Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 25-02 đến 03-3-2019)
TCCSĐT - Ngày 25-02, kết quả sơ bộ cuộc trưng cầu ý dân diễn ra 1 ngày trước đó cho biết, cử tri Cuba đã thông qua Hiến pháp mới với tỷ lệ phiếu ủng hộ đạt 73,31% trên tổng số cử tri đăng ký. Việc thông qua bản Hiến pháp mới được coi là sự định hình cho giai đoạn phát triển mới của đảo quốc Caribe này.
Cuba định hình giai đoạn phát triển mới
Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel và các cử tri xếp hàng chờ bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân về Hiến pháp mới tại La Habana, ngày 24-02. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong một cuộc họp báo chính thức, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử quốc gia Cuba, bà Alina Balseiro thông báo, kết quả chính thức sẽ được công bố trong vòng 1 tuần tới và Hiến pháp mới sẽ có hiệu lực sau khi kết quả này được đăng trên Công báo nhà nước.
Dự thảo Hiến pháp mới của Cuba bao gồm một phần mở đầu và 229 điều, được chia vào 11 mục, 24 chương và 16 phần. Đây sẽ là bản Hiến pháp thứ 2 của Cuba kể từ khi Cách mạng thành công năm 1959, tiếp sau Hiến pháp 1976 hiện hành, mới được bổ sung sửa đổi 2 lần vào các năm 1992 và 2002. Bên cạnh việc tái khẳng định mục tiêu và con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, cùng việc duy trì nền tảng cơ bản của mô hình kinh tế - xã hội xã hội chủ nghĩa, dự thảo Hiến pháp mới đưa ra nhiều thay đổi quan trọng như xác định rõ hơn vai trò của Đảng Cộng sản, tuyên bố tính chất pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Cuba, ấn định tính tối thượng của Hiến pháp trong hệ thống tư pháp, định ra các chức danh lãnh đạo mới cùng các quy định về nhiệm kỳ và giới hạn tuổi bổ nhiệm, trao thêm quyền tự chủ cho các đơn vị hành chính địa phương, đặc biệt là cấp quận, huyện, mở rộng và hiến định thêm nhiều quyền của công dân, công nhận những thành phần kinh tế mới và đề ra cơ chế tự chủ cho các doanh nghiệp nhà nước, hay nâng lên tầm hiến định nhiều nguyên tắc của cách mạng Cuba.
Phát biểu sau khi cử tri Cuba thông qua bản Hiến pháp mới, Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodríguez Parrilla nhận định, Hiến pháp mới phản ánh được “toàn bộ nhân dân Cuba như một thể thống nhất và tiến bộ”, khẳng định văn bản “Đại hiến chương” này đã làm phong phú thêm và hiện đại hóa chính sách của cách mạng Cuba. Cuộc trưng cầu ý dân về Hiến pháp mới đã khép lại quá trình cải tổ hiến pháp toàn diện, là sự kiện chính trị quan trọng đối với người dân đảo quốc Caribe bởi yếu tố chính trị và tinh thần của nó.
Trên thực tế, Cuba đã định hình rõ mô hình kinh tế - xã hội xã hội chủ nghĩa, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tới năm 2030 và tiến trình cập nhật mô hình kinh tế - xã hội trong 5 năm tới. Bên cạnh đó, những thành quả về giáo dục và y tế của Cuba vừa có tầm rộng, vừa có chiều sâu. Về giáo dục, chỉ trong vòng 3 năm, cách mạng đã thanh toán hoàn toàn nạn mù chữ, mở rộng mạng lưới giáo dục cơ sở trên cả nước, bảo đảm quyền và nghĩa vụ đến trường của tất cả trẻ em, song song với đó là phát triển giáo dục bậc cao. Cùng với giáo dục, Cuba đã xây dựng được một hệ thống y tế nhiều tầng cấp, nhờ đó đã đạt được những kỳ tích chăm sóc sức khỏe, như tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh thuộc hàng thấp nhất thế giới, là nước đầu tiên trên thế giới xóa bỏ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con (năm 2015), là nhà tiên phong trong nhiều phương pháp và sản phẩm điều trị ung thư …
Tựu chung lại, có thể nói rằng cách mạng đã giúp người dân Cuba được hưởng những dịch vụ này với chất lượng tương đương với các nước phát triển tiên tiến. Hơn nữa, tại một khu vực luôn nhức nhối với tỷ lệ chênh lệch giàu nghèo, bạo lực xã hội và nạn buôn bán ma túy, cách mạng Cuba vẫn luôn bảo đảm cho người dân quyền bình đẳng phát triển khả năng cá nhân trong một môi trường bình yên. Đó chính là những quyền con người mà cách mạng Cuba theo đuổi.
Có thể nhận thấy những giá trị to lớn mà con đường cách mạng của Cuba đã mang lại và chỉ có chính người dân Cuba mới có quyền điều chỉnh và hoàn thiện mô hình phát triển của mình. Những lá phiếu tại cuộc trưng cầu ý dân về Hiến pháp mới cho thấy, người dân Cuba luôn kiên định với con đường mà cách mạng do Đảng Cộng sản Cuba lãnh đạo, đồng thời định hình giai đoạn phát triển mới trên con đường xây dựng và phát triển đất nước.
Rối ren trên chính trường Canada
Thủ tướng Canada J. Trudeau phát biểu với báo giới tại Ottawa, Ontario, ngày 27-02. Ảnh: AFP/TTXVN
Lãnh đạo đảng Bảo thủ đối lập tại Canada A. Scheer ngày 28-02 đã yêu cầu Thủ tướng nước này J. Trudeau đồng thời là Chủ tịch đảng Tự do cầm quyền từ chức sau khi cựu Bộ trưởng Tư pháp Jody Wilson-Raybould lên tiếng cáo buộc nhiều nhân vật trong chính phủ đã gây sức ép liên tục với bà trong thời gian từ tháng 9 đến tháng 12-2018 để can thiệp vào vụ truy tố Tập đoàn SNC-Lavalin.
SNC-Lavalin là Tập đoàn xây dựng hàng đầu thế giới có trụ sở tại thành phố Montreal của Canada. Theo những số liệu mà tờ Globe & Mail thu thập, SNC-Lavalin là một trong những doanh nghiệp nhận được nhiều hỗ trợ nhất từ Cơ quan Phát triển Xuất khẩu của Chính phủ Canada (EDC). Trong hai thập niên qua, tập đoàn này đã được vay ít nhất 2 tỷ CAD (hơn 1,5 tỷ USD); giành được nhiều hợp đồng kinh doanh trên khắp thế giới, từ Mỹ Latinh, châu Phi tới châu Âu và châu Á, trải rộng trên một loạt lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật và xây dựng, các dự án đầu tư nước ngoài, dự án về nước, nhiệt điện… Mức hỗ trợ lớn mà EDC dành cho SNC-Lavalin trong những năm qua đang thổi bùng lên quan điểm cho rằng cần tiến hành cải cách chức năng, nhiệm vụ của cơ quan này, thay đổi cách thức mà chính phủ liên bang “đối xử” với các doanh nghiệp đang “dính” vào các nghi án tham nhũng. Chính sự ủng hộ của EDC dành cho SNC-Lavalin đã làm dấy lên các nghi vấn về mối quan hệ trong nhiều năm qua giữa Chính phủ Canada với tập đoàn xây dựng hàng đầu thế giới này.
Sóng gió bắt đầu nổi lên trên chính trường Canada sau khi tờ Globe and Mail hồi đầu tháng 2 dẫn nguồn tin giấu tên cho biết người từng đứng đầu cơ quan tư pháp Canada, bà Wilson-Raybould, đã phải chịu sức ép từ Văn phòng Thủ tướng Trudeau trong vụ truy tố SNC-Lavalin. Theo nguồn tin này, sau khi bà Wilson-Raybould từ chối “chỉ đạo” của Văn phòng Thủ tướng muốn bà dàn xếp để vụ việc liên quan đến SNC-Lavalin không cần tòa án phân xử, bà đã bị điều chuyển sang đảm nhiệm chức Bộ trưởng phụ trách Các vấn đề về cựu chiến binh. Thủ tướng J. Trudeau đã lên tiếng phủ nhận việc gây sức ép đối với bà Wilson-Raybould, coi đây là sai sự thật.
Cuộc khủng hoảng chính trị tại Canada trở nên căng thẳng hơn khi ngày 12-02, bà Wilson-Raybould đệ đơn từ chức lên Thủ tướng. Trước vụ việc này, lãnh đạo đảng Bảo thủ đối lập A. Scheer nhận định đây là dấu hiệu về tình trạng rối ren của Chính phủ Canada. Trong khi đó, theo giới phân tích, chỉ còn 8 tháng nữa là diễn ra cuộc tổng tuyển cử ở Canada, quyết định từ nhiệm của bà Raybould được coi là sẽ gây khó khăn đối với đảng Tự do cầm quyền, đặc biệt khi kết quả thăm dò dư luận gần đây cho thấy, các đảng đối thủ đang bám đuổi sát nút trong cuộc đua giành vị trí lãnh đạo chính phủ.
Trong bối cảnh dư luận Canada đang đặt dấu hỏi lớn về những can thiệp của chính phủ vào tiến trình khởi tố Tập đoàn SNC-Lavalin, ngày 18-02, Cố vấn hàng đầu của Thủ tướng J. Trudeau, ông G. Butts cũng thông báo từ nhiệm, đồng thời bác bỏ những cáo buộc cho rằng ông đã gây sức ép đối với bà Jody Wilson-Raybould.
Vụ việc liên quan đến Tập đoàn SNC-Lavalin khiến uy tín của Thủ tướng J. Trudeau bị ảnh hưởng. Trả lời câu hỏi về lãnh đạo đảng nào sẽ trở thành vị thủ tướng tốt nhất, ông J. Trudeau chỉ được 26% số người ủng hộ, giảm 7 điểm so với cuộc thăm dò tương tự mà Leger thực hiện hồi tháng 11-2018.
Nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Yemen
Khủng hoảng nhân đạo tại Yemen. Ảnh: TTXVN
Ngày 26-02, Hội nghị các nhà tài trợ cho Yemen diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ), với 3 bên tổ chức là quốc gia chủ nhà, Liên hợp quốc và Thụy Điển. Trước nguy cơ về một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng tại Yemen, Hội nghị cho thấy nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm cứu trợ cho quốc gia này.
Yemen là một trong những quốc gia Arab nghèo nhất, bị chiến tranh tàn phá nặng nề kể từ khi phiến quân Houthi theo dòng Hồi giáo Shi'ite chiếm giữ phần lớn đất nước, bao gồm cả thủ đô Sanaa vào năm 2014. Theo Liên hợp quốc, trong vòng 4 năm qua, cuộc xung đột tại Yemen đã cướp đi sinh mạng của khoảng 10.000 người, trong đó có 7.000 dân thường, khiến 11.100 người bị thương và đẩy quốc gia này vào cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới. Các tổ chức viện trợ quốc tế hiện coi Yemen là nước đang lâm vào “cuộc khủng hoảng đói nghèo tồi tệ nhất thế giới” sau khi xung đột diễn ra, khiến 80% dân số Yemen cần hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp. Trong số này, 10 triệu người đang phải đối mặt với mức độ thảm khốc của nạn đói và 20 triệu người sẽ gặp khó khăn đáng kể trong việc tiếp cận thực phẩm nếu không được hỗ trợ. Theo Báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) khu vực Trung Đông và Bắc Phi, cứ mỗi năm lại có 30.000 trẻ em tử vong vì suy dinh dưỡng nặng tại Yemen, trong khi cứ mỗi 10 phút lại có 1 em chết vì các căn bệnh thông thường vốn có thể dễ dàng phòng ngừa.
Cuộc xung đột kéo dài tại Yemen cũng đã đẩy 3,5 triệu người vào cảnh tha hương và phá hủy nhiều hạ tầng, bao gồm hệ thống y tế. Hạ tầng y tế bị hủy hoại, đang đẩy người dân Yemen vào tình cảnh hết sức khó khăn. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết dịch bệnh bạch hầu lần đầu tiên được báo cáo tại Yemen vào tháng 10-2017 đã khiến hơn 1.300 trường hợp bị nhiễm. Xung đột cũng gây nên đại dịch tả do tình trạng vệ sinh xuống cấp với hơn 1 triệu người mắc bệnh và khoảng 2.000 thiệt mạng vì căn bệnh này. WHO đã bày tỏ lo ngại về mức độ tổn thương của người dân Yemen trước sự tái bùng phát của các dịch bệnh khi tình trạng khan hiếm thuốc men ngày càng trầm trọng.
Trước tình cảnh khó khăn tại Yemen do xung đột, cộng đồng quốc tế đã viện trợ nhân đạo với số tiền hàng tỷ USD cho quốc gia này. Theo thống kê của Cơ quan nhân đạo Liên hợp quốc (OCHA) tại Yemen, năm 2017, các nhà tài trợ quốc tế đã quyên góp 1,65 tỷ USD để hỗ trợ người dân Yemen; hỗ trợ lương thực của Liên hợp quốc là 3 triệu người/tháng. Tiếp đó, trong năm 2018, Liên hợp quốc đã gây quỹ được hơn 2,96 tỷ USD; hỗ trợ lương thực cho người dân Yemen với con số 8 triệu người/tháng. Ngay trong những ngày đầu năm 2019, Liên hợp quốc đã chi 50 triệu USD để cứu trợ nhân đạo cho Yemen. Tuy nhiên, tình hình chiến sự vẫn diễn biến phức tạp bất chấp các vòng đàm phán hòa bình do Liên hợp quốc bảo trợ giữa các bên đối địch tại Yemen đã khiến nhu cầu viện trợ nhân đạo ngày một tăng.
