Hà Giang: Xây dựng vùng trọng điểm về phát triển dược liệu
Nguồn gen dược liệu đa dạng
Do địa hình bị chia cắt mạnh, tạo nên nhiều tiểu vùng khí hậu, tỉnh Hà Giang có nguồn gen cây dược liệu tự nhiên rất đa dạng, phong phú, đặc biệt tại 6 huyện vùng cao thuộc Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững của Chính phủ (Chương trình 30a). Theo kết quả điều tra trên địa bàn tỉnh có trên 1.101 loài, thuộc 8 ngành thực vật. Trong đó, có 894 loài mọc hoàn toàn tự nhiên, 111 loài hoàn toàn trồng trọt và 96 loài vừa được trồng trọt vừa mọc tự nhiên. Các cây thuốc sinh trưởng và phát triển theo 9 dạng sống khác nhau, như ký sinh, bán ký sinh, phụ sinh, bì sinh, bụi leo, dây leo, bụi, gỗ và cỏ. Dạng sống là cây cỏ, gỗ, bụi có số lượng lớn nhất, trong số này có 51 loài cây thuốc quý hiếm, có nguy cơ bị đe dọa (nằm trong danh mục các cây thuốc ở tỉnh Hà Giang có trong sách đỏ Việt Nam).
Cộng đồng các dân tộc ở Hà Giang có truyền thống trồng cây dược liệu, trải qua các thế hệ nhiều loại cây thuốc quý đã được vườn hóa và nhập nội để trồng, tạo ra sản phẩm, như ô đầu, thảo quả, tam thất, huyền sâm, hương thảo,… Việc vườn hóa và trồng các loại cây thuốc này theo thời gian đã giúp các cộng đồng tích lũy những kinh nghiệm nhất định. Số loài dược liệu người dân tự trồng được là trên 10 loài và đã cho sản phẩm với tổng sản lượng trên 4.262 tấn. Ngoài ra, trong tự nhiên còn có trên 17 loài có khả năng khai thác theo hướng bền vững.
Tỉnh Hà Giang đã thu hút được các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến dược liệu, như Công ty Cổ phần thương mại phát triển nông - lâm nghiệp Bình Minh 3; Công ty Nam Dược, Tập đoàn GFS liên kết với Công ty TNHH MTV Dược khoa - Trường Đại học Dược Hà Nội;… Các doanh nghiệp này đã sản xuất được một số sản phẩm tiêu thụ trên thị trường, như chè atiso, cao lọc atiso, bạch chỉ, đương quy, rượu ngâm thuốc,… bước đầu đã cho thấy hiệu quả trong kinh doanh dược liệu tại tỉnh Hà Giang.
Còn khó khăn nhiều mặt
Là vùng có lợi thế cạnh tranh cao, có nhiều tiểu vùng khí hậu tự nhiên, cộng với diện tích đất đai phù hợp, tương đối đa dạng, Hà Giang có những điều kiện thuận lợi để trồng các loài cây dược liệu thuộc đai Á nhiệt đới. Cùng với đó, lực lượng lao động địa phương dồi dào, có kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp trên vùng cao núi đá và canh tác trên đất dốc. Nếu được hướng dẫn và tập huấn kỹ thuật sẽ là điều kiện tốt cho các doanh nghiệp tổ chức sản xuất.
Tỉnh Hà Giang xác định phát triển dược liệu là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững. Ủy ban nhân dân tỉnh cam kết đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp có thể đầu tư triển khai dự án phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, việc phát triển dược liệu của tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đất đai để sản xuất nông nghiệp nói chung, phát triển dược liệu nói riêng còn manh mún, nhỏ lẻ. Theo số liệu điều tra năm 2011, bình quân diện tích trồng cây hằng năm từ 0,2 đến 0,5ha, chiếm 31,14%. Ngoài ra, tỉnh chưa có quỹ đất công, dẫn đến trở ngại lớn trong phát triển dược liệu tập trung.
Các hộ gia đình trồng và thu hái dược liệu chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, quy mô nhỏ, chưa áp dụng đúng quy trình kỹ thuật (từ khâu chọn giống, chăm sóc, thu hái, bảo quản,…). Chất lượng sản phẩm chưa được kiểm soát, thị trường tiêu thụ bấp bênh, chủ yếu thông qua thương lái, khiến thị trường dược liệu luôn xảy ra hiện tượng “tranh mua, tranh bán”.
Kết cấu hạ tầng của tỉnh còn thiếu và chưa đồng bộ; cán bộ khoa học - kỹ thuật chuyên ngành dược liệu còn thiếu và yếu cũng là những trở ngại không nhỏ trong quá trình phát triển.
Thêm vào đó, điều kiện kinh tế của người dân còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, có đến trên 80% lao động nông nghiệp chưa qua đào tạo, vẫn tư duy theo nếp sản xuất cũ, lạc hậu mà chưa có cách tiếp cận linh hoạt với kinh tế thị trường. Do vậy, không ít người dân chưa quan tâm đến phát triển cây dược liệu, chưa thấy cây dược liệu là tiềm năng, là hướng thoát nghèo và làm giàu.
Phát triển dược liệu gắn với xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới
Theo Kết luận số 71-KL/TW, ngày 24-9-2013, của Ban Bí thư Trung ương Đảng, về “Xây dựng Hà Giang thành một trong những trung tâm du lịch quốc gia, gắn với khai thác, phát huy nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc và lợi thế Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn” và văn bản số 2715/VPCP-KGVX, ngày 05-4-2013 của Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang đã xây dựng Dự án tổng thể phát triển cây dược liệu gắn với xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại 6 huyện nghèo thuộc Chương trình 30a với tổng mức đầu tư lên đến 2.926 tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách nhà nước 1.403 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp 708 tỷ đồng, vốn các tổ chức kinh tế cộng đồng 576 tỷ đồng, vốn trong các hộ dân 237 tỷ đồng). Đầu năm 2015, Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để triển khai. Theo đó, tỉnh Hà Giang sẽ hình thành vùng trồng 41 loài cây dược liệu với tổng diện tích 5.580ha theo tiêu chí GACP (Thực hành tốt trồng trọt dược liệu) và thu hái từ tự nhiên 17 loài cây dược liệu theo tiêu chí GCP (Thực hành tốt thu hái cây thuốc hoang dã); duy trì và củng cố 7.400ha hiện có; tạo vùng sản xuất dược liệu của Hà Giang tầm cỡ quốc gia, tham gia thị trường dược liệu trong nước và khu vực.
Tỉnh Hà Giang cũng sẽ hình thành hệ thống chuỗi giá trị dược liệu với sự tham gia của các chủ thể, gồm khoảng trên 15.000 hộ gia đình, các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ quan quản lý nhà nước, dịch vụ công, các nhà khoa học và các nhà cung ứng đầu vào.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ xây dựng Trung tâm bảo tồn và phát triển dược liệu nhằm thu thập, lưu giữ, chọn tạo và sản xuất giống, nghiên cứu và phát triển, kiểm định chất lượng và đào tạo đội ngũ nhân lực, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển dược liệu.
Để bảo đảm việc sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn trong sản xuất và kinh doanh dược liệu, tỉnh Hà Giang cũng chú trọng nghiên cứu và ứng dụng các chuỗi công nghệ thích hợp gồm GAP (thực hành tốt trồng trọt), GCP (thực hành tốt thu hái cây thuốc hoang dã), GMP (thực hành tốt sản xuất thuốc), GLP (thực hành tốt phòng thí nghiệm), GSP (thực hành tốt bảo quản thuốc), từ đó tạo các sản phẩm có chất lượng cao và ổn định, có khả năng cạnh tranh.
Tại Hội nghị gặp mặt giữa lãnh đạo tỉnh Hà Giang với các doanh nghiệp về phát triển dược liệu được tổ chức tại huyện Quản Bạ năm 2015, đồng chí Triệu Tài Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh khẳng định tỉnh Hà Giang quyết tâm phấn đấu trở thành vùng trọng điểm về phát triển dược liệu của cả nước; đồng thời nhấn mạnh tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi và có các cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực dược liệu trên địa bàn tỉnh. Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang cũng đề nghị các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất cần lựa chọn các loài dược liệu phù hợp với tiềm năng lợi thế của các địa phương, xây dựng dược liệu có chất lượng gắn với phát triển du lịch.
Theo đồng chí Trương Xuân Cừ, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Chỉ đạo Tây Bắc, dược liệu là tài nguyên di truyền - tài nguyên tái tạo. Dùng thế mạnh dược liệu đẩy mạnh công nghiệp hóa dược và công nghiệp dược trở thành ngành kinh tế kỹ thuật mũi nhọn, làm cho nhân dân ta có đủ thuốc tốt, khỏe mạnh và giàu có, làm cho các vùng kinh tế còn khó khăn, tiến và đuổi kịp các vùng khác trong cả nước. Với thế mạnh về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, với hướng đi, cách làm đúng và trúng của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang trong việc phát triển dược liệu, nhất là sự đồng thuận, thống nhất của người nông dân, các doanh nghiệp và các nhà khoa học, mục tiêu trở thành vùng trọng điểm về phát triển dược liệu của Hà Giang sẽ không còn xa./.
Thành phố Hồ Chí Minh: Cán bộ chủ chốt cần hiểu đúng, hiểu rõ và sáng tạo trong việc đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống  (23/06/2016)
Đảng, Nhà nước luôn ghi nhớ cống hiến của người có công với cách mạng  (23/06/2016)
Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi  (23/06/2016)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên