Những điểm nhấn kinh tế Thủ đô năm 2014
TCCSĐT - Cùng với đà phục hồi chung của cả nước, kinh tế Thủ đô năm 2014 cũng ghi nhận những chuyển biến tích cực trong tất cả các ngành, lĩnh vực chủ yếu. Những kết quả có được là nhờ sự nỗ lực của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân và sự đồng hành của cả hệ thống chính trị, các cơ quan quản lý, chính quyền các cấp; đồng thời là cơ sở quan trọng tạo đà cho việc triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2015.
Kinh tế Thủ đô có sự cải thiện ở hầu hết các lĩnh vực
Cả năm 2014, tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 8,8% (kế hoạch thành phố đề ra từ 8,5 - 9%); trong đó, giá trị tăng thêm của ngành nông lâm nghiệp thuỷ sản là 2% (đóng góp 0,1% vào mức tăng chung của GRDP); giá trị tăng thêm ngành công nghiệp, xây dựng là 8,5% (đóng góp 3,6%); giá trị tăng thêm ngành dịch vụ là 9,6% (đóng góp 5,1%). Tổng mức doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 12,5% so với cùng kỳ, trong đó, bán lẻ tăng 12,2% (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,1%). Mức tăng xuất khẩu cao hơn hẳn mức tăng nhập khẩu. Cụ thể: Kim ngạch xuất khẩu tăng 11,7% so cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu địa phương tăng 10,4%; Kim ngạch nhập khẩu tăng 4,3% so cùng kỳ, trong đó, nhập khẩu địa phương tăng 5,1%. Bất chấp sự kiện biển Đông giữa năm, Hà Nội vẫn đón trên 2.007 nghìn lượt khách quốc tế, tăng 9,4% so cùng kỳ năm trước.
Mặc dù lãi suất huy động ngân hàng liên tục giảm, nhưng tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng vẫn tăng, cơ cấu tín dụng tích cực hơn. Ứớc đến hết tháng 12-2014 so với cùng kỳ năm trước, tổng nguồn vốn huy động là 1.203,9 nghìn tỷ đồng, tăng 15,1%, trong đó tiền gửi tiết kiệm tăng 9,5%, phát hành giấy tờ có giá tăng 45,1%; Tổng dư nợ cho vay đạt 1.035,6 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm trước, trong đó dư nợ ngắn hạn tăng 4,2%, dư nợ trung và dài hạn tăng 21,5%.
Một nét mới nổi trội là sự phục hồi của thị trường bất động sản phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở bình dân trong năm 2014. Độ ấm dần của thị trường bất động sản là minh chứng cho thấy sự tiềm tàng nhu cầu thực trên thị trường bất động sản, nhất là nhu cầu nhà ở xã hội. Mức chuyển sáng trên thị trường bất động sản cũng là hội tụ kết quả của sự nhận diện và tháo gỡ đúng đắn, kịp thời những khó khăn, bất cập trong đầu tư và cơ cấu bất động sản; sự điều chỉnh tích cực trong quản lý nhà nước về quy hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, định giá đất, tiếp tục nới điều kiện tiếp cận gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ cho người thu nhập thấp vay mua, thuê, xây mới và cải tạo nhà. Hướng mở triển vọng cho thị trường bất động sản là phân khúc nhà ở xã hội có diện tích và giá cả vừa phải, chất lượng bảo đảm; nhà và mặt bằng kinh doanh được tiêu thụ theo phương thức cho thuê, thuê - mua và mua - cho thuê; các căn hộ chung cư trung - cao cấp được quản lý bởi các công ty ủy thác, khai thác chuyên nghiệp có trách nhiệm cao, giá hợp lý… Trên thực tế có rất nhiều căn cứ để tin rằng, một chu kỳ mới của thị trường bất động sản đang hình thành, ngày càng tăng trưởng về quy mô, tốc độ, cân bằng và hiệu quả hơn vào những năm cuối thập kỷ này, tạo sức mạnh lan toả mạnh mẽ đến phát triển kinh tế và việc làm; đồng thời, cũng đòi hỏi tăng cường quản lý nhà nước thống nhất, hài hòa lợi ích trên thị trường bất động sản vì ổn định vĩ mô và an ninh quốc gia…
Lạm phát thấp và môi trường đầu tư được cải thiện
Năm 2014, cũng như cả nước, CPI trên địa bàn Thủ đô có mức tăng thấp nhất trong 10 năm qua; trong đó, Hà Nội có CPI tháng 3 giảm 0,15%, tháng 5 giảm 0,07%, tháng 11 giảm 0,3% và tháng 12 giảm 0,23% so với tháng trước. Chỉ số CPI thấp, ngoài các nguyên nhân do giá xăng, dầu và giá gas… giảm (khoảng hơn 20%) và sự phát triển hệ thống bán buôn, bán lẻ, và gia tăng khuyến mại, còn phải kể đến thành công của Chính phủ cũng như của Thành phố trong công tác điều hành kinh tế suốt thời gian qua, nhất là hiệu quả kiểm soát vĩ mô giá một số mặt hàng thiết yếu, đầu vào, có tính độc quyền và nhạy cảm cao... Lạm phát thấp đã góp phần cải thiện mức sống thực tế của người dân; củng cố sức mua đồng nội tệ, khả năng thanh khoản, giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay tín dụng ngân hàng; nâng cao uy tín quốc gia; củng cố niềm tin tiêu dùng và lòng tin thị truờng; tăng sức hấp dẫn đầu tư vào Việt Nam và Thủ đô. Đặc biệt, chỉ số CPI thấp, trong khi mức tăng GDP và xuất khẩu vẫn giữ được nhịp độ khá. Tăng trưởng tín dụng không cao và vốn đầu tư nhà nước trên địa bàn chỉ tăng 3,9%, đã ít nhiều cho thấy sự nhạt bớt ám ảnh lệ thuộc tăng trưởng phải dựa vào tăng vốn đầu tư công và phá giá VND, tạo hệ lụy lạm phát cao, như cái giá phải trả và là vòng luẩn quẩn định mệnh khắc nghiệt như quan niệm định kiến bấy lâu nay. Mặc dù, CPI thấp mang lại e ngại về sức mua thị truờng thấp và trì trệ thị trường hàng hóa trong nước bị tô đậm hơn, nhưng vẫn là tín hiệu đáng mừng và bật sáng nhiều kỳ vọng mới tích cực hơn cho năm 2015.
Chỉ số CPI thấp còn làm tăng sức hấp dẫn môi trường đầu tư và ngược lại, môi trường đầu tư được cải thiện góp phần kiểm chế mức CPI. Trong năm 2014, Thành phố đã chủ động thực hiện 7 nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy chương trình bình ổn giá, chương trình khuyến mại đa dạng của các doanh nghiệp, chương trình liên kết kinh tế và cung cầu hàng hóa dịch vụ giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố khác, tăng cường xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu... Thực hiện những giải pháp này, nhiều tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố cũng tích cực đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn, thông thoáng hơn, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải ngân, giảm bớt phiền hà cho khách hàng vay vốn, nhưng vẫn bảo đảm an toàn và phù hợp với quy định của pháp luật. Đặc biệt, Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 105/KH-UBND ngày 20-5-2014 về thực hiện Chương trình kết nối Ngân hàng - doanh nghiệp, khuyến khích ngân hàng thương mại tăng vốn cho vay với lãi suất vay ngắn hạn 6,5 - 7,5%/năm và cho vay trung và dài hạn ở mức 10%/năm cho các hộ sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp, nhất là đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh ưu tiên. Đến nay, đã có 23 ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng thương mại cùng hàng trăm doanh nghiệp tham gia, hưởng lợi từ chương trình này với mức hỗ trợ giảm lãi suất hàng ngàn tỷ đồng.
Môi trường kinh doanh được cải thiện còn thể hiện ở việc ước tính năm 2014, Hà Nội cấp phép mới 295 dự án FDI trị giá 320 triệu USD; tăng vốn 90 dự án FDI, trị giá 810 triệu USD. Lũy kế tới cuối năm 2014, Hà Nội đứng thứ ba cả nước, với gần 3.000 dự án đầu tư FDI, tổng vốn hơn 23,4 tỷ USD, chiếm 17% tổng số dự án và 9,4% tổng vốn đầu tư FDI tại Việt Nam. 10 tháng đầu năm 2014, trên địa bàn có 14.460 doanh nghiệp được thành lập mới, tăng 1,47% so với năm trước. Tổng số doanh nghiệp ngừng hoạt động là 10.268, tăng 1,88% so cùng kỳ (trong đó giải thể 646 doanh nghiệp, bỏ kinh doanh 6.911 doanh nghiệp, tạm ngừng kinh doanh 2.711 doanh nghiệp). Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn đạt 313.214 tỷ đồng, tăng 12,1% so với năm trước. Năm 2014, thành phố Hà Nội đã phát hành trái phiếu xây dựng thủ đô với khối lượng 3.000 tỷ đồng phân bổ cho các dự án, công trình trọng điểm.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 15-12, trên HNX có 365 doanh nghiệp niêm yết, tăng 6,3%, giá trị vốn hóa đạt 138.012 tỷ đồng, tăng 29,1% so với đầu năm; trên Upcom có 168 doanh nghiệp niêm yết đạt 23.372 tỷ đồng, tăng 14,4%, giá trị vốn hóa đạt 36.515 tỷ đồng, tăng 41,8% so với đầu năm. Lũy kế từ đầu năm, khối lượng giao dịch trên HNX đạt 16.304 triệu cổ phiếu chuyển nhượng với giá trị chuyển nhượng đạt 191.261 tỷ đồng, tăng 64,0% về khối lượng và 148,0% về giá trị so với cùng kỳ. Ngày 15-12-2014, HNX chính thức cho ra mắt chỉ số HNX30-TRI (Chỉ số tổng thu nhập). Với chỉ số này, các nhà đầu tư sẽ có thêm công cụ để đánh giá hiệu quả đầu tư đối với các sản phẩm ETF đầu tư trên chỉ số.
Đặc biệt, trong năm 2014, ước tính, Thành phố đã giải quyết việc làm cho 140.450 lao động, đạt 100,3% kế hoạch, đưa tỷ lệ hộ nghèo năm 2014 giảm xuống còn là 2,08%, thấp hơn so với mức 2,43% năm 2013.
Và những thách thức
Công tác quản lý đất đai, quản lý thuế của Hà Nội vẫn còn có những bất cập. Năm 2014, Hà Nội ghi nhận mức nợ đọng thuế, phí khá lớn (tăng hơn 30% so với năm 2013), dù có giảm vào những tháng cuối năm. Nguyên nhân được xác định do nhiều doanh nghiệp, tổ chức kinh tế khó khăn về tài chính, mất khả năng thanh toán.
Hà Nội cũng còn khá bị động trong vấn đề liên kết và phát huy vai trò kinh tế Hà Nội trong khu vực vùng Thủ đô.
Ngoài ra, những động thái về phát triển công nghiệp chủ lực còn nhiều điểm chưa thật an tâm. Các ngành công nghiệp chủ lực và công nghiệp chế biến chế tạo của Thành phố vẫn tăng, nhưng mức tăng còn thấp. Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cộng dồn 11 tháng cũng chỉ tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước. Tại thời điểm ngày 01-12-2014, chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,8% so với tháng trước và tăng 7% so với cùng thời điểm năm trước; còn chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp tăng 2,3% so cùng thời điểm năm trước.
Tổng thu ngân sách trên địa bàn dự kiến cả năm đạt 130.100 tỷ đồng, tăng 3,1% so với dự toán năm, nhưng tổng chi ngân sách địa phương là 52.509 tỷ đồng, tăng 13% so với dự toán năm.
Bên cạnh đó, thị trường rau và thực phẩm sạch trên địa bàn Thủ đô vẫn còn bị tắc nghẽn do công tác tổ chức thị trường, chưa có sự gặp nhau cung - cầu; người mua vẫn khó mua được rau và thực phẩm sạch, còn người bán thì vẫn lúng túng trong khâu tìm đầu ra...
Những nỗ lực, thành công và cả những thách thức được ghi nhận trong thời gian qua là điểm tựa và đòi hỏi cho Thành phố tiếp tục nỗ lực phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch 5 năm (2011 - 2015) và tiếp tục thực hiện hiệu quả “Năm trật tự và văn minh đô thị”.../.
Giá dầu thế giới giảm tác động thế nào tới kinh tế Việt Nam?  (01/02/2015)
Giá dầu thế giới giảm tác động thế nào tới kinh tế Việt Nam?  (01/02/2015)
Doanh nghiệp Việt Nam trước thách thức “thua trên sân nhà”  (01/02/2015)
Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn về quá tải bệnh viện  (01/02/2015)
Vinh danh Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là Di sản thế giới  (01/02/2015)
Lãnh đạo thế giới lên tiếng sau vụ IS hành quyết con tin Nhật Bản  (01/02/2015)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển