Tổng quan tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm 2017
Tăng trưởng GDP mới đạt 5,73%. Để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm là 6,7%, tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm phải đạt trên 7,4%. Muốn đạt được thì các ngành, các cấp, các địa phương phải tiếp tục nỗ lực phấn đấu, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các Nghị quyết, Chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017; Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực.
Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước
GDP 6 tháng đầu năm 2017 ước tính tăng 5,73% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 5,15%; quý II tăng 6,17%), trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,65%, đóng góp 0,43 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,81%, đóng góp 2,0 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,85%, đóng góp 2,59 điểm phần trăm.
Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành thủy sản có mức tăng cao nhất với 5,08% so với cùng kỳ năm 2016, đóng góp 0,15 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; ngành lâm nghiệp tăng 4,31%, thấp hơn mức tăng 5,75% của 6 tháng năm 2016, đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành nông nghiệp tăng khá ở mức 2,01% so với mức giảm 0,78% của cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,25 điểm phần trăm.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 5,33%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,66% và 7,01% của cùng kỳ năm 2015 và năm 2016, chủ yếu do ngành khai khoáng giảm 8,2%, làm giảm 0,61 điểm phần trăm mức tăng trưởng chung, là mức giảm sâu nhất so với cùng kỳ các năm từ 2011 trở về đây. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức tăng 10,52%, tương đương mức tăng 10,50% của cùng kỳ năm trước, đóng góp 1,79 điểm phần trăm. Ngành xây dựng 6 tháng đầu năm tăng trưởng khá với tốc độ 8,50%, đóng góp 0,45 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.
Trong khu vực dịch vụ, đóng góp của một số ngành có tỷ trọng lớn vào mức tăng trưởng chung như sau: Bán buôn và bán lẻ tăng 7,10% so với cùng kỳ năm trước, là ngành có mức đóng góp cao nhất vào mức tăng chung (0,65 điểm phần trăm); dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 8,90%, đóng góp 0,35 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,66%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm; hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 3,86% (mức tăng cao nhất trong 5 năm gần đây), đóng góp 0,21 điểm phần trăm.
Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 15,06%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 32,76%; khu vực dịch vụ chiếm 41,84%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,34%.
Xét về góc độ sử dụng GDP 6 tháng đầu năm, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,04% so với cùng kỳ năm 2016, đóng góp 8,48 điểm phần trăm; tích lũy tài sản tăng 9,50%, đóng góp 4,26 điểm phần trăm; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ ở tình trạng nhập siêu làm giảm 7,01 điểm phần trăm của mức tăng trưởng chung.
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
Diện tích gieo cấy lúa đông xuân cả nước năm nay ước tính đạt 3.077,4 nghìn ha, giảm 5,7 nghìn ha so với vụ đông xuân năm 2016. Diện tích lúa đông xuân thời gian gần đây có xu hướng thu hẹp dần do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và một số địa phương chuyển đổi một phần diện tích trồng lúa sang sử dụng cho mục đích khác. Riêng vụ đông xuân năm nay, diện tích gieo cấy của vùng Đồng bằng sông Hồng giảm 10,1 nghìn ha so với cùng kỳ năm trước; vùng Đồng bằng sông Cửu Long giảm 16,3 nghìn ha.
Sản lượng một số cây công nghiệp lâu năm tăng so với cùng kỳ năm trước: Chè đạt 455,6 nghìn tấn, tăng 0,2%; cao su đạt 334,5 nghìn tấn, tăng 4,4%; hồ tiêu đạt 207,7 nghìn tấn, tăng 7,1%; riêng sản lượng điều đạt 222,3 nghìn tấn, giảm 26,8% do ảnh hưởng của thời tiết khô hạn kéo dài. Sản lượng một số cây ăn quả đạt khá: Cam đạt 304,6 nghìn tấn, tăng 24,8%; thanh long đạt 488 nghìn tấn, tăng 16,4%; xoài đạt 448,3 nghìn tấn, tăng 2,2%.
Chăn nuôi lợn những tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ do tình trạng cung vượt quá cầu, giá thịt lợn giảm sâu so với cùng kỳ năm trước. Tính đến tháng Sáu, đàn lợn cả nước giảm 3,8% so với cùng kỳ năm trước; đàn trâu giảm 0,8%; đàn bò tăng 2,3% (đàn bò sữa tăng 5,2%); đàn gia cầm tăng 5,2%. Sản lượng thịt trâu hơi đạt 51 nghìn tấn, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt bò hơi đạt 201 nghìn tấn, tăng 5,2%; sản lượng thịt lợn hơi đạt 2,2 triệu tấn, tăng 2,7%; thịt gia cầm đạt 573 nghìn tấn, tăng 6,3%; trứng gia cầm đạt 5,6 tỷ quả, tăng 6,5%; sản lượng sữa tươi đạt 434 nghìn tấn, tăng 13,2%.
Về lâm nghiệp, trong 6 tháng đầu năm 2017, diện tích rừng trồng tập trung ước tính đạt 100,5 nghìn ha, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 55,1 triệu cây, tăng 0,7%; sản lượng củi khai thác đạt 14,1 triệu ste, tăng 0,7%; sản lượng gỗ khai thác đạt khá với 4.835 nghìn m3, tăng 8,3%.
Diện tích rừng bị thiệt hại trên cả nước trong 6 tháng là 1.031,4 ha, giảm 60,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 373,2 ha, giảm 80,9%; diện tích rừng bị chặt phá là 658,2 ha, tăng 2,2%.
Hoạt động nuôi trồng và đánh bắt thủy sản những tháng đầu năm có nhiều khởi sắc. Ước tính tổng sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm đạt 3.328,8 nghìn tấn, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 2.460,7 nghìn tấn, tăng 3,7%; tôm đạt 332,4 nghìn tấn, tăng 7,4%. Diện tích nuôi trồng thủy sản 6 tháng ước tính đạt 907,9 nghìn ha, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 1.668,2 nghìn tấn, tăng 3,8%. Sản lượng thủy sản khai thác 6 tháng đầu năm ước tính đạt 1.660,6 nghìn tấn, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khai thác biển đạt 1.572,4 nghìn tấn, tăng 4,9%.
Sản xuất công nghiệp
Sản xuất công nghiệp tiếp tục có chuyển biến tích cực. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng Sáu ước tính tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 4,3%, quý II tăng 7,8%), trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 10,5%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,8%; riêng ngành khai khoáng giảm 8,2% (chủ yếu do khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 11,6%).
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 5 tháng đầu năm 2017 tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 01-6-2017 tăng 10,2% so với cùng thời điểm năm 2016; tỷ lệ tồn kho bình quân 5 tháng đầu năm là 71,2%.
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01-6-2017 tăng 3,5% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 0,9%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước giảm 0,5%; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 6,6%.
Hoạt động của doanh nghiệp
Tính chung 6 tháng đầu năm nay, cả nước có 61.276 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 596,2 nghìn tỷ đồng, tăng 12,4% về số doanh nghiệp và tăng 39,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 9,7 tỷ đồng, tăng 24%. Nếu tính cả 859,2 nghìn tỷ đồng của 18,1 nghìn lượt doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2017 là 1.455,4 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có 15.379 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm lên gần 76,7 nghìn doanh nghiệp. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng là 627,3 nghìn người, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm trước.
Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 6 tháng đầu năm 2017 là 5.443 doanh nghiệp, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2016 tăng 17%), trong đó có 5.020 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, chiếm 92,2%. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong 6 tháng đầu năm là 37.907 doanh nghiệp, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm 14.377 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 17,8% và 23.530 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, tăng 24,4%.
Kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II-2017 cho thấy: Có 43% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý II năm nay tốt hơn quý trước; 19,2% doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 37,8% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định. Dự kiến quý III so với quý II năm nay, có 52,1% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 12% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 35,9% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.
Xu hướng chung trong quý III năm nay, phần lớn các doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh lạc quan hơn quý II, trong đó 53,4% doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng lên; 10,6% số doanh nghiệp dự báo giảm và 36% số doanh nghiệp dự báo ổn định. Về số đơn đặt hàng, có 47,7% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng tăng lên; 11,2% số doanh nghiệp dự kiến giảm và 41,1% số doanh nghiệp dự kiến ổn định. Số đơn đặt hàng xuất khẩu tương ứng là 40,3%; 10,3% và 49,4%. Về sử dụng lao động, có 20,1% số doanh nghiệp dự kiến sẽ tăng quy mô lao động; 7,5% số doanh nghiệp dự báo giảm và 72,4% số doanh nghiệp cho rằng sẽ ổn định quy mô lao động.
Hoạt động dịch vụ
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm đạt 1.924,1 nghìn tỷ đồng, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,4% (cao hơn mức tăng 8,1% của cùng kỳ năm 2016).
Vận tải hành khách 6 tháng đầu năm ước tính đạt 1.977,5 triệu lượt khách, tăng 9,3% và 88,9 tỷ lượt khách.km, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Vận tải hàng hóa 6 tháng đạt 705,2 triệu tấn, tăng 8,8% và 130,6 tỷ tấn.km, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2016.
Doanh thu hoạt động viễn thông 6 tháng đầu năm 2017 ước tính đạt 189,5 nghìn tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2016. Tính đến cuối tháng 6-2017, tổng số thuê bao điện thoại ước tính đạt 126,5 triệu thuê bao, giảm 5,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó số thuê bao di động đạt 119,4 triệu thuê bao, giảm 6,2% do các nhà mạng thực hiện thu hồi sim rác theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông. Số thuê bao internet băng rộng cố định ước tính đạt 9,9 triệu thuê bao, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2016.
Khách quốc tế đến nước ta trong 6 tháng ước tính đạt 6.206,3 nghìn lượt người, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến bằng đường hàng không đạt 5.212 nghìn lượt người, tăng 33%; đến bằng đường bộ đạt 823,5 nghìn lượt người, tăng 15,8%; đến bằng đường biển đạt 170,8 nghìn lượt người, tăng 26%.
Trong 6 tháng đầu năm nay, khách đến từ châu Á đạt 4.572,7 nghìn lượt người (chiếm 73,7% trong tổng lượt khách quốc tế đến nước ta), tăng 35% so với cùng kỳ năm trước; khách đến từ châu Âu đạt 979,3 nghìn lượt người (chiếm 15,8%), tăng 23,9%; khách đến từ châu Mỹ đạt 434,4 nghìn lượt người, tăng 10,8%; khách đến từ châu Úc đạt 202,9 nghìn lượt người, tăng 9,5%; khách đến từ châu Phi đạt 17 nghìn lượt người, tăng 27%.
Đầu tư phát triển
Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 6 tháng đầu năm 2017 theo giá hiện hành ước tính đạt 674,8 nghìn tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước và bằng 32,8% GDP, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước đạt 242,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 35,9% tổng vốn và tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài Nhà nước đạt 260,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 38,7% và tăng 14,9%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 171,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 25,4% và tăng 9,6%.
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20-6-2017 thu hút 1.183 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 11,84 tỷ USD, tăng 56,3% về số dự án và tăng 57,9% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016. Bên cạnh đó, có 549 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 5,14 tỷ USD và có 2.501 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 2,25 tỷ USD. Như vậy, tính chung tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới, cấp vốn bổ sung và đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần 6 tháng đầu năm đạt 19,23 tỷ USD, tăng 54,8% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 6 tháng đầu năm ước tính đạt 7,7 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2016.
Xuất, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng Sáu ước tính đạt 17,8 tỷ USD, giảm 0,7% so với tháng trước, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 97,8 tỷ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 27 tỷ USD, tăng 13,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 70,8 tỷ USD, tăng 21%. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 6 tháng tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2016.
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng Sáu ước tính đạt 18 tỷ USD, giảm 2,5% so với tháng trước và tăng 21,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu đạt 100,5 tỷ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Khu vực kinh tế trong nước đạt 39,9 tỷ USD, tăng 18,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 60,6 tỷ USD, tăng 28,3%. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2017 tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước.
Cán cân thương mại hàng hóa tháng Sáu ước tính nhập siêu 200 triệu USD. Tính chung 6 tháng năm 2017, nhập siêu 2,70 tỷ USD, trong đó: Khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 12,92 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 10,22 tỷ USD.
Kim ngạch xuất khẩu dịch vụ 6 tháng đầu năm 2017 ước tính đạt 6,4 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Dịch vụ du lịch đạt 4,3 tỷ USD, chiếm 67,7% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 6,4%; dịch vụ vận tải đạt 1,2 tỷ USD, chiếm 19,5% và tăng 8,8%. Kim ngạch nhập khẩu dịch vụ ước tính đạt 8,2 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Dịch vụ vận tải đạt 3,9 tỷ USD, chiếm 47,6% tổng kim ngạch nhập khẩu và giảm 1,8%; dịch vụ du lịch đạt 2,4 tỷ USD, chiếm 29,1% và tăng 15,6%. Nhập siêu dịch vụ 6 tháng đầu năm 2017 ước tính đạt 1,8 tỷ USD, bằng 27,3% kim ngạch xuất khẩu dịch vụ./.
Dư luận Nga đánh giá tích cực chuyến thăm của Chủ tịch nước  (30/06/2017)
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Thủ tướng về chất lượng đóng tàu vỏ thép  (30/06/2017)
Chủ tịch nước: VietsovPetro là biểu tượng của sự hợp tác Việt-Nga  (30/06/2017)
Kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Moldova  (30/06/2017)
Tăng cường giao lưu, hợp tác giữa 2 quốc hội Việt Nam-Hàn Quốc  (30/06/2017)
Chủ tịch nước Trần Đại Quang hội kiến Chủ tịch Duma Quốc gia Nga  (30/06/2017)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên