Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 07 đến ngày 13-12-2015
Kế hoạch tinh giản biên chế
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa ký Quyết định về kế hoạch của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Kế hoạch nhằm tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, thu hút những người có đức, có tài vào hoạt động công vụ. Từ đó, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tiết kiệm ngân sách, giảm chi thường xuyên, cải cách tiền lương.
Kế hoạch xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu để các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập từ Trung ương đến địa phương xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai, thực hiện và kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết, bảo đảm đạt được mục tiêu và hiệu quả; bảo đảm đến năm 2021, về cơ bản không tăng tổng biên chế của bộ, ngành ở Trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương so với biên chế được giao của năm 2015. Trường hợp phải thành lập tổ chức mới hoặc giao nhiệm vụ mới thì bộ, ngành ở Trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tự cân đối, điều chỉnh trong tổng biên chế hiện có.
Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo thành lập mới trường, tăng lớp, tăng học sinh; lĩnh vực y tế thành lập mới tổ chức, tăng quy mô giường bệnh..., có thể bổ sung biên chế, nhưng phải quản lý chặt chẽ trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp.
Giữ ổn định biên chế của các tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp đến năm 2016. Từ năm 2017, thực hiện khoán hoặc hỗ trợ kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao.
Từng bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan hành chính nhà nước khác ở Trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế trong 7 năm (2015-2021) và từng năm, trong đó phải xác định tỷ lệ tinh giản biên chế tối thiểu là 10% biên chế của từng bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo kế hoạch chỉ tuyển dụng số cán bộ, công chức, viên chức mới không quá 50% số cán bộ, công chức, viên chức đã ra khỏi biên chế sau khi thực hiện tinh giản biên chế và không quá 50% số biên chế của cán bộ, công chức, viên chức đã giải quyết chế độ nghỉ hưu đúng tuổi hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật. Hàng năm, giảm 50% số biên chế thuộc diện tinh giản và giảm 50% biên chế của số cán bộ, công chức, viên chức nghỉ hưu đúng tuổi hoặc thôi việc theo quy định trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập từ Trung ương đến địa phương.
Đẩy mạnh thực hiện kiêm nhiệm đối với một số chức danh của cán bộ, công chức từ Trung ương đến cấp xã, nhất là kiêm nhiệm đối với các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, bản, tổ dân phố. Khoán kinh phí chi trả phụ cấp để khuyến khích giảm dần số lượng những người hoạt động không chuyên trách và tăng thu nhập của cán bộ, công chức cấp xã...
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Ngành Nội vụ cần chuẩn bị tốt công tác bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp
Ngày 12-12, tại hội nghị tổng kết công tác năm 2015, triển khai nhiệm vụ năm 2016 của ngành Nội vụ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Bộ Nội vụ phải chuẩn bị tốt nhất công tác bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp sắp tới.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương Bộ Nội vụ trong năm qua đã hoàn thành căn bản, toàn diện nhiều mặt công tác, nhất là công tác xây dựng thể chế và chính sách, đồng thời cũng chỉ ra một số yếu kém, bất cập cần khắc phục. Đó là công tác cải cách hành chính vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra. Thủ tục hành chính nhiều lĩnh vực vẫn còn phiền hà; kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm. Một số nội dung của đề án đổi mới chế độ công vụ, công chức triển khai còn chậm.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ cần tiếp tục đôn đốc, kiểm tra, đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính nhà nước, nhất là cải cách thủ tục hành chính ở các lĩnh vực trọng tâm; tích cực tham mưu cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ xây dựng Chính phủ điện tử, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước và cung cấp dịch vụ công, góp phần xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả, thông suốt từ Trung ương đến địa phương.
Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Nội vụ quyết liệt hơn trong cải cách chế độ công vụ, công chức, hoàn thiện đề án tuyển chọn lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng; tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương các cấp, kiến nghị các giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương; thực hiện tốt công tác quản lý hành chính nhà nước về địa giới hành chính, giải quyết dứt điểm các tranh chấp về địa giới còn tồn tại ở một số địa phương.
Về công tác bầu cử Quốc hội và HĐND sắp tới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh Bộ Nội vụ phải chuẩn bị tốt nhất công tác bầu cử; chủ động, kịp thời nghiên cứu, đánh giá, tổng kết hoạt động của hệ thống chính quyền từ Trung ương tới địa phương trong thời gian qua, tham mưu cho Đảng và Nhà nước trong việc hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Chính sách cải thiện môi trường kinh doanh phải đi vào cuộc sống
Chiều 10-12, tại cuộc họp của Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh các chính sách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh dù hay nhưng không đi vào cuộc sống thì không có ích lợi gì.
Báo cáo về kết quả triển khai Nghị quyết số 19/NQ-CP năm 2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, hoan nghênh những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương. Đã có sự cải thiện tích cực trong lĩnh vực khởi sự kinh doanh, hải quan, nộp thuế, bảo hiểm xã hội, tiếp cận điện năng, nhờ đó thứ hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới được cải thiện.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hoan nghênh các thành viên Hội đồng, các bộ, ngành, hiệp hội, đoàn thể liên quan trong thời gian qua đã vượt qua rất nhiều khó khăn, đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Qua đó, thể hiện rõ sự trăn trở, nhiệt tâm, nỗ lực của các thành viên Hội đồng, các bộ, ngành, tổ chức trong thời gian qua.
Nhất trí với các ý kiến thành viên Hội đồng về việc cần tiếp tục xây dựng Nghị quyết 19 mới về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho năm 2016, Phó Thủ tướng nhấn mạnh Nghị quyết có những việc phải làm nhiều năm cần tiếp tục nêu lại; đồng thời xác định những việc tập trung phải làm, trong đó chú ý đến những việc chưa thực hiện được.
“Tinh thần xây dựng Nghị quyết theo hướng bên cạnh những nội dung vĩ mô, mang tính định hướng cần có những nội dung quy định chi tiết, chỉ rõ việc cần làm, có thời hạn cụ thể. Đối với các tiêu chí ở “mức âm” cần tiếp tục tập trung giải quyết, cụ thể cần những văn bản gì, trách nhiệm thuộc ai. Đối với các chỉ số có thể làm tốt hơn nữa, cần đẩy mạnh để thực hiện tốt hơn. Trong Nghị quyết phải nêu rất rõ mối tương quan về tiêu chí cụ thể cũng như cách đánh giá liên quan tới các nghị quyết về cải cách hành chính, cung cấp dịch vụ công. Bên cạnh đó, cần đưa thêm vào một số tiêu chí đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh, môi trường kinh doanh”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Cải cách thuế, hải quan tạo đổi mới lớn về quản lý kinh tế
Chiều 12-12, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Bộ Tài chính, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Liên minh Hợp tác xã, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức hội thảo công bố báo cáo kết quả chương trình phối hợp giám sát thuế-hải quan năm 2015.
Theo đại diện VCCI, kết quả khảo sát 180 tổ chức là đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp trên mọi vùng miền của đất nước về việc thực hiện Nghị quyết 19 trong lĩnh vực thuế và hải quan cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá tác phong phục vụ của cán bộ ngành thuế khá tích cực.
Về thái độ giao tiếp lịch sự, đúng mực, tôn trọng doanh nghiệp, 28% đơn vị đánh giá tốt và rất tốt, 55% đánh giá khá. Tuy nhiên về thái độ tận tình, chu đáo của của công chức thuế, vẫn còn có đến 26,3% đánh giá là chưa tốt.
Trong lĩnh vực hải quan, kết quả khảo sát cho thấy doanh nghiệp có nhiều thuận lợi trong tiếp cận thông tin về thủ tục hành chính, thể hiện ở tỉ lệ hài lòng tương đối cao. Có 66% đơn vị cho biết thông tin về thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan là sẵn có, dễ tìm. Tuy nhiên, mới chỉ 39% hiệp hội doanh nghiệp và Liên minh HTX phản ánh cơ quan hải quan cung cấp thông tin nhanh chóng, kịp thời và 47% cho rằng thông tin đơn giản, dễ hiểu.
Ba nhóm thủ tục hải quan được các hiệp hội, Liên minh HTX đánh giá phiền hà nhất là giải quyết khiếu nại, xử lý vi phạm hành chính và thủ tục thông quan. Có 69% đơn vị cho rằng phiền hà chính vẫn là thời gian giải quyết quá dài và yêu cầu cung cấp thêm nhiều loại thông tin, giấy tờ không cần thiết.
Ngoài ra, nhiều đơn vị phản ánh vẫn còn tình trạng doanh nghiệp phải “lót tay” cho cán bộ thuế nếu không muốn bị phân biệt đối xử, yêu cầu bổ sung, giải trình hồ sơ hay bị kéo dài thời gian làm thủ tục.
Báo cáo cho thấy, ngành thuế và hải quan đã tăng cường đối thoại, trao đổi thông tin, nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc của người dân và doanh nghiệp để kịp thời đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các luật, nghị định, thông tư hướng dẫn phù hợp với thực tế, yêu cầu và mục tiêu cụ thể của Nghị quyết 19/NQ-CP đặt ra.
Ngoài ra, các thủ tục hành chính cũng được công khai trên trang thông tin điện tử của các cục, các văn bản liên quan đến lĩnh vực thuế, hải quan; đồng thời niêm yết công khai, rõ ràng, đầy đủ tại trụ sở các chi cục, bộ phận “một cửa” để người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, giám sát thực hiện. Ngành thuế, hải quan đã xây dựng các chuyên trang, chuyên mục giải đáp thắc mắc của cộng đồng doanh nghiệp; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin để phục vụ cho việc tác nghiệp, quản lý điều hành của cơ quan, đơn vị….
Với những giải pháp đồng bộ về cải cách thể chế, chính sách, đơn giản hóa mẫu hồ sơ khai thuế và áp dụng khai thuế nộp thuế điện tử, trong hai năm 2014-2015, số giờ nộp thuế của doanh nghiệp đã giảm được 420 giờ.
Trong lĩnh vực hải quan, đến nay, 100% các quy trình thủ tục hải quan cơ bản đã được tự động hóa trên phạm vi toàn quốc với 60.400 doanh nghiệp (chiếm 99,56%) tham gia thực hiện thủ tục hải quan điện tử. Thời gian hàng hóa thông quan giảm bình quân từ 21 ngày xuống còn 14 ngày đối với xuất khẩu, 13 ngày với nhập khẩu, giảm được 10-20% chi phí và 30% thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.
Ngành Nội vụ: Tổng kết công tác năm 2015 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2016
Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2015 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2016 của Bộ Nội vụ ngày 12-12-2015, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình khẳng định, năm 2015, Bộ Nội vụ, ngành Nội vụ, về cơ bản hoàn thành tốt công tác tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước đối với những lĩnh vực được giao. Bộ trưởng yêu cầu Hội nghị tập trung thảo luận những nội dung: (1) Đánh giá chất lượng và tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao trên tất cả các lĩnh vực. (2) Bàn phương hướng nhiệm vụ năm 2016. (3) Công tác xây dựng Đảng của cơ quan, đơn vị trong toàn ngành trên cả 03 lĩnh vực: Chính trị, tư tưởng, tổ chức, kết hợp với công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; xây dựng sự đoàn kết, nhất trí trên cơ sở đẩy mạnh phê bình và tự phê bình, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ để xây dựng cơ quan, đơn vị trong ngành ngày càng vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Theo Báo cáo tóm tắt kết quả công tác năm 2015 và phương hướng nhiệm vụ năm 2016 của ngành Nội vụ do Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn trình bày, nhìn chung trong năm 2015, Bộ Nội vụ và các đơn vị trong toàn ngành Nội vụ luôn bám sát định hướng, quan điểm, đường lối của Đảng, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Công tác xây dựng các đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã hoàn thành tốt, đạt được những kết quả và sản phẩm cụ thể, được đánh giá cao.
Việc triển khai thực hiện Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2015 tiếp tục được tập trung. Việc tổ chức triển khai thực hiện quản lý nhà nước trên các lĩnh vực đạt những kết quả tích cực, đi vào nền nếp, phát huy vai trò của bộ, sở, ngành. Công tác cải cách hành chính trong năm 2015 và trong 5 năm qua ở các bộ, ngành, địa phương tiếp tục có những chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Cải cách chế độ công chức, công vụ bước đầu đã đạt được những kết quả quan trọng: Các bộ, ngành, địa phương cơ bản đã hoàn thành 100% việc xác định vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức, viên chức; tổ chức thi nâng ngạch công chức bảo đảm khách quan, công bằng và chất lượng; chấn chỉnh công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức đi vào thực chất; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; thí điểm thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý; ứng dụng công nghệ thông tin trong thi tuyển...
Cải cách tiền lương và các chế độ, chính sách khác đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện theo lộ trình. Công tác quản lý nhà nước về tôn giáo được bảo đảm và tăng cường hiệu lực, hiệu quả; công tác đối ngoại tôn giáo đạt được những kết quả quan trọng, giúp ổn định tình hình tôn giáo trong nước. Công tác thi đua, khen thưởng đã có nhiều chuyển biến tích cực, tiếp tục khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước.
Gần 3.100 doanh nghiệp tham gia Cơ chế một cửa quốc gia
Tính đến hết tháng 11, cả nước có 3.088 doanh nghiệp tham gia Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) với 31.157 thủ tục.
Có 22 thủ tục của 8 bộ là: Giao thông vận tải, Công Thương, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện trên Cổng thông tin NSW (chưa tính các thủ tục trong lĩnh vực của Bộ Tài chính).
Trong 8 bộ trên thì Bộ Giao thông vận tải có số lượng thủ tục thực hiện nhiều nhất, với 8 thủ tục. Tiếp theo là Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn có 4 thủ tục; Bộ Công Thương và Bộ Y tế có 3 thủ tục mỗi bộ; 4 bộ còn lại, mỗi bộ có một thủ tục.
Bộ Giao thông vận tải cũng là đơn vị có số doanh nghiệp và hồ sơ giải quyết trên Cổng thông tin NSW nhiều nhất, với 2.762 doanh nghiệp, chiếm hơn 89,4% tổng số doanh nghiệp đã tham gia; tổng số hồ sơ đã giải quyết 25.642 bộ, chiếm gần 82,3%.
Trong lĩnh vực quản lý của Bộ Giao thông vận tải, thủ tục đối với tàu biển xuất cảnh, nhập cảnh có số lượng hồ sơ được giải quyết nhiều nhất với kết quả lần lượt là 12.696 hồ sơ và 12.884 hồ sơ.
Cũng theo Cục Công nghệ thông tin và Thống kê Hải quan, thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam và thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành bộ xét nghiệm nhanh thực phẩm nhập khẩu của Bộ Y tế chưa có doanh nghiệp, hồ sơ nào được thực hiện qua Cổng thông tin NSW.
Thanh Hóa quyết liệt thực hiện công tác cải cách hành chính
Thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 của Chính phủ, công tác cải cách hành chính được các ngành, các cấp tỉnh Thanh Hóa quan tâm triển khai thực hiện và đạt kết quả tích cực. Thanh Hóa hiện là một trong 25 tỉnh, thành phố có chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh đạt mức độ cao. Trong năm 2015, tỉnh Thanh Hóa đã công bố 232 thủ tục hành chính, trong đó có 113 thủ tục công bố mới; 24 thủ tục sửa đổi, bổ sung, thay thế; 95 thủ tục bị bãi bỏ; đồng thời tiến hành nhập thủ tục hành chính vào cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính. Tỉnh cũng đã hướng dẫn các ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện Kế hoạch đơn giản hóa thủ tục hành chính trọng tâm năm 2015 của Chính phủ; đôn đốc các đơn vị kiện toàn hệ thống đầu mối thực hiện công tác kiểm soát thủ tục hành chính. Đến nay, đã có 19/20 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, 27/27 UBND cấp huyện và 635/635 UBND cấp xã thực hiện việc kiện toàn Tổ đầu mối kiểm soát thủ tục hành chính theo đúng quy định.
Thực hiện cải cách tài chính công, đến nay đã có 100% đơn vị thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và triển khai hiệu quả việc tổ chức bộ máy, khai thác nguồn lực, tiết kiệm chi phí… Tỉnh Thanh Hóa cũng tiếp tục thực hiện tốt các chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa trên địa bàn.
Về công tác hiện đại hóa nền hành chính, năm 2015, UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các cơ quan hành chính nhà nước xây dựng và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN 9001: 2008, đến nay đã có 71 cơ quan hành chính nhà nước triển khai thực hiện và áp dụng đạt 100%.
Thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện quyết liệt, đồng bộ 6 nội dung về cải cách hành chính. Tỉnh coi trọng việc đẩy mạnh công khai, minh bạch, hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính để mọi cơ quan, tổ chức và cá nhân biết, tiếp cận, thực hiện và giám sát thuận lợi nhất. Bên cạnh đó, Thanh Hóa cũng nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về các quy định hành chính theo đúng quy định; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát việc thực thi thủ tục hành chính và việc áp dụng cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong các đơn vị sự nghiệp.../.
Ngành thanh tra đã phát hiện trên 200.000 tỷ đồng vi phạm  (13/12/2015)
Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam lần thứ II  (13/12/2015)
Huy động lòng yêu nước, sáng kiến của mọi người dân Việt Nam  (13/12/2015)
Diễn đàn: “Doanh nghiệp Việt Nam hướng tới AEC 2015”  (13/12/2015)
- Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW
- Kỳ họp thứ 51 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương
- Ngày Nhà giáo Việt Nam: Tổng Bí thư Tô Lâm dự gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục
- Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Dân vận Trung ương
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Những vấn đề môi trường cấp bách hiện nay: Thực trạng và giải pháp