Thực hiện các cam kết tự do hóa thương mại: Kết quả và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam
TCCS - Thực hiện chủ trương mở rộng thị trường nội địa, hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, thời gian qua Việt Nam đã tích cực tham gia các hiệp định thương mại quốc tế và khu vực, ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương, tận dụng được nhiều cơ hội lớn thu hút đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo thêm việc làm cho xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các cam kết thương mại, Việt Nam gặp không ít thách thức do năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như của cả nền kinh tế còn nhiều hạn chế.
Thực hiện lộ trình cam kết cắt giảm thuế
Có thể nhận thấy rằng, nội dung quan trọng nhất của các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia đến nay là lộ trình cắt giảm thuế quan. Cụ thể là:
Thứ nhất, đối với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Tham gia WTO, Việt Nam cam kết mở cửa thị trường nông sản và phi nông sản, theo đó, ràng buộc toàn bộ biểu thuế nhập khẩu hiện hành với khoảng 10.600 dòng thuế; ràng buộc ở mức thuế xuất hiện hành với 3.170 dòng thuế, chủ yếu là đối với các nhóm hàng xăng dầu, kim loại, hóa chất, phương tiện vận tải. Một số mặt hàng đang có thuế suất cao được cam kết cắt giảm thuế ngay sau khi gia nhập WTO. Trong lĩnh vực nông nghiệp, mức cam kết giảm thuế bình quân là 25,2% vào thời điểm gia nhập và 21% là mức cắt giảm cuối cùng. Đối với lĩnh vực công nghiệp, mức cam kết giảm thuế bình quân vào thời điểm gia nhập là 16,1% và mức cắt giảm cuối cùng là 12,6%. Trong thời gian đầu là thành viên của WTO, Việt Nam cam kết tham gia một số hiệp định tự do hóa theo ngành với nội dung chủ yếu là cam kết sau 3-5 năm sẽ cắt giảm thuế quan (phần lớn về 0%). Sản phẩm công nghệ thông tin, dệt may và thiết bị y tế thuộc các ngành mà Việt Nam tham gia đầy đủ (các ngành tham gia 100% các dòng thuế đều cắt giảm theo cam kết), sản phẩm thuộc các ngành mà Việt Nam tham gia một phần là thiết bị máy bay, hóa chất và thiết bị xây dựng. Bên cạnh đó, Việt Nam còn tham gia và thực hiện các cam kết giảm thuế khác theo các FTA với các nước trong khu vực với mức cắt giảm thuế quan lớn hơn so với cam kết cắt giảm thuế quan trong WTO.
Thứ hai, đối với cam kết khu vực. Trong khuôn khổ Chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT), Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), Việt Nam đã đưa ra các danh mục cắt giảm thuế, bao gồm: Danh mục cắt giảm thuế quan (IL)(1), Danh mục loại trừ hoàn toàn (GEL)(2), Danh mục loại trừ tạm thời (TEL), Danh mục nông sản chưa chế biến nhạy cảm (SL)(3). Theo quy định của ATIGA, tới năm 2015, các nước ASEAN sẽ đưa thuế suất xuống 0% đối với tất cả các mặt hàng, trừ những mặt hàng nằm trong GEL, hoặc những mặt hàng trước đây nằm trong GEL. Riêng 4 nước Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma và Việt Nam (CLMV) được bảo lưu 7% số dòng thuế tới năm 2018. Như vậy, đến năm 2015, tất cả các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang các nước ASEAN6 (Bru-nây, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin, Xin-ga-po và Thái Lan) sẽ được hưởng thuế nhập khẩu 0%. Để triển khai các cam kết của hiệp định này, Chính phủ đã ban hành gần 30 văn bản pháp quy và văn bản hướng dẫn thực hiện.
Là thành viên tích cực của ASEAN, Việt Nam tăng cường tham gia các hiệp định thương mại của khối với các đối tác bên ngoài, từng bước thực hiện các cam kết đã đưa ra. Cụ thể, với Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), lộ trình cắt giảm thuế quan theo ACFTA gồm 4 nhóm: Chương trình “Thu hoạch sớm” (EHP)(4), Danh mục giảm thuế thông thường (NT)(5), Danh mục nhóm nhạy cảm thường (SL), Nhóm nhạy cảm cao (HSL)(6). Theo đó, Việt Nam cam kết loại bỏ thuế quan có lộ trình đối với khoảng 90% số lượng dòng thuế, 10% số lượng dòng thuế còn lại có lộ trình cam kết giảm thuế dài, thậm chí không có cam kết giảm thuế xuống 0%. Thuế suất trung bình trong ACFTA của Việt Nam gần tương đương với mức thuế suất đối xử tối huệ quốc (MFN) của Việt Nam trong giai đoạn 2005 - 2010, tốc độ giảm thuế diễn ra nhanh hơn trong giai đoạn 2010 - 2015. Từ năm 2015, cam kết cắt giảm thuế của Việt Nam trong ACFTA tương đương với mức cam kết CEPT/AFTA (Khu vực thương mại tự do ASEAN). Kể từ năm 2002 đến nay, Chính phủ đã ban hành khoảng 10 văn bản pháp quy và văn bản hướng dẫn thực hiện ACFTA.
Hiệp định ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA) được đàm phán dựa trên cơ sở ACFTA. Về cắt giảm thuế quan, hiệp định này đề ra danh mục NT, SL và HSL. Danh mục NT bao gồm 90% số dòng thuế và 90% kim ngạch thương mại, riêng đối với Việt Nam là 75%. Hàn Quốc hoàn thành vào ngày 1-1-2010, ASEAN6 vào ngày 1-1-2012, Việt Nam hoàn thành vào ngày 1-1-2018. Với SL, ASEAN6 và Hàn Quốc giảm thuế xuống 0%-5% vào ngày 1-1-2016, trong đó, thời hạn của Việt Nam là ngày 1-1-2021. Đối với HSL, ASEAN6 và Hàn Quốc bao gồm 200 dòng thuế ở cấp 6 chữ số hoặc 3% tổng số dòng thuế ở cấp chữ số HS do từng quốc gia lựa chọn và 3% kim ngạch thương mại. Các nước CLMV bao gồm 200 dòng thuế ở cấp 6 chữ số hoặc 3% tổng số dòng thuế ở cấp chữ số HS do từng quốc gia lựa chọn(7).
Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP) năm 2008 quy định 4 lộ trình cắt giảm thuế: Danh mục NT với Nhật Bản gồm 92% số dòng thuế và giá trị thương mại, trong đó 88% số dòng thuế đạt 0% vào năm 2007, còn lại vào năm 2013, ASEAN6 là 90% số dòng thuế đạt 0% vào năm 2013, Việt Nam là 90% số dòng thuế đạt 0% trong 15 năm (đến năm 2023). Đối với danh mục SL của Việt Nam, thuế suất cuối cùng 5% vào năm 2018; thuế suất cuối cùng trong HSL là 50%; Danh mục loại trừ không cam kết giảm thuế (chiếm 1% số dòng thuế).
Hiệp định khu vực thương mại tự do ASEAN - Ô-xtrây-li-a - Niu Di-lân (AANZFTA) quy định, 90% thuế quan của Việt Nam được xóa bỏ từ năm 2018 - 2020 theo danh mục NT; 7% tổng số dòng thuế theo lộ trình nhạy cảm, trong đó thuế suất theo danh mục SL giảm xuống 5% vào năm 2022, và theo danh mục HSL, giảm xuống 7% - 50% vào năm 2022. Danh mục loại trừ bao gồm 3% tổng số dòng thuế. Mức độ cắt giảm thuế với đa số các mặt hàng cho tới năm 2012 chưa lớn, thể hiện mức độ chênh lệch thấp hơn so với mức thuế cơ sở (thuế suất năm 2007), đến năm 2015, mức độ cắt giảm thuế của Việt Nam sẽ tăng lên.
Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ (AITIG) có lộ trình cắt giảm thuế theo 5 danh mục: Danh mục NT, Danh mục SL, Danh mục HSL, Danh mục các sản phẩm đặc biệt và Danh mục GEL. Các nước CLMV được cắt giảm thuế theo lộ trình dài hơn 5 năm so với các nước ASEAN6 và Ấn Độ, nhưng vẫn được hưởng đầy đủ các ưu đãi từ cam kết giảm thuế của Ấn Độ và các nước ASEAN6. Trong 5 danh mục trên, Danh mục NT của Việt Nam gồm 80% số dòng thuế sẽ giảm xuống 0% vào ngày 31-12-2017, trong đó 9% tổng số dòng thuế sẽ được linh hoạt giảm xuống 0% từ ngày 31-12-2020. Danh mục SL chiếm 10% số dòng thuế sẽ giảm thuế xuống 5% vào ngày 31-12-2020 (ASEAN6 và Ấn Độ); 4% số dòng thuế thuộc Danh mục SL sẽ được bãi bỏ thuế vào ngày 31-12-2023. 50 dòng thuế có thuế suất MFN 5% sẽ được giữ nguyên mức thuế. Số dòng thuế còn lại sẽ giảm xuống mức 4,5% kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực và 4% vào ngày 31-12-2015 đối với các nước ASEAN6, các nước CLMV sẽ thực hiện chậm hơn 5 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực. Tương tự các FTA khác, mức độ cắt giảm thuế của Việt Nam trong giai đoạn đầu là không cao, nhưng sẽ tăng lên trong các năm cuối của lộ trình cắt giảm.
Thứ ba, đối với các cam kết song phương. Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) là hiệp định tự do hóa thương mại song phương đầu tiên của Việt Nam và là hiệp định đối tác kinh tế thứ mười của Nhật Bản. Cam kết thuế quan mà Việt Nam và Nhật Bản đưa ra trong VJEPA không giống với mô hình cụ thể trong một số FTA khác mà là theo phương thức yêu cầu - bản chào. Về mức cam kết chung, Việt Nam đồng ý tự do hóa đối với 87,7% kim ngạch thương mại trong vòng 10 năm. Cụ thể là Việt Nam đưa vào lộ trình cắt giảm đối với 8.873 dòng thuế trong tổng số 9.390 dòng thuế của biểu cam kết. Mức cam kết của Việt Nam dành cho Nhật Bản là khá thấp so với các nước ASEAN đã ký hiệp định song phương với Nhật Bản. Về phía mình, Nhật Bản cam kết tự do hóa 94,5% kim ngạch thương mại trong vòng 10 năm.
Trong tháng 5-2015, Việt Nam ký FTA với Hàn Quốc và Liên minh Hải quan Nga - Ca-dắc-xtan - Bê-la-rút (VCUFTA). Theo đó, Hàn Quốc tự do hóa 97,2% giá trị nhập khẩu, chiếm 95,4% số dòng thuế. Việt Nam cắt giảm thuế quan với 92,7% giá trị nhập khẩu (tính theo số liệu năm 2012), chiếm 89,2% số dòng thuế. Việt Nam và VCUFTA dự kiến sẽ dành cho nhau mức mở cửa thị trường hàng hóa chiếm khoảng 90% số dòng thuế, tương đương vào khoảng trên 90% kim ngạch thương mại song phương.
Như vậy, trong các hiệp định AFTA, ACFTA và AKFTA, ASEAN6, Trung Quốc và Hàn Quốc đều phải đưa thuế nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng về 0% từ ngày 01-1-2010, nhưng Việt Nam chỉ phải thực hiện nghĩa vụ này từ ngày 1-1-2015 hay 1-1-2016 (đối với AKFTA). Gần 100% mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang các nước ASEAN6 không chịu thuế quan từ năm 2010; Trung Quốc và Hàn Quốc đã bỏ thuế nhập khẩu cho 90% số dòng thuế từ năm 2010; 95% số dòng thuế và 94% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đã không chịu thuế quan từ năm 2009; 96,4% số dòng thuế của Ô-xtrây-li-a và gần 85% số dòng thuế của Niu Di-lân đã đạt mức 0% từ năm 2010. Năm 2018, 100% hàng xuất khẩu của Việt Nam sang hai nước này sẽ không phải chịu thuế quan.
Những vấn đề đặt ra
Việc Việt Nam tham gia và thực hiện các cam kết của các FTA đa phương, khu vực và song phương thời gian qua đã mang lại môi trường thuận lợi cho sự phát triển các hoạt động thương mại, đầu tư trước và sau khi nước ta gia nhập WTO. Về tăng trưởng kinh tế, dưới tác động cộng hưởng của hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình của Việt Nam trong giai đoạn 1995 - 1997 là 8,8%. Những năm sau đó, 2001 - 2007, mặc dù chịu tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, song nhờ những tác động tích cực của việc thực hiện các FTA, Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng GDP bình quân hằng năm trong giai đoạn này là 6,94%. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã tác động mạnh đến nền kinh tế Việt Nam, tuy nhiên, Việt Nam đã lấy lại được đà phục hồi khả quan với tốc độ GDP tăng từ mức 5,42% (năm 2013) lên 5,98% (năm 2014). Cơ cấu các ngành trong GDP của cả nước có sự thay đổi đáng kể, đặc biệt là tăng đối với các ngành công nghiệp, từ mức 14% (năm 1996) lên 30,7% (năm 2001), 32% (năm 2007) và 32,7% (năm 2012); tỷ trọng đóng góp GDP của ngành nông - lâm - thủy sản có xu hướng giảm từ mức 26,9% (năm 1999) xuống 18,12% (năm 2014). Tỷ trọng đóng góp của các ngành khác, như xây dựng, hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm dịch vụ thị trường và các ngành dịch vụ khác, về cơ bản, không có sự biến động lớn.
Đánh giá một cách tổng thể, việc hội nhập thị trường thương mại quốc tế đã có những tác động tích cực tới phát triển nền kinh tế quốc gia, tuy nhiên chúng ta vẫn chưa thực sự tận dụng tốt những cơ hội mà các FTA mang lại. Thực tế là, nền kinh tế nước ta đang rơi vào xu hướng nhập siêu cao và phụ thuộc vào các thị trường bên ngoài.
Một là, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là nhóm hàng sơ cấp, hàng tiêu dùng có trình độ công nghệ thấp, có giá trị gia tăng thấp, trong khi đó nhập khẩu chủ yếu là nhóm hàng có công nghệ trung bình và tiếp đến là nhóm hàng dựa vào khai thác tài nguyên. Việt Nam nhập khẩu chính nhóm hàng trung gian và nhóm hàng tư liệu sản xuất với tỷ trọng cao. Điều đặc biệt cần lưu tâm là trong kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng trung gian cao thì nhóm hàng bán thành phẩm lại chiếm đến 68,3%. Việc nhập quá nhiều nhóm hàng này không có nhiều ý nghĩa kinh tế, mà trái lại, khiến cho nền kinh tế yếu đi vì các hàng hóa trong nước cùng loại khó có thể cạnh tranh được với nhóm hàng này do áp thuế nhập khẩu thấp.
Hai là, hiện nay, trong số 6 quốc gia và khối nước lớn (Trung Quốc, ASEAN, EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc) thì có tới 5 đối tác tham gia các FTA với Việt Nam (gồm Hoa Kỳ, ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc).
Trên thực tế, Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Nếu như năm 1997 (hai năm sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ), tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ chỉ đạt mức 287 triệu USD, năm 2000 đạt 733 triệu USD, thì đến năm 2012 đạt con số kỷ lục là 19.668 triệu USD. Xét cán cân thương mại, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ lớn hơn rất nhiều so với kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường này. Nếu như năm 2001, mức chênh lệch chỉ là 2,6 lần thì năm 2006 tăng lên 7,9 lần, sau đó giảm xuống mức 4,1 lần vào năm 2012. Chính vì vậy, Việt Nam luôn có thặng dư thương mại từ thị trường Hoa Kỳ với mức rất cao là 14,8 tỷ USD vào năm 2012.
Xét một cách tổng thể, nhìn chung nền kinh tế Việt Nam và Hoa Kỳ có mức độ bổ trợ cho nhau khá lớn, Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ chủ yếu là nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu nên cho dù nền kinh tế Hoa Kỳ có chịu ảnh hưởng lớn bởi cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu, thì kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Hoa Kỳ vẫn tăng. Do vậy, Việt Nam cần kiểm soát tốt hơn việc nhập khẩu nhóm hàng bán thành phẩm, có hình thức trợ giúp doanh nghiệp nhập khẩu công nghệ, máy móc thiết bị tiên tiến từ Hoa Kỳ để nâng cao năng lực cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tránh tình trạng phụ thuộc kéo dài.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Nhật Bản kể từ năm 1999 đến nay có mức tăng trưởng rất mạnh, từ 1.618 triệu USD (năm 1999) lên 9.016 triệu USD (năm 2011). Trong đó, nhập khẩu chủ yếu là nhóm hàng hóa trung gian và tư liệu sản xuất. Nhật Bản là nền kinh tế thuộc nhóm G7, có công nghệ nguồn nên việc nhập tư liệu sản xuất đầu vào cho quá trình sản xuất trong nước có ý nghĩa rất lớn đối với việc nâng cao mặt bằng trình độ công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam. Về xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Nhật Bản, nhóm hàng tiêu dùng luôn có kim ngạch xuất khẩu rất cao, đạt mức 3.136 triệu USD vào năm 2010. Khác với các thị trường khác, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng thô hay sơ chế của Việt Nam sang Nhật Bản ở mức thấp, và thấp hơn của kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng trung gian. Như vậy, về cán cân thương mại hàng hóa song phương, Việt Nam luôn có thặng dư thương mại đối với nhóm hàng tiêu dùng và nhóm hàng thô. Trong khi đó, nhóm hàng trung gian, đặc biệt là bán thành phẩm và tư liệu sản xuất có mức thâm hụt ngày càng tăng.
Trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, nhóm hàng công nghiệp có mức thâm hụt thương mại cao nhất và được coi là nguyên nhân gây ra tình trạng nhập siêu cao của Việt Nam ở thị trường này. Việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu của Việt Nam thông qua công xưởng chế tác của Trung Quốc chủ yếu dưới dạng hàng thô và bán thành phẩm. Về nhập khẩu, Việt Nam nhập từ Trung Quốc chủ yếu là nhóm hàng trung gian, tiếp đến là nhóm hàng tư liệu sản xuất. Đây được xem là một trong những lý do tại sao hàng hóa của Trung Quốc ngày càng tràn ngập thị trường Việt Nam với giá rẻ, khiến Nhà nước thất thu thuế, hàng hóa Việt Nam bị lấn át ngay tại thị trường nội địa.
Đối với ASEAN, xét cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam với ASEAN5, ngoại trừ nhóm hàng nông phẩm chưa qua chế biến, các nhóm hàng công nghiệp, nông phẩm chế biến, phế phẩm quặng và nguyên liệu thô có mức thâm hụt thương mại ngày càng tăng, trong đó hàng công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất, gây ra tình trạng nhập siêu của Việt Nam từ ASEAN5.
Tính theo mục đích sử dụng, Việt Nam nhập khẩu từ Hàn Quốc chủ yếu nhóm hàng trung gian (chiếm trên 70%), đặc biệt là nhóm hàng bán thành phẩm (khoảng 55%), tiếp đến là nhóm hàng linh phụ kiện (13%) và nhóm hàng tư liệu sản xuất. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt mức thấp và chủ yếu là nhóm hàng tiêu dùng. Hàn Quốc là thị trường mà Việt Nam có thâm hụt thương mại lớn sau Trung Quốc.
Ba là, tác động của cơ cấu kinh tế đến nhu cầu nhập khẩu ở cấp vĩ mô và cấp ngành. Phân tích bằng phương pháp phân rã tác động của các nhân tố cầu đến nhu cầu nhập khẩu có thể thấy, tích lũy vốn và xuất khẩu ngày càng có những tác động lớn hơn đối với nhập khẩu ở cả cấp vĩ mô và cấp ngành. Nếu như năm 1996, chỉ số kích thích nhập khẩu của tiêu dùng tư nhân là 1,19; tích lũy vốn là 1,31; xuất khẩu là 1,25, thì đến năm 2000, những con số tương ứng là 1,25, 1,45 và 1,31, và năm 2007 là: 1,33, 1,59 và 1,46. Điều này có nghĩa là, nếu năm 1996, tăng 1 đơn vị tiêu dùng tư nhân, tích lũy vốn và xuất khẩu thì mức độ lan tỏa đến nhập khẩu là 1,19, 1,31 và 1,25, nhưng đến năm 2000 thì các giá trị này đã tăng lên với 1,25, 1,45 và 1,31 và 1,33; 1,59 và 1,46 cho năm 2007. Như vậy, xu hướng nhập khẩu ngày càng tăng để đáp ứng cả nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Xem xét cơ cấu các nhân tố gây ra cầu nhập khẩu, nhu cầu tiêu dùng nội địa là yếu tố đóng vai trò quan trọng nhất. Điểm đáng chú ý ở đây là quá trình chuyển dịch cơ cấu cầu nhập khẩu. Tỷ trọng của tiêu dùng tư nhân liên tục giảm, từ 53,1% (năm 1996) xuống 43,5% (năm 2000) và 37,2% (năm 2007). Trong khi đó, tỷ trọng của tích lũy vốn tăng nhanh, từ 24,2% (năm 1996) lên 32,2% (năm 2007). Tương tự tích lũy vốn, tác động của xuất khẩu đến nhập khẩu cũng gia tăng, từ mức 20% (năm 1996) lên 28,5% (năm 2007). Như vậy, việc kim ngạch xuất khẩu của nước ta tăng nhanh trong giai đoạn vừa qua cũng chính là một trong những nhân tố thúc đẩy nhập khẩu. Nói cách khác, Việt Nam càng gia tăng xuất khẩu thì đồng thời cũng phải tăng nhập khẩu.
Kết quả phân rã tác động của các nhân tố phía cầu đối với nhu cầu nhập khẩu cũng khẳng định, sự thay đổi trong nhu cầu nhập khẩu gắn liền với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Phân tích chuyển dịch cơ cấu giá trị gia tăng cho thấy xu hướng dịch chuyển từ các ngành thâm dụng lao động sang các ngành thâm dụng vốn khá rõ rệt. Điều này thể hiện qua các con số: Tỷ trọng nhóm các sản phẩm vật liệu xây dựng, nhóm các sản phẩm công nghiệp hóa chất và nhóm các sản phẩm công nghiệp nặng và máy móc, thiết bị đã tăng từ 1,69%, 0,87% và 1,98% (năm 1996) lên 1,59%; 1,49% và 3,49% (năm 2000) và lên 2,48%, 2,62% và 9,43% (năm 2007). Tỷ trọng nhóm các sản phẩm phục vụ thị trường tiêu dùng nội địa đã giảm từ 7,27% (năm 1996) xuống 5,57% (năm 2000) và 4,69% (năm 2007). Riêng nhóm các sản phẩm chế tác có tỷ trọng xuất khẩu lớn có sự gia tăng tỷ trọng từ 5,24% (năm 2000) lên 7,95% (năm 2007).
Dựa vào chỉ số lan tỏa kinh tế có thể thấy, cơ cấu kinh tế Việt Nam đang hướng mạnh vào khu vực công nghiệp. Đây chính là các ngành gây ra nhu cầu nhập khẩu, thể hiện ở chỉ số kích thích nhập khẩu cao hơn 1. Nếu những ngành này sử dụng nguồn lực đầu vào không hiệu quả sẽ có tác động rất lớn tới việc nhập khẩu chung của nền kinh tế.
Bốn là, hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực đầu vào của các doanh nghiệp còn thấp. Trên thực tế, các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam, nhất là những ngành có hệ số kích thích nhập khẩu cao, có hiệu quả hoạt động thấp, chỉ đạt dưới 40% mức hiệu quả tối ưu do việc sử dụng các nguồn lực đầu vào của các ngành này chưa hợp lý. Thí dụ, trong các nhóm ngành hóa chất hữu cơ và vô cơ căn bản; phân bón, thuốc trừ sâu, hợp chất ni-tơ; sản phẩm hóa chất khác và sợi nhân tạo; sợi và dệt kim và xăng, dầu mỡ, có đến 468.627 lao động và 26.127 tỷ đồng (tương đương 5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2007) ở 2.177 doanh nghiệp thuộc 6 nhóm quy mô, được phân bổ và sử dụng không hiệu quả, bị lãng phí. Trong đó, có 313.928 lao động và 18.447 tỷ đồng sử dụng không hiệu quả do các yếu tố nội tại của doanh nghiệp gây ra, và, 155.230 lao động và 7.872 tỷ đồng do các yếu tố môi trường kinh doanh. Điều này, một mặt, gây lãng phí rất lớn cho nền nền kinh tế; mặt khác, làm giảm năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam thấp, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của các doanh nghiệp của các nước cùng tham gia FTA với Việt Nam.
Một số giải pháp
Từ kết quả nghiên cứu đã được phân tích ở trên, các nhóm giải pháp được đưa ra bao gồm:
Thứ nhất, nhóm giải pháp đối với những nhóm ngành có hệ số lan tỏa kinh tế cao.
Đây là nhóm giải pháp ưu tiên hàng đầu vì việc đầu tư phát triển đối với các nhóm ngành này sẽ kéo theo sự tăng trưởng và phát triển của toàn bộ các ngành cung ứng (sản phẩm, dịch vụ) của toàn hệ thống. Hơn nữa, những nhóm ngành này có chỉ số kích thích nhập khẩu nhỏ và đều là những nhóm ngành mà Việt Nam có lợi thế nên việc kích thích các ngành này tăng trưởng và phát triển hầu như sẽ không kích thích các ngành khác nhập khẩu. Đa phần đầu vào sản xuất của những nhóm ngành này đều thuộc lĩnh vực nông - lâm - thủy sản, trong khi Việt Nam là một đất nước nông nghiệp. Thời gian qua, chúng ta chưa quan tâm nhiều đến những ngành làm tăng giá trị tăng các sản phẩm nông - lâm - thủy sản, khiến giá trị tăng thêm trong các ngành này thấp. Do vậy, cần đẩy mạnh công nghiệp hóa lĩnh vực nông - lâm - thủy sản để tạo tác động lan tỏa kinh tế, giảm nhập siêu, bình ổn vĩ mô, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững.
Thứ hai, nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực đầu vào cho các doanh nghiệp.
Đây là nhóm giải pháp thực hiện trong trung hạn và dài hạn. Việc thực hiện các nhóm giải pháp này sẽ giúp các doanh nghiệp trong các ngành, đặc biệt là những ngành có chỉ số kích thích nhập khẩu cao, nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực đầu vào, không chỉ giảm nhu cầu nhập khẩu cho sản xuất của các ngành này mà còn giảm nhập khẩu cho các ngành khác có liên quan. Muốn vậy, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp cần có những chính sách phù hợp, thỏa đáng và kịp thời để nâng cao trình độ công nghệ, máy móc, thiết bị trong các doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trình độ quản trị doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần nắm rất rõ lộ trình cắt giảm thuế mà Việt Nam cam kết trong mỗi FTA để tranh thủ tận dụng cơ hội và có sự chuẩn bị để sẵn sàng thực hiện khi đến thời hạn chúng ta phải cắt giảm thuế theo cam kết.
Thứ ba, nhóm giải pháp đối với nhóm ngành có chỉ số kích thích nhập khẩu cao.
Cơ bản đây là những nhóm ngành có những đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế, giải quyết việc làm vì trong số những nhóm ngành này, có những nhóm ngành thâm dụng lao động. Việc tạo công ăn việc làm cho người lao động cũng là một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu của Chính phủ. Đối với những nhóm ngành này cần hạn chế hình thức gia công để tăng hàm lượng giá trị tăng thêm trong sản phẩm hàng hóa. Đồng thời, quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu đầu vào để giảm sự phụ thuộc vào đầu vào nhập khẩu; tránh nhập khẩu những công nghệ, máy móc, thiết bị thải loại, lạc hậu, tiêu hao nhiều nguyên vật liệu đầu vào và không thân thiện với môi trường; nhập khẩu máy móc thiết bị có trình độ công nghệ cao và tiên tiến từ những nước có công nghệ nguồn, như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản,... để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Để làm được việc đó, cần thiết lập những hàng rào phi thuế quan/hàng rào kỹ thuật với những yêu cầu khắt khe nhưng vẫn bảo đảm phù hợp với quy định của các tổ chức quốc tế mà Việt Nam tham gia; có những biện pháp trợ giúp phù hợp và kịp thời như phát triển hình thức bảo lãnh tín dụng để các doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện tiếp cận với các công nghệ cao. Ngoài ra, có những giải pháp thỏa đáng và đặc thù thu hút các doanh nghiệp từ những nước có nền công nghiệp phát triển đầu tư vào Việt Nam để sản xuất các loại máy móc, thiết bị hiện đại, có trình độ công nghệ cao cung cấp cho các doanh nghiệp trong nước.
Thứ tư, nhóm giải pháp đặc thù đối với từng đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam.
Trên cơ sở tính bổ trợ cao giữa trao đổi hàng hóa, Việt Nam cần có những chính sách riêng đặc thù đối với từng đối tác cụ thể. Việc nghiên cứu sâu và có chính sách thích hợp để tạo thế cân bằng trong cán cân thương mại, giảm thiểu những tác động tiêu cực từ các thị trường này, tránh bị phụ thuộc lâu dài là cần thiết.
Đối với các thị trường mà Việt Nam luôn có thâm hụt thương mại cao, có nhiều yếu tố bất lợi cần có những nghiên cứu riêng biệt. Trên cơ sở đó, đưa ra những chính sách đặc thù vừa bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế, vừa giảm thiểu những tác động tiêu cực từ hoạt động giao thương giữa Việt Nam và các đối tác này, từng bước giảm sự phụ thuộc, đồng thời cần có hình thức trợ giúp phù hợp để doanh nghiệp chuyển hướng nhập khẩu máy móc thiết bị từ các thị trường có công nghệ nguồn./.
------------------------------------------
(1) Danh mục IL là danh mục các sản phẩm mà các nước thành viên đã sẵn sàng cắt giảm thuế. Hằng năm, Việt Nam ban hành Nghị định thư công bố thực hiện CEPT/AFTA cho năm đó
(2) Danh mục GEL là danh mục các sản phẩm sẽ không đưa vào tham gia AFTA vì các lý do bảo vệ an ninh quốc gia; đạo đức xã hội, sức khỏe, cuộc sống của con người và động, thực vật; bảo vệ các tác phẩm có giá trị nghệ thuật, lịch sử và khảo cổ học
(3) Hiện nay, Việt Nam đã chuyển hết các mặt hàng thuộc SL sang IL để thực hiện cắt giảm thuế quan
(4) EHP là một cơ chế ưu đãi thuế quan hẹp, được thực hiện từ năm 2004, ngay sau khi Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN - Trung Quốc được ký kết
(5) NT bao gồm 90% tổng số dòng thuế với lộ trình giảm thuế xuống 0% vào năm 2010 đối với ASEAN6 và Trung Quốc; Việt Nam có lộ trình dài hơn 5 năm
(6) Những mặt hàng thuộc SL không có lịch trình giảm thuế cụ thể theo từng năm, nhưng bị giới hạn mức thuế suất cuối cùng và năm cuối cùng thực hiện. Đối với Việt Nam, thuế suất giảm xuống mức 20% vào năm 2015. và tiếp tục giảm xuống mức 0%-5% vào năm 2020. Đối với HSL, Việt Nam phải giảm thuế suất xuống bằng 50% hoặc thấp hơn vào năm 2018
(7) Lộ trình HSL gồm 5 nhóm từ A đến E. Nhóm A: Việt Nam giảm xuống 50% vào 1-1-2021. Nhóm B và C: Việt Nam cắt giảm 20% mức thuế suất vào 1-1-2021. Nhóm D hạn chế ngạch thuế quan được thỏa thuận song phương. Nhóm E: loại trừ 40 dòng thuế HS 6 số không thực hiện cắt giảm và loại bỏ thuế quan
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với việc thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”  (21/08/2015)
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với việc thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”  (21/08/2015)
Gay cấn ngày cuối đăng ký hồ sơ đại học nguyện vọng một  (20/08/2015)
Phó Thủ tướng: Việt Nam đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới  (20/08/2015)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên