TCCS - Cán bộ, đảng viên hưu trí là đội ngũ đông đảo, có kinh nghiệm, bản lĩnh, uy tín, tiếp tục có đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, địa phương, đóng góp xây dựng tổ chức đảng các cấp. Tuy nhiên, cán bộ, đảng viên khi nghỉ hưu thường đứt gãy, gián đoạn vai trò lãnh đạo do chuyển đổi trạng thái từ “cán bộ” thành “thường dân”, một số đánh mất vai trò lãnh đạo, vi phạm nguyên tắc, không làm tròn vai trò lãnh đạo như đã tuyên thệ ban đầu, khi còn đương chức. Do đó, rất cần những giải pháp giữ vững, nâng cao vai trò lãnh đạo của cán bộ, đảng viên hưu trí gắn với định hình chế độ quản lý cán bộ, đảng viên nghỉ hưu phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Cán bộ, đảng viên hưu trí là đội ngũ đông đảo, có kinh nghiệm, bản lĩnh, uy tín, tiếp tục có đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, địa phương (Trong ảnh:  Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp mặt đại biểu dự Đại hội toàn quốc Hội Người cao tuổi Việt Nam)_Ảnh: TTXVN

Tình hình đội ngũ cán bộ, đảng viên hưu trí hiện nay

Đội ngũ cán bộ, đảng viên hưu trí là lực lượng quan trọng, nòng cốt ở các chi bộ, đảng bộ cơ sở. Đây là đội ngũ đã kinh qua nhiều lĩnh vực và môi trường công tác, có trí tuệ và hiểu biết sâu rộng, có uy tín và kinh nghiệm về chuyên môn, nghiệp vụ; từng có nhiều đóng góp cho công tác đảng và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đa số cán bộ, đảng viên hưu trí có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ và bề dày kinh nghiệm qua quá trình công tác, có phẩm chất, đạo đức và lối sống lành mạnh, khi về hưu đều thực hiện đúng thủ tục, thời gian quy định chuyển sinh hoạt đảng, chấp hành nghiêm các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia sinh hoạt đảng, đóng đảng phí đầy đủ, chấp hành sự phân công công tác của tổ chức đảng giao. Trong sinh hoạt đảng, nhiều đồng chí nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, thẳng thắn, có nhiều đóng góp xây dựng nghị quyết của chi bộ, giữ gìn tư cách người đảng viên, đi đầu trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Số đông đội ngũ cán bộ, đảng viên hưu trí luôn nêu cao trách nhiệm, gương mẫu trong các hoạt động công tác, tuyên truyền, vận động gia đình và nhân dân nơi cư trú chấp hành, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương, cơ sở. Nhiều đồng chí có bề dày hoạt động công tác, tích cực đóng góp ý kiến, công sức, trí tuệ trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ của chi bộ, trong xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở nơi cư trú. Không ít cán bộ, đảng viên hưu trí vẫn nhiệt tình, gánh vác nhiệm vụ của Đảng giao, như đảm đương chức vụ bí thư, phó bí thư, cấp ủy viên hay công tác trong các đoàn thể nhân dân ở địa phương, giúp cấp ủy, chi bộ, đoàn thể đưa ra những chương trình, nghị quyết sát với thực tiễn ở cơ sở. Trên cương vị công tác của mình, hầu hết các đồng chí đều phát huy tốt vai trò lãnh đạo của người đảng viên, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ, được quần chúng nhân dân tín nhiệm. Họ suy nghĩ rằng, tham gia hoạt động công tác ở cơ sở không vì có thêm một chút thu nhập, mà xuất phát từ chức trách, nhiệm vụ của người cán bộ, đảng viên, không chỉ góp sức mang lại lợi ích cho tập thể, cho cộng đồng, mà còn thực hiện được mục tiêu, lý tưởng của người đảng viên cộng sản. Họ thấu hiểu rằng, Điều lệ Đảng không quy định tuổi nghỉ hưu cho đảng viên, nên còn sức khỏe là còn cống hiến, không tự biến mình thành những người “vô lo, vô nghĩ”, mà luôn phát huy vai trò lãnh đạo, tính tiền phong, gương mẫu của người đảng viên cộng sản.

Tuy nhiên, có không ít cán bộ, đảng viên khi về hưu bộc lộ những hạn chế, khuyết điểm, với những biểu hiện chính sau đây:

Một là, không thực hiện thủ tục chuyển sinh hoạt đảngQuy định số 24-QĐ/TW, ngày 30-7-2021, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về thi hành Điều lệ Đảng” quy định, đảng viên được cấp có thẩm quyền quyết định chuyển công tác sang đơn vị mới, được nghỉ hưu, nghỉ mất sức, thôi việc, phục viên hoặc thay đổi nơi cư trú lâu dài thì trong thời hạn 60 ngày làm việc kể từ ngày quyết định có hiệu lực hoặc thay đổi nơi cư trú phải làm thủ tục chuyển sinh hoạt đảng chính thức. Đồng thời, trong vòng 30 ngày làm việc kể từ ngày giới thiệu chuyển đi, đảng viên phải xuất trình giấy giới thiệu sinh hoạt đảng với chi uỷ nơi chuyển đến để được sinh hoạt đảng. Nếu quá thời hạn trên, đảng viên hoặc tổ chức đảng vi phạm phải báo cáo lý do cụ thể để cấp uỷ có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định. 

Trong khi đa số thực hiện đúng quy định trên, thì vẫn còn không ít cán bộ, đảng viên khi nghỉ hưu vẫn không thực hiện đúng quy định về thủ tục chuyển sinh hoạt đảng; cụ thể là kê khai không trung thực giữa nơi sinh hoạt đảng và nơi cư trú để “trốn” sinh hoạt đảng; thậm chí còn không nộp hồ sơ đảng, không làm thủ tục chuyển sinh hoạt về nơi cư trú hoặc có nộp, nhưng sinh hoạt thất thường hoặc bỏ sinh hoạt đảng. Tình trạng này đã và đang diễn ra ở khá nhiều nơi, thậm chí có cả đảng viên lúc đương chức là cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, thành phố, cán bộ trung, cao cấp ở các cơ quan của Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang. Thực tiễn ở nhiều địa phương thời gian qua cho thấy, có những trường hợp cán bộ, đảng viên sinh sống ở thành phố không thực hiện chuyển sinh hoạt về đảng bộ xã, phường, thị trấn, khi cấp ủy nơi cư trú có ý kiến thì được trả lời là “đã chuyển sinh hoạt đảng về quê”. Cũng có trường hợp đúng là có chuyển sinh hoạt đảng về quê, nhưng không sinh hoạt, mà nhờ người thân trong gia đình, họ hàng báo vắng với lý do bận việc này, việc khác. Có một bộ phận cán bộ, đảng viên quan niệm rằng, đã nghỉ hưu là hoàn thành nhiệm vụ, được nghỉ ngơi, nên không cần thiết phải sinh hoạt đảng nữa, mà không hiểu rằng, họ đã tự đánh mất vai trò của người đảng viên cộng sản và cố tình quên đi lời hứa danh dự của mình trước Đảng là “suốt đời phấn đấu cho mục tiêu, lý tưởng của Đảng”. Có thể nói, việc không chuyển sinh hoạt đảng để bỏ sinh hoạt đảng là biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, gây ảnh hưởng tiêu cực không chỉ đến uy tín của cá nhân đảng viên, mà còn đến uy tín của cả tổ chức đảng. Đây là “kẽ hở” lớn trong công tác quản lý cán bộ, đảng viên hiện nay.

Hai là, viện mọi lý do để bỏ sinh hoạt đảng. Quy định số 24-QĐ/TW, ngày 30-7-2021, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về thi hành Điều lệ Đảng”; Hướng dẫn số 01-HD/TW, ngày 28-9-2021, của Ban Bí thư, “Về một số vấn đề cụ thể thi hành Điều lệ Đảng” quy định, đảng viên tuổi cao, sức yếu không thể tham gia sinh hoạt đảng thì được xét miễn công tác và sinh hoạt đảng. Quy định này cho phép đảng viên được miễn sinh hoạt, nhưng vẫn bảo đảm các quyền lợi, như được dự đại hội, được cung cấp thông tin theo quy định, được xét tặng Huy hiệu Đảng khi có đủ tiêu chuẩn. Nhưng trên thực tế, không ít cán bộ, đảng viên khi nghỉ hưu thì có tâm lý muốn nghỉ ngơi, xả hơi sau một thời gian dài công tác, nên tìm mọi lý do để được miễn sinh hoạt đảng, thực chất là bỏ sinh hoạt đảng; trong số này, có cả cán bộ, đảng viên trung, cao cấp, những cán bộ, đảng viên từng giữ cương vị trong hệ thống tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể trước khi nghỉ hưu.

Thực tiễn cho thấy, từ năm 1991 đến nay, có không ít cán bộ, đảng viên xin nghỉ sinh hoạt đảng, lấy lý do sức khỏe yếu và nhiều lý do khác. Thật khó để xác định các lý do mà những cán bộ, đảng viên này đưa ra là đúng hay chỉ là nguyên cớ để bỏ sinh hoạt đảng. Tình trạng cán bộ, đảng viên hưu trí lấy lý do sức khỏe hoặc nhiều lý do khác để bỏ sinh hoạt đảng đã và đang diễn ra ở một số nơi, thậm chí có người còn vận động, thuyết phục các đảng viên hưu trí khác bỏ sinh hoạt đảng. Thực chất đây là biểu hiện của sự “nhạt Đảng”, của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, với các biểu hiện khác nhau, như thờ ơ, dao động về tư tưởng chính trị, bàng quan trước vận mệnh của Đảng, của dân tộc, trước khó khăn của đất nước, sa vào chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, cơ hội, thực dụng, phai nhạt lý tưởng cách mạng, thiếu niềm tin vào chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; hoài nghi về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, gây ảnh hưởng xấu không chỉ đến tổ chức đảng, mà còn có tác động tiêu cực tới các lĩnh vực trong đời sống chính trị - xã hội. Do vậy, cần nghiên cứu một cách toàn diện, có hệ thống, nhằm giải quyết vấn đề đang đặt ra trong công tác quản lý cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ và đảng viên hưu trí nói riêng hiện nay.

Ba là, không chịu nhận nhiệm vụ, thoái thác trách nhiệm. Một hiện tượng đáng lưu ý và khá phổ biến là nhiều cán bộ, đảng viên hưu trí không nhận nhiệm vụ, sợ va chạm, sợ trách nhiệm và áp lực công việc, nên tìm mọi cách thoái thác khi tổ chức đảng phân công. Thậm chí, có cán bộ, đảng viên khi còn công tác là cán bộ lãnh đạo, nhưng khi về hưu là “dân thường” thì ít tham gia sinh hoạt chi bộ, không nhận nhiệm vụ khi tổ chức đảng phân công. Có cán bộ, đảng viên hưu trí đến kỳ đại hội chi bộ, lấy đủ lý do “trốn” không tham dự để không phải nhận nhiệm vụ. Một hiện tượng đáng lưu ý là nhiều cán bộ, đảng viên hưu trí không muốn nhận nhiệm vụ ở các đoàn thể nhân dân ở cơ sở xã, phường, thị trấn, thôn, bản, tổ dân phố; không tham gia hoạt động trong các phong trào do địa phương phát động. Đây là một thực tế đáng lo ngại, dễ dẫn đến nguy cơ làm giảm sút tính chiến đấu, tính kỷ luật của tổ chức đảng ở cơ sở. Bởi lẽ hiện nay, việc kết nạp đảng viên mới ở cơ sở, nhất là ở nông thôn rất khó khăn, vì thiếu nguồn phát triển đảng viên, khi có tình trạng phổ biến là nhiều thanh niên, đảng viên trẻ rời địa phương đi làm ăn xa. Vì vậy, cán bộ, đảng viên hưu trí không đảm đương công tác, sẽ tạo ra khoảng trống lớn ở cơ sở. Có thể nói, việc thoái thác nhiệm vụ được giao của một bộ phận cán bộ, đảng viên hưu trí là biểu hiện thiếu tính tự giác, thiếu tính tiền phong, gương mẫu, thiếu tính đảng, tự đánh mất vai trò lãnh đạo của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Bốn là, phát ngôn tùy tiện, viết và đăng bài sai sự thật. Tình trạng phát ngôn tùy tiện, nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, nói một đằng làm một nẻo, nói không nhất quán, đang tồn tại trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; trong đó, có cả cán bộ, đảng viên hưu trí, mà trước khi về hưu đã từng giữ cương vị, trọng trách trong các cơ quan đảng, chính quyền. Gần đây, có một bộ phận cán bộ, đảng viên hưu trí tỏ thái độ công thần, bất mãn, hay nói ngang, nói trái, nói và làm không nhất quán giữa lúc đương chức với khi nghỉ hưu, nói trong hội nghị một kiểu, nói ngoài hội nghị một khác, nêu những ý kiến lệch lạc, nhìn nhận phê phán lịch sử thiếu khách quan, thiếu toàn diện, gây chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ. Một số cán bộ, đảng viên khi còn đương chức thì tuân thủ nghiêm kỷ luật của Đảng, nhưng khi về hưu có thì biểu hiện “trở cờ”, “sám hối”. Ở mức độ nhẹ, họ nêu ra ý kiến một chiều về những vấn đề nhạy cảm trong xã hội, mà chưa được kiểm chứng hoặc có một bộ phận cán bộ, đảng viên còn hùa theo, ủng hộ một cách vô nguyên tắc những ý kiến sai trái. Ở mức độ cao, họ lấy lý do là “phản biện xã hội”, là “dân chủ” để phát ngôn, tuyên truyền công khai những ý kiến chủ quan, những quan điểm sai trái, công khai chê bai, đả kích, phủ nhận đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; khai thác về đời tư rồi bịa đặt, thêm thắt, nhằm xuyên tạc, bôi nhọ, hạ thấp uy tín lãnh tụ và đội ngũ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước ta.

Có một bộ phận thường xuyên nghe đài, xem video, các phương tiện truyền thông xã hội của các thế lực phản động hoặc chia sẻ những thông tin xấu, độc, thông tin trên không gian mạng chưa được kiểm chứng. Nguy hại hơn, một bộ phận cán bộ, đảng viên trí thức, hưu trí, thậm chí có cả cán bộ, đảng viên trung, cao cấp có hiểu biết rộng, nhưng do mâu thuẫn cá nhân, bất mãn, nên đã viết “hồi ký” rồi phát tán, viết bài dưới góc độ chủ quan, bình luận, tuyên truyền các vấn đề sai trái, đăng tải tin, bài sai sự thật trên mạng xã hội, mà thực chất là phủ nhận những thành tựu to lớn của cách mạng Việt Nam; thổi phồng khuyết điểm, khoét sâu những tiêu cực, bôi đen hình ảnh đất nước, gây nguy hại trong dư luận xã hội. Nhiều trường hợp thường xuyên trả lời báo chí nước ngoài mang tính chống phá hoặc tham gia các nhóm “xã hội dân sự”. Một số khác, khi được các trang mạng tán dương, dưới những mỹ danh “nhà yêu nước”, “nhà dân chủ” thì lại càng khoe mẽ, tỏ ra hợm hĩnh, mà không biết mình đang bị lợi dụng để trở thành “cái loa”, “con rối” trong tay bọn cơ hội, phản động, phản bội lại lợi ích của quốc gia, dân tộc.

Có thể nói, thực trạng nêu trên là biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, gây tác hại không nhỏ cho Đảng, ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của tổ chức đảng, tác động trực tiếp đến tư tưởng, tâm lý, mục tiêu, lý tưởng phấn đấu vào Đảng của thế hệ trẻ - những nhân tố tích cực tiếp tục sự nghiệp vẻ vang của Đảng. Tác hại của những hiện tượng trên là rất nghiêm trọng, trực tiếp làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý của Nhà nước.

Định hướng và một số giải pháp chủ yếu nhằm tiếp tục giữ vững, phát huy tốt vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên hưu trí

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến trao Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng và 70 năm tuổi Đảng cho vợ chồng đảng viên lão thành ở quận Đống Đa, thành phố Hà Nội_Nguồn: thanglong.chinhphu.vn

Bước vào giai đoạn phát triển mới, đất nước ta tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn đang hiện hữu, có mặt còn gay gắt hơn; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” còn diễn biến phức tạp. Thực tiễn đó đòi hỏi phải đặc biệt coi trọng và đưa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng lên tầm cao mới, gắn liền với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa sống còn đối với sự tồn vong của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Trên thực tế, những quy định, hướng dẫn thi hành Điều lệ Đảng về công tác quản lý đảng viên, trong đó có cả quản lý về đội ngũ cán bộ, đảng viên hưu trí, chưa bao quát hết tình hình thực tiễn, còn có những “kẽ hở”. Vì vậy, để phát huy tốt vai trò của đội ngũ này, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, nêu cao tính tự giác, tính gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Trước khi nghỉ hưu, cán bộ, đảng viên cần lên kế hoạch nghỉ hưu và sắp xếp những việc bản thân muốn làm để tránh sự nhàn rỗi đến mức nhàm chán. Cần xác định bản thân mong muốn điều gì, tìm kiếm những công việc thú vị, ưa thích và có ý nghĩa, như tham gia các hoạt động của tổ chức đảng, của cộng đồng,…; đồng thời, trải nghiệm những điều mới mẻ, thú vị, như đi tham quan, du lịch, thể dục, thể thao, tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Có như vậy, những người về hưu sẽ không bị chi phối bởi các cảm xúc tiêu cực, mà thay vào đó là xây dựng những cảm xúc tích cực, hạnh phúc, vui vẻ với một “chương” mới trong cuộc đời.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc nhở, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” để nhấn mạnh vai trò lãnh đạo, tính tiền phong, gương mẫu của người đảng viên, cho dù ở môi trường, hoàn cảnh nào; vì thế, người cán bộ, đảng viên hưu trí phải giữ vững bản lĩnh chính trị, lập trường, quan điểm, không ngừng rèn luyện và tu dưỡng phẩm chất, đạo đức cách mạng, tư cách người đảng viên cộng sản. Khi nghỉ hưu, cán bộ, đảng viên không nên viện lý do “khó” để không chuyển sinh hoạt đảng, bỏ sinh hoạt đảng hoặc trốn tránh nhiệm vụ khi tổ chức đảng phân công hoặc phát ngôn, viết bài tùy tiện,... Phải nhận thức được rằng, những việc làm sai trái đó sẽ gây ảnh hưởng đến hình ảnh, không chỉ của cá nhân cán bộ, đảng viên, mà còn làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với vai trò lãnh đạo của Đảng; theo đó, phải suy nghĩ thật sâu sắc rằng, đã là đảng viên cộng sản thì phải suốt đời phấn đấu cho mục tiêu, lý tưởng cao đẹp của Đảng, cho sự nghiệp cách mạng, cho tự do, hạnh phúc của nhân dân. Quan trọng hơn, mỗi cán bộ, đảng viên hưu trí cần “tự soi”, “tự sửa” hằng ngày để khắc phục những khuyết điểm, phát huy những ưu điểm, nêu cao tinh thần tự giác, tính tiền phong gương mẫu của người đảng viên được ghi trong Điều lệ Đảng và lời thề danh dự khi vào Đảng. Không ngừng rèn luyện ý thức tổ chức, kỷ luật, thường xuyên tự phê bình và phê bình, tự tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống, tích cực tham gia và đóng góp ý kiến trong sinh hoạt chi bộ, thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao; tự giác nghiên cứu, học tập và tích cực tuyên truyền vận động quần chúng thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không ngừng nêu cao tính đảng, vai trò lãnh đạo của Đảng trên mọi phương diện, củng cố niềm tin vào mục tiêu, lý tưởng mà mình đã chọn. Tuyệt đối không để rơi vào tình trạng nhận thức mơ hồ, phiến diện; thay vào đó, cần tỉnh táo nhìn nhận, phân tích, bình luận một cách khách quan, khoa học, biện chứng vì cái chung, vì đại cục; đồng thời, phải thực hiện nghiêm Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 25-10-2021, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, “Về những điều đảng viên không được làm”; tích cực góp ý xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, cơ sở, ra sức xây dựng tổ chức đảng, chính quyền ở nơi cư trú trong sạch, vững mạnh.

Thứ hai, khắc phục những “kẽ hở” trong công tác quản lý đội ngũ cán bộ, đảng viên hưu trí hiện nay

Thời gian qua, công tác quản lý đội ngũ cán bộ, đảng viên hưu trí ở nhiều nơi còn lỏng lẻo, chưa sâu sát. Cụ thể như: Thủ tục chuyển sinh hoạt đảng cho đảng viên hưu trí có nơi thực hiện chưa nghiêm, việc thực hiện các khâu của quy trình chuyển sinh hoạt đảng được quy định tại điểm a, điểm c, mục 6.3 của Quy định số 24-QĐ/TW, ngày 30-7-2021, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về thi hành Điều lệ Đảng” cần được thực hiện nghiêm túc. Ở một số nơi, việc ghi phiếu báo hồ sơ chuyển đảng viên tới nơi sinh hoạt mới thực hiện còn qua loa, đại khái. Một mặt, có trường hợp cán bộ làm thủ tục chuyển hồ sơ sinh hoạt cho cán bộ, đảng viên hưu trí do nể nang, nên không ghi hoặc ghi không khớp giữa nơi chuyển đến sinh hoạt đảng với nơi cán bộ, đảng viên hưu trí cư trú; từ đó, dẫn tới thực tế là có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên lợi dụng “kẽ hở” này để không nộp hồ sơ, tự ý bỏ sinh hoạt đảng. Mặt khác, tại điểm d, mục 6.3, điều 6 của Quy định trên ghi rõ: Khi chuyển sinh hoạt đảng chính thức cho đảng viên, cấp ủy nơi cán bộ, đảng viên đang sinh hoạt và công tác làm đầy đủ thủ tục, niêm phong hồ sơ, giao cho cán bộ, đảng viên trực tiếp mang theo để báo cáo với tổ chức đảng làm thủ tục giới thiệu và tiếp nhận sinh hoạt đảng theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương. Nhưng trên thực tế thì hầu hết các chi bộ đều giao trực tiếp cho cán bộ, đảng viên tự cầm hồ sơ để làm thủ tục chuyển sinh hoạt đảng, dẫn tới tạo “kẽ hở” trong công tác quản lý cán bộ, đảng viên, khi một số cán bộ, đảng viên thiếu tính tự giác đã cầm hồ sơ cất đi, không nộp cho tổ chức đảng cấp trên và tổ chức cơ sở đảng nơi chuyển đến sinh hoạt đảng.

Để chấn chỉnh tình trạng trên, cần phải “khép kín” quy trình chuyển sinh hoạt đảng. Cụ thể là, cấp ủy cơ sở nơi cán bộ, đảng viên sinh hoạt trước khi nghỉ hưu phải làm thủ tục chuyển sinh hoạt đảng cho đảng viên tại đảng ủy cấp trên cơ sở, để cấp ủy cấp trên viết hai phiếu báo gửi về cấp ủy cơ sở và cấp ủy cấp trên cơ sở nơi cán bộ, đảng viên sinh hoạt đảng sau khi nghỉ hưu; sau đó, mới cầm hồ sơ và giấy chuyển sinh hoạt đảng về giao cho cán bộ, đảng viên thực hiện các bước tiếp theo trong quy trình chuyển sinh hoạt đảng về nơi cư trú. Do vậy, Trung ương cần có hướng dẫn cụ thể riêng cho đối tượng là cán bộ, đảng viên hưu trí, bởi đây là đối tượng có số lượng đông, có ảnh hưởng lớn đến chất lượng, năng lực, sức chiến đấu của tổ chức đảng ở cơ sở nói riêng và của Đảng nói chung. Trước thực trạng không ghi phiếu báo hồ sơ chuyển sinh hoạt đảng cho cán bộ, đảng viên hưu trí, ghi không đúng nơi chuyển đến hoặc ghi nơi chuyển đến không khớp với nơi đảng viên cư trú hiện tại, thì các quy định của Trung ương cần quy định rõ trách nhiệm của đảng ủy cấp trên cơ sở trong việc phải viết hai phiếu báo chuyển sinh hoạt đảng gửi bằng đường công văn: Một phiếu gửi cấp ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng nơi cán bộ, đảng viên chuyển đến, một phiếu gửi cấp ủy cơ sở nơi cán bộ, đảng viên chuyển đến sinh hoạt. Muốn vậy, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc gửi phiếu báo chuyển sinh hoạt đảng, tiến hành lưu trữ, cập nhật sổ sách rõ ràng; đồng thời, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm cho cán bộ làm nghiệp vụ công tác đảng viên. Trước thực trạng cán bộ, đảng viên cư trú một nơi, nhưng khi về hưu lại xin chuyển hồ sơ sinh hoạt đảng về nơi khác, phổ biến nhất là các trường hợp cán bộ, đảng viên cư trú ở thành phố, nhưng xin chuyển sinh hoạt đảng về nông thôn, thì một mặt, đảng ủy cấp trên cơ sở nơi cán bộ, đảng viên đang sinh hoạt yêu cầu phải có ý kiến xác nhận của cấp ủy nơi chuyển đến thì mới làm thủ tục chuyển sinh hoạt đảng. Mặt khác, đề nghị các chi bộ cơ sở phải sâu sát, nắm bắt, rà soát thường xuyên cán bộ, đảng viên sắp về hưu, đảng viên chuyển từ nơi này sang nơi khác sinh sống mà không chuyển sinh hoạt đảng để báo cáo với cấp trên xử lý nghiêm khắc, tránh nể nang, dễ dãi; đồng thời, phải làm tốt công tác tư tưởng đối với họ, nhằm phát huy tinh thần tự giác, trách nhiệm, gương mẫu trong việc chuyển hồ sơ sinh hoạt đảng và tham gia sinh hoạt đảng.

Thứ ba, giữ nghiêm kỷ luật của Đảng.

Điều 8, khoản 1, Điều lệ Đảng ghi rõ: Đảng viên bỏ sinh hoạt chi bộ hoặc không đóng đảng phí ba tháng trong năm mà không có lý do chính đáng; đảng viên giảm sút ý chí chiến đấu, không làm nhiệm vụ đảng viên, đã được chi bộ giáo dục mà không tiến bộ thì chi bộ xem xét, đề nghị cấp trên có thẩm quyền xóa tên trong danh sách đảng viên. Một biện pháp quản lý cán bộ, đảng viên hưu trí được các cấp ủy đồng tình cao, đó là khi phát hiện được cán bộ, đảng viên tự ý bỏ sinh hoạt đảng thì thực hiện nghiêm các quy định của Đảng về xóa tên đảng viên đó trong danh sách đảng viên để bảo đảm tính nghiêm minh trong kỷ luật của Đảng. Đối với trường hợp viện dẫn đủ lý do không chính đáng để lạm dụng chủ trương miễn sinh hoạt đảng hoặc bỏ sinh hoạt đảng, cần có hình thức kỷ luật thật thích đáng. Để chấn chỉnh tình trạng này, Trung ương cần điều chỉnh quy định, theo đó thẩm quyền miễn sinh hoạt đảng phải là đảng bộ cấp trên cơ sở, kèm theo đơn xin miễn sinh hoạt của cán bộ, đảng viên và cần có xác nhận của cơ quan y tế về tình trạng sức khỏe không bảo đảm việc tham gia sinh hoạt đảng. Bên cạnh đó, cấp ủy cần tăng cường kiểm tra, giám sát, kết hợp với tuyên truyền, giáo dục, nhằm nâng cao tính tự giác, vai trò lãnh đạo, tính tiền phong gương mẫu của người cán bộ, đảng viên hưu trí. Đối với những cán bộ, đảng viên hưu trí có biểu hiện đùn đẩy, trốn tránh trách nhiệm hoặc cố tình không nhận nhiệm vụ được giao, thực chất là “không làm nhiệm vụ đảng viên” như Điều lệ Đảng đã ghi, thì ngoài việc tuyên truyền, vận động nêu cao tinh thần, trách nhiệm, sẵn sàng nhận nhiệm vụ của người đảng viên, thì các cấp ủy, chi bộ quản lý trực tiếp cần có các biện pháp tham mưu cho cấp ủy xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên theo quy định. Tránh tình trạng cấp ủy biết rõ cán bộ, đảng viên hưu trí có biểu hiện thoái thác nhiệm vụ, cố tình trốn tránh trách nhiệm, nhưng vẫn bỏ qua, thậm chí cuối năm vẫn bình bầu “hoàn thành tốt nhiệm vụ” hoặc “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Đối với cán bộ, đảng viên không tôn trọng kỷ luật phát ngôn, viết và đăng tải tin, bài sai sự thật, thì tùy theo mức độ nặng nhẹ, cần phải được xử lý nghiêm, như trong Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 25-10-2021, chỉ rõ: “Đảng viên vi phạm Quy định này phải được xử lý nghiêm minh, chính xác, kịp thời theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước”. Các cấp ủy, chi bộ cơ sở cần coi trọng công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm giữ vững kỷ luật, kỷ cương của Đảng nói chung và kỷ luật phát ngôn nói riêng; đặc biệt, khi có trường hợp viết bài trái với quan điểm của Đảng để phát tán thì phải báo cáo kịp thời lên cấp ủy cấp trên để có hình thức xử lý; đồng thời, thường xuyên quan tâm làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, đảng viên hưu trí.

Thứ tư, tăng cường công tác quản lý đảng viên, đổi mới sinh hoạt chi bộ hưu trí. Các cấp ủy, chi bộ hưu trí cần tăng cường công tác quản lý cán bộ, đảng viên hưu trí theo Điều lệ Đảng và các quy định của Đảng. Trung ương cần bổ sung, hoàn thiện quy định về quản lý cán bộ, đảng viên nói chung và quản lý cán bộ, đảng viên hưu trí nói riêng, xóa bỏ những “kẽ hở” dễ bị lợi dụng. Cụ thể là, cần bổ sung, hoàn thiện quy định về thủ tục chuyển sinh hoạt đảng, về điều kiện, thẩm quyền, thủ tục xét duyệt miễn sinh hoạt đảng, về cán bộ, đảng viên không chấp hành sự phân công của tổ chức đảng, về kỷ luật phát ngôn, viết bài phát tán tùy tiện,… cho phù hợp với tình hình mới. Các cấp ủy, chi bộ nơi cán bộ, đảng viên hưu trí sinh hoạt cần đổi mới phong cách, phương thức lãnh đạo, đổi mới cách ra nghị quyết, tăng cường tổ chức thực hiện nghị quyết, kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện nghị quyết. Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động của chi bộ, cấp ủy. Sinh hoạt cấp ủy, chi bộ cần ngắn gọn, tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm, đẩy mạnh và tăng cường tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ, khắc phục tình trạng sinh hoạt cấp ủy, chi bộ rườm rà, mất thời gian, nặng về thủ tục giấy tờ và cần đi thẳng vào những nội dung trọng tâm, chủ yếu, sâu sát với thực tiễn ở cơ sở./.