Khơi dậy khát vọng vươn lên và phát huy vai trò chủ thể của giai cấp nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới
TCCS - Khơi dậy khát vọng vươn lên, xây dựng giai cấp nông dân trở thành lực lượng lao động tiên tiến, có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao và phát huy vai trò chủ thể của giai cấp nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới là chủ trương đúng đắn của Đảng. Chủ trương này được Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định, tạo động lực để giai cấp nông dân vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phát triển nông nghiệp thịnh vượng, giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại.
Vị trí, vai trò của giai cấp nông dân trong tiến trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Ở nước ta, nông nghiệp và kinh tế nông thôn luôn đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Hiện nay, nông thôn là địa bàn sinh sống của 65,6% dân số cả nước với cộng đồng 54 dân tộc, thống nhất trong đa dạng văn hóa; cung cấp các sản phẩm thiết yếu cho đời sống con người và phục vụ các ngành kinh tế quốc dân; là nơi sản sinh, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; có vai trò quan trọng đối với an ninh, quốc phòng và giữ gìn môi trường sinh thái... Chính vì vậy, giai cấp nông dân không chỉ giữ vai trò trung tâm và quyết định đến sự phát triển nông nghiệp, nông thôn, mà còn quyết định đến sự phát triển bền vững của đất nước.
Trong suốt chiều dài lịch sử của nước ta, đời sống và sản xuất của giai cấp nông dân luôn là cội nguồn của nền văn hóa dân tộc; nông dân luôn là lực lượng chủ lực trong cuộc đấu tranh chống lại các thế lực ngoại xâm, giành và giữ vững nền độc lập dân tộc của nước nhà. Thắng lợi của các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc trong thế kỷ XX có sự đóng góp to lớn của giai cấp nông dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Trong công cuộc đổi mới đất nước, cũng bắt đầu từ sự năng động, sáng tạo của nông dân trong cách thức sản xuất nông nghiệp mà Đảng đã kịp thời tổng kết và có những chủ trương, chính sách phù hợp cho tiến trình đổi mới toàn diện. Trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, với chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới của Đảng, đứng trước tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng với những yêu cầu khắt khe của thị trường và những khó khăn dồn dập do thiên tai, bão lũ, dịch bệnh..., nông dân nước ta một lần nữa lại phát huy truyền thống quả cảm của mình, không chỉ giữ vững an ninh lương thực quốc gia, ổn định xã hội, mà còn đưa nông nghiệp trở thành trụ đỡ để nền kinh tế quốc dân vượt qua khủng hoảng tài chính thế giới, suy thoái kinh tế toàn cầu và đại dịch COVID-19,... góp phần đưa Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới về đích trước gần 2 năm(1).
Những thành tựu của giai cấp nông dân đã tạo ra bước chuyển biến quan trọng không chỉ trong nông nghiệp, nông thôn mà còn có tác động tích cực đến các lĩnh vực khác của đời sống xã hội nước ta, là cơ sở để đất nước ổn định và phát triển bền vững.
Một số vấn đề đặt ra đối với sự nghiệp xây dựng giai cấp nông dân, nâng cao vai trò chủ thể của giai cấp nông dân trong giai đoạn tới
Tuy tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta những năm gần đây đã có những bước tiến vượt bậc; song, so với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu làm chủ của nông dân, thì vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập:
Một là, nền nông nghiệp nước ta về cơ bản vẫn là nền sản xuất nhỏ lẻ, sản xuất thô. Mức đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế và dàn trải, chưa tương xứng với tiềm năng và đóng góp của ngành đối với nền kinh tế quốc dân; kết cấu hạ tầng kỹ thuật nông thôn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, nhất là kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Mặc dù Nhà nước đã chú trọng đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhưng trên thực tế mới chỉ đáp ứng được 55% - 60% yêu cầu (tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội cho ngành nông nghiệp/tổng vốn đầu tư toàn xã hội giảm 32,4% của những năm 1989 - 1990 xuống còn 14,2% những năm 2005 - 2010; và chỉ còn 5,69% giai đoạn 2013 - 2017(2)); vì vậy, chưa phát huy hết tiềm năng trong nông nghiệp, nông thôn.
Là quốc gia có 3.260km bờ biển và vùng đặc quyền kinh tế khoảng 1 triệu km2, cùng nhiều sông ngòi, hồ, ao... song, thủy sản vẫn chưa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Khai thác hải sản của ngư dân chủ yếu vẫn ở ven bờ, tàu cá công suất nhỏ, đánh bắt hải sản xa chưa phát triển, nuôi trồng thủy sản còn lạc hậu và chưa bảo đảm quy hoạch. Bên cạnh đó, với hơn 14,5 triệu héc-ta đất lâm nghiệp, chiếm tới 43,8% tổng diện tích cả nước, nhưng giá trị sản xuất do ngành lâm nghiệp tạo ra chỉ đạt dưới 3,0% - 3,3% trong tổng giá trị của toàn bộ ngành nông nghiệp(3). Diêm nghiệp còn lạc hậu, đời sống diêm dân còn rất khó khăn. Du lịch sinh thái ở nông thôn chưa phát huy hiệu quả.
Hai là, việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp, nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn, do khu vực này nằm trên địa bàn rộng, có điều kiện tự nhiên khác nhau; trong khi kết cấu hạ tầng chưa phát triển; ruộng đất manh mún; đối tượng tiếp cận là nông dân có trình độ dân trí chưa cao.... Chính điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến quá trình thực hiện các biện pháp kỹ thuật thâm canh, nhất là cơ giới hóa việc làm đất, thu hoạch, vận chuyển vật tư và sản phẩm.
Ba là, người nông dân đang vừa phải thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, vừa phải tuân thủ sản xuất, kinh doanh theo cơ chế thị trường, nhưng chưa quyết định được vấn đề sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản. Những năm gần đây, sản xuất lúa cho thu nhập thấp, nhưng nông dân khó có thể chuyển đổi sang trồng hoặc nuôi các loại cây, con khác có giá trị cao hơn, do vướng phải yêu cầu an ninh lương thực. Vì vậy, Nhà nước cần có chính sách đầu tư thỏa đáng cho nông dân để họ yên tâm thực hiện nghĩa vụ bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.
Bốn là, văn hóa, xã hội ở nông thôn đang xuất hiện những vấn đề cần quan tâm xử lý. Đời sống xã hội ở nông thôn hiện nay có nhiều sự thay đổi; một số giá trị truyền thống đang dần mất đi. Các loại tệ nạn xã hội và vấn đề an ninh, trật tự ở nông thôn ngày càng phức tạp, khó kiểm soát. Các khu công nghiệp phát triển ở các vùng nông thôn, cũng như mặt trái của nền kinh tế thị trường kéo theo sự phát triển các loại tệ nạn xã hội (ma túy, mại dâm, bạo lực gia đình,...). Cùng với đó là sự “lây nhiễm” tệ nạn của một số nông dân đi làm ăn ở đô thị, làm cho tình hình xã hội ở nhiều khu vực nông thôn, vốn yên bình trước đây, nay lại trở nên phức tạp, nhất là tình trạng một số thanh, thiếu niên bỏ học, thiếu hoặc không có việc làm, gây rối trật tự công cộng, sa đà vào cờ bạc, ma túy, mại dâm,...
Năm là, tình trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường ở nhiều khu vực nông thôn ngày một gia tăng, nhất là từ các làng nghề và các khu công nghiệp nông thôn, do khai thác, phát triển tự phát, không theo quy hoạch. Việc nông dân sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu quá mức cũng làm cho môi trường đất, nước bị ô nhiễm, gây nên những hậu quả, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người nông dân và người tiêu dùng.
Sáu là, đa số nông dân nước ta vẫn là tầng lớp nghèo nhất trong xã hội và phân hóa giàu nghèo đang ngày càng gia tăng. Một bộ phận hộ nông dân không có tích lũy. Theo kết quả Tổng điều tra nông nghiệp, nông thôn năm 2011, bình quân mỗi hộ ở nông thôn chỉ có 17 triệu đồng tích lũy, còn hộ nông nghiệp chỉ có 12,5 triệu đồng tích lũy; con số này tăng lên 22 triệu đồng năm 2018. Tích lũy thấp, nên nông dân khó đầu tư máy móc thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất. Hơn 90% số hộ nghèo của cả nước hiện đang sống ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, thiếu cơ hội phát triển sản xuất, kinh doanh, thiếu kiến thức sản xuất hàng hóa và thị trường.
Bảy là, trong quan hệ sản xuất, người nông dân luôn đứng ở vị trí yếu thế, hầu như không được đưa ra các quyết định trong chuỗi sản xuất và quản lý xã hội nông thôn. Trong khi thách thức trong sản xuất nông nghiệp là rất gay gắt, mức độ rủi ro cao, ngoài những rủi ro, như lũ lụt, hạn hán, sâu bệnh... thì những năm qua, giá các loại vật tư đầu vào cho nông nghiệp tăng nhanh hơn sự tăng giá nông sản làm cho thu nhập của nông dân giảm, nhiều nông dân không muốn làm nông nghiệp, dẫn tới hiện tượng nông dân bỏ hoang ruộng đất ở nhiều tỉnh, thành phố. Việc nông dân bỏ hoang tư liệu sản xuất quan trọng nhất đã và đang trở thành vấn đề đáng quan tâm, đòi hỏi Đảng, Nhà nước và xã hội cần có những biện pháp thỏa đáng để nông nghiệp, nông dân tiếp tục phát huy vai trò quan trọng của mình trong tiến trình xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Một số giải pháp khơi dậy khát vọng và phát huy vai trò chủ thể của giai cấp nông dân trong giai đoạn mới
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường liên minh nông dân - công nhân - trí thức, phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, xã hội trong xây dựng giai cấp nông dân.
Nông dân ổn định, an cư lạc nghiệp thì nông thôn sẽ ổn định và phát triển. Nông thôn ổn định, phát triển thì đất nước ổn định và phát triển. Vì vậy, việc xây dựng giai cấp nông dân là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, thường xuyên, toàn diện của Đảng. Trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nông nghiệp, nông thôn đã có bước phát triển vượt bậc, đời sống nông dân có bước cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, hiện nay xu hướng biến đổi mạnh mẽ của giai cấp nông dân đã và đang đặt ra nhiều vấn đề mới cần giải quyết. Chính vì vậy, Đảng cần ban hành nghị quyết chuyên đề về xây dựng giai cấp nông dân trong thời kỳ tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng để thống nhất lãnh đạo, nhằm thực hiện cho được bốn mục tiêu cốt yếu: 1- Nông dân phải trở thành lực lượng lao động tiên tiến, có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; 2- Nông dân phải là lực lượng chính trị - xã hội vững mạnh, có đủ bản lĩnh, trình độ và năng lực làm chủ nông thôn, dưới sự lãnh đạo của Đảng; 3- Nông dân là lực lượng gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam ở nông thôn; 4- Nông dân phải được hưởng thụ xứng đáng với những công sức của mình và những đóng góp đối với đất nước.
Thứ hai, Nhà nước cần tiếp tục có cơ chế, chính sách đủ sức hấp dẫn để huy động mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư vào nông thôn, tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, điện, giao thông, thủy lợi, khoa học - công nghệ, chế biến nông sản, dạy nghề cho nông dân...; có chính sách khuyến khích mở rộng quy mô sản xuất, khắc phục tình trạng manh mún, phân tán hiện nay.
Cùng với đó, Nhà nước cần đẩy mạnh và nâng cao chất lượng quy hoạch các vùng sản xuất gắn với hình thành cơ sở chế biến và tiêu thụ nông sản, có chính sách hỗ trợ bảo hiểm đối với cây trồng, vật nuôi; tiếp tục nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách hợp lý cho nông dân vay vốn được thuận lợi để phát triển sản xuất; ngăn chặn tình trạng tín dụng “đen” ở nông thôn.
Nhà nước có chính sách giúp nông dân tiêu thụ nông sản; trong đó, có chính sách trực tiếp thu mua nông sản dư thừa của nông dân, tránh tình trạng nông dân bị ép giá. Việc thực hiện chính sách này có thể theo cách thức như sau:
+ Đơn vị thực hiện thu mua nông sản tạm trữ nên là của Nhà nước, ví dụ như Cục Dự trữ quốc gia, không nên giao cho các doanh nghiệp, vì như vậy, nông dân không được hưởng lợi nhiều do doanh nghiệp luôn tối đa hóa lợi nhuận và qua nhiều khâu trung gian. Đến thời điểm thích hợp, khi thị trường khan hàng, đơn vị của Nhà nước tổ chức bán đấu giá cho các doanh nghiệp tiêu thụ.
+ Ưu tiên thu mua nông sản được sản xuất bảo đảm các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm, không hủy hoại môi trường, nông sản được sản xuất theo nhóm hộ hoặc của các tổ hợp tác, hợp tác xã để khuyến khích phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Đây cũng là giải pháp hạn chế nông dân phát triển nông nghiệp theo thói quen và mang tính tự phát. Tránh tình trạng nông dân đổ xô đi phá rừng trồng cà-phê, trồng mía, trồng vải thiều, nạo vét ao, đầm nuôi cá, tôm khi các mặt hàng này được giá; nhưng, khi thị trường thay đổi, bị rớt giá và ép giá, người dân lại tự phá bỏ để quay về lối canh tác cũ. Đây là tình trạng sản xuất thiếu quy hoạch, thiếu tổ chức, thiếu tính bền vững, gây hủy hoại môi trường và lãng phí các nguồn lực.
Nhà nước cần chỉ đạo các ngành chức năng quản lý chặt chẽ vật tư, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, giống cây trồng, vật nuôi, không để tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường gây thiệt hại cho nông dân; có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản liên kết với nông dân theo hình thức đóng góp cổ phần, tạo ra vùng nguyên liệu ổn định. Đồng thời, Nhà nước cũng cần có cơ chế và chính sách để các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực, như lúa gạo, cà-phê, hồ tiêu, cao-su, hạt điều, rau, củ, quả... phải xây dựng được vùng nguyên liệu; xây dựng kho tạm trữ nông sản...
Nhà nước cần tập trung xây dựng chính sách chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, thu hoạch, chế biến nông sản một cách hiệu quả. Khuyến khích các nhà khoa học, các tổ chức nghiên cứu khoa học chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất, giúp nông dân tổ chức lại sản xuất, đưa kỹ thuật số, tự động hóa, công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp; gắn kết sản xuất và tiêu thụ giữa người sản xuất với người tiêu dùng thông qua các dự án chuyển giao khoa học - kỹ thuật mới, nhất là cần có chiến lược về giống cây trồng, vật nuôi để nhà nông chủ động trong sản xuất. Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho tổ chức, cá nhân chuyển giao thành công kỹ thuật mới hoặc giống mới.
Cần tiếp tục nghiên cứu, tiến tới có chính sách để nông dân được hưởng bảo hiểm xã hội, chế độ nghỉ mất sức lao động; mở rộng chính sách bảo hiểm nông nghiệp và diện hỗ trợ bảo hiểm y tế cho nông dân.
Tập trung nâng cao năng lực quản lý và ứng phó rủi ro liên quan đến thời tiết và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu cũng như các rủi ro về thị trường. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao kiến thức cho người nông dân về quản lý kinh tế, quản trị nông nghiệp, có kiến thức về khoa học - kỹ thuật, văn hóa - xã hội, pháp luật, thị trường và hội nhập quốc tế. Từng bước trí thức hóa giai cấp nông dân, xây dựng đội ngũ nông dân chuyên nghiệp. Trong đó, trọng tâm là chuyển giao khoa học - kỹ thuật sản xuất nông nghiệp; có giải pháp đào tạo một bộ phận lao động nông thôn thành các chủ trang trại, giám đốc hợp tác xã hay chủ doanh nghiệp nông nghiệp, có kiến thức, tri thức về kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, dịch vụ, am hiểu thị trường và pháp luật về kinh doanh trong và ngoài nước, nhất là trong bối cảnh Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA)...
Quan tâm xây dựng và thực hiện hệ thống chính sách hướng nghiệp ở cấp học phổ thông để giúp cho thanh niên, học sinh ở nông thôn định hướng đúng đắn việc chọn nghề, chuyển một bộ phận lớn nông dân trẻ thành công nhân, trí thức; đồng thời, thu hút lực lượng lao động trẻ có kiến thức về nông thôn. Tập trung nâng cao chất lượng dạy nghề phi nông nghiệp cho nông dân, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế và nhu cầu sử dụng của xã hội. Công tác đào tạo nghề cho nông dân cần phải gắn với hỗ trợ việc làm cho nông dân.
Thứ ba, gắn phát huy vai trò chủ thể của người nông dân với xây dựng con người mới.
Vấn đề phát huy vai trò chủ thể của nông dân chính là vấn đề xây dựng và phát huy yếu tố con người. Xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa không phải là vấn đề phát triển về số lượng, mà điều cốt lõi là phải tạo cho được sự biến đổi về chất lượng chính trị của nông dân, củng cố niềm tin vào Đảng, Nhà nước; nâng cao trình độ kỹ thuật, kỹ năng, kỷ cương lao động, biết hợp tác lao động để nông dân thực sự là chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; đồng thời, cũng là đối tượng chính được thụ hưởng thành quả của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đảng và Nhà nước cần quan tâm xây dựng, hình thành thế hệ nông dân mới phát triển toàn diện, từng bước hoàn thiện đạo đức, trí tuệ thông minh, có năng lực sáng tạo, kỹ năng canh tác nông nghiệp công nghệ cao, thể lực tốt, tâm hồn trong sáng, văn minh, nêu cao lòng tự hào, tự trọng dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế với các đặc trưng: 1 - Giàu lòng yêu nước, có ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân và khát vọng vươn lên; 2 - Biết giữ gìn và phát huy truyền thống đoàn kết toàn dân tộc, hợp tác và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; 3 - Có trình độ học vấn và kiến thức về kinh tế, khoa học - kỹ thuật tiên tiến; 4 - Biết kết hợp bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa lao động, cần cù, sáng tạo, trọng nghĩa tình, kiên nhẫn và kiên cường.
Thứ tư, quan tâm xây dựng tổ chức Hội Nông dân Việt Nam vững mạnh, thực sự đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân.
Đây là nhiệm vụ rất quan trọng trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh. Sức mạnh của giai cấp nông dân là vô cùng to lớn nhưng chỉ được thể hiện và phát huy trong hoạt động của tổ chức, được tập hợp lại trong một khối thống nhất. Đảng và Nhà nước cần tiếp tục có những chủ trương, chính sách cụ thể để xây dựng, củng cố và phát huy vai trò của Hội Nông dân Việt Nam, phải giao nhiệm vụ cụ thể để hội nông dân các cấp tham gia trực tiếp các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn. Cần duy trì và nâng cao chất lượng các cuộc đối thoại với nông dân ở các cấp; phát huy và nâng cao khả năng phản biện xã hội của các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là hội nông dân trong các vấn đề có liên quan tới đời sống chính trị, kinh tế - xã hội của nông dân; làm cho nông dân có ý thức rõ ràng về sứ mệnh, vai trò chủ thể của mình, là nhân tố trung tâm của quá trình phát triển.
Trong những năm qua, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, vai trò của Hội Nông dân Việt Nam không ngừng được củng cố, có nhiều đóng góp quan trọng vào củng cố, hiệu quả lãnh đạo của Đảng và hiệu lực điều hành, quản lý của Nhà nước, nhất là trong việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến hội viên, nông dân nhằm tạo sự đồng thuận xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố niềm tin của nông dân với Đảng, với Nhà nước. Thời gian tới, các cấp, các địa phương cần chăm lo, củng cố tổ chức hội nông dân vững mạnh, lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, hoàn thiện, cơ chế, chính sách để tổ chức hội hoạt động thuận lợi, kiện toàn bộ máy, bổ sung những cán bộ có năng lực, uy tín là nhân tố quan trọng trong sự nghiệp xây dựng giai cấp nông dân; phát huy quyền làm chủ của nông dân, bảo đảm cho phong trào nông dân phát triển./.
------------------------------
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. II, tr. 23
(2) “Đầu tư cho nông nghiệp chỉ chiếm 6% tổng đầu tư toàn xã hội”, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn điện tử, ngày 10-11-2018, https://www.thesaigontimes.vn/281466/dau-tu-cho-nong-nghiep-chi-chiem-6-tong-dau-tu-toan-xa-hoi.html
(3) “Giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng 6,6%”, Báo điện tử Chính phủ, ngày 27-12-2017, http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Gia-tri-san-xuat-lam-nghiep-tang-66/325767.vgp
Huyện Thanh Oai (thành phố Hà Nội): Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp  (30/08/2021)
Đan Phượng xây dựng nông thôn mới, hướng tới phát triển đô thị  (28/08/2021)
Huyện Gia Lâm (thành phố Hà Nội): Xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa, bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề truyền thống  (20/08/2021)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
- Tăng cường công tác dân vận nhằm thực hiện hiệu quả chính sách xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển