Một số giải pháp gỡ bỏ “nút thắt”trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Hà Nội
TCCS - Thời gian qua, gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, thành phố Hà Nội đã xây dựng được 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Hà Nội đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thực tế của Hà Nội, song vẫn tồn tại một vài vướng mắc, cần được tháo gỡ trong thời gian tới.
Hiệu quả kinh tế cao
Xác định sản xuất ứng dụng công nghệ cao là xu thế tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại và bền vững, những năm qua, thành phố Hà Nội không ngừng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao và đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Ngày 10-9-2021, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 4159/QĐ-UBND, Về việc bổ sung có mục tiêu kinh phí hỗ trợ các huyện thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu cây trồng, thủy sản áp dụng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao năm 2021, với số tiền gần 49 tỷ đồng(1).
Đến nay, Hà Nội có 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó, có 109 mô hình trong lĩnh vực trồng trọt, 40 mô hình về chăn nuôi, 15 mô hình trong lĩnh vực thủy sản. Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố. Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Hà Nội tuy quy mô còn nhỏ, nhưng cho năng suất cao hơn phương thức sản xuất truyền thống 10% -12%, giá trị kinh tế gia tăng từ 25% -30%.
Để thực hiện thành công mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhiều doanh nghiệp và hợp tác xã trên địa bàn thành phố đã tập trung ứng dụng cơ khí hóa đồng bộ vào trồng trọt, như mạ khay, máy cấy, máy cày bừa, máy gặt đập; sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP; chăn nuôi gia súc, gia cầm theo công nghệ vi sinh, nuôi trong chuồng kín, có hệ thống xử lý môi trường. Việc ứng dụng công nghệ cao đã được đẩy mạnh trong mọi hoạt động nông nghiệp của thành phố Hà Nội, từ sản xuất, chế biến, cho tới bảo quản nông sản.Từ đó, đem lại những lợi ích nhất định, cho năng suất vượt trội, giá trị cao, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Theo Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội - Nguyễn Văn Chí, các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thực tế phát triển của Hà Nội. Không ít mô hình đã khẳng định được vị thế(2).
Vẫn còn một số “nút thắt”
Tuy đã khẳng định được hiệu quả, nhưng 164 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của thành phố chỉ dừng lại ở việc ứng dụng công nghệ từng phần, chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế của nông nghiệp Thủ đô. Đáng nói, từ cuối năm 2020 đến nay, thành phố vẫn chưa tăng thêm được mô hình nào. Nguyên nhân chính là do còn rất nhiều khó khăn, “rào cản” đối với các hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp khi triển khai sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhất là về vốn, đất đai, cơ chế, chính sách...
Thực tế cho thấy, một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của thành phố còn chưa đồng bộ và khó áp dụng vào thực tiễn dẫn đến việc triển khai gặp nhiều khó khăn, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân tham gia đầu tư vào lĩnh vực này. Sản xuất nông nghiệp còn chưa đồng bộ nên giá trị chưa cao; việc gắn kết giữa khoa học - công nghệ và hoạt động sản xuất, kinh doanh còn nhiềuvướng mắc… Bên cạnh đó, các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp còn nhỏ lẻ, phân bố không đều. Công tác triển khai xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thường kéo dài... Việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi một nguồn nhân lực lớn có trình độ chuyên môn tốt, tuy nhiên, tình trạng “khát” nhân sự, chảy máu chất xám, quy mô và chất lượng đào tạo... là những nan giải cần tháo gỡ.
Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội - Vũ Thị Hương, phát triển sản xuất trên nền tảng ứng dụng công nghệ cao đã và đang tạo động lực mới cho ngành nông nghiệp Thủ đô. Song, ngoài khó khăn chung do thiên tai, dịch bệnh, bản thân việc ứng dụng công nghệ cao cũng đang có những thách thức nội tại. Triển khai mô hình nông nghiệp công nghệ cao đồng nghĩa với việc tổ chức sản xuất trên quy mô tương đối lớn và phải đầu tư tương xứng về kết cấu hạ tầng, công nghệ,…
Trong bối cảnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao chạy đua với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chất lượng nguồn nhân lực phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp cần được nâng cao hơn nữa. Hiện, có khoảng 8.000 người làm công tác nghiên cứu khoa học tại các viện, trường trong cả nước, nhưng vẫn thiếu cán bộ lãnh đạo giỏi, cán bộ nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu chuyên sâu.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ở Hà Nội chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ. Nguồn vốn trong các doanh nghiệp nông nghiệp rất hạn chế. Việc tiếp cận nguồn vay khó khăn do phần lớn các ngân hàng không chấp nhận tài sản thế chấp là các trang thiết bị, cây, con của các cơ sở trồng trọt và chăn nuôi, kể cả các thiết bị công nghệ cao. Yếu tố con người cũng là một loại rào cản. Tỷ lệ lao động nông thôn chưa qua đào tạo vẫn ở mức cao, do đó, người lao động còn nhiều bỡ ngỡ với thiết bị công nghệ cao. Ngoài ra, “đất chật, người đông” cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng tới quá trình đưa công nghệ vào thực tiễn của doanh nghiệp Hà Nội. Do đó, việc tạo quỹ đất lớn để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Đây là một trong những “nút thắt” chính khiến nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất nhưng chưa thể thực hiện.
Mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2018/NĐ-CP,ngày 17-4-2018, Về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 98/2018/NĐ-CP,ngày 5-7-2018, Về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp... tuy nhiên, các cơ quan chức năng vẫn chưa ban hành đủ định mức kinh tế kỹ thuật hỗ trợ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh. Mặt khác, việc ban hành các văn bản tháo gỡ vấn đề tích tụ ruộng đất để tạo tiền đề cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn chậm so với yêu cầu thực tế… Đây là những khó khăn khiến nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Hà Nội khó nhân rộng, rất cần được tháo gỡ kịp thời.
Gỡ bỏ “nút thắt” cần kết hợp nhiều biện pháp
Tại Hội nghị giao ban quý III-2020, lãnh đạo Thành ủy Hà Nội đã xác định: Giai đoạn 5 năm tới Hà Nội tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Mục tiêu của Chương trình khuyến nông thành phố Hà Nội giai đoạn 2020 - 2025 cũng cho thấy rõ điều này. Một là, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp để tăng thu nhập, giảm nghèo, làm giàu, thích ứng với các điều kiện sinh thái, khí hậu và thị trường. Hai là, phấn đấu từng bước mở rộng các mô hình có áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản; tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị; các mô hình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt và cấp chứng nhận xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung có năng suất, chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, phòng, chống có hiệu quả các loại dịch bệnh cây trồng, vật nuôi; góp phần xây dựng nông thôn mới theo quy hoạch, có hạ tầng cơ sở đồng bộ, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Ba là, huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp.
Để Hà Nội tiếp tục phát triển kinh tế nhanh và bền vững, một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong giai đoạn 2020 - 2025 được Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội xác định là tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị, sinh thái, sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm OCOP... Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên 70% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố...
Để thành phố Hà Nội đạt được các mục tiêu này, cần tập trung vào một số giải pháp sau:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của thành phố; nêu gương và nhân rộng các điển hình tiên tiến, các mô hình tiêu biểu trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.
