TCCS - Xác định thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở là nhiệm vụ quan trọng, bảo đảm thực hiện thành công các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, tỉnh Hà Giang vận dụng có hiệu quả quy chế dân chủ cơ sở trong triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới. Đây được xem là một kinh nghiệm quan trọng giúp tỉnh Hà Giang đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận trong hơn 10 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới.
Là tỉnh miền núi, biên giới, nằm ở cực Bắc của Tổ quốc, Hà Giang có địa hình hiểm trở, chia cắt mạnh, giao thông đi lại khó khăn, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, thiếu đất, thiếu nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Đặc thù của Hà Giang cộng với nguồn lực hạn chế cùng xuất phát điểm thấp khiến việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Nguồn vốn để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới rất lớn mà Hà Giang lại là tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao, nhiều xã đặc biệt khó khăn. Để khắc phục khó khăn, từng bước xây dựng nông thôn mới thành công, tỉnh Hà Giang xác định phải huy động mọi nguồn lực, thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Qua hơn 10 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, lời giải cho bài toán trên được Hà Giang bắt đầu từ việc phát huy dân chủ ở cơ sở để phát huy nội lực trong nhân dân.
Vận dụng hiệu quả
Thứ nhất, xác định công tác tuyên truyền, vận động nhân dân là nội dung cốt lõi. Theo đó, công tác tuyên truyền, vận động thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới được chú trọng triển khai với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: Tuyên truyền qua kịch nói, chiếu phim lưu động, phổ biến văn bản trên trạm FM không dây, tổ chức ra quân xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, tại những địa bàn có đông dân tộc thiểu số, đa số các nội dung tuyên truyền đều được biên dịch song ngữ, hoặc biên soạn lại bằng tiếng dân tộc địa phương, qua đó đem lại hiệu quả tuyên truyền cao, nhất là ở vùng sâu, xa, nơi còn nhiều người dân không biết nghe, nói tiếng Việt; bảo đảm tất cả người dân đều hiểu được việc thực hiện xây dựng nông thôn mới nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân, vì nhân dân.
Không chỉ đúng đối tượng, đúng nội dung, công tác tuyên truyền còn chỉ rõ những việc người dân cần làm. Chẳng hạn, định hướng cho nhân dân ưu tiên tổ chức thực hiện tốt các tiêu chí không phải mất nhiều kinh phí như an ninh trật tự, hệ thống tổ chức chính trị xã hội, y tế, môi trường… Thực hiện theo định hướng này, các địa phương đã phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng của mình để xây dựng nông thôn mới và mang lại hiệu quả thiết thực. Các xã chọn những tiêu chí, phần việc dễ, ít kinh phí để tập trung thực hiện trước. Phát động phong trào và ký kết giao ước thi đua về xây dựng nông thôn mới với nội dung và kế hoạch cụ thể. Công tác tuyên truyền còn khẳng định, cán bộ, đảng viên phải là người gương mẫu đi đầu.
Với sự quyết tâm, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng thuận của nhân dân, đến nay tỉnh Hà Giang đã có 1 đơn vị là thành phố Hà Giang được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Toàn tỉnh có 47/175 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 26,85%), trong đó xã Phương Thiện (thành phố Hà Giang) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Các xã còn lại, bình quân đạt 13,9 tiêu chí/xã; có 11 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí nông thôn mới, 115 xã đạt 10 - 14 tiêu chí và chỉ có 2 xã đạt dưới 9 tiêu chí.
Thứ hai, đề cao vai trò của nhân dân, các kế hoạch, chủ trương thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thôn, xã đều được minh bạch, thông báo công khai, rộng rãi đến nhân dân. Việc xây dựng kế hoạch phải đi từ cơ sở, để người dân có thể lựa chọn những nội dung mang tính cấp thiết, triển khai phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Điều này được thể hiện qua những việc làm rất cụ thể. Chẳng hạn, trước khi triển khai làm đường giao thông nông thôn, làm ở đâu, hay cách làm thế nào, đóng góp ra sao đều do người dân bàn bạc, được thống nhất từ thôn bản lên. Đạt được sự thống nhất từ trong dân mới triển khai phương án và cùng làm. Làm xong, người dân tự đưa ra quy chế để quản lý vận hành, bảo dưỡng, cũng như thụ hưởng công trình đó.
Với cách tiếp cận này, huyện Hoàng Su Phì đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong xây dựng nông thôn mới thời gian gần đây. Dù là huyện miền núi, biên giới, có xuất phát điểm thấp, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, đến nay huyện có 3 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: Thông Nguyên, Nậm Ty, Hồ Thầu. Toàn huyện không còn xã nào đạt dưới 9 tiêu chí. Trong quá trình thực hiện, cấp ủy, chính quyền huyện tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cách thức tiếp cận theo hướng từ, bản; giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo các phần việc cụ thể cho cấp cơ sở và cộng đồng thôn đảm nhiệm nhằm phát huy tối đa nội lực và tinh thần chủ động, sáng tạo của người dân và cộng đồng dân cư theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Thứ ba, trong quá trình triển khai thực hiện, mọi vấn đề khó khăn, vướng mắc đều lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân để kịp thời tháo gỡ. Đây chính là cách các xã của huyện Vỵ Xuyên tích cực vận dụng. Chọn quy chế dân chủ ở cơ sở làm nòng cốt cho công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa phương, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp với nhân dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng. Qua các cuộc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, những vấn đề mà dư luận quan tâm; từ đó đề ra những giải pháp phát triển kinh tế - xã hội nói chung, xây dựng nông thôn mới nói riêng phù hợp với thực tiễn, xử lý kịp thời những vướng mắc còn tồn tại. Các nội dung của Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH11 về “Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn” được thực hiện gắn với nhiệm vụ chính trị ở địa phương và các phong trào thi đua như “Dân vận khéo”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, chính sách an sinh xã hội…; nhờ đó đã tạo được sự đồng thuận trong nhân dân.
Nhờ đề cao vai trò của nhân dân, thực hiện tốt dân chủ cơ sở trong công tác xây dựng nông thôn mới, đến nay trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận. Nhận thức trong đội ngũ cán bộ, công chức các cấp và nhân dân về xây dựng nông thôn mới có sự thay đổi rõ rệt; vai trò chủ thể của người dân từng bước được xác định rõ ràng, qua đó khuyến khích, động viên được người dân tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới.
Thứ tư, các địa phương phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng trong việc tham gia giám sát thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới, các công trình xây dựng do dân đóng góp. Đối với nhiệm vụ này, Hội Nông dân tỉnh Hà Giang rất chủ động và tích cực tham gia. Năm 2021, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh thành lập 1 đoàn giám sát, phản biện xã hội về kết quả triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới; phối hợp cùng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hà Giang tổ chức giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Hội nông dân cấp huyện chủ trì và phối hợp tổ chức 41 cuộc giám sát; cấp cơ sở phối hợp giám sát 234 cuộc về thực hiện chế độ chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, tham gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng nhà ở cho người có công, hộ nghèo, chính sách pháp luật về kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp... Hội chủ động cùng với chính quyền các cấp xây dựng cơ chế phối hợp công khai những vấn đề có liên quan đến quyền lợi trực tiếp của hội viên, nông dân như: Đất đai, bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng; huy động đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng, đường giao thông, hệ thống chiếu sáng, công trình phúc lợi; các chính sách hỗ trợ, các khoản đóng góp của nhân dân... Bên cạnh đó, hội nông dân cấp cơ sở phối hợp tổ chức 76 cuộc đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền với nông dân; tham gia đóng góp 40 ý kiến vào các văn bản quy phạm pháp luật trưng cầu ý kiến tại địa phương; phối hợp tổ chức 34 hội nghị với 120 ý kiến tham gia vào các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; trực tiếp tham gia hòa giải thành công 14 vụ việc liên quan đến tổ chức hội và hội viên, nông dân... Qua việc tích cực tham gia thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, hội viên, nông dân được biết, được bàn, được tham gia đóng góp ý kiến, giám sát các công việc chung của địa phương, từ đó phát huy quyền làm chủ, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của hội viên, nông dân.
Thực tiễn cũng cho thấy, khi người dân hiểu, tin tưởng thì việc huy động sức dân thực hiện các tiêu chí nông thôn mới rất thuận lợi, dễ dàng. Năm 2021, để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Hà Giang đã huy động được gần 490 tỷ đồng; làm mới 437km đường bê tông các loại; xây dựng 1.407 bể nước, 2.620 nhà tắm, 3.010 công trình nhà tiêu hợp vệ sinh; cứng hóa, di dời 1.177 chuồng trại gia súc ra xa nhà; xây dựng 106 phòng học, 84 nhà văn hóa thôn và kiên cố hóa 187km kênh mương tưới tiêu phục vụ sản xuất. Đặc biệt, chung sức xây dựng nông thôn mới, nhân dân Hà Giang tự nguyện hiến gần 360.000m2 đất, đóng góp hơn 250.000 ngày công lao động; mở mới 229km đường đất, đá; sửa chữa, nâng cấp, mở rộng 919km đường giao thông nông thôn; quyên góp, hỗ trợ gần 75 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới. Qua đó, diện mạo nông thôn Hà Giang ngày càng thay đổi, khởi sắc. Sau hơn 10 thực hiện xây dựng nông thôn mới, Hà Giang có 1 đơn vị hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới; 47 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đặc biệt, toàn tỉnh có 69 thôn được công nhận thôn nông thôn mới.
Bài học kinh nghiệm
Từ việc đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ trong xây dựng nông thôn mới, ở tỉnh Hà Giang còn xuất hiện nhiều cách làm hay như: Xây dựng các tuyến đường tự quản; thôn, xóm tự quản về an ninh trật tự; thôn tự quản về an ninh biên giới; mỗi xã một mô hình xây dựng nông thôn mới; phát huy vai trò của người có uy tín; thành lập ban chỉ đạo quy chế dân chủ gắn với tổ dân vận thôn, bản,… làm cầu nối gắn kết giữa chính quyền và nhân dân trên địa bàn, giữa chính quyền và người dân, gắn bó, cảm thông và hiểu nhau hơn…
Có thể nói, thành công của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Hà Giang là minh chứng điển hình của phát huy dân chủ ở cơ sở trong nhiều năm qua. Ở đây, phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” được thể hiện một cách hết sức sâu sắc. Nông dân là chủ thể của quá trình và là người thụ hưởng thành quả quá trình xây dựng nông thôn mới. Việc vận dụng có hiệu quả quy chế dân chủ cơ sở trong triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới cho thấy, Hà Giang có sự sáng tạo trong nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” được tôn trọng và triển khai thực hiện trên tất cả các lĩnh vực đời sống, quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở được phát huy, tạo sự đồng thuận, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước. Kết quả thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thực hiện xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đặc biệt là nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ những kinh nghiệm cụ thể trong phát huy dân chủ cơ sở thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội nói chung, báo cáo Sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 120- KL/TW, ngày 7-1-2016, của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tỉnh Hà Giang đã tổng kết những kinh nghiệm sau.
Một là, địa phương, cơ quan, đơn vị nào người đứng đầu nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và xác định đó là một trong những mục tiêu, động lực để phát triển, thì địa phương, cơ quan, đơn vị đó dân chủ được thực hiện nghiêm túc, thực chất, hiệu quả.
Hai là, phải thường xuyên gắn thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở với nhiệm vụ chính trị, chuyên môn, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cơ quan, đơn vị; bảo đảm và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở.
Ba là, thực hiện quy chế dân chủ phải gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng thực thi công vụ, các hình thức tham vấn, lấy ý kiến nhân dân.
Bốn là, gắn thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở với thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào thi đua “Dân vận khéo”.
Năm là, tiếp tục đẩy mạnh công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; chú trọng tuyên truyền các chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân, đến việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ công dân.
Sáu là, Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở các cấp phải chủ động tham mưu cho cấp ủy trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; phát hiện, nhân rộng các mô hình, điển hình thực hiện tốt; đồng thời phê bình, nhắc nhở, xử lý những tổ chức, cá nhân thực hiện không tốt quy chế dân chủ ở cơ sở./.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang thảo luận về dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) và dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi)  (25/10/2022)
Hà Giang tham dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc giao ban công tác kiểm tra, giám sát 9 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2022  (12/10/2022)
Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Giang tổ chức Hội nghị lấy ý kiến tham gia vào dự thảo các văn bản mới về công tác tổ chức cán bộ  (11/10/2022)
Đảng bộ xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn làm tốt công tác xây dựng Đảng gắn với phát triển kinh tế - xã hội  (11/10/2022)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển