Thị trường cao-su thiên nhiên thế giới: Xu hướng và những tác động đến Việt Nam

Hoàng Thị Vân
Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính
08:35, ngày 24-12-2024

TCCS - Thời gian qua, thị trường cao-su thiên nhiên thế giới có nhiều biến động, nhu cầu tiêu thụ và giá cao-su thiên nhiên có xu hướng tăng trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, có tác động không nhỏ đến thị trường cao-su thiên nhiên Việt Nam. Với những dấu hiệu tích cực nêu trên, cùng với định hướng phát triển theo hướng bền vững, tập trung xây dựng thương hiệu, kỳ vọng thời gian tới, xuất khẩu cao-su thiên nhiên của Việt Nam tiếp tục có nhiều cơ hội để phát triển mạnh mẽ.

Thị trường cao-su thiên nhiên thế giới

Tình hình cung cầu cao-su thiên nhiên thế giới

Theo thống kê của Hiệp hội các nước sản xuất cao-su thiên nhiên (ANRPC), sản lượng cao-su thiên nhiên toàn cầu tính đến tháng 11-2024 đạt 12,7 triệu tấn, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, nhu cầu cao-su thiên nhiên toàn cầu đạt 13,9 triệu tấn, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Hình 1: Xu hướng tăng trưởng cao-su tự nhiên toàn cầu giai đoạn 2020 - 2024_Nguồn: the Monthly NR Statistical Report, November 2024, ANRPC

Tình trạng thiếu hụt nguồn cung cao-su thiên nhiên tiếp tục diễn ra trong năm 2024 và có thể kéo dài tới năm 2025. Trong báo cáo thống kê cao-su thiên nhiên tháng 11-2024 của ANRPC, tổ chức này đã dự kiến nhu cầu toàn cầu về cao-su thiên nhiên năm 2024 ở mức 15,38 triệu tấn (tăng 1,4% so với năm 2023), nguồn cung cao-su thiên nhiên toàn cầu ở mức 14,53 triệu tấn (tăng 4,5% so với năm 2023). Điều này khiến thị trường toàn cầu sẽ thiếu hụt tới 0,85 triệu tấn cao-su thiên nhiên trong năm 2024 và mức thiếu hụt này gấp 2,4 lần so với mức thiếu hụt cao-su thiên nhiên trong năm 2023.

Giá cao-su thiên nhiên thế giới trong 11 tháng năm 2024, nhìn chung, diễn biến giá cao-su thiên nhiên xuất khẩu trên thị trường thế giới có xu hướng tăng cao so với cùng kỳ năm 2023 (xem Biểu đồ 1). Nguyên nhân giá cao-su thiên nhiên tăng chủ yếu do nguồn cung bị giảm sút bởi bệnh lá trên cây cao-su bùng phát và thời tiết bất lợi ở những vùng sản xuất chính. Bên cạnh đó, nguồn cung cao-su cũng đã giảm đáng kể khi các hộ sản xuất chuyển sang trồng các loại cây công nghiệp khác trong giai đoạn giá cao-su giảm mạnh thời gian trước.

 Biểu đồ 1: Diễn biến giá cao-su trên thị trường thế giới tháng 1-2023 - tháng 11-2024 (đơn vị USD/tấn)_Nguồn: Tổng hợp từ số liệu của World Bank 

Bước sang đầu quý II-2024 và giữa quý III-2024, giá cao-su thiên nhiên trên thị trường thế giới có diễn biến giảm do lo ngại khả năng hấp thụ của thị trường Trung Quốc giảm khi EU đã áp mức thuế 37,6% đối với xe điện nhập khẩu từ quốc gia này. Mức thuế tạm thời cao hơn sẽ làm giảm mạnh lượng nhập khẩu xe điện từ Trung Quốc, từ đó nhu cầu nhập khẩu cao-su để sản xuất lốp xe của Trung Quốc cũng giảm tương ứng. Sau đó, giá cao-su thiên nhiên đã tăng mạnh trở lại do tình trạng thiếu nguồn cung từ Thái Lan và các quốc gia sản xuất cao-su lớn trên thế giới. Trong quý IV-2024 nguồn cung cao-su nguyên liệu thô toàn cầu tăng theo mùa thu hoạch, một phần dẫn đến giá cao-su thiên nhiên giảm.

Xu hướng thị trường cao-su thiên nhiên thế giới trong thời gian tới

Với đặc tính đàn hồi cao, bền dẻo, khả năng chống thấm, chống phân mảnh tốt và khả năng sinh nhiệt thấp trong quá trình sử dụng, cao-su thiên nhiên là nguồn nguyên liệu quan trọng trong nhiều ngành công nghiệp. Cao-su thiên nhiên rất phù hợp để sản xuất các sản phẩm chuyên dụng như lốp xe, găng tay y tế, gối nệm, giày dép... Cũng nhờ những đặc tính trên của cao-su thiên nhiên mà cao-su nhân tạo không có được đã khiến cho nguy cơ thay thế cao-su thiên nhiên bởi cao-su nhân tạo đã giảm đi rất nhiều trong thời gian gần đây. Bên cạnh đó, cao-su thiên nhiên còn là một nguyên liệu xanh, phù hợp với xu hướng phát triển sản xuất ESG (một bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng).

Nguồn cung cao-su thiên nhiên trên thế giới thấp hơn nhu cầu tiêu thụ cao-su thiên nhiên toàn cầu hiện nay đã hỗ trợ giá và tạo cơ hội tốt cho các nước xuất khẩu cao-su thiên nhiên tiếp tục phát triển. Thị trường cao-su thiên nhiên thời gian tới sẽ tiếp tục sôi động. Giá và nhu cầu nhập khẩu cao-su thiên nhiên có xu hướng giữ ở mức cao do bối cảnh nguồn cung bị giảm sút bởi dịch bệnh trên lá cây bùng phát và chịu tác động tiêu cực của điều kiện khí hậu kém thuận lợi trong giai đoạn pha El Nino chuyển sang pha La Nina.

Công nhân cạo mủ cao su tại Nông trường cao su Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước_Ảnh: TTXVN

Những tác động đến thị trường cao-su thiên nhiên Việt Nam 

Việt Nam có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất cao-su thiên nhiên nói riêng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong năm 2023, cả nước có khoảng 911,2 nghìn héc-ta diện tích trồng cây cao-su. Trong đó, gần 80% số diện tích trồng cây cao-su trưởng thành có thể khai thác, tạo quy mô sản lượng mủ cao-su của cả nước đạt 1,27 triệu tấn. Đây là nguồn cung rất lớn cho phát triển xuất khẩu cao-su của nước ta. Trong nhiều năm qua, nước ta trở thành nước xuất khẩu cao-su thiên nhiên lớn trên thế giới. Do đó, những biến động của thị trường cao-su thiên nhiên thế giới có tác động tới thị trường cao-su thiên nhiên Việt Nam.

Diễn biến giá mủ cao-su có xu hướng tăng

Trong 11 tháng đầu năm 2024, thị trường cao-su thiên nhiên nội địa có xu hướng phục hồi, giá mủ cao-su tăng cao so với năm 2023. Theo hệ thống cung cấp giá tại địa phương, trong tháng 11-2024 tại Bình Phước, giá thu mua mủ cao-su tăng so với tháng trước và tăng cao so với cùng kỳ năm 2023, cụ thể: giá thu mua mủ cao-su của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cao-su Phú Riềng trong tháng 11-2024 ở mức 412-452 VND/độ TSC, tăng 46,4% so với tháng 11-2023 (xem Biểu đồ 2). Tính trung bình 11 tháng đầu năm 2023, giá thu mua mủ cao-su của Công ty ở mức 353,7VND/độ TSC, tăng 28,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Biểu đồ 2: Giá mủ cao-su tại tỉnh Bình Phước từ 1-2023 - 11-2024 (đơn vị: VND/độ TSC)_Nguồn: Tổng hợp số liệu từ https://www.phuriengrubber.vn

Việc thiếu hụt nguồn cung cao-su thiên nhiên toàn cầu do bệnh rụng lá và ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino chuyển pha sang El Nina cùng với việc thu hẹp diện tích sản xuất cao-su ở một số quốc gia sản xuất chính, trong đó có nước ta đã tác động đẩy giá mủ cao-su trong nước tăng cao từ tháng cuối quý II-2024 đến nay.

Xuất khẩu cao-su tăng trưởng tích cực

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Thống kê, xuất khẩu cao-su của Việt Nam trong tháng 11-2024 đạt khoảng 229 nghìn tấn, giá trị đạt khoảng 441 triệu USD, giảm 9,6% về lượng nhưng tăng 26,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 11 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cao-su của cả nước đạt khoảng 1,17 triệu tấn, tương đương 2,97 tỷ USD, giảm 5,6% về lượng, nhưng tăng 17,8% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023.

Trong 4 tháng đầu năm 2024, cả khối lượng và trị giá xuất khẩu cao-su của nước ta có diễn biến tăng giảm đan xen. Khối lượng và giá trị cao-su xuất khẩu giảm xuống mức thấp nhất vào tháng 4-2024: đạt 73,6 nghìn tấn, trị giá khoảng 117,6 triệu USD. Đây là giai đoạn thu hoạch cao-su thấp điểm tại nước ta cũng như các quốc gia khu vực Đông Nam Á khác. Bên cạnh đó, nhu cầu cao-su tại Trung Quốc (thị trường xuất khẩu cao-su lớn nhất của Việt Nam, chiếm 57% về lượng và 54% về kim ngạch xuất khẩu cao-su trong tháng 4-2024) sụt giảm cũng tác động tiêu cực tới xuất khẩu mặt hàng này.

Trong những tháng tiếp theo, xuất khẩu cao-su của nước ta nhìn chung có diễn biến tăng tương tự diễn biến của năm 2023 và đạt đỉnh vào tháng 11-2024. Do lo ngại về nguồn cung cao-su toàn cầu thắt chặt, đặc biệt nguồn cung từ Thái Lan, In-đô-nê-xi-a bị ảnh hưởng bởi thời tiết bất lợi, trong khi triển vọng phục hồi kinh tế của Trung Quốc và nhu cầu từ châu Âu cũng như Hoa Kỳ bắt đầu phục hồi đã đẩy giá cao-su tăng cao, hỗ trợ rất lớn cho hoạt động xuất khẩu cao-su của nước ta.

 Biểu đồ 3: Lượng và giá trị xuất khẩu cao-su của Việt Nam từ tháng 1-2023 - tháng 11-2024 (Đơn vị: Lượng xuất khẩu (nghìn tấn), giá trị xuất khẩu (triệu USD)_Nguồn: Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thống kê

Đối với giá cao-su xuất khẩu, trong 11 tháng đầu năm 2024, giá cao-su xuất khẩu của nước ta nhìn chung có xu hướng tăng cao. Riêng tháng 11-2024, giá xuất khẩu cao-su của nước ta đạt 1.928 USD/tấn và tăng 40,2% so với tháng 11-2023. Tính chung cả 11 tháng đầu năm 2024, giá xuất khẩu cao-su trung bình đạt 1.645 USD/tấn và tăng 21,8% về giá so với cùng kỳ năm 2023.

 Biểu đồ 4: Diễn biến giá cao-su xuất khẩu của Việt Nam từ 1-2023 - 11-2024 (đơn vị: USD/tấn)_Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Nguyên nhân của diễn biến trên chủ yếu do nhu cầu nhập khẩu của hầu hết các thị trường lớn đối với cao-su của Việt Nam đều có dấu hiệu phục hồi. Bên cạnh đó, lo ngại về nguồn cung cao-su toàn cầu sụt giảm, đặc biệt nguồn cung từ Thái Lan, In-đô-nê-xi-a bị ảnh hưởng bởi thời tiết bất lợi đã đẩy giá cao-su thế giới tăng cao, từ đó hỗ trợ giá cao-su xuất khẩu của nước ta.

Đối với thị trường xuất khẩu, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng đầu năm 2024, thị trường Trung Quốc vẫn đứng đầu về tiêu thụ cao-su của Việt Nam (chiếm 70,8% trong tổng lượng và chiếm 70% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cao-su của cả nước), đạt 1.255 nghìn tấn, tương đương 2.075 triệu USD, giá trung bình 1.653 USD/tấn (giảm 15,5% về lượng, và giảm 5,5% về kim ngạch nhưng tăng 24,8% về giá so với cùng kỳ năm 2023).

Tiếp theo là thị trường Ấn Độ (chiếm 6,6% trong tổng lượng và 6,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cao-su của cả nước), đạt 117,25 nghìn tấn, tương đương 201,5 triệu USD, giá trung bình 1.719 USD/tấn (tăng 17,2% về lượng, tăng 45,8% về kim ngạch và tăng 24,3% về giá so với cùng kỳ năm 2023).

Bên cạnh đó, cao-su xuất khẩu sang Ma-lai-xi-a trong kỳ ghi nhận tăng tới 365% về lượng và 427% về giá trị so với cùng kỳ năm trước, đạt lần lượt 29.735 tấn với kim ngạch 43 triệu USD. Tại khối ASEAN, trong top 10 thị trường xuất khẩu cao-su lớn nhất của Việt Nam, còn có In-đô-nê-xi-a với 21.847 tấn, đạt giá trị 41,2 triệu USD, tăng lần lượt 59,7% về lượng và 82,2% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023.

Chế biến cao-su xuất khẩu tại nhà máy của Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng_Ảnh: TTXVN

Một số kiến nghị chính sách hỗ trợ phát triển xuất khẩu cao-su của Việt Nam trong thời gian tới

Một là, về các chính sách hỗ trợ sản xuất cao-su gắn với phát triển bền vững.

Xu hướng phát triển bền vững đang là một yêu cầu cấp bách của toàn xã hội để việc sản xuất hàng hóa phục vụ đời sống và mang lại việc làm, thu nhập cho thế hệ hôm nay nhưng không gây tác động xấu đến chất lượng môi trường và cuộc sống của thế hệ tương lai. Với vai trò tiên phong và điển hình trong việc phát triển bền vững ngành cao-su, Tập đoàn Công nghiệp Cao-su Việt Nam đặt mục tiêu phát triển bền vững thông qua “Chiến lược tăng trưởng xanh và phát triển bền vững giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn 2050”. Theo đó, các đơn vị thành viên trực thuộc Tập đoàn đã và đang thực hiện sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường, đầu tư vào dây chuyền sản xuất giảm thiểu chất thải và khí thải, áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn, xanh hóa toàn bộ chuỗi cung ứng và quy trình sản xuất. Để đạt mục tiêu, cần có chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng nhằm khuyến khích lan tỏa chiến lược này tới các doanh nghiệp tư nhân và các hộ tiểu điền thông qua việc liên kết chuỗi cung ứng cao-su.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ khu vực cao-su tiểu điền thích ứng với quy định chống phá rừng (EUDR) của EU (có hiệu lực từ ngày 30-12-2024 và áp dụng từ ngày 30-6-2025, trở thành hàng rào kỹ thuật không cho phép bất cứ sản phẩm cao-su nào nhập khẩu vào EU nếu không cung cấp thông tin truy xuất nguồn gốc cao-su tới tận vị trí địa lý cùng với các bằng chứng chứng minh việc khai thác không làm mất rừng trên các diện tích trồng cao-su). Việc đáp ứng các yêu cầu của EUDR đối với các diện tích cao-su đại điền của Việt Nam, đặc biệt là diện tích thuộc Tập đoàn công nghiệp cao-su Việt Nam, đều không gặp khó khăn. Bởi các diện tích này đã trồng cao-su từ lâu, đất đai đều có nguồn gốc, ranh giới rõ ràng và có đầy đủ giấy tờ hợp pháp về quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, đây lại là trở ngại lớn đối với khu vực cao-su tiểu điền ở Việt Nam. Khoảng 52% số nguồn cung cao-su của Việt Nam từ khu vực hộ tiểu điền cung cấp theo một chuỗi tương đối phức tạp: cao-su khai thác từ các hộ đi qua nhiều khâu trước khi được đưa vào chế biến. Phần lớn lượng cung cao-su từ tiểu điền đều phải qua thương lái thu mua, khâu trung gian quan trọng kết nối họ với các nhà máy chế biến. Do đó, việc quản lý và giải trình thông tin với cao-su tiểu điền Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn. Trước tình trạng đó, Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực hộ tiểu điền cao-su trong việc thích ứng với EUDR. Đặc biệt là, ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ, thực hiện chuyển đổi số vào sản xuất và xuất khẩu về dữ liệu định vị, truy xuất nguồn gốc cao-su. Cùng với đó, tích hợp số liệu cao-su vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về rừng, hệ thống thông tin vùng sản xuất, hỗ trợ các bên trong vấn đề pháp lý đối với việc sử dụng đất và áp dụng các phương pháp truy xuất nguồn gốc.

Hai là, hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển thương hiệu ngành cao-su

Thời gian qua, việc xây dựng thương hiệu ngành cao-su thông qua hình ảnh nhãn hiệu chứng nhận “Cao-su Việt Nam/Viet Nam Rubber” đã được bảo hộ ở nhiều quốc gia tiêu thụ cao-su lớn trên thế giới, như Trung Quốc, Ấn Độ… Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tiếp tục có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đăng ký tham gia để góp phần phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Cao-su Việt Nam/Viet Nam Rubber” thành thương hiệu nông sản quốc gia. Bên cạnh đó, Hiệp hội Cao-su Việt Nam phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương có các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu cao-su trong công tác quảng bá, xây dựng hình ảnh, đăng ký bảo hộ tại thị trường nước ngoài tương tự như các nông sản khác. Các chính sách hỗ trợ thông qua việc xây dựng và thực hiện tốt chiến lược quảng bá thương hiệu ngành cao-su Việt Nam trong khuôn khổ chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, gia tăng sự nhận biết của các nhà nhập khẩu cũng như người tiêu dùng cuối cùng về các sản phẩm mang nhãn hiệu “Cao-su Việt Nam/Viet Nam Rubber”; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số cho Hiệp hội Cao-su Việt Nam và doanh nghiệp của ngành để đáp ứng xu hướng xúc tiến thương mại trên môi trường số và xúc tiến thương mại đa kênh…

Ba là, ban hành chính sách hỗ trợ phát triển thị trường xuất khẩu cao-su.

Hiện nay, xuất khẩu cao-su thiên nhiên của Việt Nam còn lệ thuộc nhiều vào một số thị trường tiêu thụ chính, đặc biệt là Trung Quốc (chiếm gần 80% khối lượng và trị giá trong tổng xuất khẩu cao-su của cả nước). Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong việc thâm nhập thị trường lớn khác, như: Mỹ, Nhật Bản, châu Âu…

Thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, tăng cường hợp tác quốc tế có vai trò rất quan trọng trong mở rộng thị trường, phát triển xuất khẩu cao-su. Bộ Công Thương cần đồng hành cùng doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu cao-su trong công tác xúc tiến thương mại và phát triển thị trường xuất khẩu. Điều đó tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu cao-su Việt Nam, Hiệp hội Cao-su Việt Nam tham gia các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, quốc tế. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan đại diện thương mại, xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài tăng cường công tác quảng bá, kịp thời cung cấp thông tin, tư vấn thông tin cho doanh nghiệp hai bên, thể hiện vai trò là cầu nối về chính sách, quy định giữa cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp hai bên phát triển bền vững mối quan hệ thương mại tốt đẹp.

Trong bối cảnh chịu tác động từ biến động kinh tế, chính trị thế giới và biến đổi khí hậu, ngành hàng cao-su ở nước ta vẫn bảo đảm nhu cầu tiêu thụ trong nước và phục vụ cho xuất khẩu. Thị trường cao-su trong nước có diễn biến tích cực, giá mủ cao-su nội địa và giá cao-su xuất khẩu có xu hướng tăng cao, sẽ tiếp tục mang lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu cao-su của Việt Nam nói riêng và cơ hội phát triển ngành hàng cao-su của Việt Nam nói chung./.