Hà Nội: Để đạt lợi ích kép thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và phát triển bền vững
TCCS - Hà Nội được đánh giá là địa phương năng động trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đây cũng là tiền đề để Hà Nội tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đưa Thủ đô phát triển xứng tầm là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế. Tuy nhiên, phải có những giải pháp thiết thực để thu hút có hiệu quả nguồn lực này.
Thực trạng đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Hà Nội
Trong giai đoạn 2010 - 2019, số dự án, tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của thành phố Hà Nội là 4.531 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 29.113 triệu USD, vốn đầu tư thực hiện đạt 21.713 triệu USD. Riêng năm 2018, thu hút được 7.501 triệu USD, tăng gần 2,23 lần so với năm 2017, là năm đứng đầu cả nước và cao nhất kể từ 30 năm thực hiện chủ trương thu hút đầu tư nước ngoài.
Về quy mô dự án FDI. Các dự án FDI giai đoạn 2010 - 2015 có quy mô bình quân không lớn, khoảng 3,16 triệu USD/dự án. Đến giai đoạn 2016 - 2019, số vốn đăng ký bình quân một dự án đạt 9,17 triệu USD/dự án. Năm 2018 là năm ghi nhận vốn đăng ký bình quân một dự án cao nhất 12,1 triệu USD/dự án.
Về hình thức đầu tư. Từ năm 2010 đến năm 2019, thành phố Hà Nội có 2.987 dự án 100% vốn nước ngoài, chiếm 78,33% số dự án và 64,63% tổng vốn FDI. Hình thức liên doanh có 1.023 dự án, tổng vốn đăng ký là 4.426.624 triệu USD, chiếm 17,69% số dự án và 18,89% tổng vốn đăng ký. Các hình thức còn lại 559 dự án (hợp đồng, hợp tác kinh doanh có 95 dự án; hợp đồng BOT, BTO, BT có 245 dự án; công ty cổ phần có 189 dự án; công ty mẹ - con có 30 dự án), với tổng vốn đăng ký là 3.545.954 triệu USD, chiếm 4% về số lượng dự án và 16,48% về vốn đăng ký.
Về việc phân bổ vốn FDI theo ngành kinh tế. Hiện nay, vốn FDI của Hà Nội chủ yếu tập trung cho công nghiệp, chế biến, chế tạo, xây dựng, kinh doanh bất động sản, dịch vụ. Lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp chiếm tỷ trọng rất nhỏ.
Sự thành công đạt được trong quá trình thu hút và sử dụng nguồn vốn FDI của thành phố Hà Nội là đáng ghi nhận. Tuy nhiên, việc thu hút FDI trên địa bàn thành phố vẫn còn một số hạn chế, như: Thu hút FDI tuy có xu hướng tăng nhưng chưa ổn định, hiệu quả đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng của Thủ đô; tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện trên vốn đầu tư đăng ký cao nhưng vẫn chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn thành phố; lượng vốn FDI thu hút được chưa tương xứng với tiềm năng và chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của Thủ đô, ngoài ra, vốn FDI mới chỉ tập trung chủ yếu ở những ngành nghề sử dụng nhiều lao động, chưa chú trọng thu hút FDI vào phát triển các ngành công nghiệp ít gây hại đến môi trường, sử dụng công nghệ cao và có giá trị gia tăng lớn; thu hút và sử dụng vốn FDI không đồng đều giữa các ngành, địa bàn đầu tư và các nhà đầu tư.
Sự chủ động của chính quyền Thủ đô trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài
Nhận thức được tầm quan trọng và vai trò của việc thu hút nguồn vốn FDI phục vụ tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội, chính quyền Thủ đô cam kết tiên phong tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, đồng hành cùng doanh nghiệp. Những nỗ lực cải cách hành chính của thành phố Hà Nội được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận thông qua chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Nội tăng 42 bậc trong 6 năm (từ vị trí 51 năm 2012 lên vị trí thứ 9 năm 2019). Cùng với đó, thành phố cũng tích cực cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài; đổi mới trong công tác xúc tiến đầu tư, xác định rõ các đối tượng trọng tâm, trọng điểm; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hồ sơ hành chính.
Song song với đó, chính quyền thành phố Hà Nội cũng thường xuyên tham gia các cơ chế đối thoại giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các tổ chức, như chương trình đối tác phát triển của JICA, Hội Công thương Nhật bản tại Hà Nội (JCCI),… đây là các kênh quan trọng, góp phần tích cực vào việc hoàn thiện thể chế chính sách, cải thiện môi trường đầu tư tại Hà Nội nói chung và Việt Nam nói riêng.
Một số ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với xu hướng phát triển chung, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và khai thác được các lợi thế của Thủ đô, như phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ và hiện đại, giao thông, khu đô thị thông minh, hạ tầng cấp, thoát nước, môi trường; lĩnh vực sản xuất, gia công và các lĩnh vực dịch vụ có mức độ giá trị gia tăng cao. Người lao động có mức lương cao hơn và được phát triển kỹ năng, như dịch vụ công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, du lịch, thương mại, giáo dục - đào tạo, y tế…
Năm 2020, thành phố Hà Nội tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; nâng cao năng lực cạnh tranh; thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi, nhất là về thuế, tín dụng, đất đai, nhân lực. Đồng thời, tăng cường xúc tiến đầu tư, thực hiện các giải pháp huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư, phát triển; rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp; tháo gỡ về thủ tục cho các nhà đầu tư; chú trọng các dự án lớn để tập trung hoàn thành thủ tục đẩy nhanh tiến độ cấp phép và triển khai thực hiện dự án.
Nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới
Đầu tư trực tiếp nước ngoài được nhìn nhận như một trong những “trụ cột” tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Vai trò của FDI được thể hiện rõ qua việc đóng góp vào các yếu tố quan trọng của tăng trưởng như bổ sung nguồn vốn đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu, chuyển giao công nghệ, phát triển nguồn nhân lực và tạo việc làm,… Ngoài ra, FDI cũng đóng góp tích cực vào tạo nguồn thu ngân sách và thúc đẩy hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, lý thuyết và thực tiễn cho thấy mục tiêu của FDI là lợi nhuận nên có nhiều khác biệt với các mục tiêu phát triển của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Các nhà đầu tư nước ngoài chỉ đầu tư vào những dự án sử dụng được lợi thế của họ, khai thác những hấp dẫn của nước chủ nhà nhằm tăng khả năng sinh lợi cao. Chính vì vậy, để đạt được mục tiêu chính quyền thành phố Hà Nội cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng bộ, nhất quán, tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài của Thành phố Hà Nội. Chú trọng thiết lập mặt bằng pháp lý chung, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, nhằm tạo lập môi trường kinh doanh ổn định. Xây dựng hệ thống chính sách liên quan đến FDI theo hướng nhất quán, công khai, minh bạch, có tính dự báo; tiếp tục cải tiến hệ thống quản lý, hoàn thiện cơ chế phân cấp trong kiểm tra, kiểm soát FDI trên cơ sở nguyên tắc, quan điểm rõ ràng; tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động FDI theo hướng phát huy quyền chủ động của các phòng, ban, địa phương.
Thứ hai, cần thu hút và sử dụng có lựa chọn FDI hơn là đơn thuần chỉ “chiều theo ý các nhà đầu tư nước ngoài”. Đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ có hiệu quả cao hơn nếu các dự án FDI tạo ra được nhiều liên kết với các ngành sản xuất nội địa, nâng cao phần giá trị gia tăng, đẩy mạnh tác động lan tỏa, ít tiêu tốn năng lượng, không làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên tự nhiên, hạn chế được ô nhiễm môi trường, chuyển giao công nghệ hiện đại và thúc đẩy xuất khẩu.
Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây được coi là một trong những nhiệm vụ chiến lược của Thủ đô nhằm tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững. Thành phố Hà Nội cần xây dựng và ban hành quy chế về tuyển chọn và bố trí cán bộ, trong đó, quy định rõ các tiêu chuẩn tuyển chọn về phẩm chất chính trị và đạo đức, chuyên môn và nghiệp vụ, năng lực lãnh đạo, quản lý… cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của cán bộ làm việc tại các doanh nghiệp liên doanh./.
Tỉnh Vĩnh Phúc đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chế xuất  (10/09/2020)
Giai đoạn 2011 - 2020, các khu công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc thu hút được 326 dự án đầu tư mới  (04/09/2020)
Kinh tế thế giới và Việt Nam sáu tháng đầu năm 2020  (11/08/2020)
Văn học Việt Nam đương đại: Thành tựu và những vấn đề đặt ra (Kỳ 1)  (07/08/2020)
Hà Nội: Tái cơ cấu khu công nghiệp, khu chế xuất để phát triển bền vững  (29/07/2020)
Khoa học - công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc  (24/07/2020)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển