TCCS - Những năm qua, thành phố Hà Nội đã thực hiện kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai các dự án kết cấu hạ tầng đô thị trọng điểm. Nhờ đó, kết cấu hạ tầng trên địa bàn Thủ đô từng bước được đồng bộ, hiện đại và mở rộng về quy mô.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng kiểm tra tiến độ Dự án tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội _Ảnh: Tư liệu

Đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển đô thị

Nhằm xây dựng hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối nội thành với ngoại thành, đô thị vệ tinh với các tỉnh, thành phố lân cận để tăng cường liên kết vùng, mở rộng không gian phát triển, thành phố Hà Nội nghiên cứu nhiều dự án giao thông quan trọng, hoàn thành xây dựng các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, đường vành đai, hệ thống đường kết nối nội vùng và liên vùng theo quy hoạch. Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tập trung cho đầu tư, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ. Theo đó, tính đến hết năm 2021, chỉ tiêu diện tích đất dành cho giao thông đạt 10,21%, đã tổ chức triển khai 97 dự án cải tạo, sửa chữa hạ tầng giao thông, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch, nhận bàn giao, triển khai kế hoạch vận hành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Hà Nội hoàn thành các công trình giao thông trọng điểm và cấp bách, mở thêm 26 tuyến xe buýt, nâng tổng số xe buýt nội đô lên 118 tuyến; đồng thời bảo đảm tỷ lệ chiếu sáng đô thị tối thiểu từ 95 - 98%.

Thành phố còn triển khai đầu tư xây dựng, nâng công suất một số nhà máy sử dụng nguồn nước mặt sông Đà, sông Hồng, sông Đuống..., bảo đảm cấp nước sạch ổn định cho 100% số người dân đô thị. Khu vực nông thôn có 252/414 xã được tiếp cận nguồn nước sạch từ việc đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung của thành phố. Tổng lượng nước thải được xử lý đạt trên 68,2 triệu mét khối, tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt 28,8%. Trong năm 2021, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 152/KH-UBND nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dụng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát điện tại Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) và Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây). Tăng cường đôn đốc tiến độ thi công, tháo gỡ khó khăn cho Nhà máy điện rác 4.000 tấn Sóc Sơn, hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư Nhà máy điện rác Seraphin. Đối với hạ tầng điện, năm 2021 thực hiện giải phóng mặt bằng hỗ trợ dự án đường dây 500kV Tây Hà Nội - Thường Tín; đường dây 500kV Nho Quan - Thường Tín (mạch 2); đường dây 220kV Phủ Lý - Thường Tín, nâng công suất Trạm biến áp 220kV Xuân Mai... Bên cạnh đó, công tác phát triển nhà ngày càng được quan tâm. Năm 2018, tổng diện tích sàn nhà ở hoàn thành đạt hơn 10,2 triệu mét vuông; diện tích bình quân nhà ở trên đầu người đạt 25,86m2/người. Tính đến tháng 10-2022, trên địa bàn Thủ đô có khoảng 266 dự án khu đô thị, khu nhà ở có quy mô diện tích từ 2ha trở lên, tập trung ở các quận mới thành lập và các huyện đang triển khai đề án phát triển thành quận. Trong đó, có 98 dự án cơ bản hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng đầu tư hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Các công trình trường học, nhà trẻ, y tế, văn hóa, chợ được đầu tư xây dựng, cơ bản đáp ứng nhu cầu nhân dân.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng, tính đến tháng 11-2022, Hà Nội đã phê duyệt 29/38 đồ án quy hoạch phân khu, 31/33 đồ án quy hoạch chung; tỷ lệ phủ kín quy hoạch theo diện tích là 86%. Công tác quy hoạch phân khu, quy hoạch chung được tích cực thực hiện với chất lượng tốt. Công tác quản lý đô thị, quản lý quy hoạch được duy trì. Tình trạng vi phạm quy định quản lý đô thị, trật tự công cộng giảm dần; quản lý trật tự xây dựng, đất đai bước đầu có chuyển biến tích cực.

Còn nhiều hạn chế, vướng mắc

Tuy nhiên, trong 266 dự án khu đô thị, khu nhà ở quy mô từ 2ha trở lên, hiện có tới 168 dự án chưa hoàn thành hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, chiếm 63%. Một số khu đô thị, khu nhà ở sau khi đưa vào khai thác, sử dụng vẫn chưa đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật theo quy định, chưa khớp nối đồng bộ với hạ tầng khu vực. Có thể kể đến Dự án Khu đô thị mới Dịch Vọng, quận Cầu Giấy triển khai từ cách đây 20 năm, nhưng có đường số 1 khu đô thị có chiều dài khoảng 500m, mặt cắt ngang 17,5m kết nối đường Vành đai 2,5 với phố Khúc Thừa Dụ vẫn chưa hoàn thành. Tại Khu đô thị mới C2 Gamuda, quận Hoàng Mai còn tuyến đường phía Bắc có mặt cắt 30m nhiều năm chưa được triển khai do chồng lấn Khu công nghiệp Vĩnh Tuy giai đoạn 2… Một số công trình hạ tầng xã hội thiết yếu, như trường học, vườn hoa, cây xanh, hồ nước, bãi đỗ xe, khu vui chơi giải trí chậm triển khai, chưa được đầu tư đồng bộ theo dự án được phê duyệt, gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Đơn cử như Dự án Khu đô thị mới Phùng Khoang thuộc phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm được phê duyệt năm 2007, có quy hoạch Công viên - hồ điều hòa, tuy nhiên hiện nay phần diện tích công viên đã biến thành bãi tập kết rác thải. Tại Khu đô thị Dương Nội có Công viên Thiên văn học được Tập đoàn Nam Cường xây dựng từ quý II-2017, tổng diện tích 12ha với tổng vốn đầu tư 260 tỷ đồng, nhưng sau hai năm kể từ khi hoàn thành công viên này vẫn chưa đưa vào hoạt động… Các hạng mục phía bên ngoài công viên đã xuống cấp. Nhiều công trình, dự án chậm triển khai do phụ thuộc vào kế hoạch đầu tư công trung hạn. Dự án nước sạch nông thôn, nhà máy đốt rác phát điện triển khai chậm tiến độ. Công tác quản lý vận hành nhà chung cư tái định cư, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ xảy ra nhiều bất cập... 

Nguyên nhân của những hạn chế, vướng mắc trên một phần do các quy định hiện hành còn chồng chéo, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện chưa được tháo gỡ. Việc xây dựng kế hoạch lập quy hoạch còn hạn chế, chưa dự báo và lường được hết những khó khăn, vướng mắc trong triển khai. Mặt khác, trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng, các chủ đầu tư tự ý chuyển nhượng dự án hoặc một phần dự án khi chưa đủ điều kiện... Nhiều khu đô thị người dân đến sống đông đúc nhưng chưa thực hiện đầu tư bãi đỗ xe. Tại nhiều khu đô thị, tình trạng mất nắp hố ga, thiếu rào chắn, rào chắn cản trở giao thông. Tình trạng trên diễn ra trong thời gian dài, ảnh hưởng xấu đến chất lượng sống của người dân. Một số khu đô thị mặc dù hạ tầng giao thông đã hoàn thành, tuy nhiên chưa hoàn thành thủ tục bàn giao cho thành phố cũng như cho quận, huyện quản lý theo phân cấp, dẫn đến các tuyến đường mặc dù đã hoàn thành nhưng chưa có đơn vị quản lý. Sở Giao thông Vận tải đã có nhiều văn bản gửi các chủ đầu tư, song một số chủ đầu tư đưa ra nhiều lý do để chưa bàn giao, dẫn đến nảy sinh bất cập trong quá trình khai thác.

Theo Nghị quyết số 15-NQ/TW về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, mục tiêu đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực; đến năm 2045, là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Để đạt được mục tiêu đó, thành phố Hà Nội cần tập trung đầu tư phát triển, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội một cách tổng thể, đồng bộ, hiện đại và hiệu quả; trong đó chú trọng phân bổ, ưu tiên hợp lý nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, kết hợp với đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội cho các dự án kết cấu hạ tầng, nhất là dưới hình thức đối tác công - tư (PPP), gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Thành phố cần đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại; hoàn thành xây dựng các tuyến đường quốc lộ, đường cao tốc, đường vành đai, hệ thống đường kết nối nội vùng và liên vùng theo quy hoạch, đồng bộ với quy hoạch kiến trúc, cảnh quan, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại; đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị, đầu tư xây dựng thêm các cầu qua sông Hồng, sông Đuống,... nhằm hoàn thiện các kết cấu hạ tầng then chốt, phục vụ sự phát triển chung của Thủ đô./.