Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 26-6 đến 02-7-2017)

Gia Bảo (tổng hợp từ TTXVN, chinhphu.vn)
21:25, ngày 04-07-2017

TCCSĐT - Nghiên cứu mới nhất do Viện Tài chính Quốc tế (IIF) cho thấy mức nợ toàn cầu trong năm 2016 đã tăng 500 tỷ USD lên mức kỷ lục 217.000 tỷ USD trong bối cảnh các ngân hàng Trung ương lớn chuẩn bị chấm dứt các chính sách cho vay với lãi suất siêu thấp trong nhiều năm qua.

Ban hành cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 24/2017/QĐ-TTg quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Theo quyết định, trên cơ sở kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện do Bộ Công Thương ban hành hằng năm và kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm trước liền kề, ước kết quả sản xuất kinh doanh điện trong năm, Tập đoàn Điện lực Việt Nam tính toán giá bán điện bình quân.

Trường hợp giá bán điện bình quân giảm so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm giảm giá bán điện bình quân ở mức tương ứng, lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Tài chính để kiểm tra, giám sát.

Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, Tập đoàn Điện lực Việt Nam quyết định điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng. Sau khi tăng giá, Tập đoàn Điện lực Việt Nam lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Tài chính để kiểm tra, giám sát.

Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 5% đến dưới 10% so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, Tập đoàn Điện lực Việt Nam được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận.

Trong thời hạn 15 ngày làm việc, Bộ Công Thương có trách nhiệm trả lời bằng văn bản để Tập đoàn Điện lực Việt Nam triển khai thực hiện. Sau khi thực hiện điều chỉnh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính.

Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 10% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành hoặc điều chỉnh ngoài khung giá quy định hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, trên cơ sở hồ sơ phương án giá điện do Tập đoàn Điện lực Việt Nam trình, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, rà soát và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến. Trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Quyết định cũng quy định cụ thể cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân trong năm, trong đó, trước ngày 25 tháng đầu tiên quý II, quý III và quý IV, trên cơ sở tổng hợp thông số đầu vào cơ bản trong khâu phát điện của quý trước liền kề, Tập đoàn Điện lực Việt Nam xác định chi phí phát điện của quý trước liền kề, chi phí phát điện cộng dồn từ đầu năm, sản lượng điện thương phẩm thực tế của quý trước và tổng sản lượng điện thương phẩm cộng dồn, ước sản lượng điện thương phẩm các tháng còn lại trong năm, tính toán lại giá bán điện bình quân. Quyết định có hiệu lực thi hành từ 15-8.

Xuất khẩu rau quả tăng mạnh, cán đích 1,7 tỷ USD trong 6 tháng

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá trị xuất khẩu hàng rau quả tháng Sáu ước đạt 283 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu hàng rau quả 6 tháng đầu năm nay ước đạt 1,7 tỷ USD, tăng 44,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của hàng rau quả Việt Nam trong 5 tháng đầu năm nay, chiếm 84,7% tổng giá trị xuất khẩu hàng rau quả. Bên cạnh đó, trong 5 tháng đầu năm nay, các thị trường có giá trị xuất khẩu hàng rau quả tăng mạnh là Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (tăng 96,3%), Nga (tăng 67,2%), Nhật Bản (tăng 56,1%), Trung Quốc (tăng 50,5%), Hoa Kỳ (tăng 23,5%), Hàn Quốc (tăng 14,9%) và Thái Lan (tăng 12,5%).

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng cho biết, đối với thị trường trong nước tháng 6-2017 cũng là thời điểm thu hoạch nhiều loại trái cây và mức giá bán ra tương đối thuận lợi cho bà con nông dân. Cụ thể, thời điểm đầu tháng Sáu, ở Bắc Giang giá vải chín sớm được thu hoạch và bán với giá dao động từ 30.000 - 45.000 đồng/kg, đến giữa và cuối tháng Sáu vải thiều được bán với giá từ 30.000 - 50.000 đồng/kg, tăng gần gấp đôi so với năm ngoái.

Ngoài ra, giá dứa tại một số tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang cũng tăng mạnh, với mức giá tại ruộng mua từ 7.000 - 7.500 đồng/kg, tăng hơn 3.000 đồng/kg so với tháng trước. Nho tươi ở Ninh Thuận cũng tăng giá bởi thời tiết đầu năm thất thường, nắng nóng gay gắt làm giảm sản lượng, khan hiếm nguồn cung nên giá nho tại giàn được bán với mức khoảng 35.000 - 38.000 đồng/kg (nho loại 1) và 23.000 - 26.000 đồng/kg (nho loại 2).

Bên cạnh đó, thị trường rau củ tại Lâm Đồng vẫn duy trì ở mức ổn định và tăng nhẹ với điều kiện thời tiết khá ổn định. Mặt hàng rau có giá tăng nhẹ bao gồm súplơ, đậu cove, hành tây với mức tăng từ 1.000 - 2.000 đồng/kg, những mặt hàng khác như cà chua, bắp cải, củ dền vẫn duy trì ở mức ổn định.

Theo đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nhìn lại 6 tháng đầu năm, thị trường rau quả biến động thất thường phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết và mùa vụ. Tuy nhiên, năm nay vẫn hứa hẹn một năm có nhiều sản phẩm chất lượng cao phục vụ hoạt động xuất khẩu sang một số thị trường khó tính như Australia, Hoa Kỳ, Nhật Bản…

Nhật Bản và EU bước vào cuộc đàm phán FTA giai đoạn cuối


Ngày 30-6, các quan chức Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) đã bắt đầu cuộc đàm phán giai đoạn cuối cùng về một thỏa thuận tự do thương mại (FTA) song phương. Tham gia cuộc đàm phán diễn ra trong 2 ngày tại thủ đô Tokyo có đại diện phía Nhật Bản gồm Ngoại trưởng Fumio Kishida , Bộ trưởng Nông lâm thủy sản Yuji Yamamoto, trong khi đại diện EU gồm Ủy viên thương mại EU Cecilia Malmstrom và Ủy viên Nông nghiệp và nông thôn của châu Âu Phil Hogan.

Phát biểu khi bắt đầu cuộc đàm phán, Ngoại trưởng Kishida bày tỏ mong muốn thảo luận “thẳng thắn” với đại diện EU nhằm giải quyết những vấn đề nổi cộm. Tuy nhiên, ông cảnh báo cuộc đàm phán sẽ diễn ra cam go khi hai bên vẫn bất đồng về nhiều vấn đề gai góc.

Về phần mình, Ủy viên thương mại EU Malmstrom tỏ ra lạc quan về việc đạt được thỏa thuận trên trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ gia tăng trên thế giới.

Tại cuộc đàm phán lần này, các quan chức hai bên hy vọng đạt được thỏa thuận tự do thương mại trên nhằm gửi tới một thông điệp mạnh mẽ tới những nước đang có xu hướng theo chủ nghĩa bảo hộ.

Trước đó, bà Malmstrom đã khẳng định “quyết tâm tìm được một thỏa thuận có lợi cho các công ty và người tiêu dùng châu Âu”.

Cuộc đàm phán trên được khởi động vào năm 2013. Với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chiếm 30% toàn cầu, Nhật Bản và EU đang tranh luận về việc cắt giảm mức thuế đánh vào mặt hàng ôtô của Nhật Bản nhập vào EU cũng như các nông sản của EU nhập vào Nhật Bản.

Nợ toàn cầu chạm mức cao kỷ lục 217.000 tỷ USD trong năm 2016


Nghiên cứu mới nhất do Viện Tài chính Quốc tế (IIF) cho thấy mức nợ toàn cầu trong năm 2016 đã tăng 500 tỷ USD lên mức kỷ lục 217.000 tỷ USD trong bối cảnh các ngân hàng Trung ương lớn chuẩn bị chấm dứt các chính sách cho vay với lãi suất siêu thấp trong nhiều năm qua.

Trong tuần này, các thị trường trên thế giới đã bị “chấn động” khi một loạt ngân hàng Trung ương lên tiếng cảnh báo về tình trạng tài sản được định giá quá đắt, vay tiêu dùng quá mức và nhu cầu bắt đầu quá trình chuẩn hóa lãi suất thế giới từ mức thấp một cách bất thường được đưa ra nhằm giải quyết hậu quả của cuộc khủng hoảng tín dụng năm 2009.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen đã cảnh báo tình trạng tài sản được định giá quá mức, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) Mark Carney đã thắt chặt kiểm soát tín dụng ngân hàng và Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi “để ngỏ” khả năng giảm chương trình kích thích kinh tế, có thể vào tháng Chín.

Chính sách lãi suất thấp được thực thi trong nhiều năm đã khiến nhiều người đổ xô vào các thị trường chứng khoán thế giới. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, điều này đã làm bùng nổ tăng trưởng tín dụng khi các hộ gia đình, các công ty và các chính phủ “chớp lấy” cơ hội chi phí cho vay thấp nhất. Hệ quả là nợ toàn cầu hiện chiếm 327% GDP thế giới.

EU chính thức gia hạn trừng phạt kinh tế Nga thêm sáu tháng

Ngày 28-6, Liên minh châu Âu (EU) chính thức thông qua gia hạn 6 tháng lệnh trừng phạt kinh tế Nga vì đã không thực thi đầy đủ thỏa thuận Minsk. Quyết định trên sẽ có hiệu lực vào ngày 31-7 khi các biện pháp hiện tại hết hạn.

Các lãnh đạo EU đã đưa ra quyết định này tại Hội nghị thượng đỉnh ở Brussels, Bỉ sau khi nghe Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel - lãnh đạo các quốc gia đồng bảo trợ cuộc đàm phán Minsk, thông báo về tình hình trên thực địa.

Lệnh trừng phạt của EU đối với Nga được áp đặt vào mùa hè năm 2014 nhằm vào các ngân hàng và doanh nghiệp Nga trong lĩnh vực quốc phòng và dầu khí. Các biện pháp trừng phạt của EU liên quan đến gần 150 nhân vật, trong đó có nhiều người thân cận của Tổng thống Nga.

Các lệnh trừng phạt nặng nề của EU đã làm tồi tệ thêm mối quan hệ giữa Brussels và Moskva. Nga đã trả đũa bằng cách thiết lập một lệnh cấm nhập khẩu đối với các mặt hàng thực phẩm chế biến từ EU hiện vẫn đang có hiệu lực. Lệnh cấm vận từ phía Nga cũng nhiều lần được gia hạn với thời gian là 6 tháng.

EU áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga hồi tháng 7 và tháng 9-2014 với lý do Nga có liên quan đến tình hình Ukraine. Tháng 12-2016, EU gia hạn các biện pháp trừng phạt thêm sáu tháng đến ngày 31-7-2017.

Một ngày sau khi EU chính thức kéo dài các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev ngày 29-6 phát biểu, Chính phủ Nga muốn kéo dài các biện pháp trừng phạt đáp trả đối với Liên minh châu Âu (EU) cho tới cuối năm 2018.

Moskva phủ nhận liên quan trực tiếp tới cuộc xung đột, dù Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khẳng định rằng quân đội Nga ủng hộ lực lượng nổi dậy Ukraine.

Nga đã cấm nhập khẩu thực phẩm tươi sống của nhiều nước phương Tây từ năm 2014 để đáp trả các biện pháp trừng phạt của EU. Moskva cho biết các biện pháp đáp trả này đã giúp thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp của Nga./.