Đại tướng Lê Đức Anh - nhà quân sự tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam
TCCS - Với 99 năm tuổi đời, hơn 80 năm hoạt động cách mạng, được Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân tin cậy giao phó nhiều trọng trách quan trọng, Đại tướng Lê Đức Anh đã đem hết tâm lực và trí tuệ của mình hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Gắn bó với những trang sử hào hùng của dân tộc, đồng chí là một người cộng sản kiên trung, một nhà chính trị, nhà quân sự tài năng. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí là tấm gương sáng để đồng bào, đồng chí, cán bộ, chiến sĩ cả nước yêu quý, kính trọng, học tập và noi theo.
Từ người thanh niên yêu nước sớm trở thành chiến sĩ cộng sản
Đồng chí Lê Đức Anh sinh ngày 1-12-1920 trong một gia đình nông dân tại xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Được nuôi dưỡng bởi truyền thống yêu nước của gia đình, quê hương và dân tộc, Lê Đức Anh đã sớm có tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm cứu nước, cứu dân, từ đó đã thôi thúc đồng chí tích cực tham gia hoạt động yêu nước khi mới 17 tuổi. Trước đó, trong thời gian học tiểu học ở thành Vinh, Lê Đức Anh có điều kiện được tiếp xúc với những cán bộ cách mạng và tìm đọc những sách báo tiến bộ, như Nhành lúa, Lao động, Thời báo, Dân, Vấn đề dân cày, Đông Dương với vấn đề phòng thủ, Giá trị lao động…; những tài liệu về nước Nga Xôviết. Qua các sách báo tiến bộ, lại được nghe ông và cha nói “chuyện nước” xưa và nay, về các danh nhân, người có công với dân, với nước, chuyện Phan Đình Phùng, chuyện Phan Bội Châu, về Đệ tam Quốc tế..., Lê Đức Anh đã sớm biết đến chủ nghĩa cộng sản và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, từ đó càng thôi thúc người thanh niên yêu nước dấn thân vào phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc.
Tham gia hoạt động cách mạng bắt đầu từ việc đọc sách, báo tuyên truyền cho quần chúng nhân dân, trao đổi với những người đồng chí hướng về tình hình đất nước, bàn cách đấu tranh đòi giảm sưu thuế hà khắc của thực dân, phong kiến..., đến năm 1937, Lê Đức Anh được giác ngộ và chính thức tham gia hoạt động cách mạng ở địa phương. Bắt đầu là tham gia phong trào dân chủ ở Phú Vang, Thừa Thiên Huế, đồng chí đã tích cực tham gia cuộc vận động đi lấy chữ ký của nông dân các làng vào danh sách yêu cầu đối với thực dân Pháp, trong đó có hai nội dung rất thiết thực là giảm thuế điền thổ và bỏ thuế thân. Nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động (1-5-1938), đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.
Cuối năm 1938, đầu năm 1939, thực dân Pháp tiến hành khủng bố phong trào cách mạng, nhiều cán bộ, đảng viên của ta bị bắt. Tháng 10-1939, phong trào cách mạng Phú Vang bị tổn thất nặng nề do thực dân Pháp thực hiện cuộc khủng bố vào Thừa Thiên. Để tránh sự truy lùng của địch, cuối năm 1939, đồng chí Lê Đức Anh lánh vào Hội An - Quảng Nam, rồi đi tàu hỏa lên Đà Lạt, tổ chức các nghiệp đoàn ở đồn điền cao su Lộc Ninh và tham gia đấu tranh giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Những năm tháng làm việc ở đồn điền cao su Lộc Ninh, đồng chí chú trọng “tổ chức, củng cố đời sống vật chất và tinh thần cho những người phu cao su, hâm nóng và thắp sáng trong họ lòng tự tôn dân tộc”(1), sau đó lựa chọn những người tiêu biểu để giác ngộ và gây dựng lực lượng đầu tiên cho cách mạng ở vùng này. Đầu năm 1943, để đáp ứng yêu cầu lãnh đạo phong trào công nhân và phong trào cách mạng chung, tại làng 1, đồn điền cao su Dầu Tiếng, Tỉnh ủy lâm thời Thủ Dầu Một được tái lập, đồng chí Lê Đức Anh được bổ sung vào Tỉnh ủy và được phân công chỉ đạo phong trào cách mạng ở Lộc Ninh và toàn bộ vùng phía bắc, như Quản Lợi, Xa Cam, Xa Cát, Xa Trạch. Đến tháng 2-1944, chi bộ Đảng ở Lộc Ninh được thành lập do đồng chí Lê Đức Anh làm Bí thư, có nhiệm vụ khẩn trương gây dựng phát triển lực lượng, đẩy mạnh tuyên truyền cách mạng trong công nhân và nhân dân vùng Hớn Quản, chuẩn bị đón thời cơ phát động quần chúng, công nhân và đồng bào các dân tộc vùng lên khởi nghĩa. Với sự tích cực vận động, tổ chức và chỉ đạo sâu sát của Đảng, đến tháng 8-1945, ở Lộc Ninh, lực lượng quần chúng đã hình thành các hội cứu quốc (Việt Minh), Thanh niên tiền phong, các đội thanh niên bán vũ trang, đội tự vệ... sẵn sàng chờ lệnh đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Tại cuộc họp Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng (từ ngày 21 đến ngày 23-8-1945) bàn về cuộc khởi nghĩa, đồng chí Lê Đức Anh được giao nhiệm vụ phụ trách phong trào cách mạng ở các quận Hớn Quản, Bù Đốp và vùng dân tộc thiểu số, sau khi giành chính quyền xong thì tổ chức lực lượng chi viện cho thị xã Thủ Dầu Một và Sài Gòn khởi nghĩa giành chính quyền. Cách mạng Tháng Tám nhanh chóng giành thắng lợi trong cả nước, trong đó có địa bàn do đồng chí Lê Đức Anh phụ trách. Những năm đầu hoạt động cách mạng sôi nổi với biết bao khó khăn, thử thách đã tôi rèn ở đồng chí Lê Đức Anh một bản lĩnh cách mạng kiên cường, suốt đời chiến đấu, hy sinh vì lý tưởng cách mạng của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân.
Một vị tướng tài ba, có tầm nhìn chiến lược
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đồng chí Lê Đức Anh tham gia quân đội và bắt đầu cuộc đời binh nghiệp đầy gian khổ và oanh liệt. Được giao nhiều vị trí trọng yếu và ác liệt trên chiến trường, đồng chí luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, thể hiện là một vị tướng tài ba, có tầm nhìn chiến lược; một nhà chỉ huy quân sự tài năng, mưu trí, dũng cảm, quyết đoán.
Từ năm 1946 đến năm 1947, đồng chí tham gia quân đội, chỉ huy giành chính quyền ở Lộc Ninh, tham gia Tỉnh ủy lâm thời, phụ trách quân sự phía bắc tỉnh Thủ Dầu Một; giữ các chức vụ Chính trị viên Chi đội 1 (sau là Trung đoàn 301), Trung đoàn ủy viên, Tỉnh ủy viên Thủ Dầu Một. Từ năm 1948 đến năm 1954, đồng chí đảm đương nhiều chức vụ quan trọng như: Tham mưu trưởng Khu 7, Khu 8, Khu Sài Gòn - Chợ Lớn, Quân khu ủy viên, Tham mưu phó Bộ Tư lệnh Nam Bộ, Tham mưu trưởng Phân liên khu miền Đông Nam Bộ.
Ghi dấu ấn vai trò và tài năng quân sự của đồng chí Lê Đức Anh trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp là việc đồng chí đã tham mưu Bộ Tư lệnh Khu Sài Gòn - Chợ Lớn mở một chiến dịch tiến công trên địa bàn Bến Cát nhằm phá chiến thuật Đờ Latơ, tiêu diệt sinh lực địch bằng cách đánh giao thông kết hợp với công đồn diệt tháp canh để đánh viện binh; tác chiến kết hợp với phá hoại để mở rộng khu căn cứ của ta. Tin tưởng ở nhận định của đồng chí Lê Đức Anh, ngày 21-1-1950, Bộ Tư lệnh Khu Sài Gòn - Chợ Lớn quyết định mở chiến dịch Dầu Tiếng - Bến Cát, đồng chí Lê Đức Anh được giao làm Tham mưu trưởng chiến dịch. Chiến dịch huy động lực lượng tham gia gồm 1 tiểu đoàn chủ lực và 1 đại đội độc lập của liên Trung đoàn 301 - 310, 1 tiểu đoàn chủ lực của liên Trung đoàn 306 - 312, 1 đại đội độc lập của huyện Bến Cát, lực lượng dân quân du kích của hai huyện Hóc Môn, Gò Vấp phối hợp cùng với lực lượng công nhân thuộc Công đoàn cao su đồn điền Dầu Tiếng. Chiến dịch thu được thắng lợi lớn, đã loại khỏi chiến đấu gần 100 tên địch, phá hủy 3 xe bọc thép, làm gián đoạn giao thông của địch trong khoảng thời gian dài. Tại Hội nghị tổng kết chiến dịch Dầu Tiếng - Bến Cát, Bí thư Xứ ủy Nam Bộ Lê Duẩn đã khẳng định: “Chiến dịch Bến Cát đánh dấu một bước trưởng thành quan trọng của lực lượng vũ trang Quân khu 7, đưa phong trào kháng chiến của quân dân miền Đông Nam Bộ hòa nhập với cuộc kháng chiến trên chiến trường cả nước”(2). Cùng với chiến dịch Cầu Kè, Trà Vinh (từ ngày 7 đến ngày 26-12-1949), chiến dịch Dầu Tiếng - Bến Cát là hai chiến dịch tiến công đầu tiên của lực lượng vũ trang Nam Bộ làm thay đổi cục diện chiến trường. Chiến dịch này mở ra lối đánh mới “chiến thuật đặc công” phổ biến rộng rãi trong toàn quân và được Bác Hồ khen ngợi trong dịp đồng chí Lê Đức Anh cùng đồng chí Lê Duẩn ra Chiến khu Việt Bắc để báo cáo với Bác Hồ và Bộ Tổng Tư lệnh về kinh nghiệm chiến đấu cuối năm 1952, đầu năm 1953. Tài năng quân sự của đồng chí Lê Đức Anh ngày càng được thực tiễn chiến trường khẳng định. Kết thúc chiến dịch Dầu Tiếng - Bến Cát, đồng chí Lê Đức Anh được bổ nhiệm làm Tham mưu phó Bộ Tư lệnh Nam Bộ.
Tiếp đó, tháng 5-1951, đồng chí Lê Đức Anh được bổ nhiệm làm Tham mưu trưởng Phân liên khu miền Đông Nam Bộ, gồm các địa bàn: Gia Ninh, Thủ Biên, Bà Lớn, Mỹ Tho, Long Châu Sa. Hoạt động chủ yếu trên chiến trường miền Đông Nam Bộ đầy cam go, ác liệt, đồng chí Lê Đức Anh đã chủ động tham mưu và trực tiếp chỉ huy nhiều trận đánh, nhiều chiến dịch mang lại hiệu suất chiến đấu cao, tích cực phối hợp với chiến trường chính Bắc Bộ làm nên thắng lợi của chiến cuộc Đông - Xuân 1953 - 1954, đỉnh cao là Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu”, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ chín năm gian khổ, hy sinh.
Kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta lại tiếp tục trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước với quyết tâm thực hiện thành công di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam, Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”(3).
Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết (năm 1954), đồng chí Lê Đức Anh tập kết ra Bắc, lần lượt giữ các chức vụ Cục phó Cục Tác chiến, Cục trưởng Cục Quân lực - Bộ Tổng Tham mưu và Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đáp ứng yêu cầu của chiến trường, cuối năm 1963, đồng chí Lê Đức Anh trở lại chiến trường miền Nam. Tại Bộ Chỉ huy Miền, trên cương vị Tham mưu trưởng Quân giải phóng miền Nam, đồng chí Lê Đức Anh đã cùng cơ quan tham mưu Bộ Chỉ huy Miền chỉ huy chiến dịch tiến công Bình Giã giành thắng lợi. Trận Bình Giã đã đánh dấu sự thất bại cơ bản của chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ và tay sai. Đến đầu năm 1965, trước thất bại của chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, Mỹ chuyển sang chiến lược “chiến tranh cục bộ”, ồ ạt đưa quân Mỹ vào miền Nam Việt Nam, từ 18.000 quân (tháng 5-1965) lên 180.000 quân (tháng 11-1965), đồng thời leo thang đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân. Bước sang những năm 1966 - 1967, Mỹ và tay sai mở cuộc phản công chiến lược càn quét lên vùng đứng chân của Trung ương Cục ở Chiến khu Dương Minh Châu. Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền họp, nhận định tình hình và phân công đồng chí Lê Đức Anh tổ chức lực lượng đánh địch tại chỗ. Đồng chí đã chỉ đạo các cơ quan xác định phương châm tác chiến là tổ chức các “ấp, xã chiến đấu”, bám trụ đánh địch tại chỗ, giữ chắc các ấp, xã chiến đấu. Nơi địch không đến thì bung ra tìm địch mà đánh, bám địch mà diệt, thực hiện tiêu hao địch rộng rãi, vừa chiến đấu vừa bảo đảm phục vụ chiến đấu, bảo vệ an toàn cơ quan và kho tàng, duy trì cuộc sống và sinh hoạt bình thường trong căn cứ để đánh lâu dài với địch(4). Dưới sự lãnh đạo, chỉ huy của đồng chí Lê Đức Anh, sau gần hai tháng chiến đấu (từ ngày 22-2 đến ngày 15-4-1967), ta đã loại khỏi chiến đấu hơn 14.000 tên địch, chủ yếu là quân Mỹ, phá hủy hơn 992 xe quân sự, 112 khẩu pháo, bắn rơi và phá hủy 160 máy bay. Trong chiến dịch này, đồng chí Lê Đức Anh đã xây dựng nghệ thuật chiến dịch “thế trận chiến tranh nhân dân trên một địa bàn không có dân”(5) để đánh địch.
Bước vào cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, đồng chí Lê Đức Anh được phân công chỉ huy bộ đội ở hướng tây Sài Gòn, từ Long An đánh vào Tổng nha Cảnh sát và Cảnh sát Đô thành. Với nhãn quan quân sự sắc bén, khi đánh vào Sài Gòn, đồng chí Lê Đức Anh đề xuất không nên mở đợt 2 đánh vào nội đô vì ta không còn yếu tố bí mật, bất ngờ; đợt 2 có mở thì nên đánh ra vùng ven đô và phụ cận. Sự chuyển hướng kịp thời trong lãnh đạo, chỉ huy của đồng chí Lê Đức Anh không những giảm thiểu thương vong cho ta, mà còn góp phần tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 đã làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh và ngồi đàm phán ký kết Hiệp định Pari năm 1973, thừa nhận “độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam”, rút hết quân Mỹ và rút không điều kiện ra khỏi miền Nam Việt Nam.
Trên cương vị Tư lệnh Quân khu 9 từ năm 1969, trước những khó khăn của phong trào cách mạng miền Nam thời kỳ này, trong đó có Quân khu 9, nhất là ta chưa nhận thức được âm mưu, thủ đoạn của địch nên để quân địch phản công lấn tới, còn ta thì mất đất, mất dân; lực lượng chủ lực và lực lượng vũ trang đều mất sức chiến đấu, đồng chí Lê Đức Anh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo củng cố về tổ chức, xây dựng lực lượng vũ trang, góp phần khôi phục lại lực lượng chính trị, chỉ đạo phương châm tác chiến, phương thức đấu tranh, khôi phục lại thế và lực của Khu 9, tạo nên một sự chuyển biến mới. Để tìm hiểu tình hình các đơn vị phía trước triển khai nhiệm vụ, nắm chắc thuận lợi, khó khăn và những vấn đề nổi cộm để chỉ đạo và giúp đỡ cấp dưới giải quyết, đồng chí Lê Đức Anh luôn đi tiên phong và sẵn sàng chấp nhận các công việc khó khăn, gian khổ. Cùng với chiến trường cả nước, trên chiến trường thuộc Quân khu 9, dưới sự chỉ huy của Tư lệnh Lê Đức Anh, bắt đầu từ đêm ngày 6, rạng sáng ngày 7-4-1972, các lực lượng vũ trang đồng loạt nổ súng tiến công, giành giật quyết liệt với địch từng mảnh đất, từng nhánh sông với 6 đợt cao điểm suốt từ tháng 4 đến tháng 8-1972. Tổng cộng ta đã diệt 12.000 tên địch, tiêu diệt 4 chi khu, 2 yếu khu, 6 căn cứ trung đoàn và tiểu đoàn, diệt 916 đồn bốt. Ta giải phóng được 400 ấp với gần 80 vạn dân (trong khi cuối năm 1971 ta mới giải phóng được 20 vạn dân)(6). Thắng lợi của Quân khu 9 đã góp phần quan trọng cùng với quân dân miền Nam đánh bại bước đầu chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, trong đó có đóng góp quan trọng của vị Tư lệnh có tầm nhìn chiến lược, tư duy nhạy bén, sắc sảo - Tư lệnh Lê Đức Anh. Với những đóng góp quan trọng đó, tháng 4-1974, đồng chí được Chủ tịch nước ký quyết định thăng quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng.
Thực hiện kế hoạch tiến công mùa khô 1974 - 1975, tiến tới tổng tiến công và nổi dậy, trên cương vị Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam (từ năm 1974), Trung tướng Lê Đức Anh được giao chỉ huy chiến dịch đường 14 - Phước Long (từ ngày 13-12-1974 đến ngày 6-1-1975), ta giành thắng lợi, diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch ở Phước Long, thu toàn bộ vũ khí và phương tiện chiến tranh, giải phóng tỉnh Phước Long. Chiến dịch Phước Long nhanh chóng giành thắng lợi bởi vị chỉ huy chiến dịch đã đưa ra một cách đánh táo bạo - “đánh phủ đầu”, “khi ta đánh đòn phủ đầu mà trúng huyệt hiểm thì địch rã. Nếu ta lừng chừng không chớp thời cơ xốc tới mà để chậm, địch đưa lên một liên đoàn biệt động tăng cường cho núi Bà Rá và thị xã Phước Long thì ta sẽ gặp khó khăn hơn nhiều”(7). Đây không phải là chủ trương có trước của Bộ Tư lệnh Miền, mà trước tình hình cụ thể của chiến trường, Trung tướng Lê Đức Anh đã quyết đoán xử lý. Chiến thắng Phước Long đã góp phần làm thay đổi cục diện chiến trường, làm thay đổi đáng kể tương quan lực lượng về thế giữa ta và địch trên chiến trường miền Đông Nam Bộ, là cơ sở để Trung ương hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 - 1976.
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đồng chí Lê Đức Anh trực tiếp chỉ huy cánh quân tiến công trên hướng tây - tây nam Sài Gòn (Đoàn 232), thực hiện các nhiệm vụ chia cắt các lực lượng Sài Gòn và miền Đông với lực lượng vùng đồng bằng sông Cửu Long; tấn công Biệt khu Thủ đô và Tổng nha Cảnh sát, sau đó hợp điểm cùng các cánh quân khác tại Dinh Độc Lập vào trưa ngày 30-4-1975, góp phần vào thắng lợi chung của toàn quân và toàn dân ta trong trận quyết chiến chiến lược cuối cùng.
Sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, trên cương vị Tư lệnh Quân khu 9, trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, đồng chí Lê Đức Anh là một trong những tướng lĩnh trực tiếp chỉ huy chiến trường, bảo vệ biên giới của Tổ quốc và giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng. Ghi nhận những cống hiến xuất sắc của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng, ngày 21-1-1980, Trung tướng Lê Đức Anh được Chủ tịch nước ký quyết định thăng quân hàm từ Trung tướng lên Thượng tướng. Năm 1981, đồng chí được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, kiêm Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia. Trong thời gian 10 năm làm nghĩa vụ quốc tế trên đất bạn, đồng chí Lê Đức Anh đã có nhiều sáng kiến, quyết định quan trọng góp phần xây dựng và củng cố phong trào cách mạng ở Campuchia, rèn luyện cho cán bộ, bộ đội tình nguyện tính tổ chức kỷ luật cao trong chấp hành các mệnh lệnh, nguyên tắc, giúp hồi sinh đất nước Campuchia.
Với những thành tích xuất sắc, năm 1986, đồng chí Lê Đức Anh được thăng quân hàm Đại tướng và được bổ nhiệm giữ chức Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Trăn trở trước những khó khăn của đất nước thời kỳ đầu đổi mới, trước tình hình “Bộ đội biên cương ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, vậy mà ngân sách quốc phòng chỉ mới lo chuyện đời sống, chưa tính đến trang bị, đã chiếm tới 25% tổng ngân sách quốc dân, bởi vì quân số thường trực quá lớn, trong khi nền kinh tế - xã hội đang lâm vào khủng hoảng... Tăng quân số, tăng chi phí quốc phòng, nhưng an ninh quốc phòng không bảo đảm, nguy cơ đối với độc lập dân tộc trên lĩnh vực quốc phòng tăng lên”(8), Tổng Tham mưu trưởng Lê Đức Anh đã đề xuất “cần phải giảm quân và điều chỉnh lại thế bố trí chiến lược”; chú trọng xây dựng công nghiệp quốc phòng tự chủ, điều chỉnh bố trí chiến lược và triển khai trên toàn quốc “thế trận chiến tranh nhân dân” và thực hiện nhiệm vụ “quốc phòng toàn dân”. Đồng chí đề nghị Đảng và Nhà nước có chính sách cụ thể cải thiện đời sống bộ đội tại ngũ, giải quyết việc làm và đời sống cho cán bộ, chiến sĩ xuất ngũ. Nhờ vậy, tuy lực lượng giảm đi, nhưng sức mạnh phòng thủ và chiến đấu của quân đội được tăng cường.
Năm 1987, trên cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Lê Đức Anh chỉ đạo tập trung kế hoạch điều chỉnh chiến lược, bố trí lại đội hình chiến lược bảo đảm mục tiêu đánh lâu dài, giảm chi phí quốc phòng, phát huy sức mạnh toàn dân, toàn diện, tạo nên sức mạnh phòng thủ đất nước và đủ sức mạnh chống lại mọi tình huống chiến tranh. Đây là con đường đổi mới xây dựng Quân đội nhân dân, đổi mới công cuộc xây dựng và củng cố nền quốc phòng toàn dân, kết hợp chặt chẽ quốc phòng và an ninh, kết hợp chặt chẽ công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Với tầm nhìn chiến lược, Đại tướng Lê Đức Anh đặc biệt quan tâm đến công tác tăng cường phòng thủ biển, đảo. Cuối tháng 2-1987, Bộ Quốc phòng chỉ thị cho Quân chủng Hải quân củng cố và tăng cường lực lượng phòng thủ quần đảo Trường Sa. Để đưa ra được những quyết sách đúng đắn, Đại tướng Lê Đức Anh nhiều lần trực tiếp thị sát, chỉ đạo và đóng góp quan trọng trong xây dựng thế trận phòng thủ vững chắc, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Trải qua sự nghiệp đấu tranh lâu dài và gian khổ của cách mạng Việt Nam, từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến 30 năm chiến tranh vệ quốc vĩ đại chống Pháp và chống Mỹ (1945 - 1975), tham gia cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới của Tổ quốc, chỉ huy Quân tình nguyện Việt Nam thực hiện nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia, kinh qua các vị trí từ cấp đại đội, chi đội đến chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Lê Đức Anh đã để lại một sự nghiệp quân sự vẻ vang, gắn liền với những thắng lợi to lớn của dân tộc, xứng đáng là nhà quân sự tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam./.
---------------------------
(1) Đại tướng Lê Đức Anh: Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng (Hồi ký), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2015, tr. 36
(2) Hội đồng Chỉ đạo biên soạn Lịch sử Đảng bộ miền Đông Nam Bộ: Lịch sử Đảng bộ miền Đông Nam Bộ lãnh đạo kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945-1975), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr. 132
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.15, tr. 612
(4) Dẫn theo Đại tướng Lê Đức Anh: Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng (Hồi ký), Sđd, tr. 129
(5) Dẫn theo Khuất Biên Hòa: Đại tướng Lê Đức Anh, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr. 84
(6) Dẫn theo Đại tướng Lê Đức Anh: Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng (Hồi ký), Sđd, tr. 174
(7) Đại tướng Lê Đức Anh: Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng (Hồi ký), Sđd, tr. 219
(8) Đại tướng Lê Đức Anh: Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng (Hồi ký), Sđd, tr.302-303
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên