Khát vọng và tầm nhìn phát triển tỉnh Quảng Nam theo tinh thần bài viết “Vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

PHAN VIỆT CƯỜNG
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam
10:52, ngày 18-07-2023

TCCS - Cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề cập đến nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn về đường lối đổi mới, về phát triển đất nước trên mọi lĩnh vực. Tác phẩm có giá trị trong việc vận dụng xây dựng luận cứ khoa học nhằm hoạch định chủ trương, đề ra nhiệm vụ, giải pháp đột phá để phát triển tỉnh Quảng Nam trong giai đoạn hiện nay.

Khát vọng phát triển đất nước

Thực tiễn trong suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của ông cha ta, khát vọng xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước luôn là nguồn lực nội sinh lớn mạnh làm nên nhiều chiến công hiển hách. Trong thời đại Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, nhân dân Việt Nam đã anh dũng đấu tranh và chiến thắng kẻ thù xâm lược bằng sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Sức mạnh ấy được khởi nguồn từ “ham muốn tột bậc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là: “Làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”(1) cho đến khát vọng mãnh liệt: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”(2); “Không có gì quý hơn độc lập, tự do(3). Đất nước thống nhất, tiến hành công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước, với khát vọng “xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như ước nguyện lúc sinh thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tiếp nối khát vọng của dân tộc, giá trị cốt lõi, mục tiêu và khát vọng phát triển đất nước, trong cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xác định khát vọng xây dựng một xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới(4).

Khát vọng phát triển đất nước, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là chủ đề xuyên suốt, được đặt ra trong rất nhiều kỳ Đại hội Đảng, trong diễn văn và các bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Khát vọng đó đã được Đảng và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xác định bằng mục tiêu cụ thể: “Đến năm 2025: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”(5); “Phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa(6)

Khát vọng phát triển tỉnh Quảng Nam

Khát vọng phát triển của một đơn vị, địa phương không thể nằm ngoài khát vọng phát triển của quê hương, đất nước. Khát vọng phát triển tỉnh Quảng Nam và tầm nhìn về một vùng đất đã được các bậc tiền nhân gửi gắm cách đây hơn 550 năm, với sự kiện thành lập Thừa tuyên Quảng Nam - Đạo Thừa tuyên thứ 13 của nước Đại Việt vào năm 1471. Danh xưng Quảng Nam đã được vị vua anh minh Lê Thánh Tông gửi gắm vào đó ý nghĩa “mở rộng về phương Nam”.

Trong tiến trình lịch sử đồng hành cùng dân tộc, tỉnh Quảng Nam đã có nhiều đóng góp để lại dấu ấn hết sức nổi bật. Đặc biệt, sau khi Đảng bộ tỉnh Quảng Nam ra đời vào ngày 28-3-1930, thông cáo thành lập Đảng bộ đã xác định sứ mệnh lịch sử của mình: “Chúng tôi, những người trong Tỉnh bộ lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng nguyện hy sinh tranh đấu do Đảng Cộng sản Việt Nam hướng đạo, nhằm bênh vực quyền lợi cộng sản cho thợ thuyền, dân cày và những người lao khổ...”(7). Sứ mệnh thiêng liêng ấy đã theo suốt chặng đường xây dựng và phát triển của Đảng bộ tỉnh 93 năm qua với những dấu ấn, mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ, quân và dân tỉnh Quảng Nam.

Ngày 28-3-1930, tại địa điểm Cây Thông Một, xã Cẩm Hà (nay là khối phố Tân Thanh, phường Tân An, thành phố Hội An), Đảng bộ tỉnh Quảng Nam ra đời. Đây là Đảng bộ ra đời sớm thứ hai cả nước, chỉ sau Đảng bộ thành phố Hà Nội. Sau khi thành lập, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo kháng chiến chống thực dân Pháp giành chính quyền (1930 - 1945), chớp thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền trong mùa thu cách mạng (năm 1945), đưa tỉnh Quảng Nam trở thành một trong những tỉnh, thành phố khởi nghĩa giành chính quyền sớm nhất trong cả nước.

Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và hơn 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam luôn nhất quán trong vận dụng sáng tạo đường lối cách mạng. Điển hình là vận dụng linh hoạt phương châm “hai chân, ba mũi giáp công” với Chiến thắng Núi Thành vào rạng sáng ngày 26-5-1965, viết nên trang sử vẻ vang cho vùng đất “Trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”. Không chỉ là nơi diễn ra trận đầu thắng Mỹ, tỉnh Quảng Nam còn là nơi diễn ra trận đánh đồn xã Đốc (27-3-1971) - trận đánh tiêu diệt cứ điểm cuối cùng của Mỹ trên chiến trường Khu 5, đến Chiến thắng Thượng Đức mở toang cánh cửa thép tiến vào thành phố Đà Nẵng (7-8-1974); từ đó, tạo tiền đề giải phóng hoàn toàn quê hương vào ngày 24-3-1975, góp phần giải phóng thành phố Đà Nẵng tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Thời kỳ 1975 - 1997, từ chủ trương bám sát thực tiễn đời sống của Đảng bộ tỉnh mà công trình đại thủy nông Phú Ninh đã được xây dựng thành công vượt kỳ vọng. Đây là công trình, đúng hơn là cuộc vận động sức người, sức của lớn chưa từng có của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh sau ngày quê hương giải phóng, khẳng định tinh thần dám nghĩ, dám làm của Đảng bộ tỉnh. Tỉnh Quảng Nam cũng là một trong những địa phương nhanh chóng triển khai chủ trương phát triển kinh tế tập thể trong sản xuất nông nghiệp và sau đó thực hiện chuyển đổi hợp tác xã theo mô hình hợp tác xã kiểu mới. Đặc biệt, mạnh dạn “xé rào”, thực hiện “khoán chui” những “đêm trước khoán 10” trên nhiều đồng đất nhằm giải phóng sức sản xuất.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến thăm, làm việc tại Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO), Khu công nghiệp Chu Lai, tỉnh Quảng Nam_Ảnh: TTXVN

Sau ngày tái lập tỉnh (1-1-1997), từ một địa phương thuần nông nằm trong nhóm những tỉnh nghèo nhất của cả nước; Đảng bộ tỉnh đã có nhiều quyết sách táo bạo, khai phóng con đường phát triển và đưa tỉnh Quảng Nam vươn lên trở thành tỉnh khá của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Từ một nền nông nghiệp lạc hậu, tỉnh Quảng Nam đã chuyển hướng sang phát triển công nghiệp, dịch vụ và du lịch; Khu kinh tế mở Chu Lai và hàng loạt khu công nghiệp, cụm công nghiệp lần lượt ra đời; hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, điện, viễn thông, trường học, bệnh viện,... được đầu tư đồng bộ.

Với quyết tâm đổi mới, phát huy lợi thế, huy động nội lực, thu hút đầu tư, tỉnh Quảng Nam đã đạt được những kết quả khá toàn diện, có bước chuyển cơ bản, rõ nét về cơ cấu kinh tế, từ thuần nông sang công nghiệp, dịch vụ. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 25 năm đạt trên 9,0%/năm (năm 2022, tốc độ tăng trưởng đạt 11,2%, là một trong số ít tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng hai con số). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm mạnh tỷ trọng khu vực nông nghiệp, tăng tỷ trọng khu vực phi nông nghiệp từ 50% lên 87,5%. Thu ngân sách, từ số thu 120 tỷ đồng năm 1996, đến năm 2022, tổng thu ngân sách nhà nước của tỉnh đã lên đến 33.338 tỷ đồng (trong đó, thu nội địa đạt 26.485 tỷ đồng), gấp gần 278 lần so với thời điểm tái lập tỉnh. Từ một địa phương phải nhận trợ cấp hơn 70% ngân sách Trung ương, đến năm 2017, tỉnh Quảng Nam đã tự cân đối được ngân sách và có đóng góp về Trung ương. GRDP bình quân đầu người đạt 76,6 triệu đồng, gấp khoảng 40 lần so với năm 1997.

Đặc biệt, Khu kinh tế mở Chu Lai được xây dựng thành công, đã hiện thực hóa khát vọng vươn lên, xác lập vị thế của tỉnh Quảng Nam trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Ngành du lịch đã khai thác tốt lợi thế, tiềm năng và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Kết cấu hạ tầng có bước phát triển đáng kể, hạ tầng đô thị, nông thôn từng bước được cải thiện, đã làm thay đổi mạnh mẽ diện mạo các vùng, miền trong tỉnh. 

Các giá trị văn hóa tại chỗ, truyền thống được quan tâm bảo tồn, gìn giữ và phát huy, đặc biệt là 2 Di sản văn hóa thế giới: Khu đền tháp Mỹ Sơn và đô thị cổ Hội An; văn hóa, giáo dục, đào tạo, y tế,... có sự chuyển biến tích cực; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng lên; quốc phòng, an ninh được giữ vững, đối ngoại, hợp tác và hội nhập quốc tế được tăng cường.

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng được củng cố, kiện toàn và lớn mạnh. Từ chỗ chỉ có hơn 70 đảng viên khi mới thành lập năm 1930, đến cuối năm 2022, Đảng bộ đã có 1.150 tổ chức cơ sở đảng với 71.319 đảng viên. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp có sự chuyển biến tích cực. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có nhiều đổi mới; khối đại đoàn kết toàn dân tiếp tục được củng cố, tăng cường; niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền được nâng lên....

Đảng bộ tỉnh đã tập trung lãnh đạo thực hiện 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đột phá về hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội và hạ tầng đô thị đã giúp tỉnh Quảng Nam phát triển toàn diện. Hệ thống sân bay Chu Lai, cảng biển Chu Lai, cửa khẩu quốc tế Nam Giang đã và đang được nâng cấp, mở rộng đầu tư và được kỳ vọng sẽ tạo ra điểm nhấn quan trọng cho phát triển kinh tế của tỉnh. Thêm vào đó, các chủ trương phát triển kinh tế vùng Đông, vùng Tây của tỉnh nhằm tạo sự tác động phát triển hài hòa giữa các vùng.

Sau hơn 25 năm tái lập tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam rất tự hào với những kết quả đạt được. Trong bức tranh toàn cảnh ấy nổi bật lên nhiều gam màu tươi sáng về tình hình kinh tế - xã hội, tạo nên hình ảnh, diện mạo và vị thế của một tỉnh Quảng Nam tự lập, chủ động, sáng tạo trong tư duy; đúng đắn, quyết liệt trong hành động; vững tin bước vào kỷ nguyên mới với niềm khát vọng tươi sáng trong tương lai.

Những thắng lợi to lớn trong chặng đường hơn 93 năm qua mang ý nghĩa lịch sử to lớn. Nguyên nhân chính của những thắng lợi đó là sự lãnh đạo đúng đắn, tư duy đổi mới, sáng tạo, bản lĩnh chính trị vững vàng, sự đoàn kết, thống nhất trong tư tưởng và hành động của Đảng bộ, được nhân dân trong tỉnh ủng hộ, hưởng ứng. Những kết quả đó được tạo dựng và vung đắp qua nhiều thế hệ nối tiếp, từ những người đặt nền móng ban đầu cho đến những thế hệ xây dựng nên kiến trúc kinh tế - xã hội như ngày nay. Ý nghĩa của những kết quả này sẽ còn nhắc đến và tô đậm hơn theo thời gian của lịch sử, bởi đó là minh chứng hùng hồn cho tinh thần đoàn kết, ý chí bất khuất và khát vọng vươn lên của người dân xứ Quảng; tạo tiền đề, nền tảng vững chắc để tỉnh phát triển nhanh và bền vững trong thời gian đến.

Hiện thực hóa khát vọng đưa tỉnh Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030

Kế thừa, phát huy những kết quả đạt được, quán triệt và vận dụng sâu sắc nội dung cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, đặc biệt là bài viết “Vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam xác định mục tiêu: “Xây dựng Đảng bộ tỉnh trong sạch, vững mạnh, hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phát huy dân chủ, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, bản sắc văn hóa và truyền thống cách mạng; cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động xã hội; huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển kinh tế nhanh, bền vững; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân, bảo vệ tốt môi trường sinh thái; tăng cường quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; phấn đấu đưa tỉnh Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030”(8).

Mục tiêu và cũng là khát vọng xây dựng “tỉnh Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030”. Khát vọng phấn đấu vươn lên từ chính bản lĩnh, ý chí, sức mạnh, tinh thần đoàn kết, đồng lòng của con người xứ Quảng trong suốt hơn 550 năm hình thành và phát triển. Đó là sự kết tinh trí tuệ, tầm nhìn, ý chí, khát vọng của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đối với sự phát triển của quê hương. Khát vọng ấy được xây dựng trên nền tảng kế thừa, phát huy thành quả trong suốt chặng đường qua. Đồng thời, đó cũng chính là sứ mệnh mà tỉnh Quảng Nam phải quyết tâm thực hiện nhằm hiện thực hóa mục tiêu “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

Để hiện thực hóa khát vọng nêu trên, trong giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam đã đề ra 14 nhóm giải pháp trọng tâm với các đột phá chiến lược, lộ trình, bước đi phù hợp, cụ thể; trong đó, ưu tiên chú trọng một số nhiệm vụ, giải pháp mang tính quyết định, bao gồm:

Trước hết và quan trọng nhất, là tập trung công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, xác định đây là nhiệm vụ then chốt, quyết định đến uy tín, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của mỗi cấp ủy, tổ chức đảng và từng cán bộ, đảng viên. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công tác cán bộ và kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của Đảng và công tác dân vận của hệ thống chính trị. Đây là nhân tố có tính quyết định đến sự phát triển của tỉnh.

Thứ hai, huy động nguồn lực thực hiện hiệu quả 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược. Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và nâng cao tỷ lệ đô thị hóa. Chủ động tiếp cận, tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; cải thiện môi trường đầu tư và thúc đẩy phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; nâng cao tiềm lực khoa học - công nghệ, chuyển đổi số đồng bộ, phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ, hình thành doanh nghiệp số. Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương; nâng cao năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ đáp ứng môi trường công nghệ số; thực hiện tốt chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám đổi mới vì lợi ích chung.

Thứ ba, phát huy tiềm năng, lợi thế động lực của vùng kinh tế biển và vùng đồng bằng ven biển; phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai thành khu kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực gắn với phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, khu công nghiệp; thương mại - dịch vụ - du lịch - logistics; chế biến nông sản chất lượng cao, xứng tầm là trung tâm phát triển lớn của Vùng kinh tế trọng điểm Trung Bộ và cả nước. Triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách, ưu tiên nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội vùng trung du, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới; chú trọng sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư vùng nguy cơ cao về thiên tai. Cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình, nâng cao chất lượng tăng trưởng theo hướng phát triển song song công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; lấy dịch vụ làm ngành kinh tế quan trọng; xây dựng thương hiệu, sản phẩm dịch vụ du lịch Quảng Nam mang tầm quốc gia, quốc tế; phát triển du lịch về phía Nam, phía Tây của tỉnh.

Thứ tư, phát huy giá trị văn hóa, con người Quảng Nam; xây dựng con người Quảng Nam phát triển toàn diện về nhân cách, trí tuệ, năng lực, thể chất và trách nhiệm với xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Xây dựng, phát huy các giá trị, bản sắc đặc trưng của con người xứ Quảng; khơi dậy khát vọng vươn lên, cống hiến vì cộng đồng, quê hương, đất nước. Phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế, bảo đảm an sinh xã hội, môi trường sống an toàn, lành mạnh, nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường thăm hỏi công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Chu Lai, tỉnh Quảng Nam_Nguồn: vov.gov.vn

Thứ năm, tiếp tục thực hiện tốt các chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, thanh niên xung phong, bảo trợ xã hội. Quan tâm công tác giảm nghèo bền vững tại khu vực đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo; giảm dần khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng, miền.

Thứ sáu, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện tốt phương châm “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân và tôn trọng nhân dân”; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Tuyên truyền, vận động, tập hợp, tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, cùng nhau chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương Quảng Nam ngày càng phát triển.

Tỉnh Quảng Nam luôn tự hào là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, nơi sản sinh nhiều người con ưu tú cho đất nước, với bề dày lịch sử, văn hóa và truyền thống cách mạng anh hùng, cùng những thành quả đã được bồi đắp, những kinh nghiệm quý báu được tích lũy từ các thế hệ đi trước... Trên chặng đường sắp đến, với ý chí, khát vọng đổi mới, sáng tạo, vươn lên mạnh mẽ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục đoàn kết, đồng thuận, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng tỉnh Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030, góp phần cùng cả nước “Vững bước đi lên Chủ nghĩa xã hội...” như quyết tâm của đồng chí Tổng Bí thư và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra./.

------------------------------

(1), (2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 187, 534
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tậpSđd, t. 15, tr. 131
(4), (5), (6) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr. 24, 53, 53
(7) Lịch sử Đảng bộ Quảng Nam - Đà Nẵng (1930 - 1975), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 79
(8) Đảng bộ tỉnh Quảng Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tr. 69