Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 11 đến ngày 17-3-2019
Phê duyệt Đề án Cổng Dịch vụ công quốc gia
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa phê duyệt Đề án Cổng Dịch vụ công quốc gia với quan điểm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ; sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức và cơ quan có thẩm quyền trong cung cấp dịch vụ công.
Theo Đề án, Cổng Dịch vụ công quốc gia được thiết lập tại một địa chỉ duy nhất để công khai, minh bạch các thông tin liên quan về thủ tục hành chính và cung cấp, hỗ trợ thực hiện dịch vụ công theo nhu cầu sử dụng, phù hợp với từng đối tượng; bảo đảm khả năng giám sát, kiểm tra, đánh giá của cá nhân, tổ chức và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong thực hiện dịch vụ công.
Cổng Dịch vụ công quốc gia có chức năng cung cấp thông tin, hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công; cung cấp dịch vụ công trực tuyến; đánh giá sự hài lòng và tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức và một số chức năng kỹ thuật khác của hệ thống.
Mục tiêu chung của Đề án Cổng Dịch vụ công quốc gia là nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công của các cơ quan nhà nước, đảm bảo phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, hướng tới số hóa hồ sơ, giấy tờ giấy, chuyển hoạt động sử dụng hồ sơ, văn bản giấy, giao dịch trực tiếp sang hoạt động sử dụng hồ sơ, văn bản điện tử, giao dịch điện tử và cung cấp dịch vụ công không phụ thuộc vào thời gian, địa giới hành chính; thúc đẩy cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin; cải thiện vị trí của Việt Nam về chỉ số dịch vụ công trực tuyến trong chỉ số phát triển Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên hợp quốc.
Đề án đặt mục tiêu cụ thể là hoàn thiện thể chế cho việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nhất là việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; thiết lập Cổng Dịch vụ công quốc gia tại một địa chỉ duy nhất trên mạng để thống nhất việc cung cấp thông tin, hỗ trợ tổ chức, cá nhân thực hiện, giám sát, đánh giá thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến và tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị. Đồng thời, thực hiện tích hợp để cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, trong đó đến năm 2020, Cổng Dịch vụ công Quốc gia tích hợp tối thiểu 30% các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu với người dân, doanh nghiệp của các bộ, ngành, địa phương, một số đơn vị cung cấp dịch vụ công và tăng dần mỗi năm 20% cho tới khi tích hợp toàn bộ (100%) các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các bộ, ngành, địa phương.
Đề án cung cấp nền tảng xác thực điện tử dùng chung để cá nhân, tổ chức chỉ cần đăng nhập một lần (SSO) khi sử dụng các dịch vụ công trực tuyến tại các Hệ thống thông tin một cửa, Cổng dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương. Nền tảng xác thực này đạt mức độ đảm bảo cao theo tiêu chuẩn quốc tế (mức độ 3, 4) và có thể được áp dụng cho các hệ thống khác như Hệ thống thông tin một cửa điện tử, hệ thống thông tin tham vấn chính sách và văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống báo cáo quốc gia,…
Đề án phấn đấu cung cấp, tích hợp 500 nghìn tài khoản trong năm 2019; 1 triệu tài khoản trong năm 2020, đạt tối thiểu 8 triệu tài khoản trong năm 2023; hỗ trợ cá nhân, tổ chức trong quản lý thông tin, hồ sơ giấy tờ theo nguyên tắc thông tin, hồ sơ chỉ cần cung cấp một lần và được tái sử dụng trong các lần thực hiện dịch vụ công trực tuyến tiếp theo.
Tập trung nguồn lực xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện Cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung nguồn lực triển khai xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh và phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ trong việc tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia, bảo đảm đúng tiến độ. Đây là nội dung tại Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Đề án Cổng dịch vụ công quốc gia.
Thông báo nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ nhất trí với các đề xuất, kiến nghị của Văn phòng Chính phủ về Đề án Cổng dịch vụ công quốc gia. Chủ trương thiết lập Cổng dịch vụ công quốc gia tại một địa chỉ duy nhất trên mạng điện tử để thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp được Chính phủ xác định là một trong những giải pháp đúng đắn để thúc đẩy việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến và đã được chỉ đạo tại Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14-10-2015 về Chính phủ điện tử. Tuy nhiên, đến nay việc triển khai Cổng dịch vụ công quốc gia là chậm so với chỉ đạo của Chính phủ.
Các bộ: Thông tin và Truyền thông, Công an, Văn phòng Chính phủ khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về kết nối, chia sẻ dữ liệu; bảo vệ dữ liệu cá nhân; định danh, xác thực điện tử; thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; quy chế vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia để bảo đảm hành lang pháp lý cho hoạt động của Cổng dịch vụ công quốc gia và các giao dịch điện tử.
Văn phòng Chính phủ phối hợp với một số bộ, ngành, địa phương vận hành thí điểm Cổng dịch vụ công quốc gia theo lộ trình trước khi triển khai trên toàn quốc.
Khi công bố các văn bản, chính sách phải đánh giá kỹ tác động
Ngày 14-3, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã kiểm tra 13 bộ, cơ quan trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác, chủ trì buổi kiểm tra.
Phát biểu mở đầu buổi kiểm tra, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ vào cuộc triển khai quyết liệt, làm tốt các nhiệm vụ ngay từ quý I, nhất là việc hoàn thiện thể chế, cắt bỏ các rào cản, tháo gỡ khó khăn cho tăng trưởng và cải cách thủ tục hành chính. Hiện các bộ đang nợ đọng nhiều nhiệm vụ, nếu làm chậm sẽ ảnh hưởng đến cả chuỗi công việc về sau.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng lưu ý: Chỉ nửa tháng nữa là hết quý I, Thủ tướng nhắc trước khi công bố các văn bản, chính sách phải đánh giá kỹ tác động, tránh việc vừa ban hành thì dư luận đã không đồng tình. Có những văn bản cài cắm công vụ, thủ tục. Có văn bản ban hành chưa được mấy tháng đã phải hủy. Văn bản chưa chắc thì chưa ban hành vội, mà nên lấy thêm ý kiến doanh nghiệp, nghe nhiều chiều. Ví dụ cụ thể được Tổ trưởng Tổ công tác đưa ra là đề xuất trước đó của Bộ trưởng Giao thông Vận tải về việc “mất bằng lái xe phải thi lại”. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết: “Không phải như Bộ trưởng nói là mất bằng thì phải thi lại. Do không quản lý được mà đưa ra những đề xuất rất buồn cười để dư luận ồn lên. Hay việc lấy tiêu chuẩn nước mắm công nghiệp áp cả cho nước mắm truyền thống khiến các hộ sản xuất, doanh nghiệp ầm ầm gửi đơn lên, rất là khổ”.
Tại buổi kiểm tra, đại diện các bộ đã giải trình về tiến độ triển khai từng nhiệm vụ và chốt thời hạn để hoàn thành. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng lưu ý hàng loạt nhiệm vụ quan trọng với từng bộ, cơ quan cần tập trung thực hiện, trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần sớm trình Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch. “Chúng ta không tích hợp được quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng và quy hoạch quốc gia thì tất cả các tỉnh, bộ, địa phương dừng hết, không làm gì cả. Nếu chúng ta không xử lý tốt được cái này thì cả nước đình trệ hết vì quy định của luật”, Bộ trưởng nói.
Nhấn mạnh Nghị định quy định chi tiết Luật An ninh mạng là rất quan trọng, liên quan tới các doanh nghiệp trong và ngoài nước, yêu cầu đặt ra là vừa bảo đảm quản lý nhà nước, an ninh mạng, vừa bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế, Bộ trưởng lưu ý Bộ Công an đẩy nhanh tiến độ hơn nữa. Nếu còn có ý kiến khác nhau thì ngồi ngay tại Văn phòng Chính phủ làm giải trình, các vụ, cục của Văn phòng Chính phủ sẽ hỗ trợ để tạo ra sự đồng thuận.
Long An hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy các sở, ngành; cơ quan chuyên môn cấp huyện
Ông Nguyễn Văn Chóng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Long An cho biết, năm 2018, ngành Nội vụ tỉnh Long An đã tập trung triển khai việc sắp xếp tổ chức bộ máy của các sở, ngành; cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện và sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập theo Đề án số 02-ĐA/TU của Tỉnh ủy Long An về sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.
Cụ thể đã sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong đối với 18 cơ quan chuyên môn và tương đương cấp tỉnh; sáp nhập Phòng Y tế vào Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện; sáp nhập 15 Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình vào Trung tâm Y tế cấp huyện; thực hiện sáp nhập, sắp xếp, tổ chức lại 53 trường học các cấp trên địa bàn tỉnh; giải thể 14 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên thuộc 14 huyện, thị xã, thành phố. Đặc biệt, Long An hợp nhất các Trạm Chăn nuôi và Thú y, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông, Trạm Quản lý khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn cấp huyện thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp trực thuộc UBND cấp huyện…
Cũng trong năm 2018, Long An đã thực hiện tinh giản biên chế đối với 289 người thuộc các cơ quan, đơn vị trong tỉnh.
Ngành Nội vụ đã tham mưu đưa thủ tục hành chính của các sở, ngành và cấp huyện về tập trung một đầu mối tiếp nhận, giải quyết tại Trung tâm Phục vụ hành chính công, từ đó giảm tỷ lệ hồ sơ trễ hạn, từng bước nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh Long An cũng đã ban hành và triển khai kế hoạch kiểm tra công tác cải cách hành chính đối với 57 cơ quan, đơn vị, đạt 100% theo kế hoạch.
Năm 2019, ngành Nội vụ tỉnh Long An tiếp tục rà soát việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; tham mưu UBND tỉnh giao biên chế công chức hành chính, số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập năm 2019 và kế hoạch biên chế công chức, viên chức năm 2020.
Bắc Giang tập trung xây dựng chính quyền điện tử
Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Linh cho biết, tỉnh đang tập trung thực hiện các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, góp phần cải cách hành chính, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội địa phương.
Năm 2018, Sở Thông tin và Truyền thông Bắc Giang đã triển khai nhiệm vụ về ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền điện tử tại địa phương như: Xây dựng Đề án phát triển thành phố thông minh tỉnh Bắc Giang đến năm 2025; xây dựng, nâng cấp Cổng thông tin điện tử của tỉnh và các Cổng thành phần của các cấp, các ngành; triển khai thí điểm liên thông phần mềm một cửa điện tử 3 cấp tỉnh - huyện - xã cho thành phố Bắc Giang.
Cùng với đó là việc tích hợp liên thông các dịch vụ công của Bộ Kế hoạch và Đầu tư với phần mềm một cửa điện tử của Sở Kế hoạch và Đầu tư; triển khai thực hiện kế hoạch phổ cập kiến thức khoa học và công nghệ đến người dân qua điện thoại di động trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2018 - 2020; xây dựng phần mềm ứng dụng App 4G plus chuyên về lĩnh vực khoa học và công nghệ tỉnh Bắc Giang; chỉ đạo sử dụng chữ ký số trong các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã để thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử trên môi trường mạng…
Đến nay, 10/10 huyện, thành phố, 19 sở, ngành và 230/230 xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã triển khai một cửa điện tử (đạt 100% các cấp, ngành triển khai một cửa điện tử). Tại tỉnh đã thực hiện kết nối liên thông dữ liệu từ phần mềm một cửa điện tử đến các phần mềm chuyên ngành của 4 Bộ là Tài chính, Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp; kết nối liên thông giữa phần mềm một cửa điện tử với phần mềm quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp của Văn phòng UBND tỉnh.
Hiện nay, hoạt động của hệ thống một cửa điện tử của các cấp, ngành tại tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực so với những năm trước, trong đó 85% thủ tục hành chính cấp huyện và 89% thủ tục hành chính cấp sở được giải quyết qua một cửa điện tử; 100% cơ quan nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã sử dụng phần mềm để tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại bộ phận một cửa điện tử…
100% các sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố ở Bắc Giang cũng đã được cài đặt và sử dụng phần mềm quản lý văn bản, điều hành công việc; 16/20 sở, ngành trong tỉnh đã triển khai phần mềm đến đơn vị sự nghiệp trực thuộc; 100% các huyện, thành phố đã triển khai phần mềm liên thông đến cấp xã.
Nghệ An cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã
Tỉnh Nghệ An đang thực hiện sắp xếp bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Theo đó, tỉnh chủ trương không bố trí người hợp đồng không chuyên trách cho chức danh Văn phòng Đảng ủy mà chuyển nhiệm vụ này cho một công chức văn phòng - thống kê thực hiện theo hướng ở cấp xã chỉ có một văn phòng phục vụ chung cho cả cấp ủy và chính quyền. Không tổ chức chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn và chi bộ quân sự xã. Những đơn vị còn mô hình này tiến hành giải thể, chuyển đảng viên về sinh hoạt đảng tại khu dân cư nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ ở địa phương, đồng thời nâng cao chất lượng ban hành các chủ trương, nghị quyết, gắn với thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của chi bộ đề ra.
Tỉnh Nghệ An cũng thực hiện bố trí kiêm nhiệm các chức danh cán bộ chuyên trách và không chuyên trách cấp xã theo hướng Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND; trường hợp Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND thì Phó Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND. Tỉnh tiếp tục thực hiện chủ trương Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã ở những nơi có điều kiện.
Đối với chức danh cấp phó Mặt trận Tổ quốc và phó các đoàn thể chính trị - xã hội cấp xã phải kiêm nhiệm tối thiểu một chức danh không chuyên trách khác, nhưng tối đa không quá 2 chức danh. Chức danh phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra đảng ủy không bố trí riêng mà thực hiện việc kiêm nhiệm; không bố trí chức danh nội vụ, thi đua, tôn giáo, dân tộc và chức danh bảo vệ thực vật, thú y; không bố trí chức danh quản lý nhà văn hóa, đài truyền thanh mà nhiệm vụ này chuyển cho công chức văn hóa - xã hội thực hiện; khuyến khích việc bố trí đồng chí bí thư chi bộ kiêm khối, xóm trưởng, trưởng thôn, bản.
Nghệ An cũng thực hiện tinh giản tối thiểu 10% biên chế cán bộ, công chức cấp xã theo lộ trình đến năm 2021, gắn với đó thực hiện khoán số lượng tối đa người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và khối, xóm, thôn, bản để bố trí kiêm nhiệm nhằm giảm bớt số người làm việc.
Theo chủ trương trên, tỉnh Nghệ An đề ra mục tiêu cụ thể trong năm 2019 là thực hiện việc sáp nhập các khối, xóm, thôn, bản chưa đủ tiêu chí theo quy định; giải thể chi bộ cơ quan và chi bộ quân sự cấp xã, chuyển đảng viên về sinh hoạt tại chi bộ khu dân cư; thực hiện mô hình văn phòng dùng chung của cấp ủy, chính quyền cấp xã./.
Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 11 đến 17-3-2019)  (18/03/2019)
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức hội nghị An toàn - Sức khỏe - Môi trường lần thứ 13  (18/03/2019)
Cùng Agribank “Gửi niềm tin, nhận tài lộc”  (18/03/2019)
Bế mạc Hội Báo toàn quốc 2019 - Ngày hội của những người làm báo  (17/03/2019)
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc tại tỉnh Điện Biên  (17/03/2019)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển