TCCSĐT - Năm 2012, ngành ngân hàng đứng trước nhiều thách thức, vừa thực hiện tái cấu trúc toàn ngành, vừa đối mặt với nỗi lo về nợ xấu tăng, tính thanh khoản giảm... Tiếp tục thực hiện có hiệu quả mục tiêu kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô theo tinh thần chỉ đạo chung của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành những chính sách nhằm bảo đảm cho các ngân hàng hoạt động ổn định và hiệu quả.

Phân nhóm ngân hàng

Ngày 13-2-2012, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 01 về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và bảo đảm hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2012 và giải pháp điều hành tín dụng năm nay.

Điểm thu hút sự quan tâm ở chính sách trên là danh sách các tổ chức tín dụng được phân loại theo các nhóm, các tiêu chí cụ thể. Các ngân hàng quan tâm xem mình được xếp loại vào nhóm nào? người dân thì muốn biết ngân hàng mình đang gửi tiền có thuộc nhóm an toàn hay không? Được áp dụng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng như thế nào trong năm nay? Tuy nhiên, theo Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến, Ngân hàng Nhà nước sẽ không công bố danh sách này, mà chỉ gửi các chỉ tiêu cụ thể cho các tổ chức tín dụng.

Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay được Ngân hàng Nhà nước đưa ra cho 4 nhóm ngân hàng căn cứ vào quy mô vốn, năng lực quản trị điều hành, chất lượng hoạt động, năng lực của người đứng đầu, có vi phạm các quy định trong quá trình hoạt động thời gian qua của từng ngân hàng... Theo đó, nhóm 1 là nhóm có hoạt động nghiêm túc và lành mạnh, có năng lực vốn và quản trị điều hành tốt với chỉ tiêu cao nhất là 17%. Đây là mức cao nhất theo định hướng tăng trưởng tín dụng hệ thống năm nay (15% - 17%); nhóm 2 “thấp hơn một chút” và được áp chỉ tiêu 15%; nhóm 3 hạn chế hơn với 8%; nhóm 4 được xác định là yếu kém, có nguy cơ mất an toàn, có nguy cơ đổ vỡ và cần phải củng cố lại sẽ không được tăng trưởng tín dụng trong năm 2012. Lý do được đưa ra là với những trường hợp yếu kém (thuộc nhóm 4), nếu cho phép tăng trưởng tín dụng thêm nữa thì tình hình sẽ khó khăn và phức tạp hơn. Những biện pháp khá cương quyết cũng được áp dụng với các ngân hàng thuộc nhóm 4: không được tăng trưởng tín dụng, phải thực hiện cơ cấu lại các khoản nợ, thu hồi nợ và làm lành mạnh hoạt động. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cho biết vẫn có thời gian 6 tháng để các ngân hàng cơ cấu lại, nếu hoạt động ổn định và tốt hơn thì sẽ được xem xét nới chỉ tiêu.

Như vậy, cơ chế phân nhóm để áp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đã được Ngân hàng Nhà nước thực hiện, thay vì cào bằng giới hạn dưới 20% như trong năm 2011.

Để triển khai Chỉ thị số 01, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đã có văn bản số 674-NHNN-CSTT, ngày 13-02-2012, gửi các tổ chức tín dụng, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài về việc kiểm soát hoạt động tín dụng năm 2012. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng xây dựng kế hoạch và thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng trong năm 2012 (bao gồm cả yếu tố điều chỉnh tỷ giá). Trên cơ sở kế hoạch tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm 2012, tổ chức tín dụng phải xây dựng và thực hiện tốc độ tăng trưởng tín dụng từng quý; giao kế hoạch tốc độ tăng trưởng tín dụng từng quý và cả năm 2012 cho các chi nhánh (sở giao dịch), đồng thời gửi Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc.

Giới hạn tỷ trọng tín dụng không khuyến khích là 16% tổng dư nợ

Cuối năm 2011, tỷ trọng tín dụng phi sản xuất của hệ thống đã được kiểm soát ở khoảng 11,3%, tuy nhiên có một số tổ chức tín dụng vượt 16%.

Ngày 13-2-2012, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện kiểm soát hoạt động tín dụng đối với các lĩnh vực không khuyến khích (trừ các công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép chuyên ngành hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng) kiểm soát tỷ trọng dư nợ cho vay đối với các lĩnh vực không khuyến khích so với tổng dư nợ cho vay của tổ chức tín dụng trong suốt cả năm 2012 tối đa là 16%.

Dư nợ cho vay đối với các lĩnh vực không khuyến khích được xác định là: dư nợ cho vay để đầu tư và kinh doanh chứng khoán; để phục vụ đời sống (trong đó loại trừ dư nợ cho vay đối với nhu cầu vốn để xây dựng, sửa chữa nhà và mua nhà để ở mà nguồn trả nợ bằng tiền lương, tiền công của khách hàng vay); cho vay đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản (trong đó loại trừ dư nợ cho vay đối với xây dựng nhà để bán, cho thuê đối với người thu nhập thấp, công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế...); xây dựng các công trình, dự án phát triển nhà ở sắp hoàn thiện và sẽ được bàn giao hoặc đưa vào sử dụng trong năm 2012 (đây là nhóm mới được loại trừ khỏi giới hạn). Trường hợp tổ chức tín dụng có mức tăng trưởng tín dụng, tỷ trọng dư nợ cho vay đối với lĩnh vực không khuyến khích vượt mức quy định, Ngân hàng Nhà nước sẽ áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc gấp hai lần so với tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi bằng VND và các biện pháp hạn chế phạm vi hoạt động kinh doanh.

Tiếp tục lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng, bảo đảm tính thanh khoản

Những yêu cầu được Ngân hàng Nhà nước đặt ra với các tổ chức tín dụng trong năm 2012 là tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ thận trọng, linh hoạt, phối hợp hài hòa với các chính sách tài khóa; bảo đảm khả năng thanh khoản của các tổ chức tín dụng; kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán khoảng 14-16% và tín dụng khoảng 15-17%; giảm mặt bằng lãi suất ở mức hợp lý phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, điều hành tỷ giá linh hoạt phù hợp với diễn biến thị trường, cung - cầu ngoại tệ.

Một trong các yếu tố để lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng là phải bảo đảm  tính thanh khoản và Ngân hàng Nhà nước đã chủ động bơm vốn qua thị trường mở linh hoạt, đáp ứng nhu cầu của các tổ chức tín dụng,  thực hiện tái cấp vốn. Đồng thời, tiếp tục có công cụ chính sách tiền tệ thông qua biện pháp điều chỉnh tỷ giá, ngoại hối... bảo đảm đưa vốn đến đúng địa chỉ đầu tư.

Mục tiêu xuyên suốt được Ngân hàng Nhà nước đề ra là tập trung thực hiện nhiệm vụ kinh tế vĩ mô, tiếp tục ưu tiên phát triển nông nghiệp, xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ... Mục tiêu này cũng đã được Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc. Với các tổ chức tín dụng có hiện tượng vi phạm, Ngân hàng Nhà nước sẽ có biện pháp xử lý./.