Yếu tố tài chính và phi tài chính trong năng lực cạnh tranh của ngân hàng thương mại
Tài chính vững mạnh là yếu tố cốt tử trong cạnh tranh. Có nguồn vốn chủ sở hữu lớn, cơ cấu huy động và cho vay an toàn, chi phí cạnh tranh sẽ tạo điều kiện để ngân hàng thương mại mở rộng thị phần, tài trợ các dự án lớn, thi hành chính sách lãi suất cạnh tranh, do đó mà chiến thắng đối thủ có năng lực tài chính yếu hơn một cách dễ dàng. Tuy nhiên, năng lực tài chính không phải là tất cả sức mạnh trong cạnh tranh của ngân hàng thương mại. Ngày nay, các yếu tố phi tài chính như công nghệ, đa dạng hóa dịch vụ, văn hóa giao tiếp… cũng trở thành nguồn gốc sức mạnh trong cạnh tranh của ngân hàng. Để góp phần nhận thức rõ hơn vai trò của các yếu tố này, bài viết đi sâu phân tích vị trí, vai trò của từng yếu tố trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của ngân hàng thương mại nước ta.
Các yếu tố tài chính và sức cạnh tranh của ngân hàng thương mại
Tài chính ngân hàng thương mại là một hệ thống các bộ phận cấu thành có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, được chia thành hai loại chính là: vốn tự có và vốn huy động.
Vốn tự có đối với việc nâng cao sức cạnh tranh của ngân hàng thương mại
Đối với các ngân hàng thương mại, vốn cũng được coi là yếu tố then chốt, nền tảng của hoạt động kinh doanh với ba chức năng cơ bản: chống đỡ rủi ro, tạo niềm tin cho người gửi tiền để thu hút tiền gửi và hình thành quỹ đầu tư, cho vay.
- Vốn tự có dùng để chống đỡ rủi ro
Vốn tự có cung cấp vùng đệm bù đắp tổn thất và cho phép ngân hàng tự tồn tại. Với chức năng này, vốn tự có là yếu tố quan trọng về mặt an toàn cho các ngân hàng thương mại. Chức năng chống đỡ rủi ro thể hiện theo những góc độ khác nhau: Sự hiện hữu của vốn tự có cho phép ngân hàng bù đắp thiếu hụt trong huy động để cho vay và đầu tư. Chính vì vậy, nếu tỷ lệ vốn tự có so với tài sản bằng 50% thì thiếu hụt không được phép tăng quá 50% so với tài sản, xét ở mọi góc độ, vì nếu vượt tỷ lệ này ngân hàng sẽ mất khả năng thanh toán. Nói rộng hơn, vốn tự có cung cấp sự bảo đảm đối với khách hàng gửi tiền không có bảo hiểm và những chủ nợ khác về khả năng tiếp tục tồn tại và phát triển của ngân hàng trong môi trường cạnh tranh. Ngoài ra, vốn tự có sẽ bù đắp tạm thời các khoản lỗ cho đến khi phát sinh lợi nhuận và được giữ lại để tạo nên vốn bổ sung.
Tuy nhiên, lịch sử kinh tế thế giới cho thấy, độ an toàn của ngân hàng thương mại còn phụ thuộc ở mức độ lớn vào chính sách tiền tệ và tài khóa của nhà nước. Có thể minh chứng điều này bằng thực tế diễn ra trong thời kỳ đại khủng hoảng kinh tế ở thập niên 30 thế kỷ XX. Khi đó các định chế tài chính trung gian có tỷ lệ vốn tự có so với tài sản cao nhưng vẫn không khắc phục được tình trạng thua lỗ. Ở thời kỳ này, tại Mỹ có gần 9.000 ngân hàng vỡ nợ, mặc dù tỷ lệ vốn so với tài sản ở mức trung bình đạt đến 13%. Ngược lại, vào các thời kỳ mà nền kinh tế ổn định như đầu Chiến tranh thế giới thứ hai, số lượng ngân hàng phá sản giảm đi rất nhiều, mặc dù tỷ lệ vốn so với tài sản giảm đi so với trước. Trong thập niên 80 và đầu thập niên 90, tồn tại một xu hướng rối loạn về sự gia tăng các vụ phá sản trong các ngân hàng lớn, như First Pensilvania of Philadelphia, Continental Illinois Bank và Trust Company of Chicago, First Republic Bancorp of Dallas, Mcorp of Houston và Bank New England do chức năng chống đỡ bằng bù đắp rủi ro của vốn ngân hàng không giải quyết được các hậu quả. Nói cách khác, vốn tự có có chức năng giúp ngân hàng chống đỡ rủi ro, nhưng không phải bao giờ cũng đem lại cho các nhà quản lý ngân hàng kết quả mỹ mãn.
- Vốn tự có là cơ sở tạo niềm tin cho người gửi tiền và thu hút tiền gửi
Vốn tự có của ngân hàng là cơ sở tạo niềm tin của công chúng vào hoạt động của ngân hàng. Bởi lẽ, một ngân hàng có quy mô vốn lớn sẽ được khách hàng tin tưởng hơn so với một ngân hàng có quy mô vốn nhỏ, nếu các điều kiện khác là giống nhau.
Ngân hàng thương mại là một sản phẩm xã hội, song xét về nhiều phương diện, ngân hàng thương mại không giống với các tổ chức kinh tế khác, bởi nó kết nối nhiều mối liên hệ với các tổ chức kinh tế - xã hội và với đông đảo công chúng trong các quan hệ vay và cho vay. Ngân hàng vay trong cùng một cộng đồng hoặc nhiều cộng đồng, vay ở các ngân hàng thương mại bạn, vay ở ngân hàng trung ương để cho số chủ thể vay còn đa dạng hơn thế. Chính vì ngân hàng là điểm kết nối các mối quan hệ, nên nếu ngân hàng thương mại sụp đổ, thì có thể gây ra không biết bao nhiêu tổn thất cho xã hội. Khi khách hàng tin tưởng rằng, ngân hàng không sụp đổ họ sẽ gửi tiền và mua các dịch vụ đặc biệt của ngân hàng, như trông giữ tài sản, thanh toán… Khi không có lòng tin, kể cả không có nhu cầu dùng tiền, khách hàng cũng rút tiền và tài sản khỏi ngân hàng khiến ngân hàng sụp đổ. Trong bối cảnh đó, khách hàng dễ đặt niềm tin vào các ngân hàng giàu có hơn (với hy vọng chống đỡ được rủi ro lâu và tốt hơn). Ngày nay ngân hàng trung ương có nhiều “rào chắn” để ngăn không cho một ngân hàng thương mại nào đó sụp đổ. Nhưng quy mô vốn tự có vẫn tạo được lòng tin bền vững hơn của khách hàng.
Để tăng tỷ lệ vốn tự có trên tài sản có của ngân hàng, ngân hàng trung ương chỉ cho phép các ngân hàng thương mại huy động vốn không vượt quá 20 lần so với vốn điều lệ. Hệ quả là vốn tự có càng lớn thì vốn huy động càng lớn và khả năng cho vay cũng càng lớn và ngược lại. Xét trên ý nghĩa này, vốn tự có thực sự là yếu tố quan trọng để thu hút tiền gửi.
- Vốn tự có là nguồn hình thành tài sản cố định và cho vay
Về khía cạnh quản trị, vốn tự có là nguồn vốn dài hạn để đầu tư vào đất đai, trụ sở làm việc của ngân hàng. Theo quy định của luật ngân hàng, các ngân hàng thương mại được phép sử dụng 50% vốn tự có để mua tài sản cố định.
Vốn tự có và nợ dài hạn là nguồn tài trợ cho sự phát triển để duy trì sức cạnh tranh. Đây là nguồn chủ yếu để góp vốn, liên doanh, mua cổ phiếu của các công ty cổ phần. Mặt khác, vốn tự có còn để phân tán rủi ro, đa dạng hóa các hoạt động thích hợp, như kinh doanh chứng khoán, cho thuê tài chính, bảo hiểm,… thông qua các công ty con của họ.
Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tổng dư nợ cho vay của một ngân hàng thương mại đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại đó. Vì vậy, muốn đáp ứng vốn đầy đủ cho một khách hàng thì ngân hàng thương mại phải có vốn tự có gấp nhiều lần vốn cho một khách hàng vay. So sánh giữa các ngân hàng thương mại với nhau, ngân hàng thương mại nào có vốn tự có cao thì khả năng đáp ứng tín dụng cho khách hàng cũng cao, hệ quả là ngân hàng thương mại đó có năng lực cạnh tranh cao.
Tóm lại, vốn tự có của các ngân hàng thương mại đóng vai trò to lớn trong xác lập vị thế cạnh tranh của các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, việc phòng, hạn chế rủi ro và nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngân hàng thương mại không thể và không nên chỉ dựa vào duy nhất yếu tố là vốn tự có mà còn cần sử dụng vốn huy động trong nền kinh tế.
Vốn huy động - yếu tố tài chính quan trọng trong cạnh tranh của các ngân hàng thương mại
Do bản chất của ngân hàng thương mại là một định chế tài chính kinh doanh bằng tiền của người khác nên vốn huy động chiếm vị trí quan trọng trong cạnh tranh. Hiệu quả của việc sử dụng vốn huy động cùng năng lực quản trị tài sản có và tài khoản nợ của ngân hàng thương mại quyết định phần lớn năng lực cạnh tranh của ngân hàng thương mại.
Vốn huy động phụ thuộc vào vốn tự có và giới hạn tỷ lệ cấp tín dụng đối với ngân hàng thương mại. Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ngân hàng thương mại chỉ được sử dụng 80% nguồn vốn huy động để cấp tín dụng. Chính vì vậy ngân hàng thương mại muốn có vốn để cấp tín dụng thì phải không ngừng huy động vốn. Vốn huy động càng cao thì khả năng cấp tín dụng càng nhiều và ngược lại. Quy định này càng làm tăng vai trò của vốn huy động trong năng lực cạnh tranh của các ngân hàng thương mại hiện nay.
Các yếu tố phi tài chính và sức cạnh tranh của ngân hàng thương mại
Các yếu tố phi tài chính thực chất là các hoạt động ngân hàng nằm ngoài bảng cân đối kế toán. Việc mở rộng và đa dạng hóa các hoạt động phi tài chính không chỉ mang ý nghĩa là tạo ra và mở rộng quy mô của lợi nhuận mà còn là yếu tố quan trọng để chiến thắng trong cạnh tranh theo hướng đa dạng hóa các sản phẩm.
Nếu coi toàn bộ hoạt động của một ngân hàng thương mại thực chất là hoạt động dịch vụ thì cũng có thể chia các dịch vụ đó thành các dịch vụ sử dụng các yếu tố tài chính và các dịch vụ sử dụng các yếu tố phi tài chính. Xét trên phạm vi của bảng cân đối, các dịch vụ sử dụng các yếu tố phi tài chính này chính là dịch vụ ngoại bảng.
Khác với các nghiệp vụ ngân hàng truyền thống, hoạt động của ngân hàng thương mại hiện đại phản ảnh rõ nét những đặc trưng sau: mở rộng cung ứng dịch vụ ngân hàng hiện đại; chủ yếu thực hiện nghiệp vụ ngân hàng bán buôn; mở rộng hoạt động ra ngoài bảng cân đối; mở rộng các hoạt động ngân hàng quốc tế v.v..
Sự diễn biến phong phú và đa dạng đó, với việc sử dụng ngày càng đầy đủ hơn các chức năng của tiền, việc ra đời và phát triển các kỹ thuật và công nghệ hiện đại, việc hình thành và sử dụng các công cụ tài chính thích ứng với nền kinh tế thị trường phát triển, bản thân các ngân hàng thương mại là những chủ thể quan trọng tham gia thị trường, đã từng bước biến ngân hàng thương mại trở thành một ngành công nghiệp quan trọng, đóng vai trò như là nhà kinh doanh và nhà môi giới, có mặt khắp nơi và quyện chặt với các thị trường khác đến mức không dễ gì phân biệt.
Không giống như một số hoạt động kinh tế khác, hoạt động ngân hàng thương mại gắn liền không những với nền kinh tế trong nước mà còn gắn rất chặt với những diễn biến, đổi thay trong nền kinh tế thế giới. Chính vì lẽ đó, các phương pháp kỹ thuật nghiệp vụ, sử dụng các công cụ kỹ thuật, các phương pháp công nghệ, các tập quán giao dịch… không bó hẹp trong từng nước mà phải thích ứng với các giao dịch diễn ra theo tiêu chuẩn quốc tế.
Với những phân tích trên, có lý do để cho rằng, cùng với sự phát triển của nền kinh tế theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, cùng với quá trình quốc tế hóa và hội nhập của nền kinh tế với thế giới, việc mở rộng và sử dụng có hiệu quả các yếu tố phi tài chính trong hoạt động nghiệp vụ của các ngân hàng thương mại là tất yếu, nếu không muốn bị loại khỏi cuộc chơi.
Các yếu tố phi tài chính được thể hiện thông qua 2 dịch vụ cơ bản. Đó là dịch vụ môi giới, được biểu hiện bằng các hoạt động của người môi giới và người hoạt động thị trường, sàng lọc thông tin và cung cấp thông tin. Đây là một phần quan trọng của bất kỳ tổ chức trung gian nào. Người môi giới giúp cho người đi vay và người cho vay trong các vùng khác nhau của đất nước, hoặc những vùng khác nhau trên thế giới, hoặc trong từng lĩnh vực của đời sống gặp được nhau. Trong khi tiến hành việc đó, dịch vụ môi giới ngân hàng không làm thay đổi thời hạn và điều kiện của các loại công cụ tài chính riêng lẻ. Nói cách khác, các dịch vụ môi giới tồn tại do có khả năng thu hẹp khoảng cách và tính không hoàn hảo của thị trường thể hiện qua bất cân xứng về thông tin. Nói cách khác, không có những dịch vụ như thế, thị trường có thể không tồn tại hoặc vận hành quá thưa vắng do chi phí tham gia là quá lớn.
Một dịch vụ khác nữa là các ngân hàng thương mại có khả năng bảo đảm mức độ an toàn cao của các giao dịch, tạo cho người cho vay trái quyền đối ứng với các tổ chức môi giới, tùy thuộc vào tài sản mà họ nắm giữ. Sự khác nhau này có thể là rất nhỏ ở các trung gian có quy mô nhỏ, như là tạo điều kiện cho khách hàng ký thác tài sản, nhưng về tiềm năng, có thể biến tất cả những người có tiền nhàn rỗi thành chủ sở hữu một phần trong tổng số tài sản đồ sộ của các ngân hàng (hoặc cung ứng số ký thác có được cho người vay) hoặc sự khác nhau này có thể là lớn như là việc mua tài sản thuộc vốn tự có và phát hành giấy nhận nợ thuộc tài sản nợ.
Cùng với các dịch vụ mang tính môi giới, trung gian nói trên, các dịch vụ khác, như dịch vụ ngân quỹ, chuyển tiền, dịch vụ thanh toán trong nước và quốc tế, dịch vụ thu hộ, mua bán hộ - những hoạt động dịch vụ này nếu không có vai trò của ngân hàng thì hoặc là không thực hiện được hoặc rủi ro là rất lớn. Là một định chế tài chính trung gian, các ngân hàng thương mại có khả năng thực hiện các dịch vụ này với chi phí thấp và an toàn, như thực hiện các lệnh mua, bán ngoại tệ cho khách hàng, kim loại, đá quý, những tài sản quý, báu vật, cổ vật,…
Ngoài các dịch vụ nói trên, các ngân hàng thương mại còn xuất hiện với tư cách là người thụ thác trong nghiệp vụ ủy thác, bảo quản an toàn tài sản, vật có giá, thực hiện dịch vụ kiểm kê, đánh giá tài sản của công ty, xí nghiệp bị phá sản, nhận bảo quản hàng hóa nhập từ nước ngoài về, cung ứng dịch vụ tư vấn, v.v..
Làm chủ và cung cấp thuận tiện với giá cả phải chăng tất cả các dịch vụ đa dạng và phong phú đó, với việc sử dụng ngày càng đầy đủ hơn các chức năng của tiền, với việc cập nhật và sử dụng hiệu quả kỹ thuật và công nghệ ngân hàng hiện đại, với việc hình thành và sử dụng các sản phẩm tài chính thích ứng với nền kinh tế thị trường, ngân hàng thương mại trở thành các chủ thể trung tâm trên thị trường tài chính, qua đó không chỉ tăng lượng khách hàng giao dịch mà còn liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp và dân cư trên phân khúc thị trường chiếm lĩnh...
Tóm lại, với việc tận dụng tối đa những yếu tố phi tài chính, các ngân hàng thương mại đã từng bước trở thành nhà cung cấp dịch vụ đa dạng cho người tiêu dùng và doanh nghiệp. Chính vì vậy, muốn nâng cao năng lực cạnh tranh, từng ngân hàng thương mại phải biết tận dụng các yếu tố cả tài chính và phi tài chính, trong đó yếu tố tài chính tạo nền tảng, yếu tố phi tài chính tạo nên sự khác biệt, linh hoạt và đa dạng để thích nghi với nhu cầu thị trường.
Các ngân hàng thương mại và bản thân sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước ở nước ta chưa thật sự quan tâm đến khai thác các yếu tố phi tài chính trong cạnh tranh. Biểu hiện cụ thể là Ngân hàng Nhà nước tích cực chỉ đạo các ngân hàng thương mại tăng vốn điều lệ, thực hiện các tiêu chuẩn an toàn vốn và các ngân hàng thương mại cùng nỗ lực nâng cao vốn điều lệ bằng nhiều cách, trong đó sáp nhập là cách làm được ưa chuộng. Tuy nâng cao năng lực tài chính là hoạt động cấp thiết, nhưng trong điều kiện nguồn vốn còn khan hiếm, khả năng nhanh chóng trở thành ngân hàng lớn để cạnh tranh với ngân hàng nước ngoài khi nước ta mở cửa thị trường tài chính nhiều hơn không phải là lớn. Trong khi đó tăng số lượng, chất lượng, chủng loại dịch vụ phi tài chính lại là khả năng trong tầm tay của các ngân hàng thương mại Việt Nam. Thời gian qua các ngân hàng thương mại nước ta đã bước đầu thực thi các giải pháp theo hướng này, nhưng lại mắc phải khiếm khuyết là mở rộng dịch vụ theo chiều rộng, không chú ý tạo sự khác biệt về dịch vụ giữa các ngân hàng; không kiểm soát mức độ cung cấp và nhu cầu sử dụng dịch vụ nên nhiều dịch vụ phát triển tràn lan, thiếu hiệu quả, như dịch vụ thẻ, nhiều dịch vụ chất lượng thấp, như dịch vụ tư vấn tài chính; các dịch vụ thanh toán chưa tiện lợi; thái độ phục vụ của nhân viên chưa làm hài lòng khách hàng. Nếu không đổi mới nhanh chóng các hoạt động này thì khi mở cửa thị trường tín dụng rộng rãi, ngân hàng thương mại trong nước không những thua kém ngân hàng nước ngoài về năng lực tài chính, mà còn thua kém về chất lượng dịch vụ phi tài chính và uy tín đối với khách hàng./.
Thế giới đón chào Năm mới 2012  (02/01/2012)
Lãnh đạo các nước hy vọng năm 2012 tốt đẹp hơn  (01/01/2012)
Bình Dương tổ chức kỷ niệm 15 năm tái lập tỉnh  (01/01/2012)
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ 1-1-2012  (01/01/2012)
Khai mạc Festival hoa Đà Lạt 2012  (01/01/2012)
Những sự kiện lớn trên thế giới trong năm 2012  (01/01/2012)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay