Phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi - góp phần phát triển nông thôn bền vững ở An Giang
Ghi nhận kết quả bước đầu
Những năm qua, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang luôn đặc biệt quan tâm đến phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi ở địa phương. Hội nông dân các cấp trong toàn tỉnh xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng phải thực hiện hằng năm. Đáng chú ý là, khi Quy định số 18-QĐ/HNDTW, ngày 12-01-2011 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về quy định tiêu chuẩn hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp giai đoạn 2011 - 2016 ban hành, các cấp hội nông dân của tỉnh đã bám sát tình hình thực tiễn của địa phương để xây dựng kế hoạch cụ thể và phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể triển khai đúng yêu cầu đề ra. Trên tinh thần ấy, các cấp hội đã làm tốt công tác tuyên truyền nhằm phát động thành phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi sâu rộng trong toàn xã hội, nên đã tạo được khí thế thi đua sôi nổi đến mỗi hộ nông dân, khơi dậy tính năng động, sáng tạo, tinh thần vì cộng đồng giúp những gia đình gặp khó khăn, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Phong trào cũng đã đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn, những mô hình nông dân làm ăn giỏi, sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả, quy mô sản xuất, kinh doanh liên tục mở rộng có tính thuyết phục cao,… tác động rất lớn đến hoạt động trong mọi lĩnh vực, tạo nên bộ mặt nông thôn mới, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng của nông dân.
Theo báo cáo của Hội Nông dân tỉnh An Giang, trong 5 năm 2008 - 2012, toàn tỉnh có 354.915 lượt nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi được công nhận ở 4 cấp. Chỉ tính riêng năm 2012, toàn tỉnh có 75.150 nông dân đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi 4 cấp (cấp xã 45.155 người, cấp huyện 18.145 nông dân, cấp tỉnh 11.956 nông dân và 143 tập thể, cấp trung ương 254 nông dân), nâng tổng số nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đến nay hiện có 875.304 lượt cá nhân và 609 tập thể. Những kết quả đạt được của phong trào thể hiện qua các mặt cụ thể như sau:
Một là, phong trào thi đua đã xây dựng được nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh đa dạng, như mô hình chuyên canh sản xuất lúa giống, điển hình là tổ hợp tác sản xuất giống Phú An, xã Hòa Bình, huyện Châu thành; tổ hợp tác sản xuất giống Bình Tây, xã Thoại Giang, huyện Thoại Sơn; tổ hợp tác sản xuất giống An Đông, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên; Câu lạc bộ nông dân sản xuất giống Phú Hữu, huyện An Phú… Mô hình trồng màu tập trung ở các vùng cù lao thuộc huyện An Phú, Châu Phú, Chợ Mới, Tân Thành, tận dụng lợi thế đất phù sa mới bồi đắp, nông dân đã chuyển dịch từ trồng lúa sang trồng màu rất hiệu quả, điển hình như: ông Trịnh Bửu Kiếm ở xã Tân Hòa, huyện Phú Tân, với diện tích 1,2 ha, doanh thu đạt trên 320 triệu đồng/năm; ông La Văn Đến ở xã Khánh An, huyện An Phú, với diện tích 1,6 ha trồng khổ hoa, đạt doanh thu hơn 320 triệu đồng; ông Lê Văn Hồng; ông Ngô Văn Mây, xã Kiến An, huyện Chợ Mới đạt doanh thu trên 300 triệu mỗi năm. Mô hình nuôi cá nước ngọt hiệu quả cao, như ông Ngô Chơn Khoa, xã Vĩnh Hội Đông, huyên An Phú, với 0,5 ha mặt nước, nuôi cá lóc, đạt doanh thu 1,2 tỷ đồng; ông Huỳnh Hữu Lộc, xã Vĩnh Phú, huyên An Phú, nuôi 0,8ha cá tra, với doanh thu hơn 2,3 tỷ đồng. Phong trào cũng đã phát triển tốt mô hình trồng cây ăn trái, điển hình như gia đình ông Đặng Ngọc Yên, thị trấn Chi Lăng, huyện Tịnh Biên, trồng xoài có doanh thu trên 360 triệu đồng/năm; ông Nguyễn Hoàng Dư, xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, trồng xoài Đài Loan và bưởi Da Xanh đạt 330 triệu/năm; ông Lê Bửu Hiền, xã Bình Thạnh Đông, huyện Phú Tân, trồng dừa, ổi, mãng cầu đạt doanh thu 344 triệu đồng năm 2012.
Mô hình phát triển chăn nuôi quy mô lớn đã góp phần hạ giá thành, cung cấp lượng hàng hóa đáng kể cho thị trường, như trường hợp ông Đỗ Văn Ngon, ấp Hưng Trung, xã Đào Hữu Cảnh, huyện Châu Phú, với tổng đàn heo nái giống lên đến 48 con, trung bình mỗi tháng xuất chuồng trên 100 con, doanh thu trung bình mỗi tháng hơn 141 triệu đồng. Đặc biệt phong trào thi đua cũng đã phát triển mô hình nông nghiệp đa dạng ngành nghề và phát triển bền vững, như bà Nguyễn Thị The, xã Vĩnh Khánh, huyện Thoại Sơn, trồng lúa, chăn nuôi heo, gà, vịt, kết hợp với nuôi cá có doanh thu 1,5 tỷ đồng/năm; Võ Nguyên Phương, thị trấn Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, trồng 1,5ha lúa, 0,5 ha cây ăn trái, 0,2 ha trồng bắp, khổ qua và đậu cô-ve, chăn nuôi bò và gia cầm đạt 412 triệu đồng năm 2012, với lợi nhuận hơn 286 triệu đồng; bà nguyễn Thị Thùy, xã Vĩnh Hòa, Thị xã Tân Châu, trồng vườn xoài, nuôi heo kết hợp bi-ô-ga, nuôi cá đạt doanh thu 600 triệu đồng/năm…
Điểm nổi bật của phong trào là đã phát triển được mô hình kinh tế trang trại, tạo ra lượng nông sản hàng hóa có chất lượng cao, như trang trại lúa giống của ông Nguyễn Quốc Hùng, thị trấn Ốc Eo, huyện Thoại Sơn đạt doanh thu trên 4 tỷ đồng/năm; ông Vương Gia Kiệt, xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, phát triển trang trại chăn nuôi heo cho doanh thu trên 1,4 tỷ đồng năm 2012; bà Lê Thị Bích Lệ, xã Vĩnh Mỹ, Thị xã Châu Đốc, với trang trại nuôi cá sấu có doanh thu hằng năm đạt khoảng 9,3 tỷ đồng…
Hai là, thực hiện mô hình kinh tế tổ hợp tác trong sản xuất nông nghiệp: Qua 2 năm phát động phong trào đã hình thành nhiều tổ hợp tác khá tiêu biểu, như: Tổ hợp tác Phú Nông xã Hòa Bình, huyện Châu Thành; hợp tác xã Hà Bao I, Đa Phước, An Phú và hợp tác xã Tân Phú A1, xã Tân Thạnh, huyện Tân Châu… Từ mô hình liên kết hợp tác ban đầu đã hình thành mô hình liên kết 4 nhà xây dựng “cánh đồng mẫu lớn” như tổ hợp tác Tân Lợi, xã Tân Phú, nông dân xã Vĩnh Bình, xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành liên kết với Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang; nông dân xã Bình Thành, huyện Thoại Sơn kết hợp với Công ty Angimex…
Ba là, nông dân giỏi không những là người chỉ biết làm ăn giỏi mà qua thực tế phát động phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân vừa sản xuất, kinh doanh giỏi vừa là người luôn gương mẫu đi đầu trong lĩnh vực xây dựng nông thôn mới: Trong 5 năm (2008 - 2012), tổng thu nhập nông dân giỏi cấp tỉnh trên 20.000 tỷ đồng, các nông dân giỏi đã tham gia hướng dẫn giúp đỡ trên 50.000 lượt người vươn lên thoát nghèo, đóng góp trên 450.000 ngày công xây dựng những công trình phúc lợi xã hội ở nông thôn được hơn 170 tỷ đồng. Điển hình trong lĩnh vực này có ông Trần Văn Trất, xã Định Thành, huyện Thoại Sơn đóng góp 165 triệu đồng; ông Dương Văn Phước, xã Phú Long, huyện Phú Tân đóng góp 100 triệu đồng; ông Nguyễn Lợi Đức, xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn đóng góp hơn 100 triệu đồng; bà Nông Thị Mỹ Lệ, xã Phú Xuân, đóng góp hơn 30 triệu đồng; ông Phạm Dân Chúng, xã Hòa Lạc, đóng góp 30 triệu đồng và 40 ngày công lao động…
Phong trào thi đua nông dân giỏi cũng đã góp phần phát triển được ngành nghề thủ công ở vùng nông thôn, như cơ sở tiểu thủ công “Hai học” do ông Trần Hiếu Nghĩa, thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn làm chủ, doanh thu mỗi năm trên 1,1 tỷ đồng; ông Phạm Phú Thọ, xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới, đóng ghe, xuồng, mỗi năm doanh thu khoảng 480 triệu đồng; ông Trần Văn Ngây, xã Thoại Giang, huyện Thoại Sơn, chế biến bong bóng cá và khô mực đạt doanh thu 34 tỷ đồng/năm, với lợi nhuận trên 1,7 tỷ đồng/năm. Nhờ phong trào thi đua nên đã xuất hiện ngày càng nhiều các hộ tiểu thương vùng nông thôn, như: ông Thái Văn Dương, xã Long Giang, huyện Chợ mới; bà Nguyễn Thị Thu Thảo, xã Phú Thạnh, huyện Phú Tân…, doanh thu hằng năm trên chục tỷ đồng, góp phần hình thành kênh phân phối, tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân.
Bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào cũng gặp nhiều khó khăn thách thức, đó là kinh tế phát triển chưa thật sự ổn định, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động còn chậm. Trình độ công nghệ lạc hậu dẫn đến năng suất lao động thấp, liên kết, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh giữa các doanh nghiệp với nông dân và các mô hình kinh tế hợp tác còn yếu, chưa gắn kết giữa sản xuất - chế biến - tiêu thụ, chưa coi trọng việc xây dựng thương hiệu và liên kết vùng lúa chất lượng cao.
Một số bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn
Từ những kết quả đạt được của phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:
Một là, phải bám sát vào nhiệm vụ chính trị của Đảng, nghị quyết của Hội Nông dân để nâng cao nhận thức của cán bộ và nông dân trong phát động và thực hiện phong trào nhằm thống nhất trong hành động.
Hai là, phải phát động sớm ngay từ đầu năm để có sự thống nhất về nội dung, về tiêu chí thi đua, coi trọng việc đăng ký giao ước thi đua, cuối năm có sơ kết khen thưởng kịp thời. Hình thức phát động phong trào phải đa dạng, phong phú nhằm thu hút ngày càng nhiều nông dân tham gia.
Ba là, trong công tác xét thi đua - khen thưởng phải thực hiện đúng nguyên tắc, phải khách quan, công khai, minh bạch, dân chủ, chính xác, kịp thời theo tiêu chuẩn quy định và đúng Luật Thi đua - khen thưởng.
Bốn là, đội ngũ cán bộ phải có trách nhiệm, nhiệt tình, năng động, chịu khó đi cơ sở, mạnh dạn đề xuất các biện pháp đẩy mạnh phong trào thi đua. Đặc biệt xây dựng và tuyên truyền các mô hình điển hình để nhân rộng.
Để phong trào thi đua sâu rộng hơn
Để đạt được mục tiêu đề ra theo kế hoạch hằng năm có trên 60% số hộ đăng ký thi đua đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp và nhằm làm cho phong trào thi đua ngày càng sâu rộng hơn, tỉnh An Giang đang tích cực gắn phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh…, tập trung một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, làm chuyển biến nhận thức của đông đảo cán bộ, hội viên nông dân về phát triển kinh tế; khích lệ, động viên nông dân thay đổi nếp nghĩ, quyết tâm vượt khó, tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh về vốn, lao động, đất đai để đầu tư phát triển sản xuất.
Thứ hai, đẩy mạnh và đổi mới công tác hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế nhằm thúc đẩy phong trào thi đua; hướng dẫn nông dân phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp gắn với hỗ trợ về vốn, vật tư, chuyển giao khoa học - công nghệ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh; có kế hoạch đào tạo nghề cho nông dân để không ngừng nâng cao trình độ sản xuất, kiến thức quản lý kinh tế và thị trường, giúp nông dân tiếp cận và khai thác có hiệu quả các chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn và huy động tối đa các nguồn vốn, khoa học, công nghệ mới, góp phần gia tăng giá trị sản phẩm và khả năng cạnh tranh, phát triển một nền nông nghiệp bền vững.
Thứ ba, tập trung phong trào phát triển mạnh theo hướng liên kết, hợp tác, đoàn kết giúp đỡ và chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn… Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thông tin sản xuất và tìm kiếm thị trường. Tăng cường phối hợp và làm cầu nối để các thành phần kinh tế ký hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản cho các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh.
Thứ tư, tập trung xây dựng, nhân rộng những mô hình điển hình tiến tiến, xuất sắc phù hợp với từng địa phương. Nêu gương những tổ chức, cá nhân điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi và giúp đỡ có hiệu quả đối với các hộ nghèo.
Thứ năm, phát triển phong trào theo hướng sản xuất hàng hóa, kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác, phát triển ngành nghề gắn với ứng dụng khoa học, công nghệ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho nông dân.
Sáu là, gắn phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi với việc đẩy mạnh củng cố, xây dựng tổ chức hội nông dân ngày càng vững mạnh, tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của hội; tăng cường tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ và dạy nghề cho nông dân, chăm lo bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của nông dân.
Tóm lại, để phong trào tiếp tục có bước phát triển theo chiều sâu và nhân rộng, đòi hỏi toàn thể cán bộ, nông dân phát huy nội lực, đẩy mạnh phát triển kinh tế. Đồng thời, tranh thủ sự hỗ trợ tích cực của cả hệ thống chính trị trong việc hỗ trợ, hướng dẫn nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh bằng những chính sách, hành động cụ thể để động viên đông đảo cán bộ, nông dân tích cực thi đua làm giàu cho gia đình, cho xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn của tỉnh./.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao quyết định bổ nhiệm chức danh tư pháp  (18/07/2013)
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đoàn đại biểu Lào  (18/07/2013)
Phó Chủ tịch nước thăm và làm việc tại tỉnh Quảng Trị  (18/07/2013)
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải làm việc tại Thanh Hóa  (18/07/2013)
Yêu cầu Trung Quốc bồi thường cho các ngư dân Việt Nam  (18/07/2013)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Thông cáo báo chí Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên