Chính sách kinh tế mới của V.I. Lê-nin - Cơ sở lý luận và thực tiễn quan trọng của đường lối đổi mới

TS. Nguyễn Thị Thanh Huyền Trường Đại học Luật Hà Nội
21:54, ngày 16-06-2014
TCCSĐT - Chính sách kinh tế mới của V.I. Lê-nin có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc xây dựng CNXH không chỉ ở Liên Xô trước đây mà còn cả đối với các nước kém phát triển đi lên CNXH như nước ta. Nó là một bộ phận hợp thành cơ sở lý luận và thực tiễn của đường lối đổi mới của Đảng ta.

Chính sách kinh tế mới của V.I. Lê-nin

Chính sách kinh tế mới (NEP) do V.I. Lê-nin đề ra vào mùa xuân năm 1921 nhằm mục đích tiến hành công cuộc xây dựng CNXH sao cho phù hợp với điều kiện tồn tại thực tế khách quan. “Điều quan trọng là ở chỗ việc chúng ta thay đổi chính sách kinh tế là hoàn toàn căn cứ vào những điều kiện thực tế và sự tất yếu do hoàn cảnh thực tế đặt ra”(1). V.I. Lênin đã chỉ ra: “Chính sách kinh tế mới có ý nghĩa là thay chế độ trưng thu lương thực thừa bằng chế độ thu thuế, là chuyển sang việc khôi phục chủ nghĩa tư bản trên một mức độ lớn. Tô nhượng cho các nhà tư bản ngoại quốc,... cho các nhà tư bản tư nhân thuê, việc đó chính là trực tiếp khôi phục lại chủ nghĩa tư bản và việc đó gắn liền với nguồn gốc của chính sách kinh tế mới”.(2)

Theo chính sách kinh tế mới, nhà nước cho phép những người sản xuất nhỏ được tự do buôn bán và "việc trao đổi hàng hoá”, mua bán bằng tiền được coi là “đòn xeo chủ yếu của chính sách kinh tế mới, được đặt lên hàng đầu"(3). Trong nông nghiệp, nhà nước chỉ thu của nông dân một số thuế nhất định và ấn định trước số thuế đó, những nông sản còn lại người nông dân được tự do mua bán trên thị trường. Qua đó đã tạo được động lực kích thích nông dân phát triển sản xuất, tạo ra nhiều nông sản hàng hoá. Nhưng theo V.I. Lê-nin, tự do buôn bán là "khôi phục chủ nghĩa tư bản trên một mức độ lớn", “là tự do của chủ nghĩa tư bản”(4). Tuy nhiên, cần phải "dung nạp" chủ nghĩa tư bản, vì nó cần cho đông đảo quần chúng nông dân và cho tư bản tư nhân - những người phải buôn bán để thoả mãn nhu cầu của nông dân. Đối với tư bản nước ngoài, phải thu hút, thông qua chính sách tô nhượng nhà nước cho nhà tư bản nước ngoài thuê xí nghiệp, hầm mỏ, khu rừng, đất đai, mỏ dầu..., thông qua những hợp đồng buôn bán với các nước tư bản lớn, và những hình thức khác để khôi phục và phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nhận của họ những sản phẩm công nghiệp, những máy móc. “Chính quyền Xô viết mời các nhà tư bản nước ngoài nào muốn có các tô nhượng ở nước Nga”(5). Và “Tất cả các đồng chí đều phải làm kinh tế. Bên cạnh các đồng chí sẽ có những nhà tư bản, cũng sẽ có những nhà tư bản nước ngoài… Họ sẽ làm giàu bên cạnh các đồng chí. Cứ để cho họ làm giàu; còn các đồng chí thì sẽ học ở bọn họ cách quản lý kinh tế, chỉ có như thế, các đồng chí mới xây dựng được nước cộng hòa cộng sản chủ nghĩa”(6). Đồng thời, cần tìm cách hướng nó vào con đường của chủ nghĩa tư bản nhà nước để nhà nước XHCN có thể điều tiết, dẫn dắt nó nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng CNXH.

Đối với kinh tế nhà nước thì áp dụng chế độ hạch toán kinh tế. Ngoài ra, Lênin cũng giành cho chế độ hợp tác xã một ý nghĩa đặc biệt trong việc thu hút những người nông dân đi lên CNXH. Nhưng là những hợp tác xã được thành lập dựa trên những nguyên tắc cơ bản mà sau này V.I. Lê-nin đưa ra như tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi, quản lý dân chủ, đi từ thấp đến cao, có sự hỗ trợ của nhà nước và phải tiến hành cách mạng văn hoá trong nông thôn.

Như vậy, thực chất của chính sách kinh tế mới chính là ở việc sử dụng rộng rãi quan hệ hàng hoá - tiền tệ, phát triển thị trường, khôi phục và phát triển các thành phần kinh tế. Chuyển các đơn vị kinh tế nhà nước sang chế độ hạch toán kinh tế; khuyến khích phát triển kinh tế cá thể, kinh tế tư bản tư nhân thay cho việc thủ tiêu kinh doanh tư nhân trong chính sách “Cộng sản thời chiến”; chủ trương phát triển quan hệ kinh tế với các nước phương Tây để tranh thủ vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm tổ chức, quản lý, sử dụng chủ nghĩa tư bản nhà nước và những hình thức kinh tế quá độ khác để phát triển tối đa lực lượng sản xuất, xây dựng CNXH,... Thực tế lịch sử đã cho thấy, cách tiếp cận như vậy sẽ cho phép kết hợp lợi ích riêng với lợi ích chung và bảo đảm tiến lên CNXH một cách ít tổn thất nhất. Nhờ đó, nước Nga đã thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, chính trị, tạo được những tiền đề quan trọng để xây dựng cơ sở vật chất CNXH.

Có thể nói, chính sách kinh tế mới có ý nghĩa lý luận, thực tiễn đối với các nước đi theo con đường xây dựng CNXH. Đặc biệt, những vấn đề như thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài, phát triển kinh tế tư bản nhà nước, sự liên kết giữa kinh tế tư bản tư nhân, nhất là tư bản nước ngoài với nhà nước XHCN... là những vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng để phát triển kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo định hướng XHCN ở nước ta trong điều kiện mở cửa và hội nhập.

Vận dụng chính sách kinh tế mới ở Việt Nam

Thời kỳ trước năm 1986, quản lý kinh tế của chúng ta mang nặng dấu ấn của chính sách "Cộng sản thời chiến" như tiến hành tập thể hoá cao độ đối với những người sản xuất nhỏ, vi phạm những nguyên tắc hợp tác hoá mà V.I. Lê-nin đã đưa ra như tự nguyện, dân chủ, cùng có lợi…; xoá bỏ kinh tế tư bản nói riêng và kinh doanh tư nhân nói chung; thành lập kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể tràn lan; tập trung cao độ việc quản lý kinh tế vào trong tay nhà nước và nhà nước dùng những biện pháp hành chính là chủ yếu để thực hiện việc quản lý của mình; quan hệ hàng hoá - tiền tệ không được chú trọng. Một chính sách như vậy được thi hành vừa là do yêu cầu của hoàn cảnh lúc bấy giờ nhưng đồng thời, cũng còn do những nguyên nhân chủ quan. Đó là sự nhận thức chưa đúng về mô hình CNXH và con đường xây dựng CNXH; nhận thức chưa đầy đủ về những quy luật kinh tế khách quan; sự sao chép máy móc mô hình xây dựng CNXH ở Liên Xô và các nước Đông Âu...

Tình hình đó buộc chúng ta phải có sự đổi mới, trong đó có việc chú trọng vận dụng sáng tạo những nguyên tắc, tư tưởng, luận điểm của chính sách kinh tế mới của V.I. Lê-nin trong điều kiện cụ thể của nước ta, đồng thời có tính đến những xu thế phát triển của các quan hệ kinh tế - chính trị của thời đại, của xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế. Điều đó được thể hiện tập trung ở chính sách khuyến khích phát triển kinh tế nhiều thành phần đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI thông qua, ngày càng được cụ thể hóa trong các kỳ đại hội tiếp theo và trở thành đường hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế đất nước.

Khuyến khích phát triển các thành phần kinh tế là nhằm giải phóng và phát triển lực lượng sản xuất, khai thác tối đa mọi tiềm năng để phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, làm tăng của cải cho xã hội, trên cơ sở đó hoàn thiện quan hệ sản xuất, thực hiện mục tiêu xây dựng CNXH.

Đại hội Đảng lần thứ IX đã xác định: "Các thành phần kinh tế kinh doanh theo pháp luật đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh;…"(7). Thành phần kinh tế tư nhân (bao gồm bộ phận kinh tế cá thể, tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân), được xác định: “ Kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế”(8). Phát triển kinh tế tư nhân là vấn đề chiến lược lâu dài trong việc phát triển nền kinh tế nhiều thành phần theo định hướng XHCN. Đại hội XI của Đảng khẳng định: “Phát huy quyền tự do kinh doanh theo pháp luật của mọi công dân để làm giàu cho bản thân và đóng góp cho xã hội. Mọi thành phần kinh tế, các chủ thể tham gia thị trường đều được coi trọng, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh và văn minh, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”(9).

Để đổi mới và phát triển các thành phần kinh tế, Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách và giải pháp quan trọng. Về mặt thể chế, đã ban hành những đạo luật quan trọng tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư,… Về chính sách, ban hành nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư, sản xuất kinh doanh như ưu đãi về thuế, điều kiện thuê mặt bằng, nguồn nhân lực,… Nhà nước tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, tạo thuận lợi lưu thông hàng hóa, phát triển sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó là việc đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình thủ tục, hồ sơ giấy tờ, rút ngắn thời gian, nhất là với các thủ tục trong các lĩnh vực đăng ký kinh doanh, thuế, hải quan,… Những nỗ lực của Nhà nước đã tạo lập môi trường thông thoáng, thuận lợi, có tính cạnh tranh cao cho các hoạt động đầu tư, phát triển của các thành phần kinh tế, trong đó có kinh tế tư nhân, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và thành phần kinh tế này đang có vai trò ngày càng quan trọng, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế đất nước.

Hiện nay, thành phần kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 40% GDP của cả nước. Riêng khu vực FDI phát triển năng động nhất với tốc độ tăng trưởng luôn cao hơn tốc độ tăng chung của cả nước. Năm 1995, khu vực FDI tăng 14,98% trong khi GDP cả nước tăng 9,54%. Tốc độ tương ứng trong năm 2000 là 11,44% và 6,79%; năm 2005: 13,22% và 8,44%; năm 2010: 8,12% và 6,78%. Tỷ lệ đóng góp của khu vực FDI vào GDP tăng dần từ 2% năm 1992 lên tới 12,7% năm 2000, 16,98% năm 2006 và 18,97% vào năm 2011. Tác động của khu vực FDI đối với tăng trưởng kinh tế còn thể hiện rõ hơn thông qua mức độ bổ sung vốn cho tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Theo đó, giai đoạn 1991-2000, khu vực FDI đã bổ sung 29,67 tỷ USD, chiếm 24,32% tổng vốn đầu tư xã hội và giai đoạn 2001-2011 là 69,47 tỷ USD, chiếm 22,75% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Tỷ trọng khu vực FDI trong cơ cấu kinh tế giai đoạn 2000-2011 tăng 5,4%.

Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã có đóng góp quan trọng trong việc huy động nguồn vốn, kỹ thuật công nghệ hiện đại, trình độ tổ chức, quản lý tiên tiến, phát triển lực lượng sản xuất, tạo công ăn việc làm, làm tăng của cải cho xã hội (bên cạnh đó cũng có những hiện tượng tiêu cực như trốn thuế thông qua hình thức “chuyển giá”,… do đó, cần có những biện pháp quản lý hiệu quả hơn).

Sự phát triển năng động của các thành phần kinh tế, trong đó có khu vực kinh tế tư nhân, FDI góp phần đưa đất nước thoát ra khỏi khủng hoảng, đời sống nhân dân được cải thiện. GDP bình quân đầu người năm 1988, tức là cách đây 1/4 thế kỷ, mới đạt 86 USD, và là một trong vài chục nước có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất thế giới, đến năm 2013, GDP của Việt nam đã đạt 170 tỷ USD và bình quân đầu người đã đạt 1.900 USD. Từ năm 2010, Việt Nam đã chuyển vị thế từ nhóm nước có thu nhập thấp sang nhóm nước có thu nhập trung bình (thấp); tình hình chính trị, xã hội ổn định, vị thế của nước ta trên trường quốc tế ngày càng tăng lên. Đất nước bước sang giai đoạn mới - giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nền kinh tế và hội nhập sâu rộng hơn với khu vực và thế giới.

Có thể nói, việc tiếp tục nghiên cứu chính sách kinh tế mới của V.I. Lê-nin để vận dụng và vận dụng sáng tạo vào công cuộc đổi mới và hội nhập của nước ta có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập. Trong cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các quốc gia, các diễn biến kinh tế, chính trị phức tạp, nhanh chóng và khó lường hiện nay thì việc khuyến khích phát triển các thành phần kinh tế, phát triển các hình thức kinh tế tư bản nhà nước lại càng có ý nghĩa quan trọng./.

-------------------------------------------------

Chú thích:

(1), (2), (4), (6) V.I.Lênin, toàn tập, T. 44. NXB tiến bộ, M., 1978, tr. 54, tr. 54, tr. 58, tr. 209

(3), (5) V.I.Lênin, toàn tập, T. 43. NXB tiến bộ, M., 1978, tr. 400, tr. 299

(7) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2001, Tr. 95-96.

(8) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 83

(9) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 205