TCCS - Trải qua một năm nhiều biến động, Quảng Ninh vẫn giữ vững địa bàn “An toàn - ổn định - phát triển”. Tỉnh xác định hoàn thành mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả, vừa bảo đảm duy trì sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế. Tuy đối mặt không ít khó khăn, tỉnh vẫn giữ được đà tăng trưởng 2 con số, ghi nhận nhiều thành quả tích cực trong công tác an sinh xã hội.

Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh kiểm tra chốt kiểm soát phòng, chống dịch tại thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh _ Ảnh: quangninh.gov.vn

Duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế

Tổng kết 3 quý đầu năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Ninh ước đạt 10,21%, cao hơn 1,36 điểm % so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 44.870 tỷ đồng, bằng 85% dự toán năm, 81,5% kịch bản, 119% cùng kỳ, trong đó, thu nội địa đạt khoảng 30.0000 tỷ đồng, tăng 13% cùng kỳ. Trong đó lĩnh vực dịch vụ du lịch của tỉnh Quảng Ninh có sự bứt phá mạnh mẽ với 9,7 triệu lượt du khách đến Quảng Ninh, gấp 3,55 lần cùng kỳ, bằng 83,7% kịch bản tăng trưởng, trong đó khách quốc tế 177.000 lượt; tổng doanh thu du lịch đạt 20.864 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ, bằng 82,9% kịch bản tăng trưởng...

Sự ổn định phát triển của ngành than cũng là một yếu tố góp phần tăng trưởng cho kinh tế của Quảng Ninh. Mặc dù phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn thách thức trong thời gian qua, nhất là ảnh hưởng của dịch COVID-19 song ngành than luôn cố gắng duy trì được các mục tiêu tăng trưởng, phát triển sản xuất, ổn định việc làm, thu nhập và bảo đảm đời sống cho gần 14 vạn cán bộ, công nhân ngành than. Theo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), 10 tháng đầu năm 2022, doanh thu toàn tập đoàn ước đạt 133.200 tỷ đồng (đạt 101% kế hoạch năm, tăng 20% so với cùng kỳ). Trong đó, doanh thu than đạt 80.300 tỷ đồng (bằng 107% kế hoạch năm, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước). TKV đã nộp ngân sách nhà nước 17,5 nghìn tỷ đồng (tương đương 97% so với kế hoạch và bằng 113% so với cùng kỳ), trong đó riêng nộp ngân sách tại tỉnh Quảng Ninh là 12.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, một trong những mục tiêu được tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm là đổi mới xúc tiến đầu tư, ưu tiên thu hút vốn FDI thế hệ mới vào lĩnh vực chế biến, chế tạo. Đồng thời luôn sát cánh cùng doanh nghiệp, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh. Từ đầu năm 2022 đến nay, Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh đã tiếp xúc, làm việc trực tiếp kết hợp trực tuyến với trên 20 lượt nhà đầu tư nước ngoài để trao đổi những vấn đề liên quan đến ngành, lĩnh vực thu hút đầu tư, cơ chế, chính sách đầu tư, thủ tục đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế. Sau làm việc, hầu hết nhà đầu tư đã đặt vấn đề nghiên cứu, tìm hiểu đầu tư và có cam kết quá trình thực hiện dự án. Tính đến hết tháng 9-2022, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 153 dự án FDI đang hoạt động sản xuất - kinh doanh, với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 10,31 tỷ USD. Trong đó, có 91 dự án tại địa bàn các khu công nghiệp, khu kinh tế với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 4,36 tỷ USD (bao gồm cả dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp); 62 dự án ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế với tổng vốn đầu tư trên 5,95 tỷ USD. Mới đây, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Ninh năm 2022 với chủ đề “Quảng Ninh hội tụ và lan tỏa”, đã có những biên bản ghi nhớ, cam kết đầu tư với hơn 1,5 tỷ USD vào Quảng Ninh. Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh cũng tập trung xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn có trọng tâm, trọng điểm tập trung vào các khu kinh tế, đặc biệt là khu kinh tế Quảng Yên. Phấn đấu cả năm 2022 đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế hơn 11%, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn hơn 52.600 tỷ đồng. 

Giữ vững địa bàn an toàn để phát triển kinh tế

Để hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các địa phương trong tỉnh đẩy nhanh tiến độ triển khai, nâng cao tỷ lệ giải ngân, chất lượng công trình đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của tất cả các cấp, các ngành trong quý IV-2022. Đặc biệt trong thời gian còn lại của năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là nỗ lực đẩy nhanh tiến độ triển khai, nâng cao tỷ lệ giải ngân, chất lượng công trình đầu tư công, tập trung nâng cao hiệu quả chi ngân sách hoàn thành vững chắc nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác giải ngân vốn đầu tư công 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh yêu cầu người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên; rà soát điều chuyển kế hoạch đầu tư vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt; chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân cũng như hiệu quả đầu tư; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ cương, xử lý nghiêm các vi phạm. Coi kết quả giải ngân là căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2022.

Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng tăng cường công tác phối hợp thực hiện 6 kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh về quản lý thuế kinh doanh nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê, căn hộ du lịch, cho thuê mặt bằng kinh doanh; hoạt động vận tải; khai thác khoáng sản; xây dựng; kinh doanh xăng dầu và kinh doanh bất động sản. Đồng thời, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các địa phương khẩn trương triển khai thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố; thu tiền sử dụng khu vực biển; khẩn trương có giải pháp tăng tiến độ thu tiền sử dụng đất nhằm bảo đảm nguồn vốn giải ngân chi đầu tư phát triển...

Nhằm cải thiện môi trường đầu tư, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục rà soát các khó khăn vướng mắc của dự án để hỗ trợ tháo gỡ kịp thời cho nhà đầu tư, hoàn thiện hồ sơ trình bổ sung khu công nghệ thông tin tập trung Hạ Long vào quy hoạch quốc gia, thí điểm trợ lý ảo trong giải quyết thủ tục hành chính, thí điểm một số thủ tục hành chính chỉ tiếp nhận hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến, thí điểm một số thủ tục hành chính thực hiện trong ngày... Đặc biệt, tỉnh cũng đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các đề án, như Đề án tổng thể phát triển hoàn thiện hạ tầng giao thông, khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế du lịch, gắn với chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống nhân dân tại các địa phương Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ giai đoạn 2021 - 2025; Đề án khôi phục bảo tồn 4 làng dân tộc miền núi trên địa bàn tỉnh gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái; Đề án cấp nước sạch nông thôn tỉnh Quảng Ninh (trong đó có địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo) giai đoạn 2021 - 2025...

Nhân lên lực đẩy mạnh và sức lan tỏa lớn từ vị thế một cực tăng trưởng

Với mục tiêu trở thành một cực tăng trưởng mạnh, có sức hút và lực đẩy lan tỏa toàn vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước, nỗ lực phát triển kinh tế bền vững, có năng lực cao trong điều hành nền kinh tế - xã hội, Quảng Ninh xác định cần tập trung đầu tư, phát triển vào một số lợi thế ưu tiên sau:

Thứ nhất, phát huy lợi thế tự nhiên. Xét về vị trí địa lý, Quảng Ninh nằm ở phía Đông Bắc của Việt Nam, được ví như “một Việt Nam thu nhỏ”, là cửa ngõ giao thương, phát triển kinh tế quan trọng và sôi động với ASEAN. Quảng Ninh cũng là địa phương có trữ lượng than lớn nhất Đông Nam Á, cùng nhiều tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, điện khí). Đồng thời, Quảng Ninh cũng được sở hữu di sản - kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long với hơn 6.000km2 mặt biển, cùng danh thắng Yên Tử, thương cảng Vân Đồn và mạng lưới di tích lịch sử - văn hóa lâu đời. Điều kiện tự nhiên đó đã giúp quảng bá rộng rãi hình ảnh Quảng Ninh đến với du khách, nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Thứ hai, duy trì thương hiệu. Quảng Ninh là một trong những địa phương dẫn đầu về tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ và hiện đại với trọng tâm là phát triển hạ tầng giao thông chiến lược (gồm cả đường bộ cao tốc, đường hàng không, đường thủy - hàng hải quốc tế), hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng logistics, hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế, hạ tầng dịch vụ, du lịch, hạ tầng đô thị. Kiên trì kiến tạo các hành lang giao thông gắn với các hành lang kinh tế, hành lang đô thị. Tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái là mảnh ghép cuối cùng được hoàn thành của tuyến cao tốc xuyên tỉnh Quảng Ninh, thực hiện đúng quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, kết nối hành lang kinh tế đông - tây, tạo ra kết nối vùng, phù hợp chủ trương của Đảng đưa Quảng Ninh và Hải Phòng trở thành hai cực tăng trưởng mới của khu vực phía Bắc nước ta.

Thứ ba, thống nhất và đồng lòng. Các cấp chính quyền tỉnh Quảng Ninh luôn chủ động kiến tạo và mạnh mẽ đổi mới toàn diện tư duy, hướng tới phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, đồng bộ về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường sinh thái. Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh và chủ quyền biên giới quốc gia; đặt mục tiêu tăng trưởng bền vững dựa vào ba trụ cột: thiên nhiên, con người, văn hóa. Những kết quả mà tỉnh Quảng Ninh đã và đang thực hiện thành công trong việc tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông tổng thể, liên kết vùng, nội vùng và liên kết khu vực, quốc tế, biến không thể thành có thể, biến khó thành dễ, đã cho thấy tính tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh. Trên hết và quan trọng hơn cả là thể hiện sự hội tụ được sức mạnh của khối đại đoàn kết, sự đồng lòng và nhất trí cao của cả hệ thống chính trị, thể hiện bản lĩnh, trách nhiệm của người đứng đầu qua các thế hệ lãnh đạo của tỉnh Quảng Ninh./.