Hà Giang: Phát triển đô thị theo hướng xanh và bền vững
TCCS - Trong những năm qua, việc phát triển đô thị tỉnh Hà Giang có nhiều bước tiến bộ, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được quan tâm đầu tư, từng bước đáp ứng nhu cầu sử dụng, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, với đặc thù của các đô thị miền núi phía Bắc, có quỹ đất phát triển đô thị hạn chế, dân cư sống không tập trung… đặt ra cho Hà Giang nhiều thách thức trong phát triển đô thị theo hướng xanh, bền vững.
Thực trạng phát triển đô thị những năm qua
Hà Giang có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh và củng cố khối đoàn kết dân tộc, là nơi giao thoa giữa 2 vùng văn hóa Đông Bắc và Tây Bác, là cửa ngõ giao thương quốc tế, cầu nối giữa tỉnh Vân Nam, Trung Quốc với miền Bắc Việt Nam và hành lang biển Đông, giữa các nước ASEAN với các nước Đông Bắc Á, đồng thời là điểm trung chuyển giữa cung đường du lịch Đông - Tây Bắc Việt Nam. Hà Giang có 11 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm 01 thành phố và 10 huyện với 193 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 5 phường, 13 thị trấn và 175 xã. Trên địa bàn tỉnh có 15 đô thị (gồm 1 đô thị loại III; 1 đô thị loại IV; 13 đô thị loại V), tỷ lệ đô thị hóa đạt 17,43%.
Các đô thị là trung tâm động lực phát triển cho vùng huyện và tỉnh. Không gian, kết cấu hạ tầng đô thị được đầu tư xây dựng theo quy hoạch tương đối đồng bộ, kiến trúc cảnh quan được quan tâm đầu tư, du lịch cộng đồng đang khởi sắc. Đô thị có cảnh quan tự nhiên đẹp, có tiềm năng phát triển du lịch gắn với cảnh quan sinh thái. Những năm qua, công tác quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh Hà Giang được quan tâm và đạt được một số kết quả: Hà Giang đã và đang triển khai lập đồ án quy hoạch tỉnh; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 438/QĐ-TTg, ngày 7-4-2017, phê duyệt quy hoạch xây dựng công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn đến năm 2030; đang triển khai lập các đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên… Các trung tâm hành chính, chính trị của 11/11 huyện, thành phố đã có đồ án quy hoạch chung xây dựng. Các đồ án được điều chỉnh cho phù hợp với giai đoạn phát triển. Các đồ án phân khu đô thị thành phố Hà Giang đang được triển khai thực hiện. Nhằm bảo đảm mục tiêu phát triển đô thị tăng trưởng xanh và bền vững, trên cơ sở các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020, Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030, tỉnh Hà Giang đã và đang từng bước lồng ghép mục tiêu phát triển đô thị tăng trưởng xanh và ứng phó biến đổi khí hậu đối với quy hoạch, phát triển đô thị và lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 213/KH-UBND, ngày 22-7-2021 nhằm thực hiện Quyết định số 438/QĐ-TTg, ngày 25-3-2021 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai Đề án “Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030”.
Công tác phát triển đô thị tỉnh Hà Giang đang đứng trước nhiều thách thức. Tỉnh Hà Giang có địa hình không bằng phẳng, giao thông chỉ có đường bộ, nằm xa hệ thống cảng biển, sân bay, trục hành lang kinh tế đối ngoại của quốc gia. Giao thông đối nội chưa hoàn chỉnh, chất lượng không đồng đều, liên kết Đông - Tây còn hạn chế. Tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh còn thấp so với khu vực và so với trung bình toàn quốc. Các đô thị trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, toàn tỉnh chỉ có 1 đô thị loại III, 1 đô thị loại IV (thị trấn Việt Quang) còn lại là các đô thị loại V. Nhu cầu vốn cho đầu tư và phát triển rất lớn, trong khi đó, nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng còn hạn chế, chủ yếu từ nguồn vốn ngân sách nhà nước; nguồn vốn xã hội hóa còn hạn chế. Tiềm năng, nội lực còn nhiều, tuy nhiên thu ngân sách còn khá ít, nguồn lực đầu tư rất khó khăn. Việc được đầu tư nhỏ giọt dẫn đến hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị chưa hoàn chỉnh, chưa đồng bộ.
Những năm qua, việc phát triển kinh tế đã thu hút nhiều người dân từ các nơi khác đến làm việc, sinh sống tại tỉnh, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng dân số còn khá thấp, chưa có nhiều động lực để thu hút khách du lịch và dân số cơ học. Nhu cầu việc làm, xóa đói giảm nghèo của đồng bào dân tộc và một bộ phận nhân dân đang gặp nhiều khó khăn. Mức sống giữa khu vực thành thị và nông thôn còn có sự chênh lệch lớn. Có 4/15 đô thị có Chương trình phát triển đô thị, gồm: Thị trấn Đồng Văn, thị trấn Mèo Vạc, thị trấn Yên Phú, thị trấn Yên Bình); các đô thị còn lại chưa xây dựng Chương trình phát triển đô thị, vì vậy còn gặp nhiều khó khăn khi xây dựng danh mục dự án, kêu gọi thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển đô thị. Việc triển khai phát triển đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh còn hạn chế.
Định hướng phát triển đô thị tỉnh Hà Giang
Nhằm đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa toàn tỉnh, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, khắc phục những vấn đề hạn chế, hướng tới phát triển bền vững, ngày 23-12-2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TU về phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, xác định: đến năm 2030, tỉnh Hà Giang có 29 đô thị gồm 1 đô thị loại II (thành phố Hà Giang phấn đấu phát triển thành đô thị loại II trong giai đoạn 2022 -2025); 1 đô thị loại III; 3 đô thị loại IV và 24 đô thị loại V. Việc xây dựng thành phố Hà Giang phát triển thành đô thị loại II là cần thiết và phù hợp với thực trạng phát triển đô thị của địa phương và phù hợp với định hướng phát triển đô thị của tỉnh và quốc gia. Tỉnh, thành phố đang xây dựng chương trình phát triển đô thị thành phố Hà Giang nhằm khắc phục những tiêu chuẩn, tiêu chí chưa đạt so với quy định. Đối chiếu với tiêu chí đô thị loại II, thành phố Hà Giang cần phải phấn đấu thêm một số tiêu chuẩn: Về quy mô dân số, mật độ dân số, công trình văn hóa cấp đô thị, công trình thể dục, thể thao cấp đô thị, giao thông, tỷ lệ xử lý nước thải, tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng, quy chế quản lý kiến trúc, số lượng không gian công cộng…
Ngày 30-12-2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang ban hành Quyết định số 2500-QĐ/UBND, về việc phê duyệt Chương trình phát triển đô thị tỉnh Hà Giang đến năm 2035. Mục tiêu của chương trình là nhằm đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa tại trung tâm các huyện, khu trung tâm các xã, thị trấn trên địa bàn; từng bước xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đô thị tỉnh Hà Giang phát triển bền vững, có kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại; có sắc thái kiến trúc đô thị riêng và môi trường, chất lượng sống tốt; có vị thế và tính cạnh tranh cao trong phát triển kinh tế - xã hội khu vực và quốc gia. Chương trình đề ra các chỉ tiêu về tỷ lệ đô thị hóa: Giai đoạn 2021 - 2025 đạt khoảng 28,6%; giai đoạn 2026 - 2030 đạt khoảng 35%; giai đoạn 2031 - 2035 đạt khoảng 40%. Về nhà ở, phấn đấu đến năm 2025 diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn tỉnh đạt 24,8m2 sàn/người; đến năm 2030 diện tích nhà ở bình quân đầu người phấn đấu đạt 30m2 sàn/người. Về giao thông, phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị trung bình đạt 11% và đạt 13% vào năm 2030...
Ngày 2-3-2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TU, với mục đích nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh Hà Giang, khắc phục triệt để những hạn chế, bất cập, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thực hiện hiệu quả công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và phát triể bền vững đô thị. Đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới, hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực thông minh trên toàn tỉnh, có tính liên kết cao với toàn quốc và có khả năng kết nối với khu vực và thế giới. Ủy ban nhân dân tỉnh đề ra nhiệm vụ cụ thể nhằm thực hiện hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn tại các huyện, thành phố. Căn cứ Kế hoạch trên, các huyện, thành phố cần quản lý chặt chẽ hoạt động san lấp mặt bằng, đất đồi trên địa bàn bảo đảm tuân thủ quy định và hướng dẫn chung của tỉnh. Xây dựng, ban hành kế hoạch thực hiện hằng năm, xác định lộ trình, danh mục các nhiệm vụ cần triển khai, phù hợp với khả năng huy động nguồn lực nhằm hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa trên toàn tỉnh đạt 30%. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu quy hoạch và phát triển các khu đô thị mới theo các tuyến đường giao thông trọng điểm, các khu du lịch, các cụm công nghiệp theo hướng xây dựng đô thị thông minh, đô thị xanh gắn với không gian, cảnh quan, bản sắc văn hóa, tiện ích, chất lượng để thu hút đông dân cư. Rà soát, đánh giá kết quả thực hiện, những khó khăn, vướng mắc của các quy hoạch đô thị đã lập, trọng tâm là quy hoạch chung của các huyện, thành phố, quy hoạch các khu dân cư, khu đô thị mới… để có giải pháp chấn chỉnh, xử lý, khắc phục những hạn chế, yếu kém, vi phạm trong quá trình quản lý, thực hiện quy hoạch. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật liên quan đến phát triển đô thị. Đẩy mạnh xã hội hóa, nhất là phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm, trong việc cải tạo, nâng cấp đường ngõ, thôn bản, tổ dân phố, các công trình thể thao, văn hóa.
Đặc biệt, ngày 13-11-2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1339/QĐ-TTg, phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch đặt mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Hà Giang phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện và bền vững trong vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; kinh tế phát triển xanh và năng động, nhanh và bền vững trên cơ sở đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Không gian kinh tế - xã hội được tổ chức, phát triển hài hòa, hợp lý gắn với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; bảo đảm về môi trường, sinh thái. Cùng với đó, hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, an toàn; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc; phát triển văn hóa, y tế, giáo dục, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho Nhân dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh vững chắc; hợp tác, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững. Phấn đấu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 8%/năm; tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt khoảng 95 triệu đồng; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 7%/năm; khách du lịch đạt khoảng 5,0 triệu lượt người; tỷ lệ giảm nghèo đa chiều hàng năm bình quân đạt 4%/năm; tỷ lệ che phủ rừng ổn định khoảng 60%. Phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 35%; có 5/11 huyện, thành phố đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Tầm nhìn phát triển đến năm 2050, phấn đấu xây dựng tỉnh Hà Giang là tỉnh phát triển trung bình khá của cả nước, theo hướng xanh, bản sắc, bền vững và toàn diện; giữ vị trí quan trọng của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ về phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại biên giới, du lịch và bảo đảm quốc phòng, an ninh./.
Dấu ấn chuyển đổi số ở Hà Giang  (05/11/2023)
Công nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn lần thứ ba  (29/10/2023)
Hà Giang chú trọng khai thác giá trị văn hóa nhằm phát triển du lịch  (23/10/2023)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay