TCCSĐT - Xét về bản chất, kinh tế tư nhân chính là yếu tố quyết định diện mạo, sức mạnh nền kinh tế của nhiều quốc gia. Vì vậy, kinh tế tư nhân cần được nhìn nhận đúng vị trí, vai trò của nó để có thể phát triển và đóng góp cho xã hội.

Tự do kinh doanh và phát triển kinh tế tư nhân

Kinh tế tư nhân là hình thức kinh tế tự nhiên, cơ bản trong xã hội và lịch sử nhân loại. Cách mạng tư sản thành công ở châu Âu đã mở ra một thời đại mới cho chủ nghĩa tư bản phát triển. Sự sinh tồn, sống còn, quyền tư hữu, sự sòng phẳng về lợi ích và trách nhiệm chính là bản chất và động lực phát triển của kinh tế tư nhân. Trong hoạt động kinh tế, mỗi cá nhân phải vận dụng mọi khả năng, sức lực, tâm trí… nhằm đạt được những mục tiêu đề ra. Đó là bản chất của kinh tế và cũng là tiêu chí để phân biệt giữa kinh tế với hoạt động phi kinh tế. Theo Cô-nai Gia-nốt (Kornai Janos): “Người cai quản, dùng tiền nhà nước và khi lỗ nhà nước chịu thì không phải là nhà kinh doanh”(1). Kinh tế chỉ có thể phát triển khi hoạt động này được diễn ra theo đúng bản chất và quy luật kinh tế. Ngày nay, kinh tế tư nhân giữ vị trí không thể thay thế trong nền kinh tế của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Sức mạnh của nền kinh tế thế giới có phần đóng góp rất lớn từ tích lũy của tư nhân qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, tại một số quốc gia, kinh tế tư nhân chưa khẳng định được giá trị đích thực của nó. Ở Việt Nam, kinh tế tư nhân trải qua những giai đoạn thăng trầm khác nhau. Trong cuốn “Văn minh Việt Nam”, xuất bản năm 1944, Giáo sư Nguyễn Văn Huyên viết: “Ước tính ít nhất 7% số người Việt ở miền Bắc thu nhập từ các công nghiệp truyền thống, nguồn sống chủ yếu của họ”(2). Sau khi xâm lược Việt Nam, một số chính sách khai thác thuộc địa đã được thực dân Pháp áp dụng. Phương thức kinh tế tư bản đó đã tạo ra thành phần tư sản mại bản, sau là tư sản dân tộc ở Việt Nam. Cùng với giới điền chủ Pháp, tầng lớp địa chủ xuất hiện và chiếm hữu phần lớn đất nông nghiệp. Thời kỳ này, ngoại thương đã có sự phát triển đáng kể: “Ngoại thương Việt Nam không ngừng tăng, nhất là kể từ 30 năm nay. Con số đó từ 140 triệu đồng vào đầu thế kỷ đã lên đến 260 triệu đồng 1933 - 1937”(3). Sau năm 1954, cải cách ruộng đất được tiến hành, đất đai của địa chủ bị tịch thu, sau đó chia cho nông dân và hợp tác xã - mô hình kinh tế tập thể, được áp dụng trong sản xuất nông nghiệp. Tiếp theo, chủ trương cải tạo kinh tế trong công - thương nghiệp dẫn đến việc thành phần kinh tế tư nhân tại miền Bắc Việt Nam không có điều kiện phát triển. Năm 1975, đất nước thống nhất, Việt Nam bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Thời kỳ này, Việt Nam chỉ còn thành phần kinh tế quốc doanh, thuộc sở hữu toàn dân và hợp tác xã, thuộc sở hữu tập thể, trong đó, kinh tế quốc doanh được ưu tiên phát triển và Nhà nước giữ vị trí độc quyền về ngoại thương. Như vậy, sau khi thống nhất đất nước, kinh tế tư nhân ở Việt Nam không có điều kiện cần thiết để phát triển, mở rộng và chỉ tồn tại thông qua việc tiểu thương buôn bán những hàng hóa thiết yếu, nhỏ lẻ.

Đại hội VI của Đảng đã mở ra một chương mới đối với kinh tế tư nhân bằng những chính sách mới về kinh tế. Năm 1988, Bộ Chính trị thông qua Nghị quyết 10 nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong nông nghiệp. Khi đó, cả nước chỉ có 19 doanh nghiệp tư nhân(4). Từ những chủ trương này, những điều kiện bảo đảm sự tồn tại và phát triển kinh tế tư nhân từng bước được thiết lập bằng cơ sở pháp lý. Năm 1992, Việt Nam ban hành Hiến pháp thời kỳ đổi mới với nhiều quy định mới, đặc biệt là về kinh tế. Theo đó, Nhà nước công nhận nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần và chế độ sở hữu tư nhân. Xuất phát từ thực tế: kinh tế tư nhân luôn gắn với sự tự chủ trong hoạt động kinh doanh, nên Hiến pháp năm 1992 đã công nhận một quyền vô cùng quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với kinh tế tư nhân, đó là “quyền tự do kinh doanh”.

“Quyền tự do kinh doanh” là một quyền đặc biệt đối với sự phát triển của kinh tế tư nhân và nền kinh tế Việt Nam. Hoạt động kinh tế không thể thiếu đối với mỗi con người từ khi hình thành xã hội. Đó là điều kiện, phương tiện để con người có thể tồn tại, phát triển. Cách mạng tư sản đã xóa bỏ quan hệ sản xuất phong kiến, tạo điều kiện cho lực lượng sản xuất phát triển mạnh mẽ và đưa kinh tế phát triển sâu rộng hơn. Bản chất kinh tế của cách mạng tư sản chính là xóa bỏ những rào cản để kinh tế tự do phát triển. Và quyền tư hữu tư liệu sản xuất được xem là mục đích, điều kiện đối với hoạt động kinh tế. Tự do tư hữu và tự do hoạt động kinh tế được xem như hai mặt của một vấn đề. Như vậy, “quyền tự do kinh doanh” là một quyền tự nhiên, vốn có, mang tính sinh tồn, mặc nhiên của con người.

Tự do kinh doanh có quan hệ chặt chẽ với quyền tự quyết trong sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu cá nhân. Hiện nay, trên thế giới, tự do kinh doanh được xác định dựa trên 4 yếu tố: chế độ pháp quyền - quyền sở hữu tư nhân và mức độ bảo đảm sự minh bạch của chính phủ; chính sách thuế và mức độ chi tiêu chính phủ; tự do tài chính, tiền tệ, lao động; tự do thương mại và đầu tư. Tự do kinh doanh chính là điều kiện không thể thiếu để kinh tế tư nhân tồn tại và phát triển.

Những yếu tố tác động, ảnh hưởng đến kinh tế tư nhân

Thời gian vừa qua, tại Việt Nam, kinh tế tư nhân có sự tăng trưởng nhanh về số lượng và có những đóng góp đáng kể cho nền kinh tế quốc dân, như tạo thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội, tăng thêm GDP…“Vai trò kinh tế ngoài nhà nước ngày càng được phát huy, đóng góp 38,5% tổng đầu tư toàn xã hội và 48,3% GDP(5). Tuy nhiên, khu vực kinh tế tư nhân hiện nay chưa phát triển theo đúng tiềm năng vốn có và xu hướng phát triển tự nhiên. Những điều kiện cần có để phát triển kinh tế tư nhân đã được thiết lập nhưng chưa thực sự tạo thành cơ sở vững chắc.

Chính sách đối với kinh tế tư nhân

Kinh tế tư nhân tồn tại và phát triển phụ thuộc vào chính sách kinh tế. Sự tác động của chính sách kinh tế đối với kinh tế tư nhân diễn ra trên nhiều khía cạnh, phương diện, như địa vị pháp lý, phạm vi hoạt động, sự bình đẳng và cơ hội phát triển… Về mặt pháp lý, pháp luật Việt Nam không có bất cứ sự phân biệt nào về cạnh tranh và cơ hội kinh doanh, phát triển giữa các thành phần kinh tế. Tuy nhiên, trên thực tế, kinh tế tư nhân vẫn gặp nhiều khó khăn trong các vấn đề như: thủ tục thành lập, hoạt động kinh doanh, thực hiện nghĩa vụ về tài chính… Điều 51 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”. Quy định này ít nhiều hàm chứa những lợi thế của kinh tế nhà nước. Doanh nghiệp nhà nước là một bộ phận cấu thành của kinh tế nhà nước và thành phần kinh tế này nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ từ phía Nhà nước hơn những thành phần kinh tế khác. Kinh tế tư nhân ở Việt Nam mới được tái thiết trong ba thập niên gần đây, nên còn nhiều hạn chế về quy mô, nguồn vốn, trình độ quản trị, nhưng thành phần kinh tế này chưa nhận được sự quan tâm, hỗ trợ cần thiết. Doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ nhiều lĩnh vực, ngành nghề kinh tế có vị trí quan trọng và gần như không có sự tham gia của các thành phần kinh tế khác. Điều này làm hạn chế những cơ hội kinh doanh, phát triển của khu vực tư nhân. Kinh tế tư nhân chỉ có thể phát triển khi có một thị trường mở, bình đẳng về cơ hội cho tất cả các thành phần kinh tế.

Cải cách hành chính, thể chế kinh tế

Quá trình đổi mới và chuyển đổi kinh tế đang đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ đối với bộ máy hành chính nhà nước. Mặc dù có rất nhiều chủ trương được đưa ra nhằm biến cải nền hành chính từ quan liêu, bao cấp sang nền hành chính phục vụ phát triển kinh tế, nhưng sự thay đổi về chất trong nền hành chính diễn ra chậm. Do thói quen và cung cách làm việc của đội ngũ công chức, khu vực tư nhân vẫn phải gánh chịu những hậu quả quản lý còn thiên về mệnh lệnh hành chính, quan liêu.

Trong cải cách nền hành chính, cải cách thể chế là nhiệm vụ cần tiến hành đầu tiên. Thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020, tình hình cải cách về thể chế kinh tế ở Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng nêu rõ: “Thể chế kinh tế thị trường chưa thật đồng bộ, thông suốt; chưa thực sự là động lực tạo ra đột phá”(6). Thực tế cho thấy, những cải cách về thể chế chưa thực sự tạo ra động lực cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Nhiều quy định pháp luật còn là trở ngại đối với hoạt động kinh tế của tư nhân. Những ngành nghề bị cấm kinh doanh, hoặc kinh doanh có điều kiện vẫn còn tồn tại. Nhiều điều kiện đầu tư kinh doanh được quy định không đúng thẩm quyền, cá biệt, có trường hợp vượt quá thẩm quyền. Mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp trong giao dịch hành chính còn thấp.

Chất lượng đội ngũ công chức, nguồn nhân lực và môi trường kinh doanh

Để phát triển kinh tế tư nhân, cần có những điều kiện nhất định, trong đó, chất lượng đội ngũ công chức và nguồn nhân lực là những điều kiện quan trọng. Xét trên nhiều phương diện, đội ngũ công chức chính là lực lượng giữ vai trò quyết định kết quả thực hiện chủ trương, chính sách phát triển kinh tế tư nhân. Trong quá trình này, nền kinh tế cần một đội ngũ công chức có đủ năng lực, phẩm chất, trình độ, kỹ năng và đạo đức công vụ. Tuy nhiên, xuất phát từ hạn chế về trình độ và nhận thức, nhiều công chức chưa đáp ứng được những yêu cầu đặt ra và không ý thức được trách nhiệm đối với Nhà nước và xã hội. Khi công chức trong bộ máy công quyền không có đủ kiến thức về kinh tế, kỹ năng thực thi công vụ, thì hoạt động kinh tế của khu vực tư nhân còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại.

So với nhiều quốc gia trong khu vực, lực lượng lao động của Việt Nam còn hạn chế về trình độ, kỹ năng và năng suất lao động còn thấp. Trình độ quản trị trong khu vực kinh tế tư nhân hiện cũng đang là một vấn đề. Kinh doanh là một nghề khó, chứa đựng nhiều rủi ro. Vì vậy, những người quản lý, điều hành khu vực kinh tế tư nhân cần có kiến thức về kinh tế, kỹ năng và trình độ quản trị phù hợp.

Phát triển kinh tế tư nhân cần có một môi trường phù hợp, mang tính điều kiện. Nếu thiếu sự bình đẳng về pháp lý, sự tự do cạnh tranh lành mạnh, kinh tế tư nhân sẽ không thể phát triển.

Phương hướng, nhiệm vụ cơ bản để phát triển kinh tế tư nhân

Phương hướng phát triển kinh tế tư nhân

Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế hiện nay, Đảng và Nhà nước chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế và kinh tế tư nhân, trong đó có những định hướng cơ bản như sau:

1 - Phát triển nền kinh tế thị trường: Xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ, hiệu quả theo quy luật kinh tế thị trường, cạnh tranh bình đẳng, minh bạch.

2 - Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do kinh doanh của của công dân; thiết lập môi trường tự do kinh tế; xác định những điều kiện để bảo đảm quyền tự do kinh doanh.

3 - Xóa bỏ hạn chế, tồn tại về thể chế trong lĩnh vực kinh tế; hoàn thiện thể chế kinh tế, đáp ứng yêu cầu phát triển, tự do kinh doanh; tạo sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong tiếp cận nguồn lực đầu vào và cơ hội kinh doanh.

4 - Xây dựng chính sách, xác định mục tiêu kinh tế phù hợp với nền kinh tế thị trường hiện đại, xu hướng phát triển kinh tế; tạo dựng niềm tin, khuyến khích các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài hoạt động đầu tư, liên kết, liên doanh.

Những nhiệm vụ trong phát triển kinh tế tư nhân

Phát triển kinh tế tư nhân là mục tiêu và nhiệm vụ quan trọng được Đảng và Nhà nước xác định trong những chương trình, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Để đạt được mục tiêu này, cần thực hiện những nhiệm vụ dưới đây:

1 - Khảo sát, nghiên cứu thực trạng nền kinh tế, xu hướng phát triển kinh tế, xác định những yếu tố cản trở sự phát triển của kinh tế; hoạch định chính sách phát triển kinh tế trung hạn, dài hạn một cách khoa học; xây dựng chiến lược phát triển kinh tế tư nhân.

2 - Xây dựng, ban hành chính sách về kinh tế đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; mở rộng quyền tự do kinh doanh, bảo đảm sự bình đẳng về cơ hội cho tất cả các thành phần kinh tế; bảo đảm tính khả thi trong những chính sách về kinh tế.

3 - Cải cách thể chế kinh tế theo hướng đồng bộ hóa hệ thống văn bản pháp quy về quản lý kinh tế; loại bỏ những mâu thuẫn, chồng chéo giữa các ngành luật, văn bản luật; tôn trọng tính tối cao của Hiến pháp; xây dựng, ban hành những văn bản pháp luật thích ứng cao với xu hướng phát triển kinh tế.

4 - Tiến hành rà soát và loại bỏ, sửa đổi những quy định về thủ tục hành chính không còn phù hợp; loại bỏ những quy định bất hợp lý về phí, lệ phí, thanh tra, kiểm tra; bảo đảm sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

5 - Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ đội ngũ công chức về kỹ năng, nghiệp vụ để thực hiện tốt công tác quản lý phát triển kinh tế tư nhân; tiến hành đánh giá và phân loại công chức theo trình độ và nhóm công việc; bồi dưỡng kiến thức về kinh tế phù hợp với tính chất, trình độ, yêu cầu cho đội ngũ công chức.

Một số giải pháp nhằm phát triển kinh tế tư nhân

Do nhiều trở ngại khác nhau, phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam hiện đang là một nhiệm vụ khó khăn. Vì vậy, để phát triển kinh tế tư nhân, cần tiến hành một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách về kinh tế, tạo sự thuận lợi tối đa cho việc phát triển kinh tế tư nhân; xây dựng, ban hành những chính sách khuyến khích đầu tư, huy động vốn, chính sách thuế, chính sách thuê đất, tích tụ ruộng đất; ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm phục vụ việc phát triển kinh tế tư nhân.

Thứ hai, tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh; hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm bảo đảm quyền tự do, tự chủ trong kinh doanh của kinh tế tư nhân; xây dựng, sửa đổi, ban hành luật pháp theo hướng phát triển kinh tế thị trường hiện đại; bảo đảm quyền sở hữu, sự cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế; sửa đổi Luật Cạnh tranh phù hợp với sự bình đẳng trong hoạt động kinh tế.

Thứ ba, cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính; xóa bỏ những quy định bất hợp lý về điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa và loại bỏ những quy định không còn phù hợp với xu thế phát triển kinh tế trong lĩnh vực đất đai, tài chính, thuế và xuất nhập khẩu.

Thứ tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng, ban hành những chính sách đổi mới mang tính đột phá trong giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ đáp ứng yêu cầu của phát triển của nền kinh tế và kinh tế tư nhân.

Thứ năm, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, đáp ứng yêu cầu mới trong quản lý kinh tế; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng và minh bạch hóa hoạt động của bộ máy công quyền; sửa đổi, hoàn thiện Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo.

Thứ sáu, đẩy mạnh hình thức đầu tư đối tác công - tư và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển thông qua hình thức đầu tư đối tác công - tư; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước nhằm tạo thêm cơ hội đầu tư, phát triển cho khu vực kinh tế tư nhân./.

----------------------------------------------

(1) Kornai Janos: Con đường dẫn tới nền kinh tế tự do, Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2007, tr. 42

(2) Nguyễn Văn Huyên: Văn minh Việt Nam, Nxb. Hội Nhà văn, 2005, tr. 304

(3) Nguyễn Văn Huyên: Văn minh Việt Nam, Nxb. Hội Nhà văn, 2005, tr. 321

(4) PGS, TS. Trịnh Thị Hoa Mai: Kinh tế tư nhân Việt Nam trong tiến trình hội nhập, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2005, tr. 81

(5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 228

(6) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr. 247