Hai là, tiếp tục nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất và có cơ chế giao đất ổn định, dài hạn phù hợp với sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Ba là, cơ cấu lại vốn đầu tư cho sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hỗ trợ đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch, các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn. Bên cạnh đó, cơ cấu lại đất đai trong kinh tế nông nghiệp. Tăng diện tích cây trồng với các giống cây có giá trị kinh tế cao; thực hiện chuyển đổi đất lúa vùng úng trũng sang nuôi trồng thủy sản, vùng khó khăn về nước tưới sang rau, màu, hoa, cây cảnh… có giá trị kinh tế cao; tăng nhanh diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Bốn là, cơ cấu lại trình độ kỹ thuật trong nông nghiệp theo hướng tăng cường áp dụng khoa học - công nghệ.Tập trung vào cơ cấu lại loại hình công nghệ theo hướng giảm các loại công nghệ thủ công truyền thống, ưu tiên cho công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ sinh học. Theo đó, chú trọng áp dụng công nghệ ở tất cả các khâu của quá trình sản xuất. Cụ thể, trong lai tạo giống phù hợp với yêu cầu của thị trường; gia tăng các phương pháp, quy trình kỹ thuật mới trong nuôi, trồng, phòng trừ dịch bệnh, chế biến, bảo quản nông sản nhằm tạo ra sự đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất. Đồng thời, gia tăng các loại công cụ, phương tiện lao động mới; thực hiện cơ giới hóa đồng bộ, từ khâu làm đất, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch đến khâu chế biến tiêu thụ sản phẩm.
Năm là, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, kỹ năng giao dịch trên sàn thương mại điện tử và trình độ sản xuất của người lao động bằng cách cơ cấu lại lực lượng lao động trong nông nghiệp theo hướng giảm tỷ trọng lao động nông nghiệp để chuyển sang các ngành nghề phi nông nghiệp; giảm tỷ trọng lao động phổ thông, tăng tỷ trọng lao động qua đào tạo, nhất là lao động có bằng đại học, cao đẳng, lao động khoa học - kỹ thuật.
Sáu là, chú trọng mở rộng hoạt động nghiên cứu nhằm tạo ra các loại vật tư, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, bảo quản sau thu hoạch và chế biến; đồng thời, đẩy mạnh việc nhập khẩu công nghệ và thiết bị trong nước chưa làm được trên cơ sở nghiên cứu thử nghiệm, thích nghi và làm chủ công nghệ nhập từ nước ngoài… Có như vậy, nông nghiệp ứng dụng công nghệ caomới phát triển mạnh mẽ, xứng tầm với vị thế của nông nghiệp Thủ đô./.
------------------
(1) Theo đó, huyện Ba Vì được bổ sung kinh phí nhiều nhất (với 15,29 tỷ đồng); tiếp đến là các huyện (Phú Xuyên: 11,959 tỷ đồng; Phúc Thọ: 9,882 tỷ đồng; Thanh Oai: 5,229 tỷ đồng; Mê Linh: 2,502 tỷ đồng; Thanh Trì: 2,25 tỷ đồng; Quốc Oai: 1,822 tỷ đồng). Từ nguồn kinh phí hỗ trợ, các địa phương sẽ chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng, vật nuôi, gồm cá trắm, cá chép, cá rô phi đơn tính, giống bưởi, nhãn, chè,… áp dụng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
(2) Chẳng hạn: Khu sinh thái nông nghiệp công nghệ cao thung lũng Ngọc Linh (huyện Thạch Thất) với mô hình nhà kính, sản xuất rau thủy canh, nuôi cấy tảo xoắn để chiết xuất dược liệu kết hợp với du lịch và nghỉ dưỡng; Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ), ứng dụng công nghệ viễn thám, hệ thống trạm quan trắc thời tiết thông minh i.Mentos 3.3 A-G để cập nhật thông tin từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch đến in tem nhãn tự động, minh bạch hóa toàn bộ quá trình sản xuất; mô hình sản xuất nấm của Công ty trách nhiệm hữu hạn Xuất, nhập khẩu Kinoko Thanh Cao (huyện Mỹ Đức) sử dụng công nghệ, quy trình sản xuất đóng gói của Nhật Bản, năng suất đạt 3 tấn/ngày;...
Huyện Đông Anh (thành phố Hà Nội): Thành quả xây dựng nông thôn mới là tiền đề thúc đẩy phát triển đô thị  (20/10/2021)
Tập trung xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp  (11/09/2021)
Hà Nội đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo  (05/08/2021)
Hà Nội áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp thông minh  (04/08/2021)
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm