đẩy và nâng cao hiệu quả các quan hệ hợp tác kinh tế quốc tế đã góp phần thiết thực cho việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Một số kết quả nổi bật của việc thu hút nguồn lực từ bên ngoài thông qua hội nhập kinh tế quốc tế mà nước ta đã đạt được là: Thứ nhất, kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh: Sau 20 năm hội nhập kinh tế quốc tế (1995 - 2015), kim ngạch xuất khẩu của nước ta tăng 30 lần, từ 5,4 tỷ USD lên 162 tỷ USD năm 2015. Thứ hai, FDI tăng nhanh: Trong giai đoạn 1995 - 2005, vốn FDI thực hiện bình quân hằng năm vào nước ta khoảng 3 tỷ USD/năm. Sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), từ năm 2008 đến năm 2015, vốn FDI thực hiện bình quân tăng lên 11,5 tỷ USD/năm, gấp gần 3,8 lần giai đoạn trước. Cũng trong 20 năm, từ năm 1995 đến năm 2015, tỷ trọng đóng góp vào GDP Việt Nam của khu vực kinh tế có FDI đã tăng 3,2 lần, từ 6,3% lên 20,2%.
Ba là, lĩnh vực quốc phòng - an ninh. Hội nhập trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh là một trong những nhiệm vụ quan trọng vừa để phục vụ và hỗ trợ cho chủ trương, chính sách hội nhập quốc tế toàn diện của Đảng và Nhà nước ta, vừa để phục vụ cho sự phát triển của các ngành liên quan trong bối cảnh môi trường an ninh - quốc phòng trên thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp. Việt Nam đã từng bước mở rộng hợp tác quốc phòng - an ninh với các nước lớn và các nước trong khu vực, đã có quan hệ quốc phòng chính thức với 65 nước, đặt văn phòng tùy viên quân sự tại 31 nước và có 42 nước có văn phòng tùy viên quân sự tại Việt Nam. Việt Nam cũng đã tham gia tích cực vào các diễn đàn an ninh - quốc phòng khu vực, từng bước tham gia vào các hoạt động hợp tác quốc tế và an ninh quân sự toàn cầu, nổi bật là tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Bốn là, lĩnh vực văn hóa - xã hội. Hội nhập trên lĩnh vực văn hóa - xã hội của nước ta với cộng đồng thế giới đã được đẩy mạnh, đa dạng về hình thức, phương thức, đối tác và có chuyển biến về chất lượng. Việt Nam đã ký hơn 100 thỏa thuận, điều ước quốc tế song phương có nội dung văn hóa. Hội nhập văn hóa - xã hội đi vào chiều sâu thực chất đã thu hút bạn bè quốc tế đến với Việt Nam ngày càng nhiều hơn, ngành du lịch Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc. Chính điều này cũng đưa tới việc hình thành nhiều dự án, nhiều công trình văn hóa ngay tại Việt Nam với quy mô ngày càng mở rộng, tạo điều kiện để nhân dân ta có cơ hội tiếp cận và thưởng thức những giá trị văn hóa tiêu biểu của nhiều quốc gia trên thế giới, từ đó thúc đẩy tiềm năng sáng tạo của nhân dân và khuyến khích giao lưu với cộng đồng quốc tế.
4- Để tăng cường thu hút nguồn lực bên ngoài cho phát triển đất nước, ngoài những quyết sách trong nước phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, như đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa,... cần thực hiện những giải pháp cụ thể và trực tiếp sau:
Thứ nhất, triển khai mạnh mẽ định hướng chiến lược chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, nhất là các đối tác chiến lược và các nước lớn có vai trò quan trọng đối với phát triển và an ninh của đất nước, đưa khuôn khổ quan hệ đã xác lập đi vào thực chất.
Thứ hai, tập trung thu hút FDI và nâng cao chất lượng nguồn vốn này. Đây không chỉ có ý nghĩa thúc đẩy tăng cường và phát triển kinh tế trong nước, mà còn có ý nghĩa an ninh - quốc phòng khi các nhà đầu tư nước ngoài có tài sản và quyền lợi kinh tế tại nước ta, các nước này cũng sẽ góp phần bảo vệ tài sản và lợi ích kinh tế của họ. Cần xây dựng các đề án thu hút FDI, trong đó chú trọng đến sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, tăng cường sự minh bạch và nhất quán.
Thứ ba, tạo bước đột phá cho xuất khẩu của Việt Nam. Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với chính phủ và doanh nghiệp của 11 nền kinh tế đang nhập khẩu lớn nhất từ Việt Nam (Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Hồng Công, các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Hà Lan, Anh, Thái Lan và I-ta-li-a, chiếm 68,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam) để họ tiếp tục nhập khẩu; đồng thời có những biện pháp hiệu quả để thu hút các nền kinh tế và các nhà doanh nghiệp ở các nước khác.
Bối cảnh thế giới và trong nước vừa tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút nguồn lực bên ngoài đầy hứa hẹn, vừa đặt ra những khó khăn, thách thức mới. Vấn đề là cần nắm bắt thời cơ, tiếp tục phát huy lợi thế trong nước, tích cực mở rộng hợp tác, phân công quốc tế, tạo động lực mới và nguồn lực mới để đất nước tiếp tục phát triển nhanh chóng, vững chắc./.
------------------------------------------------------------------
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 153 - 154
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 27-11 đến ngày 03-12-2017  (05/12/2017)
Không thể bỏ lỡ cơ hội thực hiện khát vọng phồn vinh của dân tộc  (05/12/2017)
Để EVFTA trở thành biểu tượng của hòa bình, hợp tác và tự do thương mại trên thế giới  (05/12/2017)
Khẩn trương hoàn tất xây dựng các Đài Hữu nghị trên đất Campuchia  (05/12/2017)
Việt Nam và Liên minh châu Âu thúc đẩy hợp tác quốc phòng  (05/12/2017)
Triển khai quyết định của Ban Bí thư về công tác cán bộ tại Hà Giang  (05/12/2017)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm