Một số suy nghĩ về việc đảng viên làm kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định đổi mới toàn diện đất nước. Nội dung cơ bản của công cuộc đổi mới là: đổi mới tư duy, đổi mới tổ chức cán bộ, đổi mới phương thức lãnh đạo và phong cách công tác. Đến nay, nếu so sánh về tăng trưởng kinh tế giữa hai thời kỳ trước đổi mới và từ khi đổi mới đến nay có thể thấy, nền kinh tế quốc dân và đời sống nhân dân đã từng bước được cải thiện cả về lượng và chất.
Ở nước ta trong giai đoạn hiện nay, phát triển kinh tế tập trung ở hai lực lượng chính: lực lượng sản xuất của doanh nghiệp nhà nước (thường gọi là quốc doanh, thuộc thành phần kinh tế nhà nước); lực lượng sản xuất ngoài quốc doanh (thường gọi là dân doanh, thuộc kinh tế tư nhân).
Hiện tại và cả trong tương lai, để doanh nghiệp nhà nước giữ được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân thì Đảng phải tuyển chọn được những đảng viên có thực tài, có đức và đủ tầm quản lý doanh nghiệp nhà nước. Để doanh nghiệp nhà nước hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, làm gương cho doanh nghiệp dân doanh, thì hệ thống doanh nghiệp nhà nước vừa phải nắm giữ được những ngành kinh tế then chốt của Nhà nước, vừa phải hoạt động trên một sân chơi bình đẳng với các loại hình doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Đến nay, Đảng ta đã khẳng định xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, và coi đây là mô hình kinh tế tổng quát cho giai đoạn quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Như vậy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, mọi công dân được phát triển kinh tế tư nhân để làm giàu ở những ngành, những lĩnh vực mà pháp luật của Nhà nước không cấm và phải chấp hành nghiêm chỉnh các chính sách, pháp luật của Nhà nước. Do đó, đảng viên của Đảng phải là những công dân tiên phong và gương mẫu trong sự nghiệp làm kinh tế, làm giàu cho nhà, cho nước và phải có trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức người lao động làm giàu.
Trong tình hình cụ thể hiện nay của nước ta và xu thế thời đại, xin nêu một số suy nghĩ về việc đảng viên làm kinh tế bằng những lý giải sau:
1. Sức lao động của quá trình sản xuất và sản xuất ra giá trị thặng dư. Quá trình sản xuất, khi làm ra một sản phẩm tốt, có sức cạnh tranh trên thị trường không chỉ đòi hỏi sức lao động cơ bắp, mà còn đòi hỏi lao động trí tuệ có hàm lượng chất xám cao. Điều đó, đã tạo ra sự liên kết giữa các chuyên gia khoa học, công nghệ, các nhà quản lý và các nhà doanh nghiệp. Do đó, quyền sở hữu tài sản và tiền vốn của "ông chủ" sở hữu không còn giữ vai trò địa vị chi phối tuyệt đối của quá trình sản xuất và phân phối giá trị thặng dư, mà nó bị phân quyền sở hữu bởi Nhà nước, tập thể, tư nhân. Như vậy, sự cấu thành các nguồn sức lao động của quá trình sản xuất và sản xuất ra giá trị thặng dư đã có sự thay đổi trong nền kinh tế thị trường hiện đại với sự phát triển cao của lực lượng sản xuất trong phạm vi quốc gia, khu vực và quốc tế.
Tài sản và tiền vốn có nguồn gốc từ lao động, hàm chứa chất xám của khoa học, công nghệ. Những yếu tố này đóng vai trò rất quan trọng của quá trình sản xuất vật chất. Nếu không có tiền vốn, tài sản và tri thức, đương nhiên sẽ không tạo ra được giá trị thặng dư. Có tài sản, vốn, thiết bị, nguyên liệu, công nghệ và năng lực quản lý tốt thì giá trị thặng dư cao và ngược lại. Như vậy, các yếu tố của quá trình sản xuất tạo ra được những sản phẩm tốt, giá thành hạ, sức cạnh tranh trên thị trường cao. Khi nộp thuế đầy đủ cho Nhà nước, trả công cho người lao động đúng với giá trị sức lao động, chấp hành luật pháp nghiêm chỉnh thì sự hưởng thụ lợi nhuận đó là chính đáng. Đó cũng là một thực tế ở nước ta khi đã thừa nhận việc phân phối lợi nhuận cho vốn - theo vốn, thừa nhận lãi suất tín dụng...; cũng như trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước hiện nay, phần góp vốn của người lao động cũng được phân phối một phần lợi nhuận cho vốn - theo vốn.
2. Đảng lãnh đạo toàn dân làm kinh tế và vai trò của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Trong thời đại hiện nay, các yếu tố tham gia vào quá trình tạo ra giá trị thăng dư ngày càng chịu sự tác động trực tiếp của nền kinh tế tri thức với các tiến bộ khoa học, công nghệ, chất xám của các nhà khoa học. Do đó, giá trị của lao động trí tuệ mang lại hiệu quả gấp nhiều lần lao động giản đơn. Trong đó có sự đóng góp rất lớn bằng trí lực, vật lực của người chủ kinh doanh để nâng cao khả năng cạnh tranh, tạo ra nhiều lợi nhuận, nhiều việc làm ổn định cho người lao động; đóng góp nhiều cho ngân sách của Nhà nước, cho phúc lợi xã hội. Bằng luật pháp của Nhà nước pháp quyền, sự liên kết, giáo dục, trợ giúp lẫn nhau trong Hiệp Hội các loại hình doanh nghiệp, các "ông chủ" không được trả lương cho người lao động dưới giá trị thực của ngày công lao động đối với người làm công; đồng thời, phải bảo đảm tốt các mặt: điều kiện làm việc, bảo hiểm, các trợ cấp lao động... Mặt khác, để khoảng cách giữa người có thu nhập cao và người có thu nhập thấp trong xã hội ở mức hợp lý thì Nhà nước đánh thuế thu nhập. Thu nhập càng cao, thuế thu nhập càng lớn, ngân sách nhà nước sẽ tăng để có tiền giải quyết các nhu cầu về phúc lợi xã hội và tái sản xuất mở rộng.
Như vậy, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, việc chấp nhận sở hữu tư nhân và sử dụng lao động làm việc trong các doanh nghiệp tư nhân không nhất thiết gắn với bóc lột. Vấn đề đặt ra là, hệ thống phân phối, quản lý phân phối lại giá trị thặng dư có hợp lý hay không; những tiêu cực trong quản lý kinh tế có hạn chế, đẩy lùi được hay không? Trên cơ sở đó, Nhà nước phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, để nắm vai trò điều hành phân phối lại giá trị thặng dư. Từng bước và tiến tới loại trừ tệ tham nhũng, tiêu cực trong phân phối lại giá trị thặng dư. Vấn đề cần nhấn mạnh ở đây là, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý có hiệu quả của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa sẽ tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế biết cách vươn lên làm giàu chân chính, hợp pháp; đồng thời, hướng dẫn, tổ chức các doanh nghiệp tư nhân làm giàu. Điều đó sẽ khác về cơ bản so với những phương thức làm giàu của các nhà tư sản trong thời kỳ kinh tế thị trường tư bản trước đây.
3. Đảng viên phải biết làm kinh tế.
Như chúng ta đã biết, trong công cuộc đổi mới, Đảng ta khuyến khích mọi người, mọi nhà làm giàu chân chính, hợp pháp để thúc đẩy sự nghiệp dân giàu, nước mạnh. Do vậy, đảng viên phải làm giàu theo lời kêu gọi của Đảng; đây không chỉ là trách nhiệm của đảng viên trước Đảng mà còn là nghĩa vụ, quyền lợi của người cộng sản, người công dân mẫu mực. Bởi vì, sự lãnh đạo của Đảng không phải chỉ dừng lại ở đường lối, chủ trương, tuyên truyền, động viên mà còn phải thông qua hành động và sự gương mẫu của người đảng viên hoạt động trong các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, hướng dẫn mọi người làm kinh tế tư nhân đúng pháp luật, tạo ra nhiều sản phẩm cho xã hội. Nếu, đảng viên chỉ là người nghèo, thậm chí phải đi làm thuê mà không phải là chủ doanh nghiệp thì chẳng những không thể lãnh đạo được những chủ doanh nghiệp chưa phải là đảng viên; mà quan trọng hơn là dẫn đến sự nghi ngờ đối của những chủ doanh nghiệp chưa phải là đảng viên. Họ cho rằng, phải chăng chính sách của Đảng khuyến khích mọi người làm giàu bằng kinh tế tư nhân vươn lên thành chủ doanh nghiệp tư nhân đối với những người chưa phải là đảng viên; còn đảng viên bị ngăn cấm là để "nuôi béo rồi làm thịt" như các đợt cải cách, cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh trước đây? Nếu để cho sự nghi ngờ đó xuất hiện đối với đường lối của Đảng ta hiện nay thì đó là điều nguy hại cho nền kinh tế nước nhà. Đây là một nỗi lo, sự phân tâm trong xã hội ta mà Đảng ta cần làm rõ và giải quyết đến nơi, đến chốn để đạt được sự thống nhất chung, tạo sự tin tưởng của mọi thành phần kinh tế trong xã hội với mục tiêu đổi mới toàn diện của Đảng.
Trong điều kiện sản xuất hiện đại ngày nay, yếu tố lao động sống chiếm tỷ trọng rất thấp, có khi không tới 10% trong cơ cấu giá thành sản phẩm. Vì vậy, vai trò quản lý của Nhà nước là phải điều tiết quan hệ lợi ích gồm các yếu tố sản xuất, duy trì một trật tự kinh tế vừa đảm bảo hiệu quả, vừa mang tính xã hội cho hàng chục triệu người lao động. Trong điều kiện đó, việc đảng viên làm kinh tế tư nhân với quy mô khác nhau về vốn, tài sản, thuê lao động sẽ tạo ra nhiều việc làm và có đóng góp cho ngân sách nhà nước. Nếu đảng viên không biết làm kinh tế, không biết làm giàu và quản lý kinh doanh tồi thì không tạo ra được những điều kiện phát triển kinh tế, thu hút nguồn nhân lực trong xã hội phục vụ cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Hội nghị Trung ương 5, khóa IX đã khẳng định bốn quan điểm chỉ đạo phát triển kinh tế tư nhân. Trong đó, quan điểm đầu tiên được khẳng định: "Kinh tế tư nhân là bộ phận cấu thành quan trọng của kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tư nhân là vấn đề chiến lược lâu dài trong phát triển nền kinh tế nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao nội lực của đất nước trong hội nhập kinh tế quốc tế...". Và quan điểm thứ hai : "Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi về chính sách, pháp lý và tâm lý xã hội để các doanh nghiệp của tư nhân phát triển rộng rãi trong những ngành, nghề sản xuất, kinh doanh mà pháp luật không cấm, không hạn chế về quy mô, nhất là trên những định hướng ưu tiên của Nhà nước; khuyến khích chuyển thành doanh nghiệp cổ phần, bán cổ phần cho người lao động, liên doanh, liên kết với nhau với kinh tế tập thể và kinh tế nhà nước". Như vậy, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa IX đã tạo thêm luồng sinh khí phấn khởi cho toàn dân nói chung và đảng viên nói riêng về phát triển kinh tế.
Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi thành lập tới nay luôn luôn giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc, tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, đi đầu trong nhiệm vụ xóa bỏ chế độ thực dân kiểu cũ và thực dân kiểu mới. Trong xây dựng kinh tế, do chưa có nhiều kinh nghiệm, nên gặp nhiều khó khăn và đã có những sai lầm; nhưng, Đảng ta dám nhìn thẳng vào sự thật, khắc phục mọi khó khăn để đổi mới, chuyển mô hình kinh tế tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Sau gần 20 năm đổi mới, Đảng ta đã giành được thắng lợi quan trọng trên mọi mặt kinh tế - xã hội và điều quan trọng nhất đã khẳng định xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, và coi đây là mô hình tổng quát của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Với trên ba triệu đảng viên được nâng tầm trí tuệ, đạo đức, đòi hỏi Đảng phải có chính sách cụ thể bảo đảm cho họ hưởng thụ, đúng với sự cống hiến của họ về trí lực, thể lực, cùng làm giàu công khai với quần chúng. Đó là sự bảo đảm thành công xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Một số vấn đề về sở hữu nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa  (22/01/2007)
Các mô hình thể chế kinh tế thị trường và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam  (22/01/2007)
Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam  (22/01/2007)
Đổi mới tư duy lý luận vì sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội  (22/01/2007)
Định hướng xã hội chủ nghĩa nền kinh tế thị trường ở nước ta  (22/01/2007)
- Quảng Ngãi phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên