Các tỉnh, thành phố vùng Tây Nam Bộ tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

TS. NGUYỄN TÔN PHƯƠNG DU - TS. NGUYỄN CÔNG LẬP
Học viện Chính trị khu vực II
16:24, ngày 15-08-2022

TCCS - Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và dân tộc ta. Với nhận thức sâu sắc và nhất quán đó, những năm qua, các tỉnh, thành phố Tây Nam Bộ đã đẩy mạnh việc học tập và làm theo Bác đạt được nhiều kết quả tích cực, có sức lan tỏa ngày càng sâu rộng trong xã hội. Những mô hình, điển hình về học tập và làm theo Bác xuất hiện ngày càng nhiều, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Nhiều đột phá trong việc triển khai thực hiện

Trong những năm qua, việc nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị khóa XII, “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” (Chỉ thị số 05), gắn với Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 30-10-2016, của Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” (Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII) tại các tỉnh, thành phố vùng Tây Nam Bộ đã đạt được nhiều kết quả thiết thực, với nhiều cách làm hay, sáng tạo, trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của mỗi tổ chức đảng và từng cán bộ, đảng viên, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng phát triển đất nước ta hiện nay. Để việc học và làm theo Bác đi vào thực chất, chiều sâu, các tỉnh ủy, thành ủy vùng Tây Nam Bộ đã đưa nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào sinh hoạt chi bộ, cơ quan, đơn vị. Các cán bộ, đảng viên chủ động xây dựng bản đăng ký, kế hoạch thực hiện việc học tập và làm theo Bác gắn với chức trách, nhiệm vụ được giao, lấy kết quả học tập Chỉ thị số 05 gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII là một trong những tiêu chí đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên, công chức, viên chức hằng năm.

Đảng bộ thành phố Cần Thơ dâng hoa, dâng hương và báo công dâng Bác trước tượng đài Bác Hồ tại bến Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ_Nguồn: tuyengiao.vn

Xác định rõ tầm quan trọng của công tác tuyên truyền trong thực hiện Chỉ thị số 05, ban thường vụ của các tỉnh, thành phố trong vùng đã kịp thời định hướng, thường xuyên chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền quan tâm đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, như: tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các phương tiện truyền thông xã hội (zalo, facebook, Franpage), trang thông tin điện tử của các địa phương, cơ quan, đơn vị, thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và sinh hoạt của các chi, tổ, hội. Xây dựng các cụm thông tin, cổ động, pa-nô, áp-phích, khẩu hiệu, nơi tập trung đông dân cư, các cửa ngõ dẫn vào trung tâm tỉnh, thành phố... Các cơ quan báo chí, đài phát thanh - truyền hình đưa nhiều tin, bài, phóng sự về các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến học tập và làm theo Bác trong công tác xây dựng Đảng, phát triển sản xuất, xoá đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, tinh thần đoàn kết, đồng lòng của người dân và chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19... Nội dung tuyên truyền bám sát chuyên đề hằng năm mà Ban Tuyên giáo Trung ương hướng dẫn, gắn với kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, địa phương, các sự kiện chính trị, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của địa phương, cùng với tuyên truyền các gương điển hình tiên tiến, cách làm hay, sáng tạo, gương “người tốt, việc tốt”… trong học tập và làm theo Bác. Công tác tuyên truyền được thực hiện tốt đã giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ hơn về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong xây dựng Đảng, chính quyền, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân. Từ đó, mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và mọi người dân không ngừng tu dưỡng, rèn luyện về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; đổi mới tác phong công tác...

Nhiều tỉnh, thành phố vùng Tây Nam Bộ đã đưa việc học tập và làm theo Bác vào thực tiễn cuộc sống thông qua các phong trào thi đua, như: “Sản xuất, kinh doanh giỏi”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”… tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương. Ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp có nhiều chuyển biến tích cực trong thực hiện các quy định nêu gương và thực hiện tác phong làm việc “gần dân, sát dân, lắng nghe, đối thoại với nhân dân”, nhờ đó, những vấn đề bức xúc, nổi cộm mà dư luận và nhân dân quan tâm được giải quyết kịp thời, có hiệu quả; củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của chính quyền.

Trong quá trình triển khai, thực hiện học tập và làm theo Bác, các tỉnh, thành phố trong vùng đã chủ động lựa chọn nội dung đột phá, phù hợp với tình hình địa phương, nhằm làm chuyển biến rõ nét hơn trong thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18-5-2021, của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05, của Bộ Chính trị khóa XII, “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Cụ thể: 1- Xây dựng và hoàn thiện cơ chế lãnh đạo và quản lý, nhất là lĩnh vực cải cách hành chính, tài nguyên môi trường, công tác cán bộ, chính sách xã hội và thực hiện an sinh xã hội, xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông; 2- Đề cao và thực hiện nghiêm đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ, nhất là vai trò nêu gương, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân, góp phần xây dựng cơ quan hành chính liêm chính, trách nhiệm, hành động và kiến tạo phát triển; 3- Đổi mới tác phong công tác, gần dân, sát dân, sát cơ sở hơn, lấy kết quả công việc và sự hài lòng của người dân làm thước đo, đánh giá; 4- Lãnh đạo phòng, chống tham nhũng; đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo

Để việc học tập và làm theo Bác trở thành việc làm thường xuyên, thực chất, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể trong vùng đã đưa nội dung thực hiện Chỉ thị số 05 vào nghị quyết, chương trình hành động hằng năm, kế hoạch hoạt động hằng quý, tháng gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nhiều tỉnh, thành phố trong vùng đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo gắn với các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động đã lan tỏa sâu rộng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần đổi mới tư duy, cách thức sản xuất, nâng cao thu nhập, xây dựng đời sống văn hóa, môi trường nông thôn, đô thị sáng - xanh - sạch - đẹp, bảo đảm quốc phòng - an ninh, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế, đời sống nhân dân ngày càng nâng cao. Những mô hình tiêu biểu như: “Giúp nhau thoát nghèo, xây dựng nông thôn mới”, “Quỹ vì người nghèo”, “Xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng, chống bạo lực gia đình”, “Tiết kiệm theo lời Bác”, “Đền ơn đáp nghĩa”… xuất hiện rộng rãi trong toàn vùng. Ngoài ra, từng địa phương cũng có những mô hình đặc thù: “Tủ quần áo từ thiện”, “Vận động kinh phí duy trì xe cứu thương”, “Nấu và phát cháo dinh dưỡng miễn phí”, “Nâng cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên giải quyết có hiệu quả các vấn đề bức xúc của nhân dân” được triển khai thực hiện ở nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố Cần Thơ; hay thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp triển khai nhiều cách làm sáng tạo như thành lập “Tổ tiết kiệm nuôi heo đất học tập tấm gương Bác Hồ”, câu lạc bộ “Thanh niên khởi nghiệp”; tỉnh Bạc Liêu xây dựng mô hình “4 đúng - 5 phải - 3 sát” trong thực thi nhiệm vụ (với 12 tiêu chí: đúng giờ; đúng kế hoạch, đúng chức trách nhiệm vụ, đúng chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước; phải cụ thể, phải minh bạch, phải tận tình, phải chính xác, phải gương mẫu; sát dân, sát công việc và sát cán bộ, chiến sĩ), “3 cần, 3 nên và 3 không” (với 9 tiêu chí: Cần gần dân và sát cơ sở; cần học hỏi, lắng nghe ý kiến của dân; cần vận động nhân dân cùng lo và cùng làm; nên vui vẻ khi tiếp xúc, phục vụ dân; nên xin lỗi dân khi thấy thiếu sót; nên cảm ơn khi dân góp ý, phê bình; không gây phiền hà với dân; không thờ ơ, thiếu trách nhiệm công việc với dân; không nhận hối lộ, sách nhiễu, tham nhũng với dân); mô hình “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững”, “Tổ nhường cơm sẻ áo” ở tỉnh Trà Vinh; “Tổ chức tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền với nhân dân”, “Đảng viên giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo, công tác tốt”, “Tổ đoàn kết 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa giúp nhau phát triển kinh tế gia đình” ở tỉnh Hậu Giang…

Điểm sáng trong học tập và làm theo Bác chính là tinh thần tương thân, tương ái, “lá lành đùm lá rách” trong bối cảnh của dịch bệnh COVID-19. Mặc dù đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn song vẫn có nhiều hoạt động, việc làm ý nghĩa với tinh thần “Tất cả hướng về người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Một miếng khi đói bằng một gói khi no” được các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân trong vùng cùng chung tay, chung sức ủng hộ giúp người yếu thế, người nghèo, người cơ nhỡ vượt qua khó khăn, dịch bệnh. Những mô hình như: “Đi chợ giúp dân”, “Shipper Áo xanh”, “Phiên chợ không đồng”, “Bếp ăn không đồng”, “Cửa hàng không đồng”, “Chuyến xe không đồng”... được triển khai kịp thời, đáp ứng tốt nhu cầu về lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân, cùng với hàng ngàn cán bộ y tế, các chiến sĩ công an, quân đội, các thành viên tổ COVID-19 cộng đồng ngày đêm tham gia chống dịch, bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân. Đó là nét đẹp rất đáng được quan tâm, trân trọng, biểu dương, lan tỏa ra cộng đồng.

Mô hình gian hàng 0 đồng “Chia sẻ yêu thương - vượt qua đại dịch” ở tỉnh Bạc Liêu_Ảnh: TTXVN

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc học tập và làm theo Bác cũng còn những hạn chế nhất định:

Thứ nhất, công tác triển khai, thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh ở một số nơi vẫn còn lúng túng, chưa thật sự đi vào chiều sâu; công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch học tập và làm theo Bác của cấp ủy, cam kết của cá nhân vẫn còn mang tính hình thức, chưa gắn với thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị. Một số cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu chưa toàn tâm, toàn ý phấn đấu rèn luyện theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, còn những trường hợp vi phạm phải xử lý kỷ luật.

Thứ hai, công tác tuyên truyền học tập và làm theo Bác ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa thật phong phú, đa dạng; việc tuyên truyền nhân rộng các mô hình, các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến chưa tạo sức lan tỏa. Không ít những phong trào thi đua làm theo Bác còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao.

Thứ ba, việc gắn kết học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị một số nơi chưa thật sự đồng bộ; xác định, lựa chọn nội dung đột phá, vấn đề nổi cộm, bức xúc để tập trung chỉ đạo giải quyết ở một số cấp ủy cơ sở chưa thật cụ thể.

Để việc học tập và làm theo Bác ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả

Phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, thời gian tới cần tập trung triển khai một số nhiệm vụ sau:

Một là, đẩy mạnh việc quán triệt, triển khai Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18-5-2021, của Bộ Chính trị, về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 vào thực tiễn. Phải xác định việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, tự giác đối với từng tổ chức và cá nhân. Cấp ủy các cấp phối hợp với lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị - xã hội đưa nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào chương trình công tác toàn khoá, hằng năm, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025. Gắn kết chặt chẽ việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với các Nghị quyết, Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, XII, XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, tạo sự chuyển biến trong hành động của các tổ chức đảng, của mỗi cán bộ, đảng viên; kết hợp với các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước của các cấp, các ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị. Lựa chọn các vấn đề trọng tâm, những vấn đề bức xúc, nổi cộm để đề ra biện pháp khắc phục, giải quyết dứt điểm, mang lại kết quả cụ thể, nhằm củng cố niềm tin trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang tặng hoa và bằng khen cho các gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của tỉnh An Giang_Nguồn: baoangiang.com.vn

Hai là, nêu cao trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp cần chủ động, sáng tạo, kiên trì, sát sao; đưa việc học tập và làm theo Bác trở thành công việc tự giác, thường xuyên của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đối với việc thực hiện nhiệm vụ đột phá, giải quyết dứt điểm những vấn đề nổi cộm, bức xúc được dư luận quan tâm để củng cố niềm tin trong nhân dân. Nghiên cứu xây dựng và thực hiện các chuẩn mực văn hóa trong công tác đảng, trong lãnh đạo, quản lý theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa công sở lành mạnh, dân chủ, đoàn kết, nhân văn.

Ba là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu, nhân rộng mô hình hay, cách làm sáng tạo, gương “người tốt, việc tốt” bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, tạo sự lan tỏa trong xã hội. Chú trọng nâng cao chất lượng các chuyên trang, chuyên mục về điển hình tiên tiến trong học tập và làm Bác; quan tâm biểu dương, khen thưởng định kỳ và đột xuất đối với các tập thể, cá nhân tiêu biểu để cổ vũ, động viên nhiều người tích cực làm theo.

Bốn là, tiếp tục hoàn thiện chuẩn mực đạo đức, xây dựng đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Từng chi bộ, đảng viên, nhất là bí thư cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị và các tổ chức chính trị - xã hội phải xây dựng kế hoạch học tập và làm theo toàn khóa và hằng năm với những việc làm và hành động cụ thể. Các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị tiến hành đánh giá kết quả thực hiện hằng năm, đối chiếu với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và báo cáo kết quả với cấp trên trực tiếp. Mỗi cán bộ, đảng viên tiến hành đánh giá vào dịp kiểm điểm cuối năm.

Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân điển hình, tiêu biểu trong học tập và làm theo gương Bác; đồng thời xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên vi phạm các quy định về trách nhiệm nêu gương; khắc phục, ngăn ngừa bệnh hình thức, thành tích, nói không đi đôi với làm, thiếu trung thực trong thực hiện Chỉ thị số 05. Tăng cường chỉ đạo đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc về thân thế, sự nghiệp, tư tưởng Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp đổi mới đất nước nói chung, vùng Tây Nam Bộ nói riêng của các thế lực thù địch, tổ chức phản động, đối tượng cơ hội chính trị./.