Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 05 đến ngày 11-9-2016)

Gia Bảo (tổng hợp từ TTXVN, vov, chinhphu.vn)
15:23, ngày 13-09-2016

TCCSĐT - Tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại Hàng Châu (Trung Quốc), các nhà lãnh đạo đã cảnh báo nhiều nguy cơ mà nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt cũng như đưa ra nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với các CEO hàng đầu Trung Quốc

Bên lề Hội chợ Trung Quốc - ASEAN (CAEXPO) và Hội nghị Thượng đỉnh thương mại và đầu tư Trung Quốc - ASEAN (CABIS) lần thứ 13, chiều 11-9, tại Đại Lễ đường nhân dân tỉnh Quảng Tây, thành phố Nam Ninh, Trung Quốc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị đối thoại bàn tròn với Tổng Giám đốc điều hành (CEO) của các doanh nghiệp hàng đầu của Trung Quốc.

Theo đại diện chính quyền Quảng Tây, Hội nghị đối thoại bàn tròn với lãnh đạo các CEO hàng đầu của Trung Quốc được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2009. Qua 6 lần tổ chức, hội nghị đã đem lại nhiều kết quả rõ rệt, trở thành cơ chế quan trọng để thúc đẩy giao lưu kinh tế, thương mại giữa Trung Quốc và các quốc gia ASEAN.

Việt Nam đã nhiều năm trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Quảng Tây. Năm 2015, kim ngạch thương mại giữa Quảng Tây và Việt Nam là 24,5 tỷ USD, chiếm 25,6% tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước Trung Quốc và Việt Nam. Quảng Tây mong muốn tăng cường mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác toàn diện với Việt Nam và các quốc gia ASEAN.

Phát biểu trước các CEO doanh nghiệp hai nước, Thủ tướng khẳng định quan điểm của Chính phủ trong việc kiên định thực hiện mục tiêu xây dựng môi trường kinh doanh cởi mở, minh bạch cho mọi doanh nghiệp, cả trong và ngoài nước với phương châm coi thành công của nhà đầu tư là thành công của Việt Nam.

Thủ tướng nhấn mạnh quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm khiết, kiến tạo phát triển, hành động quyết liệt, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Tập trung hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh. Các cấp chính quyền ở Việt Nam đều trực tiếp lắng nghe ý kiến của nhà đầu tư nước ngoài phản ánh để cùng tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất.

Nhân dịp này, Thủ tướng cũng thông báo môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, đã tăng 3 bậc, đứng thứ 5 trên 10 nước ASEAN và phấn đấu trong năm 2017, Việt Nam sẽ vào tốp ASEAN-4.

Thủ tướng nêu rõ Chính phủ, nhân dân Việt Nam hoan nghênh các nhà đầu tư hợp tác sản xuất kinh doanh vào Việt Nam có quy trình, công nghệ hiện đại; tuân thủ pháp luật; bảo vệ môi trường và sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư phát triển. Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ, ngành đã trực tiếp giải đáp nhiều thắc mắc, kiến nghị của các doanh nghiệp Trung Quốc về những vấn đề liên quan đến các lĩnh vực, thủ tục đầu tư; các ưu đãi của Chính phủ Việt Nam đối với các doanh nghiệp Trung Quốc khi triển khai kế hoạch hợp tác, đầu tư với các doanh nghiệp và địa phương của Việt Nam. Các doanh nghiệp Trung Quốc bày tỏ quan tâm nhiều đến những lĩnh vực phát triển giao thông đường bộ, đường cao tốc; mong muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực viễn thông; phát triển các dự án nhiệt điện; năng lượng tái tạo.

Với chủ đề “Tăng cường hợp tác chiều sâu về kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc vì mục tiêu cùng phát triển,” Hội nghị bàn tròn đối thoại lần này chủ yếu nhằm đề xuất các biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước, trong đó bao gồm sự hợp tác của các doanh nghiệp hai nước trong các lĩnh vực công nghệ cao.

Ngân sách nhà nước bội chi hơn 121.000 tỷ đồng trong 8 tháng

Bộ Tài chính vừa cho biết, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước thực hiện tháng 8 ước đạt 69,49 nghìn tỷ đồng, giảm 28,9 nghìn tỷ đồng so với tháng 7. Trong đó, thu nội địa giảm khoảng 28,7 nghìn tỷ đồng; thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm khoảng 1,16 nghìn tỷ đồng. Riêng thu từ dầu thô tăng so với tháng 7 khoảng 360 tỷ đồng do giá dầu thô trên thị trường thế giới tháng 8 phục hồi tăng mạnh so với tháng trước.

Lũy kế thu 8 tháng ước đạt 649,46 nghìn tỷ đồng, bằng 64% dự toán năm, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2015. Tổng chi ngân sách nhà nước tháng 8 ước đạt 108,6 nghìn tỷ đồng; luỹ kế chi 8 tháng đạt 770,7 nghìn tỷ đồng, bằng 60,5% dự toán năm, tăng 5,6% so cùng kỳ năm 2015. Như vậy, 8 tháng bội chi ngân sách nhà nước khoảng 121,27 nghìn tỷ đồng, bằng 47,7% dự toán năm.

Kinh tế Mỹ tăng trưởng vừa phải, Fed có khả năng nâng lãi suất

Trong thời gian từ tháng Bảy đến cuối tháng Tám, kinh tế Mỹ tăng trưởng "khiêm tốn" tuy nhiên hoạt động kinh tế tại 2 trong số 12 khu vực có dấu hiệu chậm lại. Trong báo cáo Beige Book của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khảo sát 12 khu vực thuộc nước Mỹ và công bố ngày 07-9, các doanh nghiệp, nhà kinh tế cũng như các chuyên gia dự báo nền kinh tế đầu tàu thế giới sẽ tăng trưởng vừa phải trong những tháng tới, với không nhiều áp lực về tiền lương trong khi giá cả tăng nhẹ.

Tại các khu vực thành phố Kansas và New York, hoạt động kinh tế vẫn ổn định, trong khi tăng trưởng tại Philadelphia và Richmond có phần chững lại. Tại hầu hết các khu vực, chi tiêu người tiêu dùng nhìn chung thay đổi nhỏ, hoạt động sản xuất tăng nhẹ.

Các nhận định trên được đưa ra trong bối cảnh giới phân tích dự đoán vào cuối tháng này, Fed có khả năng nâng lãi suất cơ bản. Trước đó, Fed đã phải tạm hoãn kế hoạch nâng dần lãi suất trong năm nay do tình hình kinh tế không như dự báo. Những số liệu kinh tế không rõ ràng của hoạt động sản xuất, dịch vụ và việc làm thấp hơn kỳ vọng của thị trường đã làm dấy lên tranh cãi về việc liệu việc tăng lãi suất có phù hợp.

Các giải pháp lớn mang tính nền tảng giữa các thành viên G-20 vì mục tiêu phát triển bền vững nền kinh tế thế giới

Tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại Hàng Châu (Trung Quốc), các nhà lãnh đạo đã cảnh báo nhiều nguy cơ mà nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt cũng như đưa ra nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu.

Hội nghị diễn ra sau cuộc trưng cầu dân ý tại Anh về việc rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, và trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới, nên nhiều nhà quan sát không chỉ đưa ra các cảnh báo mạnh mẽ về sự tiêu cực của chủ nghĩa biệt lập, mà còn kỳ vọng các nhà lãnh đạo G20 sẽ tích cực tìm kiếm các biện pháp nhằm bảo vệ thương mại tự do và toàn cầu hóa.

Các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị cho biết sẽ kêu gọi thúc đẩy "tăng trưởng toàn diện" với các nỗ lực giảm thiểu áp lực từ sự bảo hộ đối với các doanh nghiệp địa phương để lợi ích từ hội nhập kinh tế toàn cầu gần gũi hơn với hàng triệu người đang bị bỏ lại phía sau khi các thay đổi đang diễn ra nhanh chóng.

Theo chương trình nghị sự, Hội nghị G-20 lần này tập trung thảo luận 4 vấn đề chính về kinh tế: (1) phát triển phương thức tăng trưởng sáng tạo, (2) quản trị tài chính kinh tế toàn cầu, (3) thương mại và đầu tư quốc tế mạnh mẽ, (4) năng động và kết nối có hiệu quả cao hơn.

Nước chủ nhà Trung Quốc nhấn mạnh đến các giải pháp lớn mang tính nền tảng giữa các thành viên G-20 vì mục tiêu phát triển bền vững nền kinh tế thế giới, trong đó đặt trọng tâm vào việc xây dựng một nền kinh tế mở.

Trước những khó khăn mà kinh tế thế giới đang phải đối mặt, qua thảo luận các nhà lãnh đạo G-20 đã đưa ra một số đề xuất về giải pháp để đưa kinh tế thế giới tiến lên và duy trì trên con đường phát triển lớn mạnh, bền vững, cân bằng và dung hòa tổng thể như: (1) Tăng cường điều phối kinh tế vĩ mô, hợp lực thúc đẩy kinh tế toàn cầu, giữ gìn nền tài chính ổn định; (2) Sáng tạo phương thức phát triển, khơi gợi động lực tăng trưởng; (3) Hoàn thiện các cơ chế quản lý kinh tế toàn cầu; (4) Xây dựng mô hình kinh tế thế giới mở, tiếp tục thúc đẩy tự do hóa, tiện lợi hóa trong thương mại và đầu tư; (5) Triển khai kế hoạch hành động nghị trình phát triển bền vững đến năm 2030, thúc đẩy phát triển mang tính bao dung.

Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon cho rằng việc đưa ra được kế hoạch hành động phát triển bền vững đã khó, nhưng việc triển khai trên thực tế còn khó hơn. Ông kêu gọi tất cả các nước hợp tác để thực thi kế hoạch hành động phát triển bền vững.

WB: Thế giới thiệt hại hàng nghìn tỷ USD do ô nhiễm không khí

Theo báo cáo "Thiệt hại do ô nhiễm không khí" của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 08-9, ô nhiễm không khí đã gây thiệt hại cho kinh tế toàn cầu hàng nghìn tỷ USD trong năm 2013. Báo cáo cho biết trong năm 2013 có khoảng 5,5 triệu người trên thế giới tử vong do các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí, dẫn đến tổn hại nguồn lực lao động và làm chậm lại tốc độ phát triển kinh tế. Tình trạng này đã gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu khoảng 225 tỷ USD từ tổn thất về thu nhập của người lao động và hơn 5.000 tỷ USD từ thiệt hại phúc lợi xã hội.

Đáng báo động là trong giai đoạn 1990 - 2013, những thiệt hại về phúc lợi xã hội đã tăng gần gấp đôi, trong khi những thiệt hại về thu nhập của người lao động tăng 40% cho dù các nước đã được hưởng nhiều ích lợi từ việc phát triển kinh tế và chăm sóc y tế.

Báo cáo cảnh báo những nguy hiểm do ô nhiễm không khí gây ra đã bắt đầu xuất hiện rõ nét tại các nước có thu nhập thấp và trung bình. Trong năm 2013, có tới 90% dân số ở những quốc gia này là nạn nhân của tình trạng ô nhiễm không khí. Tại khu vực Đông và Nam Á, thất thoát phúc lợi xã hội liên quan tới ô nhiễm không khí tương đương suy giảm 7,5% tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Theo Phó Giám đốc phụ trách phát triển bền vững của WB, bà Laura Tuck, WB hy vọng thông qua các số liệu kinh tế để truyền tải những thiệt hại do ô nhiễm môi trường đối với kinh tế toàn cầu bằng tới các nhà hoạch định chính sách, từ đó tạo thêm các nguồn lực cho hoạt động cải thiện chất lượng không khí./.