Phát huy hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị đối với công tác dân vận trong tình hình mới

ĐIểU K’RÉ
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương

TCCS- Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Mỗi một người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị cần thấm nhuần tư tưởng của Bác Hồ kính yêu và chủ trương, đường lối của Đảng ta về công tác dân vận, gương mẫu đi đầu trong thực hiện, phải thực sự là tấm gương sáng để đồng chí, đồng nghiệp, cấp dưới và nhân dân tin tưởng, học tập, noi theo; quyết tâm, đi đầu trong đấu tranh, đẩy lùi tệ quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, vô cảm với những bức xúc của nhân dân thì nhất định sẽ được nhân dân tin yêu, hết lòng ủng hộ, khối đại đoàn kết toàn dân tộc sẽ được tăng cường, sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta sẽ nhất định thắng lợi.

Thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách về công tác dân vận

Lịch sử cách mạng nước ta đã rút ra những bài học quý báu, đó là: “Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”; “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân/Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”(1); “Dễ mười lần không dân cũng chịu/Khó trăm lần dân liệu cũng xong”; “Nước lấy dân làm gốc, gốc có vững thì cây mới bền, xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”. Xuất phát từ vai trò to lớn, sứ mệnh lịch sử của nhân dân, Đảng ta luôn xác định công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, là vấn đề sống còn của cách mạng, là điều kiện quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng. Trong công cuộc đổi mới đất nước, Đảng ta đề ra mục tiêu của công tác dân vận là nhằm củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân; tập hợp, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân, tạo phong trào cách mạng rộng lớn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; với tư tưởng chỉ đạo là: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công(2).

Cán bộ cơ sở hướng dẫn đồng bào Dao kỹ thuật trồng lúa_Ảnh: Tư liệu

Trong những năm qua, Đảng ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về không ngừng tăng cường và đổi mới công tác dân vận, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng giai cấp công nhân, nông dân, đội ngũ trí thức, doanh nhân, thanh niên, phụ nữ, đồng bào các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài; về xây dựng và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở, về quy chế giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; về giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên. Đặc biệt, Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XI “Về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” đã xác định rõ mục tiêu công tác dân vận, đề ra 5 quan điểm, trong đó nhấn mạnh: Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, nhân dân là chủ, nhân dân làm chủ; động lực thúc đẩy phong trào nhân dân là phát huy quyền làm chủ, đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân; phương thức lãnh đạo công tác dân vận của Đảng phải gắn liền với công tác xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh, mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải gương mẫu để nhân dân tin tưởng, noi theo; công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể nhân dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang.

Với quan điểm: “Cán bộ là gốc của mọi công việc”(3), “là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng”, “công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”(4), trong những năm qua Đảng ta cũng có nhiều chủ trương đề cao trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác dân vận. Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” đã đề ra nhiệm vụ và giải pháp cụ thể là: “Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải thực hiện nghiêm túc việc tiếp dân định kỳ hoặc đột xuất để tiếp nhận thông tin, lắng nghe, đối thoại trực tiếp và xử lý phản ánh, kiến nghị của nhân dân, nhất là những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đảng viên”(5). Kết luận số 120-KL/TW, ngày 7-1-2016, của Bộ Chính trị, về “Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở” yêu cầu “cấp ủy và người đứng đầu cơ quan, địa phương, đơn vị có trách nhiệm xây dựng và thực hiện dân chủ ở cơ sở trong phạm vi được phân công phụ trách, xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài; chú trọng các địa bàn, các cơ sở thực hiện chưa tốt” và “các đồng chí Ủy viên Trung ương, Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, các ban đảng, đảng đoàn trực tiếp chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW (ngày 18-2-1998, của Bộ Chính trị, “Về xây dựng và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở”); tăng cường phát huy dân chủ trong Đảng, đề cao trách nhiệm người đứng đầu và vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Chống quan liêu và các hành vi xâm phạm quyền làm chủ của nhân dân”. Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 20-1-2018, của Ban Bí thư, về “Tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới” yêu cầu “người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp để đạt chỉ tiêu Nghị quyết số 11-NQ/TW về công tác cán bộ nữ; quan tâm tạo nguồn cán bộ nữ trẻ, nữ dân tộc thiểu số...”. Kết luận số 43-KL/TW,
ngày 7-1-2019, của Ban Bí thư, về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 3-6-2013, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; yêu cầu tiếp tục phát huy vai trò gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trực tiếp giao tiếp với nhân dân.

Để không ngừng nâng cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên; đặc biệt là người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị đối với công tác dân vận, Đảng ta đã ban hành những quy định cụ thể, như “Cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải nghiêm chỉnh chấp hành Cương lĩnh, điều lệ, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, gương mẫu thực hiện Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 7-6-2012, của Ban Bí thư, “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chủ chốt các cấp”; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19-12-2016, của Bộ Chính trị, “Về một số việc làm ngay để tăng cường trách nhiệm nêu gương”. Cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu nêu gương; Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải gương mẫu đi đầu thực hiện “Hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, vì lợi ích của nhân dân”, “Lấy ấm no, hạnh phúc và sự hài lòng của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”, “Tích cực giải quyết dứt điểm các vấn đề phức tạp, bức xúc, tồn tại kéo dài” và kiên quyết chống “độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa dân, thờ ơ, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của nhân dân”(6); người đứng đầu phải “Trực tiếp thực hiện việc tiếp dân; lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc người đứng đầu cấp ủy, tổ chức, cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền chấp hành quy định về công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân...”(7) và “Người đứng đầu phải gương mẫu, nghiêm túc thực hiện, cầu thị lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân”(8). Đặc biệt, Quyết định số 290-QĐ/TW, ngày 25-2-2010, của Bộ Chính trị, “Về việc ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị” đã quy định rất rõ trách nhiệm lãnh đạo và thực hiện công tác dân vận của từng cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị và đây cũng là cơ sở rất quan trọng để phát huy và tăng cường hơn nữa vai trò của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị đối với công tác dân vận.

Phát huy hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị

Nhận thức rõ vị trí, vai trò của công tác dân vận trong tình hình mới, trong những năm qua, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, cụ thể hóa, thể chế hóa chủ trương, đường lối và những quy định của Đảng về công tác dân vận và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả. Quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối, quy chế, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện công tác dân vận, thực hiện phong cách trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân và nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin. “Nhiều đồng chí đã có ý thức rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, hết lòng, hết sức tận tụy với công việc, được quần chúng yêu mến, tín nhiệm”(9); thực sự coi công tác dân vận là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cơ quan, đơn vị, địa phương mình.

Người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị đã tích cực, quyết liệt đổi mới lề lối làm việc, lãnh đạo, chỉ đạo cải cách hành chính, chấn chỉnh thái độ phục vụ nhân dân; tăng cường tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân, lắng nghe dân, giải quyết kịp thời những bức xúc và tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Điển hình, như trong năm 2018, các bộ, ngành, địa phương đã cắt giảm, đơn giản hóa 3.336/6.191 điều kiện kinh doanh, tiết kiệm được 17,6 triệu ngày công, tương đương gần 6.300 tỷ đồng mỗi năm; hình thành văn hóa công vụ “bốn xin” - xin lỗi, xin chào, xin cảm ơn, xin phép và “bốn luôn” - luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ; cũng trong năm 2018, cơ quan hành chính các cấp đã tiếp trên 411.900 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, với trên 278.700 vụ, việc, có gần 4.640 lượt đoàn đông người; đã giải quyết được 27.580 vụ, việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt 83,7%; qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi 213,2 tỷ đồng và 97,2ha đất, khôi phục quyền lợi cho 1.800 tập thể, cá nhân, kiến nghị xử lý vi phạm 462 người.

Trên lĩnh vực xây dựng và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở, người đứng đầu các cấp đã quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, kết luận, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; nhận thức về dân chủ và thực hành dân chủ được nâng lên, bầu không khí dân chủ trong Đảng và ngoài xã hội được mở rộng, quyền làm chủ của nhân dân ngày càng được phát huy... Bên cạnh đó, người đứng đầu Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội tích cực, gương mẫu trong công tác dân vận, hướng công tác dân vận về cơ sở, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bức xúc và những tâm tư, nguyện vọng hợp pháp và chính đáng của đoàn viên, hội viên, tích cực đi đầu trong vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân đấu tranh phản bác lại những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, kích động của các tổ chức phản động.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trách nhiệm và việc phát huy trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị đối với công tác dân vận vẫn còn có những hạn chế, như việc nêu gương của người đứng đầu ở một số cấp ủy, địa phương, cơ quan, đơn vị chưa tốt; vẫn còn biểu hiện thiếu gương mẫu, quan liêu, lãng phí trong công tác và sinh hoạt, thậm chí vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến mức phải bị xử lý kỷ luật; việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân ở một số nơi còn chưa kịp thời; giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân chưa thực sự quyết liệt; giải quyết, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân còn để kéo dài, chưa đáp ứng được sự mong đợi của người dân; việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra vi phạm có nơi chưa nghiêm, tính răn đe chưa cao(10). Một số người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ở một số nơi chưa quan tâm đến việc xây dựng và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở. Có nơi buông lỏng vai trò lãnh đạo, thiếu kiểm tra đôn đốc thực hiện(11). Vẫn còn tình trạng người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cán bộ chủ chốt ở các cấp chưa nêu cao trách nhiệm nêu gương, còn biểu hiện thiếu gương mẫu trong sinh hoạt, công tác, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Ở một số nơi, công tác lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng hoạt động về cơ sở của người đứng đầu Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị  - xã hội chưa thực sự quyết tâm, quyết liệt, nhất là hoạt động chỉ đạo, triển khai giám sát người đứng đầu cấp ủy, các cơ quan, đơn vị còn biểu hiện hình thức.

Trong những năm tới, bên cạnh những thuận lợi là chủ yếu, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đặt ra đối với công tác dân vận, đó là: Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, người yếu thế trong xã hội còn gặp nhiều khó khăn, khoảng cách giàu - nghèo, chênh lệch về mức sống, điều kiện sống giữa các vùng, các dân tộc có xu hướng gia tăng; tình trạng ô nhiễm môi trường, an toàn, vệ sinh thực phẩm, một số tiêu cực trong lĩnh vực giáo dục, y tế, tai nạn giao thông, tín dụng đen, tệ nạn xã hội... vẫn còn phức tạp; tình hình đơn, thư khiếu kiện ở một số nơi còn diễn biến phức tạp; một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa nêu cao đạo đức công vụ, còn thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm phục vụ nhân dân; việc xây dựng, ban hành một số chính sách chưa thật phù hợp, gây phản ứng trong một bộ phận nhân dân; ở một số nơi công tác cải cách hành chính còn chậm, chưa quyết liệt, chỉ số hài lòng của người dân còn thấp; việc thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở một số nơi còn hình thức, “nhiều nơi cứ nói là thực hiện dân chủ, nhưng thực chất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị ở đó vẫn mượn danh hoặc nhân danh tập thể để hợp thức hóa những quyết định, ý định chủ quan của cá nhân mình. Một số người có chức, có quyền còn quan cách, gia trưởng, thậm chí có những cá nhân và tập thể trù dập, ức hiếp quần chúng”(12); các thế lực thù địch không ngừng lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền,... để tuyên truyền, xuyên tạc, kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm giảm lòng tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước ta.

Một số nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới

Để tiếp tục phát huy tốt hơn vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị đối với công tác dân vận trong tình hình mới, đặc biệt là giải quyết tốt, kịp thời những vấn đề bức xúc trong nhân dân, thời gian tới cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tiếp tục quán triệt, tạo nhận thức sâu sắc, thống nhất và toàn diện, đi đôi với việc hoàn thiện cơ chế, thể chế, tạo môi trường thuận lợi để người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị làm tốt công tác dân vận. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng tuyên truyền, tạo điều kiện thuận lợi để người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị tự nghiên cứu, nhận thức sâu sắc hơn, toàn diện hơn tư tưởng của Bác Hồ và hệ thống quan điểm của Đảng ta về công tác dân vận. Công tác dân vận trong tình hình mới phải nỗ lực không ngừng trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, tạo động lực để nhân dân đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội; làm tốt công tác dân tộc, tôn giáo, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài; củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh; nâng cao vai trò, vị thế của nước ta trên trường quốc tế... góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Không ngừng hoàn thiện môi trường pháp lý cũng là tạo điều kiện để người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị tự giác, gương mẫu làm tốt công tác dân vận. Tiếp tục nghiên cứu, thể chế hóa nguyên tắc “phân công, phân cấp gắn với giao quyền, ràng buộc trách nhiệm” của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, xử lý hài hòa mối quan hệ “Giữa thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân và tập thể” trong công tác dân vận theo tinh thần đã đề ra trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Xác định cụ thể hơn thẩm quyền, trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị. Xây dựng hướng dẫn về quy trình đánh giá kết quả công tác dân vận của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị hằng năm, gắn với đánh giá hoàn thành chức trách, nhiệm vụ.

Hai là, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở. Một trong những yếu tố quyết định chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở là vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và các cơ quan, đơn vị. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải thực sự phát huy dân chủ trong Đảng, công khai, gương mẫu trong trong điều hành, tiên phong trong phòng, chống quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí và các hành vi xâm phạm quyền làm chủ của nhân dân. Các đồng chí cán bộ đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị cần tăng cường hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt hơn nữa chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở; trọng tâm là Kết luận số 120-KL/TW,
ngày 7-1-2016, của Bộ Chính trị, “Về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”; Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11, ngày 20-4-2007, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, về “Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn”; Nghị định số 04/2015/NĐ-CP, ngày 9-1-2015, của Chính phủ, về “Thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập”; Nghị định số 60/2013/NĐ-CP, ngày 19-6-2013, của Chính phủ, về “Quy định chi tiết Khoản 3 Điều 63 của Bộ luật Lao động về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc”; đồng thời gắn việc triển khai thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở vào từng nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, cơ quan, đơn vị.

Ba là, phát huy tốt vai trò nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị trong xây dựng và thực hiện phong cách dân vận. Người đứng đầu cấp ủy, các cơ quan, đơn vị cần gương mẫu đi đầu trong công tác dân vận, thực sự “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với nhân dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, nói đi đôi với làm; nêu gương về công khai và chỉ đạo công khai các nội dung theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước để nhân dân biết, nhân dân bàn, nhân dân làm, nhân dân ủng hộ, nhân dân giám sát; xác định rõ công tác vận động nhân dân và chăm lo lợi ích của nhân dân là một trong những nội dung chủ yếu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của mình... có sức lan tỏa rất lớn, tạo được chuyển biến trong toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ta. Hằng năm, người đứng đầu cấp ủy cần làm tốt công tác xây dựng chương trình công tác dân vận, cụ thể hóa và triển khai thực hiện nghị quyết của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị về công tác dân vận. Hướng nhiệm vụ công tác dân vận hằng năm, hằng quý, hằng tháng vào lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ những vấn đề cụ thể liên quan đến đời sống, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Gần gũi với nhân dân, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước_Ảnh: Tư liệu

Bốn là, thực hiện nghiêm quy định về trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân, xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân thực chất và hiệu quả. Người đứng đầu cấp ủy, các cơ quan, đơn vị phải thực sự gương mẫu trong thực hiện quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về tiếp công dân, xử lý, giải quyết những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân; thực hiện nghiêm túc việc tiếp dân, đối thoại và xử lý, giải quyết những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Mọi hoạt động tiếp công dân, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát, trong phạm vi cho phép, phải được công bố để nhân dân biết và theo dõi. Khắc phục và kiên quyết chỉ đạo khắc phục tính hình thức trong hoạt động tiếp xúc cử tri, hoạt động giám sát, tiếp dân, đối thoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của nhân dân.

Năm là, tăng cường vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân trong giám sát việc nêu gương của người đứng đầu. Người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị phải thực sự mẫu mực trong công tác dân vận, nghiêm túc thực hiện, cầu thị lắng nghe ý kiến, chịu sự giám sát của nhân dân và biết dựa và nhân dân để hoàn thiện mình; tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giám sát đối với bản thân mình và người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị thuộc quyền; quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Quyết định số 99-QĐ/TW, ngày 3-10-2017, của Ban Bí thư, về “Ban hành Hướng dẫn khung để các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” và Quy định số 124-QĐ/TW, ngày 2-2-2018, của Ban Bí thư, về “Giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên”.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, pháp luật về giám sát của của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân đối với người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận và gắn với trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức thực hiện. Xây dựng cơ chế khuyến khích nhân dân góp ý, giám sát người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị trong công tác dân vận, nhất là việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống và thực hiện các quy định về nêu gương của người đứng đầu./.

------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 39, tr. 251

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 234

(3), (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 309, 313

(5) Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 30-10-2016, của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”
(6) Quy định số 08-Qđi/TW, ngày 25-10-2018, của Bộ Chính trị, về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”

(7) Quy định số 11-Qđi/TW, ngày 18-2-2019, của Bộ Chính trị, về “Trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với nhân dân và xử lý, phản ánh, kiến nghị của nhân dân”

(8) Quyết định số 99-QĐ/TW, ngày 3-10-2017, của Ban Bí thư, “Về ban hành Hướng dẫn khung để các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”

(9) Phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngày 6-10-2018

(10) Thông báo Kết luận số 48-TB/TW, ngày 27-4-2018, của Ban Bí thư, “Về kết quả kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị”

(11) Kết luận số 120-KL/TW, ngày 7-1-2016, của Bộ Chính trị, “Về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở”

(12) Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc đánh giá kết quả thực hiện
Kết luận số 120-KL/TW, của Bộ Chính trị khóa XI, về “Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở” ngày 16-7-2018