Xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
TCCSĐT - Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại và kính yêu của Đảng và dân tộc ta, người chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế trước lúc “đi xa” đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta bản Di chúc lịch sử. Đó là những lời căn dặn cuối cùng của Người, được các thế hệ người Việt Nam và bạn bè quốc tế coi là di sản tinh thần vô giá, kết tinh những tư tưởng, tình cảm, đạo đức của một vĩ nhân.
Xây dựng và củng cố Đảng là điều được Chủ tịch Hồ Chí Minh trăn trở và quan tâm đặc biệt. Người cho đó là vấn đề quan trọng hàng đầu để cách mạng thắng lợi, để xây dựng đất nước giàu mạnh, văn minh. Chính vì thế, ngay từ những thập niên đầu thế kỷ XX, giữa lúc trên thế giới có nhiều trào lưu cách mạng, nhiều khuynh hướng tư tưởng, cách mạng Việt Nam ở trong “tình hình đen tối như không có đường ra”, từ rất sớm, Người đã nhận thức được rằng: “Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức quần chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”. Đến khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 1930, Người lại xác định: “Đảng là đội tiên phong của đạo quân vô sản gồm một số lớn của giai cấp công nhân và làm cho họ có đủ năng lực lãnh đạo quần chúng”. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, trên cương vị người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta, nỗi hằng tâm của Người là làm sao xây dựng Đảng ta thật trong sạch, vững mạnh. Giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn gay go, ác liệt, tại Đại hội lần thứ II của Đảng đầu năm 1951, Người không ngần ngại nêu ra những khuyết điểm trong Đảng để sửa chữa, rằng “ở cơ quan lãnh đạo các cấp, về lề lối làm việc, về chủ trương và cách lãnh đạo còn có những khuyết điểm khá phổ thông và nghiêm trọng. Ấy là những bệnh chủ quan, quan liêu, mệnh lệnh, hẹp hòi và bệnh công thần”(1) và Người yêu cầu: “Chúng ta phải thật thà tự phê bình để sửa chữa. Phải cố gắng sửa chữa để tiến bộ”(2).
Tháng 5-1968, khi giở lại tài liệu “Tuyệt đối bí mật”, Người viết thêm mấy điều, trong đó có đoạn: “Ngay sau khi cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi, công việc toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta phải ra sức làm là mau chóng hàn gắn vết thương nghiêm trọng do đế quốc Mỹ gây ra trong cuộc chiến tranh xâm lược dã man. Theo ý tôi, việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi”(3).
Trước khi hạ bút viết bổ sung những dòng trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng một điều chắc chắn là cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta nhất định thắng lợi hoàn toàn. Tuy nhiên, Người cũng thấy trước rằng, đánh Mỹ, thắng Mỹ đã đòi hỏi nhiều gian khổ, hy sinh, còn xây dựng lại đất nước bị chiến tranh tàn phá nặng nề sau chiến tranh ở một nước nghèo nàn, lạc hậu với hàng loạt công việc phải làm như: xây dựng lại thành phố, làng mạc, khôi phục và mở mang các ngành kinh tế, phát triển công tác vệ sinh, phòng bệnh, sửa đổi chế độ giáo dục, củng cố quốc phòng,… còn gian nan, vất vả hơn nhiều. Theo Người: “Đây là cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”, là “cuộc chiến đấu khổng lồ”. Nếu Đảng không được chỉnh đốn thường xuyên, không được củng cố vững mạnh thì không thể lãnh đạo được sự nghiệp cách mạng, không thể đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới và cách mạng không thể tiến lên được, thậm chí những thành quả giành được trước đây sẽ có nguy cơ bị tiêu tan.
Theo quan điểm của Người, chỉnh đốn Đảng là việc làm thường xuyên, liên tục, bao gồm nhiều việc và phải được tiến hành trong suốt quá trình Đảng lãnh đạo sự nghiệp cách mạng. Trong điều kiện Đảng cầm quyền xây dựng đất nước, cán bộ, đảng viên rất dễ bị sa ngã trước sự quyến rũ của quyền lực và tiền bạc, rất dễ đánh mất mình, dễ bị suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống, làm mất thanh danh của Đảng, bôi nhọ danh hiệu người đảng viên cộng sản, điều mà Người đã nhiều lần căn dặn cán bộ, đảng viên cần tránh và Người đã từng cảnh báo: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”(4).
Đặc biệt là trong giai đoạn mới, trước yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế; trước yêu cầu xây dựng Đảng ngang tầm nhiệm vụ cách mạng, xây dựng Đảng, chỉnh đốn lại Đảng là nhiệm vụ then chốt, cơ bản, thường xuyên và cấp bách. Qua gần 30 năm đổi mới, cùng với những thành tựu to lớn mà Đảng và nhân dân ta đã giành được trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là trong khi công cuộc đổi mới đi vào chiều sâu, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên phải kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng, phải vững vàng, vượt qua thách thức. Nhưng vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có biểu hiện giảm sút ý chí phấn đấu, phai nhạt về lý tưởng, dao động về con đường xã hội chủ nghĩa, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống mà nhiều nghị quyết của Đảng đã chỉ ra chưa khắc phục được. Không thể xem thường tính chất nghiêm trọng của tình hình trên, nếu không chặn đứng và đẩy lùi những khuyết điểm đó thì sẽ dẫn đến nguy cơ làm biến chất Đảng, đe doạ sự sống còn của chế độ ta.
Kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta càng thấm thía lời căn dặn của Người về “việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng”. Dưới đây chỉ nêu những nội dung chính mà Người đã căn dặn trong Di chúc ở mục nói về Đảng.
Một là, về đoàn kết. Người dặn: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Đây được coi là nguyên tắc cơ bản trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Vì đoàn kết tạo nên sức mạnh để chiến thắng kẻ thù xâm lược và xây dựng đất nước giàu mạnh. Đoàn kết trong Đảng là bảo đảm đầu tiên và thường xuyên cho sự vững manh và sức chiến đấu của Đảng. Cán bộ, đảng viên phải ra sức góp phần củng cố khối đoàn kết thống nhất trong Đảng trên cơ sở đường lối, chủ trương và những nguyên tắc sinh hoạt Đảng. Đoàn kết thể hiện sự nhất trí trong nhận thức và hành động, giữa cấp trên và cấp dưới, giữa lời nói và việc làm. Có đoàn kết trong Đảng mới đoàn kết được toàn dân tiến hành sự nghiệp cách mạng. Đoàn kết phải trên cơ sở thống nhất về chính trị, tư tưởng và tổ chức, về chủ trương và đường lối, lập trường và quan điểm, kiên định trong mọi tình huống, không hoang mang, dao động, xa rời lý tưởng của Đảng, xa rời đội ngũ. Kinh nghiệm lịch sử cũng cho thấy, một cơ quan, một đơn vị, một quốc gia dân tộc khi mất đoàn kết, chia bè kéo cánh, đấu đá lẫn nhau, thường dẫn đến hậu quả khôn lường và là cơ hội tốt cho kẻ xấu, các thế lực thù địch lợi dụng, phân hoá nội bộ, tạo ra thời cơ thuận lợi cho kẻ địch tấn công làm tan rã tổ chức, tan rã Đảng, làm cho Đảng mất sức chiến đấu, đưa sự nghiệp cách mạng tới chỗ thất bại. Bài học về đoàn kết là bài học cực kỳ sâu sắc mà trong Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích rõ tác dụng của bài học này: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”.
Hai là, về thực hành dân chủ, tự phê bình và phê bình. Người chỉ dẫn: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Đây được coi là biện pháp quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Sức mạnh của Đảng bắt nguồn từ sự đoàn kết, nhất trí. Nếu đoàn kết thống nhất trong Đảng là vấn đề quan trọng hàng đầu thì cách tốt nhất để phát triển sự đoàn kết thống nhất ấy là phải thực hành dân chủ rộng rãi, thực hiện tự phê bình và phê bình thường xuyên trong Đảng và trong nhân dân, trong việc xây dựng, ban hành các chỉ thị, nghị quyết, chính sách. Các cấp bộ đảng cần lấy ý kiến rộng rãi của cán bộ, đảng viên và nhân dân đóng góp vào việc xây dựng các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong tổ chức thực tiễn cuộc sống, công tác của các đoàn thể quần chúng. Trong sinh hoạt Đảng phải bảo đảm thực sự dân chủ, công khai, cởi mở, bình đẳng, dân chủ giữa cấp trên và cấp dưới, dân chủ trên mọi lĩnh vực chính trị, tư tưởng, văn hóa..., kết hợp hài hoà giữa dân chủ gián tiếp và dân chủ trực tiếp, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Trong thực hiện dân chủ, cần khắc phục tệ quan liêu, gia trưởng, mệnh lệnh, cửa quyền, độc đoán, coi thường ý kiến người khác, dân chủ hình thức; đồng thời cũng phải ngăn chặn tình trạng lợi dụng dân chủ để gây rối, vô tổ chức, vô kỷ luật, tự do vô chính phủ. Tự phê bình và phê bình trong nội bộ Đảng là yếu tố quyết định giữ gìn uy tín của Đảng, giúp cho cán bộ, đảng viên sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm. Tự phê bình và phê bình phải thực sự đề cao dân chủ trong Đảng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tự phê bình và phê bình là để đi đến đoàn kết, thống nhất và phải dựa trên cơ sở thực hiện dân chủ rộng rãi, mở rộng dân chủ nội bộ. Tổ chức đảng và đảng viên phải nghiêm túc tự phê bình và phê bình. Trong phê bình phải có thái độ khách quan, trung thực, chân thành, thẳng thắn, có lý có tình, có trách nhiệm giữa những người cùng chung lý tưởng, cùng chung chí hướng, phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” mà lần này Người căn dặn là điều quan trọng hàng đầu trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong vấn đề bảo đảm đoàn kết và bao trùm lên tất cả là trong các mối quan hệ giữa những người đồng chí cùng chung lý tưởng. Tuy nhiên, cũng phải nghiêm khắc với tình trạng lợi dụng phê bình để đả kích, bôi nhọ, mạt sát đồng chí mình, gây mất đoàn kết nội bộ. Muốn lãnh đạo được quần chúng, cấp trên và cán bộ lãnh đạo phải tự phê bình nghiêm túc, chân thành tiếp thu ý kiến phê bình của cấp dưới, của đồng chí mình; đồng thời phải động viên cấp dưới và quần chúng tham gia phê bình tổ chức đảng và đảng viên. Một đảng dám mạnh dạn tự phê bình và phê bình mới có khả năng tập hợp, đoàn kết được đông đảo quần chúng dưới ngọn cờ của Đảng tiến hành thắng lợi sự nghiệp cách mạng.
Ba là, về đạo đức cách mạng. Người dạy: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Đây được coi là nhiệm vụ hàng đầu trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Chỉ có mấy dòng mà Người đã nhắc đi nhắc lại các từ “thật”, “thật sự” rất nhiều lần. Điều này cho thấy trước lúc đi xa, Người rất quan tâm, trăn trở đến vận mệnh của Đảng và tương lai của đất nước. Đạo đức cách mạng, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là đạo đức mới, nó không phải vì danh vọng của cá nhân, mà vì lợi ích của Đảng, của dân tộc, của loài người; nó rất sâu rộng, đề cập chung cho mọi tầng lớp, mọi đối tượng, nhất là đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên, trong đó bao gồm cả xây và chống, trong chống có xây, trong xây có chống. Xây là rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, chống là chống thói hư tật xấu, chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Chính sự nghiệp chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu, xây dựng đất nước giàu mạnh là công việc khổng lồ, là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, gian khổ nên Người đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải sẵn sàng chịu đựng mọi gian khổ, hy sinh, phải phấn đấu đến cùng vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc, phải coi đạo đức cách mạng là phẩm chất đầu tiên của mình, như nhiều lần Người phân tích: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hoá, xấu xa thì còn làm nổi việc gì”(5). Trong nhiều tác phẩm trước đây, Người đều nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, lần này Người nhắc nhở thêm là phải “thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” với mong muốn cán bộ, đảng viên phải nêu cao tính tiền phong, gương mẫu nhiều hơn nữa, cao hơn nữa. Theo Người, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống quan liêu là thuộc phạm trù đạo đức cách mạng. Đảng ta là đảng cầm quyền, nên phải thật sự trong sạch, vững mạnh, thật sự là bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp công nhân và của dân tộc. Đảng viên phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, phải có lập trường tư tưởng kiên định, phải mẫu mực về đạo đức và lối sống, phải có tầm cao trí tuệ để lãnh đạo thành công sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và của dân tộc ta. “Giữ gìn Đảng ta thật trong sạch”, “xứng đáng là người lãnh đạo”, “là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” là ba yếu tố được đặt trong một chỉnh thể thống nhất, biện chứng, gắn bó, bổ sung cho nhau, làm tiền đề cho sự phát triển vững mạnh và sức chiến đấu của Đảng, để lãnh đạo sự nghiệp cách mạng đi đến thành công.
Ba điều nói trên là nội dung rất cơ bản mà Hồ Chí Minh căn dặn để tiến hành xây dựng, chỉnh đốn Đảng hôm nay có hiệu quả. Những chỉ dẫn thiết thực trên đây của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng” càng có ý nghĩa thiết thực trong giai đoạn hiện nay của cách mạng nước ta, khi Đảng ta thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI: “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị: “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, nhằm nâng cao vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, đặng hoàn thành sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và của dân tộc ta, để xứng đáng với điều mong ước cuối cùng của Người trong Di chúc là: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”./.
--------------------------------------------------------------
(1), (2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t.6, tr.167,166.
(3), (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.503, 557 - 558.
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.252 - 253.
Tổng Bí thư tiếp Bộ trưởng Các lực lượng vũ trang Cách mạng Cuba  (22/12/2014)
Chủ tịch nước: Tránh tạo dư luận xấu về xử lý án kinh tế, chức vụ  (22/12/2014)
Chiến tích bộ đội Trường Sơn khắc sâu vào trang sử vàng đất nước  (22/12/2014)
Xây dựng biên giới Việt Nam - Campuchia hợp tác cùng phát triển  (22/12/2014)
Bằng chứng lịch sử chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam  (22/12/2014)
- Ngày làm việc thứ nhất của Hội nghị Trung ương khóa XIII
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm