Thực hành dân chủ trong Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh - phương hướng quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
TCCS - Với tầm nhìn của một nhà tư tưởng lớn và sự trải nghiệm thực tiễn của một lãnh tụ phong trào, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “để làm cho Đảng mạnh, thì phải mở rộng dân chủ” và trong Đảng “phải thật sự mở rộng dân chủ để tất cả đảng viên bày tỏ hết ý kiến của mình”. Kế thừa tư tưởng đó của Người, trong thời kỳ đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã coi mở rộng dân chủ trong Đảng vừa là giải pháp nâng cao sức mạnh của Đảng, vừa là một nội dung đổi mới về chính trị.
Những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thực hành dân chủ trong Đảng
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân chủ nghĩa là dân là chủ và dân làm chủ. Vì thế, dân chủ trong Đảng thực chất cũng là quyền làm chủ của mỗi đảng viên trong mọi hoạt động của Đảng, là sự bình đẳng của tất cả đảng viên trước Điều lệ và nghị quyết của Đảng. Nếu dân chủ là “của quý báu nhất của nhân dân”(1) thì dân chủ trong Đảng cũng là “của quý báu nhất của Đảng”; thực hành dân chủ trong Đảng là “chìa khóa vạn năng” giúp Đảng giải quyết mọi khó khăn. Dân chủ có sức mạnh bao nhiêu thì mong muốn thực thi dân chủ trong Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng lớn bấy nhiêu. Bàn về vấn đề này, Người có những quan điểm chỉ đạo sau đây:
Thứ nhất, cần thiết phải mở rộng thực hành dân chủ trong Đảng, bởi lẽ nước ta là nước dân chủ, chế độ ta là chế độ dân chủ, nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân, vì dân; cho nên, lực lượng lãnh đạo tất yếu phải hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, đảng viên của Đảng phải làm việc, lãnh đạo theo phong cách dân chủ. Hơn nữa, với sứ mệnh là lực lượng lãnh đạo, có trách nhiệm nêu gương cho nhân dân, sự dân chủ trong Đảng sẽ là điều kiện để thực thi dân chủ trong xã hội. Theo Người, “dân chủ, sáng kiến, hăng hái, ba điều đó rất quan hệ với nhau”(2); mất dân chủ trong Đảng sẽ dẫn đến tình trạng mất đoàn kết và làm nảy sinh các thói xấu, như “không nói trước mặt, chỉ nói sau lưng”, “trong Đảng im tiếng, ngoài Đảng nhiều mồm”,... Sự cần thiết phải mở rộng dân chủ trong Đảng còn bắt nguồn từ một thực tế là “cách lãnh đạo của ta còn kém, thói quan liêu còn nồng”, ở trong Đảng còn không ít cán bộ “miệng thì nói dân chủ, nhưng làm việc thì họ theo lối “quan” chủ”. Đoàn kết, sáng kiến và sự nhiệt huyết của cán bộ luôn là hệ quả của dân chủ. Bởi vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu phải sửa đổi lối làm việc, “phải thật sự thi hành dân chủ trong Đảng và trong quần chúng”(3).
Thứ hai, với Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân chủ trong Đảng không đơn thuần là việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt Đảng mà mọi hoạt động của Đảng đều phải dựa trên nền tảng dân chủ và hướng tới mục tiêu dân chủ.
Trước hết, tính dân chủ phải được thể hiện trong mục tiêu, lý tưởng của Đảng là vì nước, vì dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”(4). Đặc biệt, khi đã giành được chính quyền thì Đảng cầm quyền, nhưng dân là chủ, Đảng cầm quyền để dân làm chủ. Phụng sự nhân dân phải trở thành lẽ sống và động cơ phấn đấu của những người muốn đứng vào hàng ngũ của Đảng. Nhân dân là chủ nhân của xã hội nên vì dân, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân chính là thứ dân chủ đích thực nhất và điều đó làm nên sự vĩ đại của Đảng, tăng cường sự gắn kết giữa Đảng và nhân dân.
Tính dân chủ còn phải “thấm sâu” vào các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ. Để cán bộ, đảng viên hiểu rõ quyền của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra các biểu hiện của dân chủ trong Đảng: Nghị quyết của Đảng phải được thảo luận, tranh luận thẳng thắn, góp ý và biểu quyết; các cơ quan lãnh đạo phải do đảng viên bầu ra; quyền lực của cơ quan lãnh đạo là do các đảng viên giao phó... Đặc biệt, quyền tự do bày tỏ ý kiến của mọi đảng viên nhất thiết phải được thực thi vì đó không chỉ là cách thức tốt nhất để có đường lối đúng mà còn là tiền đề tốt để đường lối được triển khai có hiệu quả trong thực tiễn. Dân chủ trong Đảng còn là sự bình đẳng giữa cấp trên và cấp dưới; người lãnh đạo cần phải lắng nghe ý kiến của cấp dưới, kể cả các ý kiến trái chiều. Nếu có ý tưởng tốt thì người lãnh đạo cũng phải kiên trì, khéo léo biến nó trở thành ý chí của tập thể, không được phép áp đặt quan điểm cá nhân một cách thô bạo. Những ý kiến thuộc về thiểu số phải được bảo lưu, đệ trình lên cấp trên xem xét.
Khi Đảng trở thành đảng cầm quyền, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách vừa là nguyên tắc lãnh đạo, vừa là biểu hiện của nguyên tắc tập trung dân chủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh lý giải: “Tập thể lãnh đạo là dân chủ, cá nhân phụ trách là tập trung. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách tức là dân chủ tập trung”(5). Thực thi nguyên tắc này giúp Đảng vừa tránh được sự chuyên quyền, độc đoán - kẻ thù của dân chủ, vừa phát huy được trí tuệ, kinh nghiệm của nhiều người, đồng thời cũng tránh được căn bệnh vô trách nhiệm hay thói “tranh công, đổ tội”.
Tính dân chủ trong Đảng còn phải được thể hiện trong việc thực thi nguyên tắc tự phê bình và phê bình - “vũ khí sắc bén nhất” giúp Đảng ngày càng mạnh. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “ai cũng cần tắm rửa cho mình mẩy sạch sẽ, thì ai cũng cần tự phê bình cho tư tưởng và hành động được đúng đắn”. Người còn yêu cầu cán bộ lãnh đạo phải có thái độ khiêm tốn, cầu thị, không được thù hằn cá nhân khi tiếp nhận ý kiến phê bình của cấp dưới. Sự bình đẳng và thái độ tôn trọng cấp dưới của người lãnh đạo chính là thước đo “hàm lượng” dân chủ của tổ chức đảng.
Nguyên tắc kỷ luật nghiêm minh tự giác cũng toát lên tinh thần dân chủ khi quy định tất cả mọi tổ chức đảng, không phân biệt cấp cao hay cấp thấp, tất cả mọi đảng viên, không phân biệt cán bộ lãnh đạo hay đảng viên bình thường, đều bình đẳng trước Điều lệ Đảng, trước mọi quyết định của Đảng và đều phải giữ vững kỷ luật của Đảng, phục tùng sự lãnh đạo của Đảng. Nguyên tắc đoàn kết, thống nhất trong Đảng cũng thấm nhuần tinh thần dân chủ. Mọi đảng viên đều có trách nhiệm giữ gìn sự đoàn kết, nhất trí của Đảng và người lãnh đạo phải là trung tâm của sự đoàn kết. Rõ ràng là, nếu mọi nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng đều được tuân thủ và thực hành triệt để thì dân chủ trong Đảng sẽ được nâng cao.
Không chỉ vậy, bản chất dân chủ của Đảng được thể hiện rõ nhất trong cách lãnh đạo. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh đạo đúng trước hết là “quyết định mọi điều cho đúng” và Người chỉ dẫn “quy trình” làm chính sách hết sức dân chủ như sau: Đầu tiên, cán bộ phải thành tâm, chịu khó, khéo léo khơi gợi để quần chúng nói lên ý kiến của mình; sau đó phải “khéo tập trung ý kiến của quần chúng, hóa nó thành cái đường lối để lãnh đạo quần chúng”; nếu nghị quyết nào mà dân chúng cho là không hợp thì đề nghị họ nêu phương án sửa chữa. Đề cao tinh thần dân chủ nên Hồ Chí Minh phê phán căn bệnh duy ý chí mà Người gọi là “đóng cửa lại mà đặt kế hoạch, viết chương trình rồi đưa ra cột vào cổ dân chúng, bắt dân chúng theo”(6).
Lãnh đạo đúng còn là “tổ chức thi hành cho đúng”; cho nên, bằng mọi cách, người cán bộ phải biến chủ trương của Đảng thành phong trào quần chúng. Do thực tiễn luôn phong phú hơn lý luận nên nếu chính sách nào không phù hợp thì cán bộ “phải có gan đề nghị lên cấp trên để bỏ đi và sửa lại. Cách nào hợp với quần chúng, quần chúng cần, thì dù chưa có sẵn, ta phải đề nghị lên cấp trên mà đặt ra. Nếu cần làm thì cứ đặt ra, rồi báo cáo sau, miễn là được việc”(7). Việc cho phép cán bộ giải quyết công việc một cách linh hoạt, sáng tạo trên cơ sở lấy lợi ích của nhân dân làm thước đo chân lý cũng biểu hiện tính dân chủ trong Đảng.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh đạo đúng còn là “kiểm soát đúng”. Kiểm soát có hai cách, không chỉ là từ trên xuống mà còn là từ dưới lên; quần chúng nhân dân và cán bộ cấp dưới kiểm soát cán bộ cấp trên bằng sự góp ý, phê bình công tác lãnh đạo và bằng sự lựa chọn người lãnh đạo.
Khi nêu gương (chứ không phải quyền uy, mệnh lệnh thô bạo) được coi là một trong những phương thức lãnh đạo cơ bản của Đảng thì điều đó cũng thể hiện tinh thần dân chủ. Nói về trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết: “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”(8). Người còn nhấn mạnh: “Nhất là những người cán bộ và lãnh tụ, càng phải làm cho xứng đáng lòng tin cậy của Đảng, của dân tộc. Càng phải làm gương cho tất cả đảng viên, tất cả quần chúng noi theo”(9). Dân chủ không phải là sự ban ơn của Đảng hay cấp trên ban cho cấp dưới và nhân dân mà chính là yêu cầu nội tại của công tác lãnh đạo, thể hiện đạo lý và phong cách cần thiết của người lãnh đạo.
Sức mạnh của Đảng được tạo dựng bởi đội ngũ cán bộ nên muốn mở rộng dân chủ trong Đảng thì công tác cán bộ phải thực sự dân chủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn, “Đảng phải nuôi dạy cán bộ như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu”, phải thực sự tôn trọng cán bộ. Tôn trọng cán bộ trước hết là tôn trọng ý nguyện của họ nên trước khi giao công tác, cần phải bàn kỹ với họ. Nếu họ cảm thấy quá sức, “gánh” không nổi thì không miễn cưỡng, nhưng nếu đã giao việc thì phải giao quyền, phải động viên để cán bộ “có gan phụ trách”, mạnh dạn phát huy năng lực sáng tạo. Tôn trọng cán bộ thì phải giữ cho họ uy tín và sự tự tin nên nếu việc gì thực sự quá sức thì “tốt nhất là đổi việc khác cho thích hợp với họ, mà không cần cho họ biết vì họ không làm nổi việc kia. Đó là để giữ lòng hăng hái của họ, để cho họ khỏi nản lòng”. Cách mạng là sáng tạo với vô vàn công việc mang tính khảo nghiệm nên khó tránh khỏi mắc sai lầm. Vì vậy, khi cán bộ cấp dưới mắc sai lầm thì cấp trên phải giải thích để cấp dưới tự nhận thức và tự nguyện sửa đổi, chứ không phải vì bị cưỡng bức mà sửa đổi. Và để bảo đảm dân chủ trong công tác cán bộ, Đảng cần phải ra sức chống căn bệnh hẹp hòi, địa phương chủ nghĩa, kéo bè, kéo cánh...
Xây dựng và chỉnh đốn Đảng là quy luật tồn tại, phát triển của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải “dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức ta”. Người cho rằng, “nếu quần chúng nói mười điều mà chỉ có một vài điều xây dựng, như thế vẫn là quý báu và bổ ích”. Còn trong nội bộ Đảng, phải hết sức chú trọng công tác phê bình từ dưới lên. Tin cậy, tôn trọng ý kiến và sự lựa chọn của cấp dưới, của quần chúng nhân dân chính là dân chủ.
Thứ ba, mặc dù rất đề cao dân chủ nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng lưu ý: Dân chủ nhất thiết phải đi đến tập trung và tập trung phải trên nền tảng dân chủ. Giữa dân chủ và tập trung là sự hòa quyện hữu cơ, là sự “tương sinh” mật thiết nên nếu thiếu một trong hai yếu tố thì chẳng những Đảng sẽ rơi vào căn bệnh vô tổ chức hoặc độc đoán, chuyên quyền, mà bản thân yếu tố còn lại cũng không thể trở thành “chính nó”, đúng như bản chất của nó. Thấu hiểu quan hệ biện chứng đó, nên theo Người, mở rộng dân chủ trong Đảng nhất thiết phải đi đôi với tăng cường kỷ luật, phải tránh căn bệnh “dân chủ quá trớn”. Mặt khác, do dân chủ là “của quý báu nhất” nên nó phải được bảo vệ nghiêm cẩn bằng cách triệt tiêu những yếu tố phản dân chủ. Vì thế, Bác nhấn mạnh, “chống tham ô, lãng phí, quan liêu là dân chủ”. Thấu hiểu sức mạnh của dân chủ, nên Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn trong Di chúc rằng, “trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi”. Đây là sự đúc kết bao suy tư của Người về một vấn đề căn cốt của Đảng.
Là người “nói ít, làm nhiều”, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đề ra hệ thống quan điểm về dân chủ, mà bản thân Người còn là tấm gương ngời sáng về phong cách lãnh đạo dân chủ. Dù là lãnh tụ với uy tín tối cao, Người luôn tôn trọng tập thể, lắng nghe cấp dưới, cho phép cấp dưới tự do thể hiện quan điểm, khuyến khích cán bộ phê bình mình... Những quan điểm đúng đắn, sáng tạo và sự mẫu mực trong thực hành dân chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh là bài học lớn cho toàn thể cán bộ, đảng viên noi theo.
Thực hành dân chủ trong Đảng hiện nay - thực trạng và giải pháp
Thời gian qua, Đảng ta ra sức mở rộng thực hành dân chủ và đã đạt được những bước tiến đáng kể. Điểm mới nhất chính là sự ra đời của Quy chế chất vấn trong Đảng và việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng. Bên cạnh đó, công tác cán bộ đã được tiến hành theo những quy trình chặt chẽ, công khai; công tác bầu cử với những quy định mới bước đầu tạo ra sự công bằng về cơ hội cho mọi đảng viên. Tuy nhiên, nhìn chung dân chủ trong Đảng vẫn chưa được thực thi đầy đủ; căn bệnh độc đoán, chuyên quyền cũng như dân chủ hình thức trong Đảng vẫn tồn tại ở nơi này hay nơi khác. Thực tế cho thấy, hầu hết các tổ chức, cá nhân bị xử lý kỷ luật của Đảng trong thời gian vừa qua đều có chung một khuyết điểm là vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, thiếu dân chủ trong công tác lãnh đạo, lợi dụng nguyên tắc tập trung dân chủ làm “bình phong” để áp đặt ý muốn vụ lợi của cá nhân. Thêm nữa, nạn tham nhũng hiện nay đang hết sức phức tạp, “núp bóng” dưới nhiều hình thức tinh vi,... Để xảy ra các vấn nạn đó, trước hết là do sự thiếu tu dưỡng của từng cá nhân nhưng mặt khác, cũng do nguyên tắc tập trung dân chủ trong nhiều tổ chức đảng bị buông lỏng. Tình trạng trên đặt ra yêu cầu cấp bách là phải tiếp tục mở rộng dân chủ trong Đảng và cần phải giải quyết tốt hơn nữa mối quan hệ giữa dân chủ và kỷ cương. Tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như thực tế sinh động gợi mở một hệ thống giải pháp như sau:
Một là, nâng cao nhận thức của đảng viên, nhất là của người lãnh đạo các cấp về vấn đề dân chủ trong Đảng. Cần phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để toàn bộ đảng viên của Đảng “thấm đến ngọn ngành” sức mạnh của dân chủ và trách nhiệm thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ một cách nghiêm túc, thiết thực, tự giác, phù hợp với vị thế của mình. Người lãnh đạo phải thực sự cầu thị, tôn trọng tập thể và cấp dưới; biết khơi gợi để cấp dưới nói lên ý kiến của mình; phải xem xét ý kiến của cấp dưới một cách công tâm; phải lựa chọn, tổng hợp những ý kiến riêng lẻ thành một chỉnh thế thống nhất và nâng nó lên một tầm cao mới, một “chất” mới bằng tầm nhìn và tư duy khoa học. Về phía đảng viên, cần phải đóng góp ý kiến, quan điểm của mình cho các công việc của tổ chức; tẩy bỏ tư tưởng “im lặng là vàng”; phải chống tư tưởng ngôi thứ, cấp bậc, gia trưởng. Tuy nhiên, dân chủ cao độ phải gắn với tập trung cao độ nên không được lợi dụng dân chủ để thực hiện các hành vi vô tổ chức, vô chính phủ. Đó là những nhận thức mang tính nguyên tắc mà mọi đảng viên của Đảng phải thực sự quán triệt trong hành động.
Hai là, nâng cao chất lượng công tác sinh hoạt Đảng, đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt chi bộ theo hướng hiệu quả, thiết thực, hấp dẫn. Ngày 30-3-2007, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 10-CT/TW về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”, nhưng đến nay, ở không ít chi bộ, nội dung sinh hoạt còn nghèo nàn, việc thảo luận vẫn hết sức chiếu lệ. Thực trạng này có nhiều nguyên nhân, như do tâm lý cả nể, do suy nghĩ “dễ người dễ ta”, do sự “bao cấp về tư tưởng” trong một thời gian dài, do sự thiếu dân chủ của cấp ủy và người đứng đầu... Trong khi đó, công cuộc đổi mới lại đặt ra quá nhiều vấn đề mới mẻ, phức tạp cần phải thảo luận. Một cuộc thảo luận muốn đạt kết quả tốt không thể thiếu sự tranh luận, phản biện sâu sắc, nên phát huy dân chủ trong sinh hoạt Đảng phải đi đôi với đề cao trách nhiệm đóng góp ý kiến của tất cả đảng viên. Muốn vậy, cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy phải chủ động, sáng tạo trong việc tổ chức thảo luận và không được thành kiến, kỳ thị hay quy chụp vô lối đối với những ý kiến phản biện.
Ba là, cải cách mạnh mẽ công tác tổ chức và cán bộ. Chế độ bầu cử tại các đại hội cần phải tiếp tục được đổi mới theo hướng mở rộng dân chủ trực tiếp, bầu cử có số dư, mở rộng quyền ứng cử, đề cử thông qua việc xây dựng và bảo vệ chương trình hành động. Những người có quyền đề cử, đề cử cán bộ phải chịu trách nhiệm về sự đề cử của mình. Nâng cao chất lượng và tiến hành thường xuyên việc chất vấn và trả lời chất vấn trong Đảng (đặc biệt là chất vấn tại các kỳ họp Trung ương) và việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo chủ chốt. Do Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ, quản lý đội ngũ cán bộ trong toàn hệ thống chính trị nên muốn phát huy dân chủ, chống lại các tệ nạn tiêu cực trong công tác cán bộ thì mọi quy trình gắn với nó phải bảo đảm tính công khai, minh bạch và hướng tới sự hoàn thiện, đồng bộ. Khi đánh giá cán bộ đang là “khâu” yếu nhất thì lúc này phải nhanh chóng hoàn thiện hệ tiêu chí đánh giá cán bộ không chỉ về định tính mà còn gắn với định lượng, lấy hiệu quả công tác làm thước đo. Việc quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ phải căn cứ vào kết quả đó và sự tín nhiệm của tập thể. Sự cứng nhắc trong chủ trương “cơ cấu” không chỉ hạn chế tính đột phá, sự cạnh tranh công bằng, ý chí phấn đấu của những người ngoài “cơ cấu”, mà còn đẻ ra căn bệnh cơ hội, “chạy chức”, “chạy quyền”. Phải thực thi nghiêm túc Quy định số 205-QĐ/TW, ngày 23-9-2019, của Bộ Chính trị, “về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”. Nâng cao hiệu quả của công tác kiểm tra, thanh tra, nhưng phải lựa chọn cho được những cán bộ kiểm tra, thanh tra có chuyên môn giỏi, liêm chính, vững vàng trước mọi sức ép và biết dựa vào nhân dân để thực hiện nhiệm vụ.
Bốn là, cần xây dựng quy chế dân chủ trong Đảng để dân chủ được thực thi mọi nơi, mọi lúc và trong mọi hoạt động của Đảng. Đây chính là sự cụ thể hóa Điều lệ Đảng với thể chế hóa Hiến pháp năm 2013. Hiến pháp năm 2013 quy định Đảng phải chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình và phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật nhưng đến nay, vẫn chưa có văn bản pháp luật nào cụ thể hóa những quy định đó. Để đường lối của Đảng đạt chất lượng tốt nhất thì cần phải có quy chế xây dựng đường lối theo hướng mở rộng sự phản biện khoa học. Cũng phải có quy chế buộc các tổ chức đảng phải phản hồi các ý kiến đóng góp, kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Đảng yêu cầu người đứng đầu phát huy vai trò và trách nhiệm nêu gương thì cũng phải có cơ chế quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm, cũng như sự ràng buộc, xử lý kỷ luật những cán bộ thiếu trách nhiệm nêu gương. Vì thế, phải đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn để xây dựng và hoàn thiện cơ chế dân chủ trong Đảng sao cho phù hợp với điều kiện thực tế.
Năm là, không ngừng nâng cao trách nhiệm nêu gương và noi gương phong cách lãnh đạo Hồ Chí Minh của cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy. Cán bộ lãnh đạo là nguồn nhân sự đặc biệt, là người đứng đầu tổ chức; cho nên sự thực hành dân chủ của họ quyết định rất lớn đến “hàm lượng” dân chủ trong Đảng. Tuy nhiên, quyền lực mà người lãnh đạo có được cũng chỉ là sự ủy quyền nên họ phải thực sự tôn trọng cấp dưới, tôn trọng tập thể và phải công khai, minh bạch trong công tác điều hành. Người đứng đầu tất yếu phải đi đầu trong việc noi gương phong cách lãnh đạo dân chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và trong cuộc đấu tranh với các hiện tượng phản dân chủ, như tham nhũng, lãng phí, quan liêu, “lợi ích nhóm”, đặc quyền, đặc lợi... Điều đó đồng nghĩa với việc họ phải đấu tranh với chủ nghĩa cá nhân đang “ẩn náu” trong chính bản thân mình và tổ chức của mình; kiên quyết chống lại các hiện tượng, các thế lực lợi dụng dân chủ để chống phá Đảng, gây mất ổn định xã hội, chia rẽ mối liên hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân.
Mở rộng dân chủ trong Đảng không chỉ phát huy cao độ sức mạnh nội tại mà còn phải thúc đẩy tiến trình đổi mới hệ thống chính trị và quá trình dân chủ hóa đất nước, cho nên đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, vừa lâu dài, vừa cấp bách của Đảng. Cuộc sống luôn phong phú và biến đổi nhanh chóng, vì thế, nghiên cứu, bổ sung các biện pháp giúp cho việc thực hành dân chủ trong Đảng “đi” đúng hướng là một yêu cầu thường trực và khách quan./.
------------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 10, tr. 457
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 284
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 380
(4), (5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 289, 620
(6), (7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd , t. 5, tr. 333, 286
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 16
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 293
Phát huy dân chủ gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương ở nước ta hiện nay  (03/04/2020)
Kiên quyết không để “lọt” vào cấp ủy những cán bộ suy thoái  (02/04/2020)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển