TCCS - Là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trên địa bàn chiến lược trọng yếu, trung tâm đầu não chính trị và hành chính quốc gia, trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục và giao dịch quốc tế của cả nước, Bộ Tư lệnh Thủ đô luôn quan tâm chỉ đạo công tác quốc phòng, quân sự, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, toàn diện gồm: Chính trị tư tưởng, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, công tác hậu cần, kỹ thuật, công tác hậu phương quân đội…

Đồng chí Tư lệnh và đồng chí Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội động viên chiến sĩ mới Trung đoàn 692, Sư đoàn Bộ binh 301_Nguồn: quocphongthudo.vn

Xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh về chính trị, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu

Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu, bảo đảm cho lực lượng vũ trang Thủ đô luôn tăng cường bản chất giai cấp công nhân, có mục tiêu, phương hướng chính trị rõ ràng, hành động cách mạng đúng đắn, khoa học, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân. Do vậy, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị, nhà trường tiếp tục vận dụng sáng tạo, hiệu quả Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới”; chú trọng rút kinh nghiệm những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng, phổ biến pháp luật. Xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng; động cơ phấn đấu trong sáng, ý chí quyết tâm, trách nhiệm cao, có đạo đức, lối sống lành mạnh, có văn hóa, tri thức khoa học, trình độ quân sự, chuyên môn nghiệp vụ, sức khỏe và phương pháp công tác tốt; chủ động khắc phục khó khăn, vươn lên hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Kết hợp chặt chẽ giữa kiện toàn tổ chức, biên chế với tập huấn, bồi dưỡng, duy trì kiểm tra, giám sát, nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, nhất là cấp cơ sở; tăng cường các biện pháp xây dựng Đảng bộ Bộ Tư lệnh, các quận, huyện, thị xã vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, phát huy vai trò trung tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, giáo dục, rèn luyện, xây dựng lực lượng vũ trang. Đẩy mạnh phong trào Thi đua Quyết thắng gắn với phong trào Thi đua yêu nước của địa phương; làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, truyền thống dân tộc, quân đội, Thủ đô, nhất là truyền thống “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, gắn với nét đẹp văn hóa Người chiến sĩ Thủ đô. Chủ động đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, giữ vững định hướng chính trị, trận địa tư tưởng của Đảng trong từng cơ quan, đơn vị; kiên quyết không để các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, cài cắm, móc nối chống phá. Thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, công tác dân vận, chính sách, bảo vệ chính trị nội bộ,… xây dựng lực lượng vũ trang thật sự vững mạnh về chính trị, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu. Để làm được điều đó, lực lượng vũ trang Thủ đô thông qua các hội nghị quán triệt, học tập nghị quyết; thực tiễn hoạt động tiến hành công tác đảng, công tác chính trị, tiếp tục quán triệt các nghị quyết, chỉ thị về công tác quốc phòng, quân sự. Thường xuyên quán triệt sâu sắc đường lối quân sự của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên, quan tâm xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện, có chất lượng tổng hợp, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Trong đó, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Thủ đô luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng lực lượng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, xác định đây là vấn đề then chốt, là nhân tố quyết định, bảo đảm cho lực lượng vũ trang thực sự là lực lượng trung thành, tin cậy của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương.

Tăng cường huấn luyện sẵn sàng chiến đấu cho lực lượng vũ trang Thủ đô

Cùng với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, lực lượng vũ trang Thủ đô đã thực hiện hiệu quả nhiệm vụ xây dựng, phát triển lực lượng, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và rèn luyện kỷ luật. Nhằm tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết Hội nghị Trung ương, trọng tâm là Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 25-10-2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI “Về chiến lược bảo vệ Tổ trong tình hình mới”; Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 22-9-2008 của Bộ Chính trị khóa X “Về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới”, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Thủ đô tập trung xây dựng lực lượng thường trực theo hướng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại”; xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, có số lượng hợp lý, chất lượng cao; lực lượng dân quân tự vệ “vững mạnh, rộng khắp”. Đội ngũ cán bộ thường trực có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ kỹ, chiến thuật và chuyên môn nghiệp vụ ngày càng cao; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - quân sự địa phương đạt hiệu quả tốt.

Lực lượng vũ trang được xây dựng vững mạnh, có sức chiến đấu cao, cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao; xây dựng và biên chế trên hàng nghìn lực lượng dự bị động viên. Trong 10 năm triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô cơ bản đạt và vượt kế hoạch đề ra, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao. Nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được củng cố, tăng cường. Khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc. Chất lượng tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang địa phương được nâng lên rõ rệt, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Cụ thể, thời gian qua, Ban Chỉ đạo diễn tập thành phố Hà Nội đã tổ chức diễn tập phòng thủ Cụm phía Nam cho ba huyện: Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức và diễn tập chỉ huy, cơ quan một bên, hai cấp trên bản đồ và thực địa, gắn với huy động tiếp nhận lực lượng dự bị động viên. Cuộc diễn tập diễn ra giữa Trung đoàn Bộ binh 692 thực binh, Tiểu đoàn Bộ binh 5 (Sư đoàn Bộ binh 301) và các đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô. Lần đầu tiên Sư đoàn Bộ binh 301 tổ chức hình thức diễn tập ở đồng bằng, thể hiện sự phối hợp, hiệp đồng tác chiến của lực lượng chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương trong tác chiến phòng thủ, phòng ngự, ngăn chặn đánh bại địch tiến công, sẵn sàng cho mọi tình huống.

Cuộc diễn tập đã diễn ra qua 4 giai đoạn. Giai đoạn 1: chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu (chuyển các địa phương từ trạng thái thời bình sang trạng thái thời chiến). Giai đoạn 2: tổ chức chuẩn bị chiến đấu. Giai đoạn 3: thực hành chiến đấu (tác chiến phòng thủ) trên sa bàn. Giai đoạn 4: bắn chiến đấu. Đây là cuộc diễn tập diễn ra với quy mô lớn, nhiều lực lượng, thành phần tham gia; lần đầu tiên sư đoàn đã tham gia diễn tập cùng ba huyện phía Nam thành phố Hà Nội. Đối với Sư đoàn 301, đây là lần đầu tiên đơn vị diễn tập ở địa hình mới là đồng bằng. Để cuộc diễn tập diễn ra thành công, công tác chuẩn bị được tiến hành chu đáo, tỉ mỉ, từ hệ thống văn kiện, xây dựng kế hoạch, chuẩn bị công trình sở chỉ huy các cấp, công sự, hầm hào chiến đấu, tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ các cấp, tổ chức rèn luyện thể lực cho chiến sĩ, nghiên cứu thực địa, chuẩn bị chu đáo khu vực diễn tập… Đối với lực lượng vũ trang địa phương, cuộc diễn tập đã tạo điều kiện cho lực lượng vũ trang địa phương được phối hợp thực tế với lực lượng chủ lực trong quá trình huấn luyện, qua đó kinh nghiệm thực hành tác chiến phòng ngự, tiến công địch đổ bộ đường không qua các trận đánh được nâng cao. Lực lượng vũ trang địa phương có nhiều kinh nghiệm hơn trong quá trình huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, nâng cao sức chiến đấu ở đơn vị cơ sở. Cũng qua cuộc diễn tập đã tạo nên sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy chiến đấu, nâng cao trách nhiệm, vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương và lực lượng vũ trang địa phương, tạo điều kiện cho các đơn vị chủ lực có nhiều kinh nghiệm trong tác chiến ở khu vực phòng thủ thành phố.

Bảo đảm đầy đủ, kịp thời công tác hậu cần - kỹ thuật, góp phần tăng cường sức mạnh chiến đấu cho lực lượng vũ trang

Các cơ quan, đơn vị, nhà trường tiếp tục đổi mới phương thức bảo đảm vật chất hậu cần gắn với thực hiện cơ chế quản lý tài chính mới theo quy định của pháp luật. Tập trung bảo đảm đầy đủ, kịp thời, chất lượng công tác hậu cần phục vụ các nhiệm vụ: sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ các mục tiêu, sự kiện chính trị trọng đại, huấn luyện, diễn tập, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh... Triển khai hiệu quả các chương trình, đề án ngành hậu cần quân đội phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. Kết hợp nguồn ngân sách của quân đội với nguồn kinh phí khai thác của thành phố và các quận, huyện, thị xã đầu tư xây dựng, nâng cấp sở chỉ huy, doanh trại, kết cấu hạ tầng các cơ quan, đơn vị, nhà trường, bảo đảm chính quy “sáng, xanh, sạch, đẹp”. Đẩy mạnh hoạt động chăn nuôi, tăng gia, phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bộ đội, phấn đấu quân số khỏe đạt 98,5% trở lên, góp phần hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

Thời gian qua, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kỹ thuật, bảo đảm an toàn tuyệt đối kho tàng, tổ chức hiệp đồng sử dụng lực lượng, phương tiện trong phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Bên cạnh đó, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh thường xuyên coi trọng công tác bảo đảm kỹ thuật, nhất là bảo đảm vũ khí, trang bị, phương tiện kỹ thuật cho các nhiệm vụ cả thường xuyên và đột xuất. Các cơ quan, đơn vị, nhà trường cần rút kinh nghiệm những tồn tại, hạn chế thông qua tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 382-NQ/ĐUQSTW, ngày 29-11-2007, của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về lãnh đạo công tác kỹ thuật trong tình hình mới; tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, bảo đảm đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, chất lượng vũ khí, trang bị kỹ thuật cho các nhiệm vụ. Từng bước đầu tư mua sắm trang bị hiện đại cho các lực lượng làm nhiệm vụ A2 (1), nâng cao năng lực khai thác, làm chủ các loại vũ khí, trang bị mới. Thực hiện tốt Cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và An toàn giao thông”; chấp hành nghiêm công tác bảo đảm an toàn trong lao động, phòng, chống cháy nổ, bảo đảm an toàn tuyệt đối hệ thống kho, trạm, xưởng. Phối hợp với các lực lượng liên quan, nhất là công an thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn giao thông khi đất nước có sự kiện chính trị trọng đại, đón đoàn khách quốc tế, góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến, thông minh, hiện đại”, xứng tầm trái tim của cả nước.

Thực hiện thường xuyên chính sách hậu phương, quân đội

Thực hiện chính sách hậu phương quân đội, đẩy mạnh công tác “đền ơn đáp nghĩa” với người có công là đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của người Việt Nam, nhiệm vụ đó đã được lực lượng vũ trang Thủ đô triển khai đồng bộ và sát với thực tế.

Theo đó, Ban Chỉ huy quân sự các cấp làm tốt công tác phối hợp cùng với các ban, ngành và các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, giải quyết tồn đọng chính sách sau chiến tranh; công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người có công; công tác vận động quần chúng… được triển khai tích cực, đạt hiệu quả, góp phần củng cố, xây dựng lòng tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền và lực lượng vũ trang tại địa phương.

Cụ thể, nhằm tích cực chăm lo các đối tượng chính sách trên địa bàn thành phố, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã trao quyết định của Bộ Quốc phòng về hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa cho gia đình bệnh binh ở huyện Thạch Thất, huyện Ứng Hòa, đáp ứng nhu cầu về vật chất và tinh thần cho bệnh binh.

Về công tác chính sách đối với người có công, Bộ Chỉ huy quân sự huyện Thạch Thất đã rà soát, chi trả trợ cấp 1 lần cho 391 người được hưởng trợ cấp theo Quyết định số 290, Quyết định số 142 và Quyết định 62 của Thủ Tướng Chính phủ (2). Bộ Chỉ huy các quận huyện Hoàn Kiếm, Mỹ Đức tổ chức trao tặng vật tư thiết bị dụng cụ học tập cho trường Tiểu học.

Cùng với đó, lực lượng vũ trang các huyện Đông Anh, Sóc Sơn, tổ chức ngày Thương binh - Liệt sĩ, tham gia tặng quà, phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam Anh hùng… là những hoạt động thường xuyên và có sức lan tỏa, cùng hệ thống chính trị vào cuộc tham gia thực hiện.

Cùng với hoạt động “đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn”, lực lượng vũ trang thủ đô còn làm tốt công tác dân vận, như giúp dân thu hoạch vụ mùa chạy lũ, thực hiện tốt công tác hậu phương quân đội.

Những hoạt động trên đã từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, cho đối tượng chính sách, góp phần giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương, góp phần xây dựng thế trận lòng dân trên địa bàn thành phố./.

-----------------------------------------

(1) Diễn tập Khu vực phòng thủ và phòng, chống khủng bố.
(2) Quyết định số 290/ TTg về chế độ chính sách đối với một số đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhưng chưa được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước; Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg về thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước có dưới 20 năm công tác trong Quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương; Quyết định số: 62/2011/QĐ-TTg về chế độ, chính sách đối với đối tượng, tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ Quốc tế ở Cam-pu-chia giúp bạn Lào sau ngày 30-4-1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc.