TCCS - Huyện Tiên Yên là một trong những địa phương của tỉnh Quảng Ninh có sự bứt phá lớn trong việc xây dựng nông thôn mới. Để phấn đấu là huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2022, huyện Tiên Yên tăng cường tập trung chuyển đổi phương thức sản xuất theo cơ chế thị trường thông qua phát triển các dòng sản phẩm có lợi thế gắn với tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương.

Diện mạo đô thị Tiên Yên đang ngày một khang trang_Nguồn: baoquangninh.com.vn

Sự tham gia của cả hệ thống chính trị

Để triển khai thực hiện chương trình, huyện Tiên Yên đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với quyết tâm cao, làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cán bộ và nhân dân, đồng thời phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới luôn được huyện Tiên Yên thực hiện sâu sát, quyết liệt. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân được được các cấp ủy, chính quyền địa phương, và các đoàn thể huyện vào cuộc tích cực, đổi mới, tuyên truyền thông qua những điển hình tiên tiến, mô hình kinh tế hiệu quả,... qua đó góp phần nâng cao nhận thức của các cán bộ, nhân dân về xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Năm 2020, huyện đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp 24 công trình giao thông; 15 công trình kênh mương; cải tạo, nâng cấp nhà văn hóa; 2 công trình cấp nước sạch; triển khai 22 dự án phát triển sản xuất. Nhờ đó, các vùng sản xuất lớn theo hướng sản xuất hàng hóa được hình thành, điển hình như vùng nuôi tôm thẻ chân trắng tại các xã Đông Hải, Đông Ngũ, Hải Lạng, Đồng Rui; vùng nuôi gà Tiên Yên tại các xã Hà Lâu, Phong Dụ, Điền Xá... Đến hết năm 2020, huyện có 3 xã nông thôn mới kiểu mẫu, 7 xã nông thôn mới nâng cao. Các xã đều xây dựng kế hoạch triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, gắn với xây dựng và mở rộng đô thị Tiên Yên. Đặc biệt, xây dựng nông thôn mới trở thành nền nếp, ý thức của người dân bằng những việc làm thường xuyên, với mục tiêu xây dựng vùng nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, nếp sống văn minh, con người văn hóa. Nhờ đó, diện mạo nông thôn của huyện đã thực sự thay đổi, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao.

Kết cấu hạ tầng nông thôn (như điện, đường, trường, trạm…) trên địa bàn huyện được đầu tư xây dựng hoàn thiện. Các tuyến đường trục liên xã và đường trục thôn bản của Tiên Yên được bê tông hóa; đường giao thông nội đồng được bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương hàng hóa, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Các trục đường chính được trồng hoa, lề đường cũng được mở rộng, chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, trồng hàng rào xanh, cây bóng mát, vệ sinh môi trường. Phong trào xây dựng thôn nông thôn mới kiểu mẫu thực sự lan tỏa trong toàn huyện, dần có chiều sâu và tính bền vững cao… Trong quý I-2021, huyện Tiên Yên đã tổ chức thẩm định, bổ sung 6 sản phẩm tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); đăng ký các sản phẩm mới năm 2021. Đến nay, huyện có 29 sản phẩm tham gia chương trình OCOP. Theo rà soát, để trở thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2022, Tiên Yên còn 5/9 tiêu chí và 10/39 chỉ tiêu chưa đạt chuẩn. Do đó, huyện sẽ theo sát tiến trình hoàn thành các tiêu chí, chỉ tiêu để cân đối, bổ sung nguồn lực thực hiện.

Nỗ lực xây dựng nông thôn mới nâng cao

Để đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong năm 2022, huyện phấn đấu có thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo dưới 0,5%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 69%; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt trên 97%. Bên cạnh đó, tỷ lệ dân số đô thị Tiên Yên mở rộng được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt trên 75%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom đạt trên 85%.

Huyện Tiên Yên xây dựng kế hoạch phát triển trên 1.612ha nuôi trồng thủy sản, trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc phát huy thế mạnh nuôi tôm với 880ha diện tích nuôi tôm quảng canh và 330ha diện tích nuôi tôm thâm canh. Để thực hiện hiệu quả mục tiêu đề ra, hiện nay, huyện đang tập trung chỉ đạo và triển khai đầy đủ các điều kiện nuôi tốt nhất và hộ nuôi tôm trên địa bàn cũng đang chuẩn bị để xuống giống vụ mới. Ngoài ra, huyện Tiên Yên tập trung xây dựng đồng bộ và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất theo hướng tập trung, ứng dụng triệt để khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm địa phương. Điển hình như nghiên cứu ứng dụng khẩu phần thức ăn tự phối trộn từ nguồn nguyên liệu sẵn có, nhằm nâng cao chất lượng thịt và hiệu quả chăn nuôi gà Tiên Yên, hiện đang thực hiện thí điểm tại 3 xã Đông Ngũ, Yên Than, Phong Dụ với trên 1.200 con giống. Qua đánh giá, đến nay đàn gà phát triển tốt, đang bắt đầu xuất bán. Bên cạnh đó, theo kế hoạch từ đầu năm 2022, huyện Tiên Yên đặt mục tiêu tổng diện tích gieo trồng đạt 6.157ha; diện tích trồng rừng tập trung đạt 1.800ha; sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản đạt 14.162 tấn; đồng thời phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí còn nợ của huyện đạt chuẩn nông thôn mới, như hoàn thành lập và trình phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng huyện Tiên Yên theo quy định tại Quyết định số 558/QĐ-TTg, ngày 5-4-2016, của Thủ tướng Chính phủ; đẩy nhanh đầu tư đúng tiến độ đối với Khu liên hiệp xử lý chất thải tại thôn Tài Noong (xã Đông Hải) để tiếp nhận và xử lý an toàn đối với toàn bộ lượng chất thải phát sinh trên địa bàn huyện.

Để làm được điều này, huyện tập trung nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương hàng hóa, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, đời sống nhân dân. Đi cùng với đó là thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Bên cạnh việc dồn lực để thu ngân sách, huyện quan tâm chỉ đạo tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; hình thành chuỗi sản xuất hàng hóa với giá trị cao. Xác định thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập là một tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, huyện sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả đề án phát triển cây ăn quả tập trung; ưu tiên mở rộng các vùng sản xuất, danh mục sản phẩm lợi thế của địa phương, nhất là sản phẩm thuộc Chương trình “hai con, một cây”; hoàn thiện chuỗi sản xuất và nhận diện thương hiệu hàng hóa. Bên cạnh đó, huyện cũng thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp an toàn; phát triển mô hình liên kết theo chuỗi giá trị; đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án khu nông nghiệp công nghệ cao tại xã Đông Ngũ. Đặc biệt, huyện tích cực cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích đổi mới, sáng tạo, khởi sự doanh nghiệp; thực hiện tốt an sinh xã hội, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo./.