Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 04 đến ngày 10-7-2016)
TCCSĐT - Trong phiên giao dịch ngày 07-7, giá vàng thế giới đi xuống, chấm dứt 6 phiên tăng giá liên tiếp, trước sự mạnh lên của đồng USD.
Vẫn còn nhiều rào cản khiến VAMC "bó tay" trong quá trình xử lý nợ xấu
Thời gian qua, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng đã được kéo về dưới 3% theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước nhưng bản thân các ngân hàng vẫn đang phải tiếp tục trích lập dự phòng cho những khoản nợ xấu mới phát sinh, trích dự phòng cho các khoản nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và thu hồi nợ từ khách hàng…
Việc thu hồi nợ từ khách hàng không dễ dàng. Mặc dù mới đây VAMC được bổ sung thêm một số “quyền năng” như có thể mua bán nợ xấu theo giá thị trường, chủ động mua bán, cơ cấu nợ… Đấy là tín hiệu tốt.
Theo lãnh đạo các ngân hàng thương mại, khi chúng ta chấp nhận nợ xấu mua bán theo giá thị trường chắc chắn sẽ có tổn thất nhất định. Có thể coi tổn thất đó là rủi ro trong hoạt động kinh doanh. Chúng ta đánh giá rõ khoản nợ nào mà do yếu tố khách quan gây ra thì phải chấp nhận thiệt hại.
Thời gian qua đã có nhiều tổ chức quốc tế, nhà đầu tư nước ngoài đến làm việc với VAMC. Họ kỳ vọng thực hiện việc mua nợ xấu qua VAMC luôn được bảo đảm về sự minh bạch, thuận lợi đối với các thủ tục pháp lý liên quan đến khoản nợ. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu hệ thống pháp luật Việt Nam đối với các vấn đề liên quan đến mua bán và xử lý nợ, về sở hữu đất đai, về tái cấu trức doanh nghiệp, đặc biệt là vai trò, hạn chế của VAMC trong việc quyết định các vấn đề về bán nợ, bán tài sản bảo đảm... nên họ mới chỉ tìm hiểu chứ chưa chính thức đặt vấn đề cụ thể.
Trên thực tế, các khoản nợ xấu của các ngân hàng bán cho VAMC đều là các khoản nợ quá hạn khó có khả năng thu hồi. Do đó, nhiều khoản nợ xấu đã bán cho VAMC có tài sản bảo đảm là dự án bất động sản hoặc tài sản hình thành trong tương lai. Tuy nhiên, nếu áp dụng điều kiện chuyển nhượng bất động sản theo Luật Kinh doanh bất động sản thì sẽ bị hạn chế số lượng các khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là dự án bất động sản được chuyển nhượng và ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác xử lý nợ xấu, đồng thời ảnh hưởng đển việc tiếp tục triển khai dự án bất động sản nói chung.
Ngay cả những cơ sở pháp lý vận hành thị trường mua bán nợ vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc. Chiểu theo quy định pháp luật hiện hành, có thể thấy chủ thể tham gia thị trường mua bán nợ bị hạn chế. Trước tình hình đó, Chính phủ vừa ban hành Nghị định điều kiện kinh doanh mua bán nợ. Sau khi Nghị định được ban hành có thể mất một vài tháng để doanh nghiệp thành lập, chuẩn bị nguồn lực tham gia vào thị trường mua bán nợ. Lúc đó, thị trường sẽ hoạt động sôi nổi hơn, tác động tích cực thúc đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu.
Dự báo sản xuất kinh doanh lạc quan hơn trong những tháng cuối năm
Tổng cục Thống kê vừa cho biết xu hướng chung trong sáu tháng cuối năm 2016, phần lớn doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dự báo tình hình sản xuất kinh doanh lạc quan hơn 6 tháng đầu năm; trong đó, 55,4% số doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng; 9,3% số doanh nghiệp cho rằng khối lượng sản xuất giảm và 35,3% số doanh nghiệp vẫn ổn định.
Tổng cục Thống kê cũng cho biết xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dự kiến trong quý III so với quý II năm nay, có 47,7% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 13,2% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 39,1% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.
Về tình hình tồn kho sản phẩm, có 14,7% số doanh nghiệp dự báo lượng hàng tồn kho sẽ tăng; 29,7% số doanh nghiệp cho rằng lượng hàng tồn kho sẽ giảm và 55,6% số doanh nghiệp dự báo sẽ giữ ổn định. Về sử dụng lao động, có 18,2% số doanh nghiệp dự báo quy mô lao động tăng; 8,0% số doanh nghiệp dự báo giảm và 73,8% số doanh nghiệp ổn định quy mô lao động.
Tổng cục Thống kê cũng vừa công bố, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng sáu tháng đầu năm nay ước đạt 1.724 tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,5% thì thấp hơn mức tăng 8,8% của cùng kỳ năm 2015.
Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa sáu tháng đầu năm ước đạt hơn 1.314 tỷ đồng, chiếm 76,2% tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng và tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước. Một số tỉnh, thành phố có doanh thu tăng khá là Bình Dương, Nam Định, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Quảng Nam, An Giang, Bắc Giang và Hải Phòng. Về phân theo ngành hàng, lương thực, thực phẩm tăng 13,1%; may mặc tăng 12,2%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 10%; phương tiện đi lại tăng 9,1%. Riêng vật phẩm văn hóa, giáo dục chỉ tăng 0,8%...
Giá vàng thế giới chấm dứt tăng giá sáu phiên liên tiếp
Trong phiên giao dịch ngày 07-7, giá vàng thế giới đi xuống, chấm dứt 6 phiên tăng giá liên tiếp, trước sự mạnh lên của đồng USD. Chốt phiên này, giá vàng giao tháng 8-2016 tại Sàn giao dịch kim loại New York (COMEX) giảm 5 USD (0,4%) xuống 1.362,10 USD/ounce.
Nhà phân tích Jonathan Butler, thuộc tập đoàn Mitsubishi, nhận định sự tăng giá của đồng bạc xanh nhờ số liệu tích cực trong lĩnh vực việc làm của Mỹ là “cơn gió ngược” đối với giá vàng. Kể từ sự kiện cử tri Vương quốc Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu (còn gọi là Brexit) ngày 23-6, giá kim loại quý này tăng hơn 10% và có chiều hướng tiếp tục tăng.
Các nhà giao dịch cho biết các thị trường tài chính toàn cầu đã chao đảo sau sự kiện Brexit, khi chứng khoán lao dốc và hàng nghìn tỷ USD “bốc hơi” khỏi thị trường. Song giá vàng lại được hưởng lợi như một tài sản an toàn trong thời kỳ bất ổn. Trong 6 phiên tăng liên tiếp, giá vàng đã được đẩy lên mức cao nhất trong hơn 2 năm.
Hiện nay, các nhà giao dịch đang chờ đợi các “manh mối” để đoán định triển vọng chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Dữ liệu chủ chốt được chờ đợi là số liệu về tình hình việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ. Trong một thông tin liên quan, số liệu thống kê cho thấy tính đến cuối tháng 6-2016, dự trữ vàng của Trung Quốc tăng lên 58,62 triệu ounce, so với mức 58,14 triệu ounce một tháng trước đó. Trong cùng phiên, giá bạc giảm 1,8% và được giao dịch ở mức 19,71 USD/ounce.
Giá lương thực thế giới tăng mạnh nhất trong vòng 4 năm qua
Theo báo cáo do Tổ chức Lương - Nông Liên hợp quốc (FAO) công bố ngày 07-7, giá lương thực trên thế giới trong tháng Sáu vừa qua đã tăng 4,2% so với tháng Năm, mức tăng hằng tháng mạnh nhất trong 4 năm qua và là mức tăng liên tục trong 5 tháng gần đây.
Chỉ số giá thực phẩm của FAO - thước đo theo dõi giá ngô, dầu thực phẩm, thịt, các sản phẩm từ sữa và đường được giao dịch trên thị trường quốc tế - đã đạt mức trung bình 163,4 điểm trong tháng Sáu. Cụ thể, giá đường tăng 14,8% do Brazil, nước sản xuất và xuất khẩu đường lớn nhất thế giới vừa phải hứng chịu một đợt mưa rào cản trở việc thu hoạch mía. Giá ngũ cốc tăng 2,9% chủ yếu do giá ngô leo thang sau khi các nhà cung cấp ngô của Brazil giảm bớt lượng xuất khẩu.
Trái lại, nguồn cung lúa mỳ dồi dào và sản lượng lập kỷ lục tại Mỹ đã làm hạ giá lúa mỳ. Giá các sản phẩm từ sữa tăng 7,8% do các nhà giao dịch quan ngại về triển vọng của ngành này tại châu Đại Dương và tốc độ tăng trưởng sản lượng sữa chậm lại trong Liên minh châu Âu (EU).
Cũng trong ngày 07-7, FAO công bố báo cáo về nguồn cung và cầu ngũ cốc, cho thấy đã có sự cải thiện về sản lượng ngũ cốc, chủ yếu là với lúa mỳ. Sản lượng lúa mỳ của thế giới hiện được dự đoán sẽ đạt 732 triệu tấn trong năm nay, cao hơn 1% so với mức dự doán hồi tháng Sáu chủ yếu là nhờ hoạt động sản xuất được cải thiện trong EU, Nga, Mỹ, và nhờ điều kiện thời tiết tốt hơn. Tuy nhiên, dự đoán về sản lượng ngô của thế giới trong năm 2016 bị cắt giảm do triển vọng mùa màng ở Brazil u ám, trong khi Chính phủ Trung Quốc hạn chế hỗ trợ nông dân trồng ngô, dẫn đến diện tích gieo trồng ngô giảm.
IMF chuẩn bị giải ngân khoản tín dụng 634 triệu USD cho Iraq
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết khoản tín dụng đầu tiên trị giá 634 triệu USD, sẽ sớm được giải ngân cho Iraq, quốc gia đang rất cần nguồn tài chính để ổn định cán cân thanh toán và bảo đảm các nghĩa vụ trả nợ. Số tiền trên là một phần trong chương trình cứu trợ kéo dài ba năm, trị giá 5,34 tỷ USD, mà tổ chức tài chính này mới thông qua cho Chính phủ Iraq vực dậy nền kinh tế.
Phát biểu trong một cuộc họp báo, Trưởng phái đoàn IMF tại Iraq Christian Josz nêu rõ khoản cho vay trên nhằm hỗ trợ Chính phủ Iraq khôi phục kinh tế trong nước, trong bối cảnh khủng bố hoành hành và giá dầu tụt dốc. Tuy nhiên, IMF cũng yêu cầu Iraq cắt giảm chi tiêu công, tăng các khoản thuế (gồm cả thuế nhập khẩu) và tăng cường chống nạn tham nhũng và rửa tiền.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Iraq Ali al-Alaq cho biết lãi suất hằng năm của khoản vay trên không quá 1,5%. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Iraq Hoshyar Zebari cho biết nước này dự kiến sẽ phát hành trái phiếu quốc tế trị giá 2 tỷ USD trong năm nay. Năm ngoái Iraq không phát hành trái phiếu quốc tế do lãi suất cao. IMF cho hay nền kinh tế Iraq đã suy giảm 2,4% trong năm 2015, bất chấp sản lượng dầu tăng 13%. Các lĩnh vực kinh tế khác ( không tính dầu mỏ) giảm 19% do hậu quả của cuộc xung đột với Tổ chức nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và các nỗ lực cải cách tài chính.
Nền kinh tế Iraq - vốn chủ yếu dựa vào các nguồn thu từ dầu mỏ - đã bị ảnh hưởng nặng nề do giá dầu lao dốc trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, Chính phủ Iraq cũng đang phải tiêu tốn nhiều tiền vào cuộc chiến chống IS, tổ chức hiện đang kiểm soát một diện tích rộng lớn tại nước này kể từ năm 2014. Trong năm 2015, Iraq cũng nhận được khoản vay 1,7 tỷ USD từ Ngân hàng thế giới (WB) và 833 triệu USD từ IMF./.
Kinh tế Nga đã thoát khỏi “vùng xám”?  (12/07/2016)
Thanh tra, xử lý nghiêm cơ quan báo chí nhũng nhiễu doanh nghiệp  (12/07/2016)
Việt Nam hoan nghênh PCA ra phán quyết về tranh chấp Biển Đông  (12/07/2016)
Vai trò tất yếu của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng  (12/07/2016)
Hoạt động đối ngoại nổi bật tuần qua từ ngày 04-7 đến ngày 10-7-2016  (12/07/2016)
Thường vụ Quốc hội đánh giá cao chính phủ trong xử lý vụ Formosa  (11/07/2016)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên