Lựa chọn các khâu đột phá, chăm lo đời sống nhân dân làm mục tiêu, động lực quan trọng trong thực hiện “Di chúc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh Nghệ An
TCCS - Chủ tịch Hồ Chí Minh - Vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất - đã để lại cho dân tộc ta một di sản vô cùng quý giá, đó là tư tưởng, đạo đức, phong cách, tấm gương sáng ngời vĩ đại. Trong những năm qua, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại tỉnh Nghệ An luôn được chú trọng triển khai, thực hiện xuyên suốt, liên tục, sâu rộng và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Trong suốt cuộc hành trình tìm đường cứu nước cho đến khi nước nhà giành được độc lập, đến tận những năm cuối đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm đặc biệt, hết sức sâu nặng, sự quan tâm sâu sắc đối với Nghệ An - nơi “chôn rau, cắt rốn” của Bác. Người bày tỏ kỳ vọng cùng những lời căn dặn ân cần đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh nhà qua 28 bài viết, bài nói chuyện, bức thư, bức điện. Đặc biệt, bức thư cuối cùng Bác gửi cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Nghệ An (ngày 21-7-1969) được coi là bản “Di chúc” thiêng liêng của Bác dành cho quê hương. Học tập và làm theo những lời căn dặn trong thư của Bác trước lúc đi xa, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Nghệ An luôn ghi nhớ và làm theo lời Bác dạy.
Lựa chọn các khâu đột phá trong học tập và làm theo Bác
Những lời căn dặn, sự quan tâm sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với quê hương là di sản tinh thần vô giá, luôn là kim chỉ nam, là nguồn cổ vũ, động viên để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Nghệ An nỗ lực phấn đấu vươn lên xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Tỉnh triển khai học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một cách có hiệu quả, quán triệt phương châm quyết liệt trong chỉ đạo, sáng tạo trong cách làm. Trong 2 năm triển khai thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18-5-2021, của Bộ Chính trị, “Về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh””, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức 308 điểm cầu tiếp sóng Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW; 110 điểm cầu triển khai Kết luận số 01-KL/TW và phát động Giải thưởng sáng tác quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật và báo chí về chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; ban hành 4 kế hoạch, 1 đề án để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW.
Bên cạnh đó, đưa nội dung chuyên đề toàn khóa, chuyên đề hằng năm về học tập và làm theo Bác vào các chương trình, kế hoạch, các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước trong toàn tỉnh. Năm 2022, 2023, tỉnh phát hành hơn 22.000 cuốn tài liệu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tới 1.423 tổ chức cơ sở đảng và 8.403 chi bộ trực thuộc trong toàn tỉnh. Triển khai hướng dẫn đảng viên toàn tỉnh đăng ký học tập và làm theo Bác gắn với các quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên và gắn với việc nêu gương của người đứng đầu, coi đây là giải pháp đột phá để tác động tích cực đến đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tỉnh chủ trương chỉ đạo triển khai có hiệu quả việc tu dưỡng đạo đức, thực hành nêu gương trong cán bộ, đảng viên theo quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên gắn với thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16-1-2012, của Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 30-10-2016, của Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-10-2021, của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa””; Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25-10-2021, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về những điều đảng viên không được làm”. Tập trung xây dựng mô hình điển hình tiên tiến trong xây dựng tổ chức đảng, hệ thống chính trị góp phần tạo sức lan tỏa việc học tập và làm theo Bác một cách sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đến nay, toàn tỉnh xây dựng được 136 điểm sáng thực hiện Quy chế Dân chủ cơ sở, 135 điểm sáng dân vận chính quyền, hơn 180 mô hình cải cách hành chính tại công an cấp xã; duy trì 3.973 mô hình “dân vận khéo”, cải cách hành chính xây dựng và công nhận 4.460 mô hình mới trên các lĩnh vực, trong đó, xây dựng 12 mô hình “dân vận khéo” vùng giáo, vùng dân tộc thiểu số.
Cùng với đó, tỉnh đưa giải pháp đột phá việc học tập và làm theo Bác về phát huy nội lực trong nhân dân. Theo đó, tập trung xây dựng các nội dung học tập và làm theo Bác trong phát huy bản sắc văn hóa người Nghệ An, khơi dậy khát vọng vươn lên, tinh thần hiếu học trong nhân dân, tạo động lực thoát nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tính riêng năm học 2022, Nghệ An có 1 học sinh đạt Huy chương vàng Olympic tin học châu Á - Thái Bình Dương, 1 học sinh Huy chương bạc Olympic tin học quốc tế, 1 Huy chương đồng Olympic toán học quốc tế; 97 học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia với 6 giải nhất, 20 giải nhì, 40 giải ba và 31 giải khuyến khích.
Tập trung tháo gỡ các nút thắt để thực hiện khát vọng đưa “Nghệ An trở thành tỉnh khá của miền Bắc”
Trong lời căn dặn cuối cùng với quê hương, Bác viết: “Rất mong đồng bào và đồng chí tỉnh nhà ra sức phấn đấu làm cho Nghệ An mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc”(1). Từ di nguyện đó của Bác, Nghệ An luôn xác định khát vọng vươn lên, phát triển nhanh và bền vững là nhiệm vụ có tính chiến lược, lâu dài, mang tính dài hạn; là một trong những tiêu chí quan trọng để triển khai các chương trình, mục tiêu phát triển của tỉnh. Nghệ An đã và đang tập trung vào những giải pháp chỉ đạo, lãnh đạo đúng trọng tâm, trọng điểm, thực hiện có hiệu quả Đề án Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2025, theo Quyết định số 235/QĐ- UBND, ngày 24-1-2022, của Ủy ban nhân dân tỉnh. Tập trung tháo gỡ các nút thắt mang tính căn cơ trong phát triển kinh tế, nhất là nút thắt trong phát triển kết cấu hạ tầng trọng yếu đang hạn chế sự phát triển của tỉnh, như mở rộng Cảng hàng không quốc tế Vinh, Cảng nước sâu Cửa Lò. Trong cải cách hành chính, toàn tỉnh tập trung tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút đầu tư; định kỳ hằng tháng, tỉnh tổ chức giao ban với sự có mặt của các sở, ban, ngành, lãnh đạo các huyện, các hội, với mục đích “Vì doanh nghiệp phát triển để Nghệ An phát triển”. Nhờ những bước đi quan trọng đó, năm 2022, kinh tế - xã hội toàn tỉnh đạt và vượt kế hoạch 27/28 chỉ tiêu. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt 9,08% (xếp thứ 22 so với cả nước, thứ 2 khu vực Bắc Trung Bộ); tổng thu ngân sách đạt 21.805 tỷ đồng, vượt 45,2% so với dự toán, tăng 9,1% so với năm 2021 (trong đó, thu nội địa đạt 20.474 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập - khẩu đạt 1.331 tỷ đồng). Quy mô GRDP đạt 175.740 tỷ đồng, đứng thứ 10/63 địa phương trong cả nước. Nông nghiệp tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao (4,78%); dòng sản phẩm OCOP phát triển nhanh, đến nay, có 349 sản phẩm đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên, đưa Nghệ An thành tỉnh đứng thứ 2 cả nước về sản phẩm OCOP. Phong trào xây dựng nông thôn mới tiếp tục giữ nhịp độ tích cực, có 309/411 xã đạt chuẩn (chiếm tỷ lệ 75,18%), 42 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (chiếm tỷ lệ 10,22%), 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (chiếm tỷ lệ 1,46%); 9 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng và đạt chuẩn nông thôn mới. Trong 3 tháng đầu năm 2023, Nghệ An đã vươn lên đứng tốp 10 thu hút vốn đầu tư nước ngoài cao nhất cả nước. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) ước đạt 7,75% so với cùng kỳ; đứng trong tốp 15 tỉnh, thành phố tăng trưởng cao nhất nước. Đây là kết quả rất quan trọng sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX của tỉnh, nhiệm kỳ 2020 - 2025, thể hiện tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, nhìn rõ tiềm năng, lợi thế và bước đầu hóa giải được những khó khăn, điểm nghẽn căn cốt để khai thông sự phát triển kinh tế của tỉnh Nghệ An hiện nay.
Lấy việc chăm lo đời sống nhân dân làm mục tiêu mang tính thường trực, cấp bách trong mọi giai đoạn phát triển
Xuyên suốt trong “Di chúc” của Bác gửi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Nghệ An là phải “Hết sức chăm lo đời sống nhân dân. Phải ra sức phát triển sản xuất… cải thiện việc ăn, mặc, ở, học, phục vụ sức khỏe và giải trí của nhân dân”(2). Với tư tưởng xuyên suốt đó, Đảng bộ, chính quyền Nghệ An không chỉ tập trung trong thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội nói chung mà còn hết sức đề cao quan điểm: “Nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, nhất là vùng miền núi đặc biệt khó khăn theo hướng thiết thực, bền vững… quan tâm nhiều hơn đồng bào dân tộc, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng trong tỉnh, nhất là khu vực miền núi phía Tây, vùng biên giới và đồng bằng ven biển”(3). Với mục tiêu coi công tác xóa đói, giảm nghèo cho vùng đồng bào dân tộc miền núi là nhiệm vụ có tính chiến lược, lâu dài, là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá việc thực hiện chính sách chăm lo đời sống nhân dân. Các đề án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An được chú trọng, được xem là một trong ba vùng kinh tế trọng điểm lớn mà tỉnh hết sức quan tâm. Đến nay, kinh tế vùng miền Tây Nghệ An đang có bước chuyển dịch cơ cấu cơ bản đúng hướng, có bước phát triển khá, góp phần nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn.
Ngoài việc phát triển kinh tế có tính lâu dài, bền vững, thì việc thực hiện những giải pháp mang tính cấp thiết cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm. Với tinh thần “không để bất kỳ ai bị bỏ lại phía sau” trong chính sách phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, những năm gần đây, các chương trình vận động vì người nghèo liên tục được tỉnh chú trọng triển khai. Năm 2023 là năm thứ 10 tỉnh Nghệ An tổ chức chương trình “Tết vì người nghèo”, tỉnh đã kêu gọi hơn 589 tỷ đồng chăm lo Tết cho hàng trăm nghìn hộ nghèo. Hiện nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Chương trình “Vận động, hỗ trợ xây dựng nhà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở trên địa bàn”, với mục tiêu trong giai đoạn 2023 - 2025 hỗ trợ 15.300 hộ đang gặp khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh. Sau hơn 2 tháng phát động, toàn tỉnh đã xây dựng, sửa chữa 1.200 căn nhà (gồm xây mới 1.194 căn nhà, sửa chữa 6 căn nhà). Có thể nói, đây là chính sách tạo tiền đề, động lực, sinh kế quan trọng để nhân dân vượt khó khăn, hộ nghèo có cơ hội vươn lên tự thoát nghèo một cách bền vững, đồng thời hứa hẹn sẽ góp phần tạo nên diện mạo mới cho tỉnh Nghệ An trong những năm tới.
Một số giải pháp trong thời gian tới
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Kết luận số 01-KL/TW, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Tăng cường công tác giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên gắn với xây dựng và thực hành đạo đức trong Đảng, nhất là ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Hai là, phát huy truyền thống văn hóa xứ Nghệ, coi đây là động lực, nguồn lực nội sinh cho phát triển. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Nghệ An là một tỉnh rộng lớn, có tài nguyên phong phú, có nhân dân cần cù lao động và rất cách mạng”(4). Truyền thống đó phải quý trọng, gìn giữ, kế thừa, phát huy. Nói cách khác, phải khai thác tối đa giá trị truyền thống để phục vụ cho hiện tại và tương lai. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX xác định: “Phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa, con người xứ Nghệ, ý chí tự cường và khát vọng vươn lên; chủ động đổi mới sáng tạo, đưa Nghệ An phát triển nhanh và bền vững”(5). Hiện nay, tỉnh Nghệ An hướng tới xây dựng và phát triển văn hóa, con người Nghệ An toàn diện, phù hợp với xu thế thời đại. Trên cơ sở đó, học tập và làm theo Bác là hướng tới sự hoàn thiện và phát huy các chuẩn mực giá trị về văn hóa, con người Nghệ An, nhất là phát huy những giá trị, truyền thống, đức tính tốt đẹp. Tập trung xây dựng môi trường văn hóa ở khu dân cư, môi trường văn hóa công sở gắn với tăng cường cải cách hành chính, nâng cao đạo đức công vụ, tạo điều kiện cho doanh nhân, doanh nghiệp đầu tư tại Nghệ An, góp phần vào kết quả thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ba là, tiếp tục lựa chọn các khâu đột phá trong triển khai thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, nhất là công tác cán bộ. Tập trung tăng cường kỷ luật, kỷ cương; đổi mới tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; gắn với trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Nâng cao vai trò lãnh đạo, quản lý của cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, tạo bước chuyển căn bản về nhận thức trong đội ngũ cán bộ, đảng viên về trách nhiệm của mình trong thực thi công vụ và nâng cao hiệu quả nền hành chính của tỉnh.
Bốn là, hoàn thành và thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bảo đảm phát triển nhanh, bền vững, kết nối liên vùng, thống nhất và đồng bộ, phù hợp với tiềm năng, lợi thế, điều kiện đặc thù của địa phương. Quan tâm thu hút đầu tư, thu hút doanh nghiệp có chất lượng; thu hút người tài. Tập trung nghiên cứu, đề xuất các bộ, ngành trung ương bổ sung các cơ chế, chính sách để thực hiện hiệu quả tối đa các cơ chế đặc thù theo tinh thần Nghị quyết số 36/2021/QH15, ngày 13-11-2021, của Quốc hội, “Về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An”. Trong đó, tập trung vào các cơ chế phát huy tiềm năng, lợi thế và bước đầu hóa giải những khó khăn, điểm nghẽn căn cốt trong việc khai thông sự phát triển kinh tế của tỉnh Nghệ An. Cùng với đó, các cấp, ngành cần tăng cường vận động tối đa nguồn lực, quan tâm công tác đối ngoại, kết nối với cộng đồng người Nghệ An trong và ngoài nước để tranh thủ nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn lực từ các nhà đầu tư lớn, chiến lược.
Năm là, tiếp tục quan tâm phát triển vùng miền núi phía Tây Nghệ An. Xác định đây là vùng phên giậu, quốc phòng, an ninh quan trọng; là mục tiêu lớn nhất trong công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững, do đó cần có chính sách thu hút các doanh nghiệp có tâm, có tầm để đầu tư phù hợp với vị trí, địa lý, thổ nhưỡng và lợi thế vùng, tạo cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi, nâng cao đời sống nhân dân vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
Sáu là, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tăng cường đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân, nhất là cấp cơ sở, giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc, những kiến nghị chính đáng của nhân dân, nhất là các vùng đặc thù, góp phần chăm lo đời sống nhân dân theo lời Bác dặn trong “Di chúc” gửi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Nghệ An./.
-------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 15, tr. 597
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 596
(3) Tỉnh ủy Nghệ An: Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, Nghệ An, 2020, tr. 144 - 145
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 597
(5) Tỉnh ủy Nghệ An: Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, Sđd, tr. 73
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Nghệ An phải giàu hơn, mạnh hơn  (25/05/2023)
Học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy hình thành nên chuẩn mực về “Tư cách người công an cách mệnh”  (18/05/2023)
- Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW
- Kỳ họp thứ 51 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương
- Ngày Nhà giáo Việt Nam: Tổng Bí thư Tô Lâm dự gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục
- Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Dân vận Trung ương
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Những vấn đề môi trường cấp bách hiện nay: Thực trạng và giải pháp