TCCSĐT - Căng thẳng ngoại giao giữa Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước châu Âu vẫn tiếp tục leo thang, thậm chí các tranh cãi có thể khiến mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) xuống dốc khi Tổng thống Tayyip Erdogan vừa tuyên bố sẽ xem xét lại quan hệ với EU sau cuộc trưng cầu dân ý về cải cách Hiến pháp vào tháng 4 tới.

EU và Thổ Nhĩ Kỳ trước ngã ba đường lịch sử

 
Gia tăng căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh châu Âu. Ảnh: ecfr.eu

Cho đến lúc này, hai phía dường như vẫn không ngừng các động thái leo thang căng thẳng và không ngần ngại công khai mọi quan điểm bất đồng. Việc Tổng thống T. Erdogan chỉ trích lãnh đạo Hà Lan và Đức hành xử “như những kẻ phát xít” khi ngăn nhiều bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức các cuộc mít-tinh ở nước ngoài nhằm vận động cộng đồng người Thổ trong cuộc trưng cầu ý dân sắp tới dường như đã đẩy quan hệ xuống mức khó có thể hàn gắn. Thủ tướng Đức A. Merkel cho rằng, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã đi quá giới hạn và Ankara đang ngày càng xa cách với EU.

Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO và đã xin gia nhập EU từ lâu. EU đã nhiều lần kết nạp thêm thành viên mới, trong đó có nhiều nước chưa phải là thành viên NATO, mà Thổ Nhĩ Kỳ vẫn bị EU bắt chờ đợi ở bên ngoài. Thổ Nhĩ Kỳ muốn được tận hưởng những ưu đãi về kinh tế, thương mại, tài chính, đầu tư, cũng như cả những phúc lợi xã hội từ phía EU. Tuy nhiên, suốt nhiều năm qua, EU luôn tìm cách trì hoãn hoặc không dành ưu tiên cho việc kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ.

Cho dù hiện tại, EU đang rất cần Thổ Nhĩ Kỳ vì không có sự hợp tác của chính quyền Ankara, EU không thể giải quyết được vấn đề người tị nạn. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ còn đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria, mà EU xác định là mối đe dọa an ninh hàng đầu, nhưng EU lại không từ bỏ các nguyên tắc của mình. Việc chính quyền của ông T. Erdogan bỏ tù và sa thải hàng chục nghìn binh lính, cảnh sát, thẩm phán, công tố viên, giáo viên... sau khi chặn được âm mưu đảo chính hồi tháng 7 năm ngoái bị EU coi là vi phạm nhân quyền và các nguyên tắc của luật pháp. Trong khi đó, chính quyền Ankara lại cho rằng, chính EU lại đang bao che cho các phần tử đảo chính và dung túng cho các tay súng người Kurd mà Thổ Nhĩ Kỳ đã đặt ngoài vòng pháp luật.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa hủy bỏ thỏa thuận với EU về giải quyết vấn đề người tị nạn có thể là “con bài cuối cùng” trong cuộc tranh cãi với EU. Rõ ràng, các nước EU đã thấm thía bài học để lại từ cuộc khủng hoảng người di cư của những năm trước. EU cũng hiểu rõ sự đổ vỡ trong quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ có thể đẩy khu vực Biển Đen và vùng Balkan vào bất ổn. Hơn thế nữa, nếu để mất quốc gia có vị trí chiến lược này, phương Tây sẽ để mất một chỗ đứng quan trọng tại Trung Đông, nơi Nga đang tích cực gia tăng ảnh hưởng, đặc biệt sau khi chính quyền của Tổng thống V. Putin can thiệp quân sự tại Syria.

Giới phân tích cho rằng cả Thổ Nhĩ Kỳ và EU đang đứng trước ngã ba đường lịch sử và đây sẽ là thời điểm họ phải quyết định bản chất mối quan hệ liên minh trong tương lai.

Cuộc đua vào Điện Élysée ngày càng gay cấn

 
 Năm ứng cử viên trong cuộc đua vào Điện Élysée tại cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình Pháp. Ảnh: France24.com

Năm ứng cử viên đang dẫn đầu các cuộc thăm dò trong cuộc đua vào Điện Élysée đã có cuộc tranh luận trực tiếp trên kênh truyền hình TF1 và LCI tối 20-3-2017. Đây là lần đầu tiên các ứng cử viên tổng thống Pháp cùng được mời tham gia một chương trình tranh luận trực tiếp trước khi diễn ra cuộc bầu cử vòng 1 dự kiến vào ngày 23-4 tới.

Năm ứng cử viên tham gia cuộc tranh luận gồm: cựu Thủ tướng François Fillon - đại diện cho cánh hữu và đảng Những người Cộng hòa (LR), cựu Bộ trưởng Giáo dục Benoît Hamon - đại diện cho cánh tả và đảng Xã hội (PS), bà Marine Le Pen - Chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN), ứng cử viên trung dung - cựu Bộ trưởng Kinh tế Emmanuel Macron và nhà lãnh đạo phong trào cực tả “Nước Pháp bất khuất” Jean-Luc Mélenchon.

Cuộc tranh luận được chia thành ba phần với các chủ đề: mô hình xã hội, mô hình kinh tế và vị trí của Pháp trên trường quốc tế. Tại cuộc tranh luận, các ứng cử viên đã so sánh, tranh luận về từng vấn đề cụ thể như giải pháp cho nạn thất nghiệp, tuổi nghỉ hưu, tuần làm việc 35 giờ, chăm sóc y tế, cuộc chiến chống khủng bố, vấn đề tước quốc tịch, quan hệ với các nước lớn như Nga và Mỹ… Có thể thấy rõ, kể từ đầu mùa bầu cử tổng thống đến nay, dư luận Pháp đã bị cuốn theo cơn bão truyền thông liên quan đến các cáo buộc gian lận, tham nhũng, các cuộc điều tra, khởi tố nhằm vào hai ứng cử viên là cựu Thủ tướng F. Fillon và bà Marine Le Pen. Chính vì vậy, cuộc tranh luận trên truyền hình lần này có ý nghĩa quan trọng không chỉ giúp các ứng cử viên trình bày nội dung tranh cử, mà còn tạo cơ hội để họ ghi điểm về nội dung và về phong thái trong con mắt của cử tri. Các cuộc thăm dò mới đây cho thấy, chỉ còn một tháng nữa là sẽ diễn ra cuộc bầu cử vòng 1, tuy nhiên cho đến nay, khoảng 40% số cử tri Pháp vẫn do dự chưa biết bỏ phiếu cho ứng cử viên nào.

Theo luật bầu cử Pháp, một ứng cử viên tổng thống phải có được ít nhất 500 phiếu bảo trợ đến từ ít nhất 30 tỉnh. Các phiếu này là của các nghị sỹ, thị trưởng, ủy viên hội đồng vùng, tỉnh và trên toàn nước Pháp. Có khoảng 42.000 người có quyền bỏ phiếu bảo trợ như vậy. Danh sách các ứng cử viên đủ điều kiện tham gia bầu cử đã được chốt vào ngày 17-3 vừa qua. Theo Chủ tịch Hội đồng Hiến pháp L. Farbius, số lượng ứng cử viên lần này nhiều hơn một người so với cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm 2012, trong đó có 9 nam và 2 nữ. Tổng cộng năm nay có 11 ứng cử viên.

Cho đến nay, nổi bật lên trong danh sách 11 ứng cử viên vẫn là cựu Thủ tướng F. Fillon, cựu Bộ trưởng Giáo dục B. Hamon, bà Marine Le Pen, và cựu Bộ trưởng Kinh tế E. Macron. Tuy nhiên, trong bối cảnh vừa bị tòa án truy tố với cáo buộc “lạm tiêu công quỹ”, “lạm dụng tài sản công” và “khai báo không đầy đủ với Cơ quan Minh bạch công vụ”, thì khả năng giành chiến thắng của cựu Thủ tướng F. Fillon dường như trở nên rất mong manh. Trong khi đó, cựu Bộ trưởng giáo dục B. Hamon cũng không giành được sự tín nhiệm cao trong các cuộc thăm dò gần đây bởi kết quả điều hành yếu kém cùng sự chia rẽ trong đảng Xã hội (PS) cầm quyền ở Pháp hiện nay khiến một số thành viên chủ chốt của PS đã từ chối ủng hộ ông B. Hamon. Do đó, dư luận cũng cho rằng, nhiều khả năng ông B. Hamon sẽ bị loại ngay từ vòng 1. Trong lúc này, dư luận đều cho rằng, nhiều khả năng bà Marine Le Pen và cựu Bộ trưởng Kinh tế E. Macron sẽ là hai ứng cử viên vượt được qua cuộc bầu cử vòng 1 (ngày 23-4) và cùng bước vào vòng 2 trong cuộc đua tranh chức tổng thống Pháp (ngày 07-5). Nhưng trong số 2 ứng cử viên thì bà Le Pen cũng đang vướng vào cuộc điều tra cáo buộc lạm dụng công quỹ của Nghị viện châu Âu (EP) để trả lương cho các trợ lý của bà. Vì vậy, trong lúc này, “ẩn số” đang được xem là có thể gây bất ngờ trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp 2017 chính là ứng cử viên E. Macron, 39 tuổi, ứng cử viên độc lập và không theo phe tả hay hữu. Với chiến lược “không tả, không hữu” vào lúc nhiều cử tri Pháp đang tỏ ra bất mãn với cả hai phe cánh hữu và cánh tả, ứng cử viên E. Macron đang thu hút được nhiều sự ủng hộ. Tuy nhiên, gần đây, ông E. Macron cũng bị các đối thủ chỉ trích vì chưa đưa ra được chi tiết chương trình hành động nhằm giúp nước Pháp đối phó với những thách thức kinh tế và an ninh hiện nay. Có thể thấy, càng gần sát đến ngày bầu cử, các ứng cử viên sẽ tận dụng mọi cơ hội để tìm ra những điểm yếu của nhau. Vì vậy, cuộc đua vào Điện Élysée sẽ còn nhiều diễn biến kịch tính và khó đoán định.

Liên minh toàn cầu chống IS khẳng định cam kết lâu dài

 
 Cảnh sát tăng cường an ninh tại khu vực tòa nhà Quốc hội Anh ở London sau vụ tấn công. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 22-3, ngoại trưởng và đại diện đến từ hơn 60 nước tham dự cuộc họp về chống khủng bố ở Washington (Mỹ) đã khẳng định sẽ tăng cường phối hợp trong cuộc chiến chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, đồng thời cam kết hỗ trợ quá trình ổn định tại các khu vực được giải phóng khỏi IS ở Iraq và Syria.

Tuyên bố chung sau cuộc họp của Liên minh toàn cầu chống IS do Mỹ đứng đầu nêu rõ: “Chúng tôi tái khẳng định cam kết của mình đối với một biện pháp tổng thể, đa chiều và toàn diện để đánh bại IS và mạng lưới toàn cầu của tổ chức khủng bố này”. Đại diện các nước cũng đánh giá cao việc lực lượng quân đội Chính phủ Iraq đã giải phóng hơn 60% lãnh thổ bị IS kiểm soát, cũng như đạt được “tiến bộ đáng kể trong việc giành lại Mosul (Mô-xun)” - thành trì cuối cùng của các phần tử cực đoan tại Iraq.

Tuyên bố cũng hoan nghênh Syria khi đánh bật phiến quân IS ra khỏi hơn 30% lãnh thổ nước này và buộc chúng phải lui về cố thủ ở thành phố Raqqa. Tuyên bố nhận định nhìn chung, số lượng các tay súng IS đã giảm một nửa, đồng thời đánh giá cao hiệu quả của việc chia sẻ thông tin và sự phối hợp tấn công quân sự giữa các đối tác trong liên minh. Cũng trong tuyên bố, liên minh gồm 68 nước thành viên trên đã khẳng định sẽ hỗ trợ cho tiến trình khôi phục lại sự ổn định và đảm bảo an toàn của người dân tại các khu vực được giải phóng ở Iraq và Syria, với khoản cam kết hơn 2 tỷ USD dành cho kế hoạch trên trong năm 2017.

Trước đó, phát biểu trong cuộc họp trên, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nhấn mạnh việc đánh bại IS là “mục tiêu số 1” của Washington ở Trung Đông, đồng thời hối thúc các đồng minh thúc đẩy hợp tác quân sự và chia sẻ tài chính để có thể hoàn thành mục tiêu này. Ông Tillerson cho rằng đã đến lúc các nước cần củng cố các cam kết chung về an ninh, cũng như tăng cường đầu tư cho cuộc chiến chống khủng bố. Đây là lần đầu tiên liên minh quân sự chống IS do Mỹ dẫn đầu tổ chức cuộc họp kể từ khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ hồi tháng 1 vừa qua. Trong chiến dịch tranh cử và cả sau khi nhậm chức, Tổng thống Trump luôn tuyên bố cuộc chiến chống IS là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ.

Cam kết được đưa ra cùng vơi quyết tâm của liên minh toàn cầu chống IS, song dường như cuộc chiến này còn nhiều tổn thất về người và của khi trước đó chỉ 1 ngày, thế giới bị rúng động bởi vụ tấn công khủng bố bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh. Vụ tấn công được cho là dấu hiệu của khủng bố Hồi giáo cực đoan mà IS đứng ra nhận trách nhiệm. Vụ việc đã khiến nhiều quốc gia trên thế giới tăng cường an ninh và một lần nữa, châu Âu lại trong tình trạng an ninh báo động.

Cảnh báo nguy cơ hàng trăm triệu trẻ em trên thế giới thiếu nước

 
 Trẻ em trên thế giới đang bị đe dọa bởi tình trạng thiếu nước. Ảnh: TTXVN

Nhân Ngày Nước thế giới ngày 22-3, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cảnh báo tới năm 2040 sẽ có tới 600 triệu trẻ em - nghĩa là trên thế giới cứ 4 em thì có 1 em - sẽ phải sống trong tình trạng thiếu nước nghiêm trọng. Tổ chức này kêu gọi các chính phủ ngay lập tức có những biện pháp để hạn chế tác động đối với cuộc sống của các em.

Trong báo cáo có tên “Khát nước trong tương lai: Nước và trẻ em trong bối cảnh biến đổi khí hậu”, UNICEF đã phân tích những mối đe dọa đối với cuộc sống và phúc lợi của trẻ em trong bối cảnh nguồn nước an toàn cạn kiệt và tình trạng biến đổi khí hậu sẽ càng làm tăng những mối đe dọa này trong những năm tới. Giám đốc điều hành UNICEF, ông Anthony Lake cảnh báo cuộc khủng hoảng nước sẽ càng nghiêm trọng nếu như các quốc gia không hành động tập thể ngay từ bây giờ. Ông cho biết thêm trên khắp thế giới, hàng triệu trẻ em không được tiếp cận nước sạch và “tình trạng này đe dọa cuộc sống, sức khỏe và hủy hoại tương lai của các em”.

Các chuyên gia UNICEF nêu rõ trên thế giới có 36 quốc gia đang phải đương đầu với tình trạng nước cực kỳ bẩn. Nhiệt độ ấm lên, mực nước biển tăng, lũ lụt, hạn hán và băng tan nhiều hơn đang ảnh hưởng tới chất lượng, lượng cung nước cũng như các hệ thống vệ sinh. Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng nước tăng cao chủ yếu do công nghiệp hóa và đô thị hóa đang làm cạn kiệt các nguồn nước trên thế giới. Chưa hết, các cuộc xung đột ở nhiều nơi trên thế giới cũng đe dọa khả năng tiếp cận nước sạch.

Tất cả những yếu tố kể trên buộc trẻ em phải sử dụng nước không an toàn, khiến các em dễ mắc bệnh nguy hiểm như tiêu chảy và bệnh tả. Nhiều trẻ em sống tại các khu vực bị ảnh hưởng hạn hán nghiêm trọng mỗi ngày phải mất hàng giờ để đi lấy nước, do đó không còn cơ hội để được đến trường. Trẻ em gái đặc biệt dễ bị tấn công và bị lạm dụng tình dục trong bối cảnh như vậy.

Tuy nhiên, báo cáo lưu ý rằng, tác động của tình trạng biến đổi khí hậu đối với nguồn nước là có thể tránh được nếu như các quốc gia triển khai hành động giúp kiềm chế tác động của biến đổi khí hậu đối với cuộc sống của trẻ em. Một trong những kiến nghị mà UNICEF gửi đến các chính phủ là cần lên kế hoạch về những thay đổi nguồn cung và nguồn cầu nước trong những năm tới, đồng thời đặt ưu tiên số một cho việc giúp những trẻ em dễ bị tổn thương nhất được tiếp cận nước sạch. Báo cáo cũng kêu gọi giới kinh doanh hợp tác với các cộng đồng dân cư để ngăn chặn tình trạng nhiễm độc và kiệt quệ nguồn nước sạch, trong khi các cộng đồng nên đa dạng hóa nguồn nước và tăng khả năng tích trữ nước an toàn.

Liên quan tới lời kêu gọi toàn thế giới chống lại biến đổi khí hậu, ngày 23-3, tại một phiên họp của Đại Hội đồng Liên hợp quốc, Tổng Thư ký Liên hợp quốc A. Guterres đã nêu bật mối liên hệ giữa Hiệp định Paris với các Mục tiêu phát triển bền vững tới năm 2030 (SDGs) của Liên hợp quốc. Ông nhấn mạnh tính hai mặt của vấn đề biến đổi khí hậu. Thứ nhất, đây là mối đe dọa trực tiếp và theo cấp số nhân, gắn liền với SDGs. Tuy nhiên, bên cạnh đó, biến đổi khí hậu cũng tạo ra những cơ hội lớn cho các nước thành viên trong quá trình ngăn chặn Trái đất ấm lên. Ở mặt tiêu cực, biến đổi khí hậu đã khiến năm 2016 là năm nóng nhất, lượng băng đã giảm xuống mức kỷ lục và mực nước biển dâng lên cao nhất. Hậu quả của tình trạng này là dẫn tới mất mùa, kéo theo đe dọa an ninh lương thực, khan hiếm nước, đói nghèo và di dân thiếu kiểm soát. Trong khi đó, mặt tích cực của biến đổi khí hậu là tạo động lực cho các chính phủ, các doanh nghiệp phát triển công nghệ Xanh, nền kinh tế Xanh. Củng cố thêm thông điệp của Tổng Thư ký Liên hợp quốc A. Guterres, Chủ tịch Đại Hội đồng Liên hợp quốc P. Thomson và Thư ký điều hành Hội nghị Công ước khung về biến đổi khí hậu (COP), bà Patricia Espinosa cho rằng, nền nhiệt thế giới đang có xu hướng tăng lên từ 3-4 độ C, đe dọa nghiêm trọng môi trường sống của con người. Hai quan chức Liên hợp quốc nhấn mạnh các nước cần hành động để bảo vệ Trái Đất - môi trường sống của nhân loại trước khi quá muộn./.