Bước chuyển trong cải cách hành chính ở Kiên Giang

Nguyễn Thị Kim Luông
09:18, ngày 22-01-2007

Năm năm qua Kiên Giang đã thực hiện được một nửa lộ trình cải cách hành chính và đã đạt được một số thành quả nhất định.

Rà soát 269 văn bản quy phạm pháp luật bao gồm: 24 Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, 196 Quyết định, 49 Chỉ thị của Ủy ban nhân dân tỉnh, có 255 văn bản còn hiệu lực, sửa đổi, bổ sung 12 văn bản và hủy bỏ 2 văn bản. Triển khai cơ chế "một cửa" trên toàn tỉnh với 13/32 sở ngành cấp tỉnh, 13/13 cấp huyện và 105/139 cấp xã.

Ba lần sắp xếp tổ chức bộ máy, từ 38 cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, 161 phòng, 7 chi cục và 38 trung tâm thuộc tỉnh, 203 phòng ban, 21 trung tâm cấp huyện với 21.101 biên chế, còn 32 cơ quan trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh 176 phòng, 7 chi cục, 43 trung tâm thuộc tỉnh, 176 phòng ban và 21 trung tâm cấp huyện với 23.988 biên chế, trong đó đã tách biên chế quản lý nhà nước và biên chế sự nghiệp.

Công tác đào tạo cán bộ được đẩy mạnh, số cán bộ đạt trình độ đại học trở lên chiếm tỷ lệ trên 23%. Tỉnh đang thực hiện khoán chi hành chính cho 7 đơn vị.

Mặc dù đã có những bước chuyển tích cực, nhưng công tác cải cách hành chính ở Kiên Giang còn chậm và nhiều bất cập.

Về thể chế hành chính: Kiên Giang còn lúng túng trước sự vận hành của cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, từ đó thiếu chủ động trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; việc xây dựng và thực hiện các quy phạm quản lý không theo kịp thực tế, nhất là trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, bảo vệ tài nguyên môi trường và quản lý các hoạt động văn hóa - xã hội. Xây dựng văn bản quản lý phạm nhiều sai sót cả về nội dung, hình thức, trình tự thủ tục và kỹ thuật văn bản. Quá trình rà soát văn bản cũng còn lỏng lẻo. Cán bộ, công chức chấp hành và thực thi pháp luật chưa nghiêm minh. Trong đó, việc xây dựng mô hình "một cửa" thực hiện còn chậm và mang tính hình thức, chưa có chiều sâu, người dân vẫn còn bị phiền hà, nhũng nhiễu.

Về sắp xếp tổ chức bộ máy: tổ chức bộ máy của nhiều cơ quan vẫn còn cồng kềnh, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ; một số cơ quan chưa quan tâm xây dựng quy chế làm việc, quy chế phối hợp nên vận hành lúng túng, đùn đẩy trách nhiệm, hiệu quả hoạt động không cao. Việc tách sự nghiệp ra khỏi hành chính, chuyển các dịch vụ không cần thiết Nhà nước quản lý cho xã hội đảm nhiệm và xã hội hóa các hoạt động văn hóa - xã hội, thực hiện còn rất chậm.

Về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức: mới tập trung đào tạo cán bộ chính trị là chính, cán bộ chuyên môn, nhất là chuyên môn đầu ngành còn thiếu; cơ quan nào cũng có tình trạng "vừa thiếu, vừa thừa" trong khi việc cải tổ bộ máy, thay đổi con người còn gặp nhiều trở ngại về chế độ, chính sách. Việc xây dựng tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức còn nhiều yếu kém, cán bộ chưa thật sự của dân, do dân và vì dân, một số cán bộ còn quan liêu, hạch sách, nhũng nhiễu, tiêu cực. Đặc biệt là đội ngũ cán bộ cơ sở hiện nay chưa được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng một cách căn cơ về chuyên môn nghiệp vụ, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế của cơ sở. Khoán quỹ tiền lương đạt hiệu quả chưa cao, nặng về tiết kiệm chi công việc để tăng thu nhập, một số cơ quan chưa chủ động, ngại thay đổi, vẫn muốn duy trì cơ chế cũ.

Tình hình trên làm cho chặng đường còn lại để đạt mục tiêu cải cách hành chính đến năm 2010 ở Kiên Giang còn hết sức khó khăn. Nguyên nhân khách quan nằm trong xu thế cải cách hành chính chung của cả nước. Nhưng về chủ quan, vấn đề nổi bật là nhận thức và năng lực về cải cách hành chính của cán bộ lãnh đạo và cán bộ, công chức còn nhiều hạn chế; chưa kể cải cách hành chính cũng làm thiệt hại "quyền lợi", ảnh hưởng "vị trí" của một bộ phận cán bộ, công chức.

Vì vậy, cần xác định cải cách hành chính là vấn đề khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự nỗ lực, phấn đấu của các cấp, các ngành của cả hệ thống chính trị mới có thể đem lại kết quả mong muốn. Giai đoạn 2005 - 2010 là giai đoạn 2 của Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước thời kỳ 2001 - 2010. Để cải cách hành chính thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội, cần tập trung làm tốt một số vấn đề sau đây:

1. Về cải cách thể chế

- Tiếp tục chỉ đạo thực hiện đúng quy trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của địa phương ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã theo đúng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004. Làm tốt công tác đăng báo, đưa tin ở cấp tỉnh và việc yết thị văn bản ở cấp huyện, cấp xã để cán bộ và nhân dân dễ theo dõi kiểm tra, quán triệt và thực hiện. Chỉ đạo cơ quan tư pháp bố trí đúng cán bộ đủ sức hoàn thành nhiệm vụ thẩm định văn bản đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đúng thời gian quy định.

- Khẩn trương rà soát, hệ thống hóa văn bản theo từng lĩnh vực kinh tế - xã hội, phục vụ cho yêu cầu chỉ đạo và thực hiện của hệ thống chính quyền các cấp. Đồng thời, qua đó xem xét đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

- Đẩy mạnh công tác tự kiểm tra và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã, kịp thời phát hiện văn bản sai sót để đề xuất cấp có thẩm quyền đình chỉ hoặc bãi bỏ theo quy định của pháp luật. Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã phải chỉ đạo cho văn phòng cấp mình gửi văn bản cho cơ quan tư pháp kiểm tra theo đúng luật định.

2. Cải cách bộ máy, tổ chức hành chính

- Triển khai và xây dựng kế hoạch thực hiện Quyết định số 178/2003/QĐ-TTg, ngày 03/9/2003 của Chính phủ về tuyên truyền Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010; Quyết định số 181/2003/QĐ-TTg, ngày 04/9/2003 của Chính phủ về việc ban hành quy chế thực hiện cơ chế "một cửa" tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương; Quyết định số 169/2003/QĐ-TTg, ngày 12/8/2003 của Chính phủ về đổi mới phương thức điều hành và hiện đại hóa công sở của hệ thống hành chính nhà nước.

- Kiểm tra đưa vào kế hoạch công tác quý, năm những nội dung của kế hoạch 5 năm và chương trình cải cách hành chính hằng năm của tỉnh, nhằm đẩy mạnh công tác cải cách hành chính của ngành, địa phương trên các lĩnh vực, trong đó chú ý kết hợp với cải cách kinh tế để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu, tạo điều kiện phát triển kinh tế một cách bền vững; đồng thời phải gắn với cải cách tư pháp để ổn định chính trị, giữ vững an ninh, trật tự.

- Xây dựng lại chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và quy chế hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước các cấp, đảm bảo không trùng lắp hoặc bỏ sót nhiệm vụ, bộ máy gọn nhẹ; chuyển những hoạt động mang tính dịch vụ ra khỏi cơ quan hành chính, giao cho các doanh nghiệp hoặc tổ chức ngoài Nhà nước đảm trách.

- Đổi mới phân cấp quản lý trên tất cả các lĩnh vực nhằm tăng cường trách nhiệm, quyền hạn cho cơ sở, phát huy tính chủ động, sáng tạo của thủ trưởng các ngành và chính quyền cấp huyện, thị xã trong việc thực hiện chức năng quản lý hành chính và các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời, từng bước tạo ra cơ chế phối hợp nhịp nhàng trong giải quyết công việc ở nội bộ các cơ quan hành chính với nhau.

- Mở rộng thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo mô hình "một cửa" cho tất cả các lĩnh vực, khép kín quy trình giải quyết thủ tục hành chính từ cấp xã đến cấp huyện và cấp tỉnh; từng bước hình thành tổ chức chuyên thực hiện dịch vụ hành chính, là đơn vị sự nghiệp có thu và tự trang trải kinh phí.

- Triển khai thực hiện các chính sách, chế độ tiền lương mới theo đúng lộ trình Trung ương đề ra, nghiên cứu nâng mức phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách cấp xã và thôn, ấp.

- Tăng cường công tác thanh tra công chức, công vụ nhằm kịp thời phát hiện, phổ biến kinh nghiệm, biểu dương người tốt, việc tốt; đồng thời, xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm pháp luật, kỷ cương, kỷ luật, từng bước làm trong sạch bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức và nâng cao hiệu quả quản lý hành chính nhà nước.

- Thực hiện tin học hóa, hiện đại hóa công sở, từng bước hiện đại hóa nền hành chính theo đề án được duyệt, phục vụ kịp thời yêu cầu quản lý, điều hành của lãnh đạo các cấp, các ngành, giảm hội họp và dành nhiều thời gian đi cơ sở giải quyết công việc.

- Xây dựng định mức phù hợp cho từng loại hình đơn vị hành chính để thực hiện khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với tất cả các cơ quan hành chính nhà nước; xét duyệt phương án để giao quyền tự chủ tài chính cho tất cả các đơn vị sự nghiệp có thu.

- Đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp thuộc ngành giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, khoa học, công nghệ và các đơn vị sự nghiệp khác.

- Kiện toàn, củng cố lại Ban Chỉ đạo cải cách hành chính. Trong Ban Chỉ đạo phải có một bộ phận thường trực, gồm một cán bộ, công chức cấp phó hoặc có trình độ, năng lực tương đương cấp phó và một số cán bộ, công chức có năng lực để trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và tổng hợp báo cáo việc thực hiện ở các đơn vị, địa phương thuộc quyền quản lý theo quy định.

- Thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo chí, kịp thời hàng tháng về Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính.

3. Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức

Hiện nay, cán bộ lãnh đạo, quản lý tỉnh còn thiếu nhiều, nhất là trong các ngành thủy sản, nông nghiệp, thông tin, quản lý kinh tế, hành chính, pháp luật… Chính vì vậy, xây dựng kế hoạch đào tạo cán bộ lãnh đạo quản lý là rất cần thiết, để đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ. Từ nay đến năm 2010, Kiên Giang phải đào tạo, bồi dưỡng khoảng 17.275 lượt cán bộ các cấp. Cụ thể:

Đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho 3.660 cán bộ đương chức và dự bị, trong đó, đào tạo cán bộ có trình độ trung học chuyên nghiệp 2.200, cao đẳng đại học 1.000, trên đại học 460, (không tính sự nghiệp y tế và giáo dục).

Bồi dưỡng chính trị, quản lý nhà nước, ngoại ngữ, tin học cho 8.940 lượt cán bộ, công chức.

Tạo nguồn sau đại học từ 450 - 500 cán bộ có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, mỗi năm đưa đi đào tạo ở ngước ngoài từ 20 - 30 người thuộc các ngành địa phương có thế mạnh .

Đẩy mạnh công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ cơ sở nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị, từ nay đến năm 2010 tập trung đào tạo bồi dưỡng các nhóm cán bộ cụ thể:

- Về văn hóa: Trong năm 2006 - 2007 tổ chức mở các lớp cấp III cho 978 cán bộ.

- Về lý luận chính trị: Phân kỳ đào tạo từng năm từ nay đến năm 2010 đào tạo cho 1.132 cán bộ từ trung cấp trở lên.

- Về chuyên môn: Tập trung đào tạo cho 2.035 cán bộ trong đó các ngành cần ưu tiên đào tạo là Luật, Hành chính, Nông nghiệp, Hải sản, Quản lý đất đai, Du lịch, Tài chính kế toán, Công an, Quân sự và các đoàn thể.

Tập trung công tác dạy nghề trong nhân dân đảm bảo tỷ lệ thích hợp, nhằm nâng cao chất lượng lao động.

Cùng với đào tạo, bồi dưỡng cán bộ từ nguồn nhân lực tại địa phương, tăng cường giáo dục, thuyết phục và thực hiện tốt các chính sách thu hút sinh viên học ở ngoài tỉnh về công tác ở các ngành của tỉnh. Đồng thời thu hút những người có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ về công tác ở tỉnh Kiên Giang nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

4. Về cải cách tài chính công

Thực hiện tốt công tác tuyên truyền về đổi mới cơ chế quản lý đối với các đơn vị sự nghiệp phù hợp với đặc điểm và tính chất của hoạt động này theo tinh thần nghị định của Chính phủ nhằm nâng cao thẩm quyền và trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị trong quản lý biên chế, tổ chức công việc và quản lý tài chính.

- Đối với cơ quan quản lý hành chính nhà nước. Căn cứ chỉ đạo của cấp trên mục tiêu trong năm 2006 triển khai thực hiện cơ chế khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính đến tất cả các cơ quan hành chính nhà nước. Đối với các cơ quan hành chính đang thực hiện thí điểm khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính theo Quyết định 192/2001/QĐ-TTg khi Chính phủ ban hành Nghị định thì được chuyển sang thực hiện theo Nghị định mới.

- Đối với đơn vị sự nghiệp. Mục tiêu trong năm 2006 thực hiện giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho tất cả các đơn vị sự nghiệp trong phạm vi cả tỉnh. Đối với các đơn vị sự nghiệp có thu đã giao quyền tự chủ theo Nghị định số 10/2002/NĐ-CP được tiếp tục thực hiện cho đến hết thời gian giao quyền tự chủ.

- Đối với chính sách khuyến khích xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao. Mục tiêu trong năm 2006 kiến nghị Trung ương nghiên cứu sửa đổi bổ sung ban hành các cơ chế chính sách mới về xã hội hóa để tạo cơ sở pháp lý cho các đơn vị thực hiện. Huy động và sử dụng nguồn lực tại địa phương để triển khai thực hiện xã hội hóa phù hợp với chủ trương chính sách của nhà nước. Các sở, ngành xây dựng lộ trình, kế hoạch và tổ chức phát triển các cơ sở ngoài công lập phù hợp với chủ trương của nhà nước có chính sách ưu đãi thêm nhằm khuyến khích, thúc đẩy, mở rộng các hình thức xã hội trên địa bàn.