Lần này, tại Hội nghị các nhà tài trợ cho Yemen, lời kêu gọi viện trợ 4,2 tỷ USD để hỗ trợ người dân Yemen trong năm 2019 của Liên hợp quốc đã được các nhà tài trợ quốc tế cam kết thực hiện. Tổng Thư ký Liên hợp quốc A. Guterres nhấn mạnh đây là yêu cầu khẩn cấp cho một quốc gia với số tiền kêu gọi quyên góp lớn nhất từng được Liên hợp quốc đưa ra, nhằm thực hiện kế hoạch giúp đỡ 19 triệu người Yemen. Việc các nhà tài trợ quốc tế cam kết viện trợ 4,2 tỷ USD cho người dân Yemen trong năm 2019 đã khẳng định nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo tại quốc gia này.
Chương mới trong quan hệ hợp tác giữa châu Âu và thế giới Arab
Tổng thống Iraq Barham Salih. Ảnh: AFP/TTXVN
Sau 2 ngày làm việc 24 và 25-02, tại thành phố Sharm el-Sheikh của Ai Cập, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) - Liên đoàn Arab (AL) với chủ đề “Đầu tư vào sự ổn định” đã khép lại với nhiều kết quả tích cực. Đây là hội nghị Thượng đỉnh EU - AL lần đầu tiên được tổ chức với mục đích tăng cường quan hệ giữa châu Âu với thế giới Arab để giải quyết các thách thức chung.
Trong tuyên bố sau Hội nghị, các nhà lãnh đạo EU và AL nêu rõ, hai bên đã trao đổi các phương thức tăng cường quan hệ và giải quyết các thách thức chung, đồng thời bày tỏ tin tưởng mối quan hệ giữa các nước thành viên hai khối có tiềm năng to lớn để thúc đẩy sự thịnh vượng và ổn định của hai khu vực nói riêng và thế giới nói chung. Tuyên bố khẳng định lập trường chung về tiến trình hòa bình Trung Đông, khẳng định cam kết ủng hộ tiến tới giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Israel - Palestine; ủng hộ nỗ lực của Liên hợp quốc giải quyết các cuộc xung đột tại Syria, Libya và Yemen, theo đó, tái khẳng định sự cần thiết duy trì thống nhất, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập của các quốc gia này.
Các nhà lãnh đạo EU và AL cũng chia sẻ quan điểm về những mối đe dọa đối với tình hình an ninh và hòa bình của khu vực và quốc tế, trong đó có khủng bố, các hành động gây bất ổn, buôn lậu vũ khí và tội phạm có tổ chức. Về hợp tác kinh tế, hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường mối quan hệ kinh tế song phương, thiết lập quan hệ đối tác mạnh mẽ dựa trên đầu tư và phát triển bền vững. EU và AL cam kết phát triển một lộ trình hợp tác tích cực trong lĩnh vực thương mại, năng lượng, khoa học, công nghệ, du lịch, nông nghiệp và các lĩnh vực đem lại lợi ích chung.
Có thể thấy, thông qua Hội nghị thượng đỉnh lịch sử lần đầu tiên, cả EU và AL đều mong muốn xích lại gần nhau với mục tiêu chung là phát triển hợp tác chặt chẽ hơn. Ưu tiên của các nước Arab tại Hội nghị là sự ủng hộ của EU trong giải quyết vấn đề phức tạp ở Libya, Syria và Yemen, ít nhất là về mặt tái thiết, cũng như cuộc chiến chống khủng bố, buôn lậu vũ khí. Trong khi đó, về phía EU, ưu tiên hàng đầu là hợp tác nhằm ngăn chặn làn sóng người di cư bất hợp pháp sang châu Âu từ các nước Arab và châu Phi.
Với những phiên thảo luận mang tính xây dựng, Hội nghị là cơ hội thiết lập sự phối hợp ở cấp cao giữa EU và AL, từ đó góp phần xác định rõ tầm nhìn và định hình một chiến lược chung nhằm giải quyết hàng loạt vấn đề mà hai bên cùng quan tâm. Việc Hội nghị thượng đỉnh EU - AL đạt được nhiều kết quả tích cực cho thấy đối thoại trực tiếp vẫn là cách thức hiệu quả để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, thu hẹp khoảng cách, xóa bỏ bất đồng, từ đó phát triển quan hệ và tăng cường hợp tác để hai bên cùng có lợi.
Bước tiến trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung
Ảnh minh họa. Ảnh: TTXVN
Vòng đàm phán thương mại cấp cao thứ tư giữa Mỹ và Trung Quốc đã kết thúc với những tiến triển đáng kể. Điều này cho thấy nỗ lực vượt qua bất đồng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này.
Tại cuộc đàm phán, đoàn đàm phán thương mại của Mỹ và Trung Quốc đã thương lượng về những vấn đề cụ thể trong các lĩnh vực như chuyển giao công nghệ, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, hàng rào phi thuế quan, ngành dịch vụ, nông nghiệp, tỷ giá hối đoái nhằm giải quyết những tranh chấp thương mại cũng như tránh làm leo thang cuộc chiến thuế quan giữa hai nước.
Có thể thấy cả Mỹ và Trung Quốc đã có những động thái được xem là tạo động lực cho vòng đàm phán cấp cao lần này. Trước thềm cuộc đàm phán thương mại giữa các quan chức cấp cao lần này, Tổng thống Mỹ D. Trump cho rằng, các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc “rất phức tạp”, song đang “tiến tiển tốt”, đồng thời tiếp tục ngỏ ý có thể gia hạn thời hạn chót tăng thuế đối với hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc vào ngày 01-3 tới. Đây không phải là lần đầu tiên Tổng thống D. Trump để ngỏ khả năng kéo dài thời hạn chót. Trước đó, sau khi vòng đàm phán thương mại Mỹ - Trung kết thúc tại Bắc Kinh ngày 15-02 mà không đạt được thỏa thuận nào, Tổng thống D. Trump đã để ngỏ khả năng kéo dài thời hạn chót nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán giải quyết tranh chấp thương mại giữa hai nước.
Các chuyên gia phân tích nhận định, sự nhượng bộ này của Tổng thống D. Trump cho thấy Mỹ một lần nữa muốn trao cơ hội cho cuộc đàm phán thương mại lần này với Trung Quốc, mở ra hy vọng về một thỏa thuận song phương giúp tránh một cuộc chiến thương mại sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới cả hai bên. Quan trọng hơn, mục tiêu giải quyết bất đồng thương mại với Trung Quốc nằm trong kế hoạch tái tranh cử chức Tổng thống Mỹ vào năm 2020 của Tổng thống D. Trump. Nhà lãnh đạo Mỹ đang cần sự ủng hộ của cử tri nước này để đạt được mục tiêu và việc giải quyết được căng thẳng thương mại với Trung Quốc cũng sẽ giúp ông giành nhiều lợi thế.
Trong khi đó, về phía Trung Quốc, trước thềm cuộc đàm phán, Bộ Thương mại Trung Quốc bày tỏ hy vọng hai bên sẽ tiến một bước xa hơn trong việc tăng cường các cuộc tiếp xúc. Đại diện Bộ Thương mại Trung Quốc cũng khẳng định không có lựa chọn nào tốt hơn cho hai nước ngoài sự hợp tác. Theo đó, hai nước nên giải quyết thỏa đáng những bất đồng và hỗ trợ các lợi ích của nhau, cùng giải tỏa những quan ngại của nhau, đồng thời sự “chia tách Trung - Mỹ” sẽ là thảm họa đối với cả hai nền kinh tế cũng như trở thành yếu tố tác động tiêu cực đến hoạt động thương mại toàn cầu, khiến kinh tế thế giới giảm tốc và thị trường tài chính rối loạn.
Từ giữa năm 2018 khi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bùng phát, hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này đã liên tiếp trả đũa nhau bằng thuế. Đến nay, tổng lượng hàng hóa bị áp mức thuế mới của hai bên đã lên tới hơn 360 tỷ USD. Chính vì vậy, việc Mỹ và Trung Quốc đưa ra những nhượng bộ tại vòng đàm phán thương mại cấp cao này nhằm tránh căng thẳng thương mại đưa quan hệ hai nước vào vòng xoáy rối ren không có lối thoát, đồng thời là một bước tiến tới một thỏa hiệp đôi bên cùng có lợi./.
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 25-02 đến ngày 03-3-2019  (04/03/2019)
Trung tâm sáng tạo phải là nơi khởi nghiệp của nhiều thành phần xã hội  (04/03/2019)
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đạt doanh thu 111.800 tỉ đồng trong 2 tháng đầu năm  (04/03/2019)
Thắt chặt quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Đức  (04/03/2019)
Khởi công xây dựng Khu tưởng niệm Thanh niên xung phong C283  (03/03/2019)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên