Hợp tác quốc tế: Cơ hội cho Thủ đô Hà Nội thúc đẩy liên kết hệ sinh thái khởi nghiệp
TCCS - Mở rộng phạm vi hoạt động hệ sinh thái hướng ra thế giới sẽ góp phần thiết lập quan hệ hợp tác theo chiều sâu với các đối tác chiến lược, đặc biệt là với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Hiểu rõ được thuận lợi này, trong thời gian qua, Thủ đô Hà Nội đã triển khai rất nhiều các hoạt động hợp tác với các đối tác quốc tế nhằm thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của Thủ đô.
Tiền đề mở rộng mạng lưới hệ sinh thái khởi nghiệp
Ngày 18-5-2016, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 844/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (gọi tắt là Đề án 844) nhằm hỗ trợ và thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp, tạo lập môi trường thuận lợi cho quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Trong đó, thúc đẩy mạng lưới hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo kết nối quốc tế với các nội dung, như đổi mới sáng tạo mở, xu thế toàn cầu và kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo mở là một trong những mục tiêu mà Việt Nam hướng tới.
Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt thêm một số nội dung mới nhằm mở rộng phạm vi hoạt động của hệ sinh thái quốc gia hướng ra thế giới. Từ đó, mở ra nhiều hoạt động kết nối với các chuyên gia, cố vấn và hình thành mạng lưới người Việt Nam ở nước ngoài. Hiện nay, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khởi nghiệp được thể hiện ở một số chương trình như: IPP (được đồng tài trợ bởi Chính phủ Việt Nam và Phần Lan); Bộ Khoa học và Công nghệ hợp tác với Đại sứ quán Israel tổ chức Cuộc thi “Khởi nghiệp cùng Israel” từ năm 2014 đến nay để lựa chọn các startup tiêu biểu tham gia chuyến học hỏi kinh nghiệm thực tế ở Israel. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng hợp tác cùng Đại sứ quán Mỹ trong sự kiện “Kết nối đổi mới sáng tạo” (Innovation Roadshow) năm 2016 nhằm trao đổi, chia sẻ thông tin giữa các tập đoàn, các doanh nghiệp, quỹ đầu tư của Mỹ với các viện nghiên cứu, trường đại học, các doanh nghiệp, đơn vị khởi nghiệp của Việt Nam. Trong đó, những thành công của sự hợp tác, kết nối quốc tế này chính là nhờ sự đóng góp không nhỏ của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Họ là những doanh nhân, chuyên gia cố vấn tài năng; đã đồng hành cùng Bộ Khoa học và Công nghệ trong quá trình hợp tác, hỗ trợ đào tạo cho một số trường đại học, vườn ươm của Việt Nam; kết nối chuyên gia, quỹ đầu tư mạo hiểm, vườn ươm quốc tế... Bộ Khoa học và Công nghệ đang thúc đẩy, thiết lập quan hệ hợp tác theo chiều sâu với một số đối tác chiến lược, đặc biệt với cộng đồng người Việt Nam thành công để hỗ trợ nâng cao năng lực cho các chủ thể của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam.
Với những lợi thế sẵn có và sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách cần thiết, đặc thù cho hoạt động khởi nghiệp sẽ là đòn bẩy cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam phát triển, từ đó thúc đẩy các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển cả về số lượng và chất lượng trong thời gian tới. Sự hợp tác này chủ yếu hướng tới nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, các viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân và các bạn học sinh, sinh viên trên địa bàn cả nước về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hình thành tư duy đổi mới sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; nâng cao năng lực các chủ thể của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia thông qua các hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương kết nối toàn cầu (các doanh nghiệp khởi nghiệp, các tổ chức, cá nhân hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo); xây dựng và kết nối mạng lưới chuyên gia, cố vấn khởi nghiệp sáng tạo, nhà đầu tư, quỹ đầu tư trong nước, quốc tế với hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng, miền; hình thành và đột phá về cách làm, phương án xây dựng mạng lưới hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên cơ sở thực tiễn kết hợp với chuyển đổi số, hành lang đổi mới sáng tạo trên không gian số kết nối không giới hạn;…
Thực tiễn triển khai thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp thông qua hợp tác quốc tế của Hà Nội
Trong thời gian qua, nhận thức được những cơ hội, thuận lợi trong lĩnh vực khởi nghiệp mà hợp tác quốc tế, Thủ đô Hà Nội đã triển khai rất nhiều các hoạt động với nhiều hình thức phong phú, như xây dựng đề án, tổ chức các chương trình, lễ hội, hội thảo, tọa đàm, khen thưởng mang tính kết nối quốc tế để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Ngày 15-9-2022, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3359/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Xây dựng nền tảng số hóa đầu tư đổi mới sáng tạo”. Đề án với mục tiêu kết nối các nhà đầu tư có quy mô, uy tín trong nước và quốc tế, tạo ra cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, hỗ trợ cho các ý tưởng, dự án khởi nghiệp của thanh niên Thủ đô. Đề án đặt mục tiêu cụ thể, tới năm 2025 thu hút 300 nhà đầu tư mạo hiểm và 1500 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (startup) khu vực Đông Nam Á tham gia Nền tảng số hóa đầu tư đổi mới sáng tạo của thanh niên.
Khi Thủ đô Hà Nội gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), với mong muốn chung tay xây dựng hình ảnh Thủ đô Hà Nội - từ Thành phố vì hòa bình trở thành Thành phố Sáng tạo của UNESCO, với nhiệm vụ trọng tâm là đặt sáng tạo vào trung tâm của sự phát triển bền vững, đưa Hà Nội trở thành Thủ đô sáng tạo của khu vực Đông Nam Á, điểm đến của tri thức và sáng tạo trên thế giới, Hà Nội đã chủ trương tổ chức, triển khai rất nhiều hoạt động. Tháng 8-2022, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã có buổi làm việc, trao đổi về kinh nghiệm trong hoạt động Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO với Đoàn công tác của tỉnh Sukhothai (Thái Lan); hai bên đã tổ chức các cuộc giao lưu nghệ nhân, các buổi tập huấn chung để đào tạo kỹ năng cho nghệ nhân hai bên dưới sự hỗ trợ của UNESCO… Tháng 9-2022, Hà Nội tổ chức Hội thảo quốc tế về “Xây dựng trung tâm thiết kế sáng tạo - kinh nghiệm từ các Thành phố sáng tạo của UNESCO trong khu vực”, bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến nhằm tiếp thu, học hỏi kinh nghiệm từ các nước bạn liên quan đến các vấn đề xây dựng thành phố sáng tạo, qua đó vận dụng, triển khai có hiệu quả đề án Trung tâm thiết kế sáng tạo Hà Nội. Tháng 11-2022, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội năm 2022, với sự phối hợp của Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội, Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội và Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (Vietcraft). Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội năm 2022 là hoạt động thường niên nhằm thực hiện sáng kiến, thể hiện cam kết với UNESCO khi Hà Nội gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo. Sự kiện đã góp phần kết nối, mở rộng hợp tác giữa các tổ chức, các chuyên gia, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, cộng đồng xã hội về lĩnh vực thiết kế sáng tạo, tương tác và hình thành góc nhìn mới mẻ về Thủ đô Hà Nội sáng tạo....
Nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo của đội ngũ thanh thiếu niên Thủ đô, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức khen thưởng cho 7 học sinh Hà Nội đoạt huy chương Vàng tại Cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật quốc tế tại Mỹ năm 2022 bằng hình thức trực tuyến. Đây là cuộc thi được tổ chức thường niên tại Silicon Valley, thành phố Santa Clara, Mỹ, do tập đoàn AI-JAM US và Hacker Dojo tài trợ; là một sân chơi trí tuệ, hội tụ những học sinh, sinh viên đam mê nghiên cứu, sáng tạo trên thế giới. Những thí sinh có bài dự thi xuất sắc được kết nối và chia sẻ ý tưởng nghiên cứu của mình với các nhà lãnh đạo công nghệ lớn, đồng thời có cơ hội được trải nghiệm những công nghệ mới ở thung lũng Silicon. Sự ghi nhận này chính là nguồn cổ vũ, động viên và là sự khích lệ vô cùng to lớn, góp phần động viên tinh thần đam mê đổi mới, sáng tạo của thế hệ thanh niên trẻ của Thủ đô.
Cũng trong thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội phối hợp với Học viện Phụ nữ Việt Nam và Văn phòng đại diện của Viện Friedrich-Ebert-Stifung (Đức) tổ chức “Ngày hội việc làm 2022” và “Diễn đàn sinh viên về việc làm bền vững trong cách mạng công nghiệp 4.0”. Ngày hội và diễn đàn được tổ chức nhằm góp phần khơi dậy tiềm lực, khả năng trong mỗi sinh viên, kết nối và kiến tạo cơ hội, giúp các bạn sinh viên tiếp cận với thị trường lao động trong nước và quốc tế, nâng cao kỹ năng cứng và kỹ năng mềm để tìm kiếm công việc phù hợp, đáp ứng được nhu cầu việc làm. Trong chương trình, còn có sự tham gia của một số doanh nghiệp nước ngoài đang có nhu cầu tuyển dụng nhân viên partime, như Công ty cổ phần thương mại dịch vụ Golden Gate, Trung tâm tiếng Anh Summer School…
Bên cạnh đó, thời gian qua nhiều hội thảo đã được tổ chức ở Hà Nội, như Hội thảo trao đổi nâng cao Chỉ số Chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI) trên địa bàn thành phố Hà Nội; Hội thảo “Thúc đẩy Chuyển đổi số trong Doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Thành phố năm 2022”; Hội thảo bảo đảm an toàn thông tin trong các cơ quan nhà nước phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số; chuỗi hội thảo về khoa học ứng dụng và các cuộc thi về chuyển đổi số thuộc Đề án “Tổ chức các sự kiện, cuộc thi về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số cho doanh nhân, thanh niên, sinh viên và học sinh Thủ đô”. Các hội thảo này được tổ chức bởi lãnh đạo các bộ, ban ngành trên địa bàn Thủ độ kết hợp với các tổ chức quốc tế, với mục tiêu nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số là nền tảng phát triển, đổi mới sáng tạo của Thủ đô, và cũng là cơ hội để doanh nhân, thanh niên, sinh viên và học sinh Thủ đô học hỏi kinh nghiệm của bạn bè quốc tế trong lĩnh vực đổi mới, sáng tạo.
Một số vấn đề đặt ra
Có thể nói, thời gian qua Thủ đô Hà Nội đã rất tích cực triển khai các hoạt động thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp của Thủ đô ngày một phát triển mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại một số hạn chế, tạo thành lực cản trong quá trình thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển.
Thứ nhất, sau hơn hai năm bị gián đoạn bởi đại dịch COVID-19, việc kết nối và trao đổi kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực hỗ trợ khởi nghiệp của Thủ đô Hà Nội chịu tác động không nhỏ. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ của thành phố Hà Nội nhìn nhận và đánh giá lại các hình thức kinh doanh cũ, ứng dụng công nghệ và internet nhằm chuyển đổi mô hình kinh doanh, tối ưu hóa nguồn lực và chi phí, mở rộng tiếp cận thị trường, giúp người lao động có thể làm việc từ xa, qua đó vượt qua giai đoạn khó khăn hậu dịch bệnh COVID-19, để tồn tại và phát triển, bảo đảm an sinh xã hội của Thủ đô.
Thứ hai, Hà Nội cần có những giải pháp chính sách sáng tạo, đặc thù để thu hút nguồn lực cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đặc biệt cần khai thác hiệu quả nguồn chuyên gia, cố vấn của các tổ chức quốc tế và mạng lưới sinh viên, nghiên cứu sinh, doanh nhân, nhà đầu tư người Việt Nam ở nước ngoài.
Thứ ba, các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực AI ở Hà Nội chưa nhiều, chưa có thành tựu đột phá, ứng dụng AI giải quyết các vấn đề cuộc sống còn khiêm tốn. Thời gian tới, lãnh đạo thành phố cần triển khai các chính sách dịch chuyển xu hướng từ “đổi mới sáng tạo” sang xu hướng đổi mới sáng tạo “mở” gắn với trí tuệ nhân tạo nhằm bắt kịp với xu hướng phát triển trên thế giới. “Mở” trong sự kiến tạo môi trường để phục vụ doanh nghiệp khởi nghiệp; “mở” để thu hút nguồn lực không chỉ các doanh nghiệp trên địa bàn mà còn thu hút cả nguồn lực ở ngoài địa phương và nguồn lực quốc tế; “mở” để mở rộng hơn nữa các đối tượng khởi nghiệp không chỉ các doanh nghiệp ở địa bàn mà còn thu hút các đối tác có năng lực, mong muốn đồng hành để khởi nghiệp, lan tỏa, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đưa hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trở thành một phần động lực phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Bên cạnh đó, để hiện thực hóa các cam kết của Hà Nội với UNESCO, thời gian tới thành phố cần có thêm nhiều giải pháp ưu tiên hơn nữa, các cơ chế, chính sách mới, phù hợp để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia mở rộng các không gian sáng tạo, nuôi dưỡng tài năng, tạo ra sản phẩm tinh hoa, từ đó tạo nguồn lực mạnh mẽ để phát triển Hà Nội - Thủ đô sáng tạo đích thực.
Có thể nói, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng tuy còn non trẻ nhưng đã chứng tỏ được tiềm năng phát triển rất lớn. Mỗi đối tượng trong hệ sinh thái đó (từ doanh nghiệp khởi nghiệp, mạng lưới các nhà đầu tư đến các trường đại học, tổ chức ươm tạo…) đều có những bước phát triển vượt bậc, số lượng và chất lượng ngày một nâng cao qua từng năm. Một mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo liên kết quốc tế là hết sức cần thiết và cần thúc đẩy triển khai mạnh mẽ để có thể liên kết thế mạnh của các hệ sinh thái, cùng nhau chia sẻ tài nguyên, hợp tác nghiên cứu, phát triển các sản phẩm, lan tỏa và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia./.
Nâng cao đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn thành phố Hà Nội  (16/11/2022)
Nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội trong tình hình mới  (15/11/2022)
- Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên
- Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW
- Kỳ họp thứ 51 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương
- Ngày Nhà giáo Việt Nam: Tổng Bí thư Tô Lâm dự gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục
- Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Dân vận Trung ương
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Những vấn đề môi trường cấp bách hiện nay: Thực trạng và giải pháp