Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 26-11 đến 02-12-2018)
TCCSĐT - Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) chính thức khép lại với việc các nhà lãnh đạo đạt đồng thuận và ra Tuyên bố chung. Tuy nội dung Tuyên bố chung được đánh giá là không đạt được như kỳ vọng, song đây vẫn là thành công của hội nghị khi mà hiện nay giữa các nước có quá nhiều sự chia rẽ trong các vấn đề như thương mại quốc tế, bảo vệ môi trường và di cư.
Hội nghị Thượng đỉnh G20 đạt nhiều kết quả quan trọng
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: TTXVN |
Diễn ra trong bối cảnh thế giới đang đối mặt nhiều thách thức, khi khủng hoảng suy giảm lòng tin và tình trạng bất bình đẳng nghiêm trọng hơn, xung đột thương mại leo thang, căng thẳng địa chính trị gia tăng ở nhiều khu vực trên thế giới…, Tuyên bố chung tại Hội nghị khẳng định sự đồng thuận của các nước trong những vấn đề được coi là gai góc nhất.
Đối với vấn đề biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, các nhà lãnh đạo G20 lưu ý về báo cáo mới nhất của Liên hợp quốc về tác động của sự nóng lên của Trái đất, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng chống lại các diễn biến thời tiết khắc nghiệt và thiên tai. Trên cơ sở đó, các thành viên G20 (trừ Mỹ) đều nhắc lại cam kết ủng hộ Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và khẳng định đây là một cam kết không thể đảo ngược, phản ánh trách nhiệm khác nhau, cũng như khả năng tương ứng tùy thuộc vào hoàn cảnh của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, dù Mỹ vẫn khẳng định quyết tâm rút khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu thì tại Hội nghị G20 lần này, chính phủ Mỹ vẫn khẳng định cam kết mạnh mẽ đối với việc phát triển kinh tế và năng lượng thông qua sử dụng các nguồn năng lượng và công nghệ nhằm bảo vệ môi trường.
Đối với vấn đề thương mại toàn cầu, Tuyên bố chung cho biết các nước thành viên G20 ủng hộ thương mại đa phương, đồng thời kêu gọi cải cách Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Các nhà lãnh đạo G20 cũng nhất trí cho rằng, cuộc cách mạng công nghệ là một thách thức tác động tới việc làm và không thể tách rời khỏi giáo dục và đào tạo thường xuyên.
Với vấn đề di cư, Tuyên bố chung nhấn mạnh tầm quan trọng của các nỗ lực chung ủng hộ người tị nạn và giải quyết các vấn đề khiến người dân các nước đi sơ tán. Tuyên bố cũng thể hiện cam kết ủng hộ các trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc, mặc dù Tổng thống Mỹ D. Trump vẫn lên tiếng phản đối một số quy tắc trong trật tự này. Hội nghị cũng thảo luận và thống nhất việc thúc đẩy bình đẳng giới, coi đó là một nhiệm vụ trọng tâm chứ không chỉ là một thực tế của công bằng xã hội và phát triển.
Bên cạnh các nội dung chính của Hội nghị, các vấn đề như căng thẳng giữa Nga và Ukraine, cuộc xung đột tại Syria, hay việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) đã nhận được sự quan tâm đặc biệt. Lãnh đạo Nga và Đức trong cuộc gặp song phương bên lề Hội nghị đã nhất trí tiếp tục các cuộc thảo luận về những căng thẳng gần đây giữa Nga và Ukraine ở cấp cố vấn của 4 nước bao gồm Nga, Ukraine, Đức và Pháp. Trong khi đối với cuộc chiến Syria, lãnh đạo nhiều nước ủng hộ nỗ lực hướng đến việc thực hiện các thỏa thuận đã đạt được về Syria giữa Đức, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga tại Hội nghị Thượng đỉnh ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) vào tháng 10-2018 vừa qua.
Và một trong những chủ đề được xem là “nóng” bao trùm tại Hội nghị G20 năm nay, đó chính là tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn Mỹ và Trung Quốc. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh những căng thẳng trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang thời gian gần đây và chưa có dấu hiệu nhượng bộ từ cả hai phía đang khiến viễn cảnh khơi thông dòng chảy thương mại tự do trở nên khó khăn hơn. Do đó, dư luận thế giới đặc biệt quan tâm đến cuộc gặp giữa Tổng thống D. Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị. Tổng thống D. Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình nhất trí hai nước sẽ không áp thuế bổ sung nhằm vào nhau kể từ ngày 01-01-2019, thời điểm Mỹ dự kiến tăng thuế đối với lượng hàng hóa 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc từ 10% lên 25%. Theo thỏa thuận, một khi Mỹ ngừng áp thuế bổ sung, Trung Quốc sẽ tăng cường nhập khẩu hàng hóa Mỹ và đồng ý mở cửa thị trường. Hai bên thỏa thuận ngừng áp thuế bổ sung trong một giai đoạn 90 ngày.
Với những kết quả đạt được trên, nhìn chung dư luận đánh giá Mỹ và Trung Quốc đã gỡ được nút thắt cho G20 và các thị trường trên thế giới. Đánh giá về cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình, Tổng thống D. Trump đã hoan nghênh đây là một cuộc gặp “hiệu quả”. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nhận định thỏa thuận quan trọng trên đã thực sự ngăn chặn được nguy cơ gia tăng xung đột về kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc, đồng thời mở ra cơ hội mới cho hợp tác cùng thắng. Các nhà phân tích thì cho rằng, sự nhất trí giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung còn mở ra cơ hội ngừng leo thang nhiều cuộc chiến thương mại giữa các quốc gia khác trên thế giới vốn đã gây tổn hại đến thị trường toàn cầu và nền kinh tế thế giới trong nhiều tháng qua.
Bất ổn tại Pháp xung quanh chính sách tăng giá nhiên liệu
Cuộc bạo loạn diễn ra ở Đại lộ Champs-Élysées (Pháp). Ảnh: TTXVN |
Các cuộc biểu tình của những người thuộc phong trào “Áo vàng” diễn ra tại Pháp trong hơn 1 tuần qua nhằm phản đối chính sách tăng giá nhiên liệu của chính phủ đã khiến nhiều tuyến đường chính trên khắp nước Pháp bị tê liệt. Trước làn sóng biểu tình của người dân, chính quyền của Tổng thống E. Macron đã có động thái nhượng bộ nhằm tháo gỡ những bất đồng giữa người dân đối với các chính sách cải cách nền kinh tế của chính phủ.
Kể từ ngày 17-11, phong trào biểu tình tự phát trên diện rộng đã diễn ra tại Pháp với sự tham gia của gần 300.000 người nhằm phản đối quyết định tăng thuế nhiên liệu của chính phủ. Trên khắp nước Pháp, phong trào “Áo vàng” đã tập hợp được 23.000 người tham gia biểu tình, trong đó có 8.000 người ở Paris. Những người tham gia biểu tình thuộc nhiều tầng lớp khác nhau nhưng chủ yếu là những người sử dụng phương tiện xe hơi để đi làm. Trong suốt 1 tuần, những người biểu tình đã phong tỏa nhiều tuyến đường giao thông lớn. Riêng trong ngày 24-11, cuộc biểu tình của hơn 5.000 người theo phong trào “Áo vàng” tại đại lộ Champs-Elysées ở thủ đô Paris, Pháp nhằm phản đối chính sách tăng thuế xăng dầu của chính phủ đã mau chóng biến thành bạo loạn. Để ngăn chặn bạo động tái diễn, nhất là từ những thành phần cực hữu, nhà chức trách Pháp huy động một lực lượng an ninh với mức độ “đặc biệt” ở khắp nước Pháp. Hơn 3.000 cảnh sát được huy động ở Paris và các thành phố lân cận. Các cuộc biểu tình trên xuất phát từ sau khi Chính phủ Pháp tuyên bố từ ngày 01-01-2019, tăng giá xăng. Trước đó, kể từ tháng 10-2018, giá nhiên liệu diesel cũng đã tăng khoảng 23% và giá xăng tăng 15%.
Khi vừa nhậm chức tháng 5-2017, Tổng thống E. Macron đã nỗ lực thực hiện các cam kết trong chương trình tranh cử, trong đó có các nỗ lực cải cách sâu rộng và toàn diện nước Pháp, từ đề xuất cải cách Hiến pháp, cải cách Luật lao động, cải cách tư pháp, Luật tỵ nạn và nhập cư, đến các cải cách xã hội như cải cách Công ty đường sắt quốc gia (SNCF) hay cải cách giáo dục đại học. Với khẩu hiệu “Cải tổ và cải tổ sâu sắc hơn”, cuộc cải cách của Tổng thống E. Macron được đánh giá là hợp logic khi đa số dư luận Pháp khi đó có chung nhận định đã đến lúc phải thay đổi để đưa đất nước thoát ra khỏi tình trạng trì trệ.
Nhiều chính sách mới của Tổng thống E. Macron nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân bởi kết quả cho thấy, nền kinh tế Pháp đã có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, một số chính sách dưới thời Tổng thống E. Macron cũng đã tạo ra những mâu thuẫn không nhỏ trong chính giới, thậm chí là trong nội bộ liên minh cầm quyền. Cùng với đó là sự phản đối của một bộ phận người dân Pháp, đặc biệt là các tổ chức công đoàn mà những lĩnh vực công việc trực tiếp bị ảnh hưởng bởi các cải cách của chính phủ Pháp. Có thể kể đến như các cuộc biểu tình lớn phản đối cải tổ luật lao động (hồi tháng 9-2017), hay cuộc đình công của công nhân đường sắt phản đối dự luật cải tổ ngành đường sắt quốc gia (hồi tháng 5-2018). Và hiện nay là các cuộc biểu tình của người dân phản đối chính sách tăng thuế nhiên liệu, đang diễn ra trong hơn 1 tuần qua.
Theo chủ trương của Tổng thống E. Macron, việc tăng thuế nhiên liệu nhằm khuyến khích người tiêu dùng Pháp chuyển sang phương tiện thân thiện với môi trường, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch. Nhằm khuyến khích người dân bảo vệ môi trường, chính phủ Pháp còn đưa ra đề án lập Quỹ hỗ trợ đổi xe cũ sang mới nhằm loại bỏ những chiếc xe gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, việc giá nhiên liệu tăng đã gây ra làn sóng phản đối của người dân.
Trước tình hình trên, Thủ tướng Pháp E. Philippe hứa hẹn chính phủ sẽ trợ giá năng lượng và tặng thưởng cho người sử dụng phương tiện bảo vệ môi trường, hỗ trợ người dân thay thế máy sưởi đốt bằng dầu cặn, phát triển năng lượng tái tạo. Ông cho biết, tới cuối nhiệm kỳ của Tổng thống E. Macron, người dân sẽ được giảm đáng kể các loại thuế khác. Một trong những sắc thuế đã được giảm là thuế nhà ở.
Sự kiện lịch sử mở đường cho Brexit
Thủ tướng Anh T. May. Ảnh: TTXVN |
Các nhà lãnh đạo của 27 nước thành viên EU chính thức thông qua các điều khoản của Thỏa thuận Brexit với Anh và Tuyên bố chính trị về tương lai quan hệ EU - Anh hậu Brexit. Đây được xem là một sự kiện lịch sử mở đường cho việc nước Anh chấm dứt tư cách thành viên EU sau 44 năm. Tuy nhiên, thỏa thuận Brexit này vẫn cần phải được Nghị viện châu Âu và Nghị viện Anh phê chuẩn mới có thể có hiệu lực. Đây thực sự sẽ là một thách thức lớn với Thủ tướng Anh T. May trong việc thuyết phục Nghị viện nước này thông qua khi mà chính trường nước Anh đang tồn tại nhiều mâu thuẫn lớn xoay quanh vấn đề này.
Việc lãnh đạo 27 nước EU thông qua dự thảo thỏa thuận Brexit là điều đã được dự đoán từ trước, bởi tất cả những cản trở đối với thỏa thuận này, như vấn đề Gibraltar và tranh cãi quanh lĩnh vực nghề cá, đều đã được gỡ bỏ. Mặc dù vậy, phát biểu với báo giới khi tới tham dự hội nghị đặc biệt về vấn đề Brexit, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker vẫn bày tỏ sự tiếc nuối việc Anh rời khỏi EU. Trong khi đó, trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU M. Barnier cho rằng, Anh và EU vẫn là “những đồng minh, đối tác và bạn bè”. Còn Thủ tướng T. May khẳng định, đây sẽ là một thỏa thuận vì lợi ích của nước Anh, mang lại hiệu quả cho cả đất nước và toàn bộ người dân Anh dù bạn đã bỏ phiếu rời đi hay ở lại EU. Thủ tướng T. May kêu gọi người dân Anh ủng hộ thỏa thuận này trong bối cảnh Anh dự kiến sẽ rời EU vào ngày 29-3-2019. Nhà lãnh đạo Anh cam kết sẽ vận động bằng cả “con tim và khối óc” để thỏa thuận Brexit này được Quốc hội Anh thông qua.
Để đạt được Thỏa thuận Brexit trên, trước đó, các nhà đàm phán của Anh và EU đã phải mất đến 17 tháng đàm phán liên tục mới đi đến được bước tiến trên. Theo thỏa thuận, giai đoạn chuyển giao Brexit có thể kéo dài thêm một lần nữa với thời gian lên tới 2 năm, bắt đầu từ năm 2021, sau khi giai đoạn chuyển tiếp hiện tại kết thúc. Thỏa thuận là một văn bản pháp lý dài 585 trang, bao gồm 185 điều khoản, 3 Nghị định thư và rất nhiều phụ lục, trong đó đưa ra những điều khoản về việc Anh rời EU, bao gồm vấn đề quyền công dân, bản kế hoạch dự phòng liên quan đến biên giới Ireland trong trường hợp các cuộc đàm phán thương mại bế tắc,... Ngoài ra, Thỏa thuận cũng bao gồm Tuyên bố chính trị liên quan đến việc định hình mối quan hệ giữa Anh và EU sau Brexit.
Tuy Thỏa thuận Brexit đã được Nội các Anh và các nhà lãnh đạo EU thông qua, song trong thời gian tới, thỏa thuận trên vẫn phải được Quốc hội Anh và Nghị viện EU thông qua mới có thể có hiệu lực. Các nhà phân tích cho rằng, sẽ không có khó khăn nào từ phía Nghị viện châu Âu nhưng “cuộc chiến” tại Nghị viện Anh sẽ thực sự là thách thức lớn với Thủ tướng T. May. Hiện trở ngại lớn nhất đối với Thỏa thuận Brexit là sự phản đối mạnh mẽ của giới lập pháp Anh, bao gồm cả các nghị sỹ đảng đối lập lẫn các nghị sỹ trong nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền của Thủ tướng May. Lãnh đạo Công đảng đối lập J. Corbyn cho rằng, văn kiện này nói lên sự thất bại của đảng Bảo thủ cầm quyền và Thủ tướng T. May trong suốt 2 năm đàm phán.
Trong bối cảnh đảng Bảo thủ cầm quyền của Thủ tướng T. May đang không chiếm thế đa số tại Hạ viện Anh, các nhà phân tích cho rằng, việc thông qua thỏa thuận Brexit sẽ rất khó khăn đối với Thủ tướng T. May. Trong bối cảnh đó, hiện Thủ tướng Anh T. May cho biết Quốc hội nước này sẽ bỏ phiếu về thỏa thuận sơ bộ về việc Anh rời khỏi EU trước Giáng sinh, sau khi nước này có một “cuộc tranh luận quan trọng tầm quốc gia”. Đồng thời, bà kêu gọi Quốc hội nước này ủng hộ dự thảo thỏa thuận đạt được với EU về quan hệ tương lai hậu Brexit. Nhưng nếu Thủ tướng T. May không thể có được sự ủng hộ của đa số nghị sĩ trong Quốc hội, thì nước Anh có thể sẽ rời EU vào ngày 29-3-2019 tới mà không đạt được một thỏa thuận nào về tương lai quan hệ song phương với EU hậu Brexit.
Người di cư Trung Mỹ: Cần một giải pháp lâu dài
Người di cư vào Mỹ bỏ chạy trong làn khói cay. Ảnh: TTXVN |
Ngày 26-11, Tổng thống Mỹ D. Trump cảnh báo sẽ đóng cửa biên giới vĩnh viễn với Mexico nếu cần thiết và kêu gọi Quốc hội Mỹ cho phép cấp ngân sách xây dựng bức tường biên giới, đồng thời tuyên bố đoàn xe chở người di cư từ Trung Mỹ sẽ không thể vào nước Mỹ.
Lời cảnh báo trên được đưa ra sau khi lực lượng tuần tra biên giới Mỹ ngày 25-11 đã sử dụng hơi cay nhằm giải tán cuộc biểu tình của những người di cư quá khích và Cơ quan Bảo vệ biên giới và hải quan của Mỹ đình chỉ hoạt động tại cửa khẩu San Ysidro giữa thành phố San Diego của Mỹ và Tijuana của Mexico.
Sau khi cuộc biểu tình biến thành bạo lực với 39 người di cư Trung Mỹ vượt biên giới phía Nam từ phía lãnh thổ Mexico bị bắt giữ, chính quyền Mexico cam kết tăng cường an ninh gần khu vực biên giới. Bộ Nội vụ Mexico cũng tuyên bố lập tức trục xuất những đối tượng cố xâm nhập “một cách bạo lực” vào Mỹ thông qua Tijuana. Trong khi đó, chính quyền Tijuana cho biết đã bắt giữ hơn 30 người di cư gây rối.
Ngày 26-11, giới chức Mỹ thông báo các lực lượng tuần tra biên giới nước này đã bắt giữ 42 người di cư Trung Mỹ, vượt biên giới phía Nam từ phía lãnh thổ Mexico. Hầu hết những đối tượng là nam giới, nằm trong số những người bị lực lượng chức năng Mỹ dùng hơi cay và đạn cao su đẩy lùi khi cố vượt biên ngày 25-11 từ một khu trại gồm khoảng 5.000 người, chủ yếu là người Honduras, với hy vọng có thể trở thành công dân Mỹ. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mexico tuyên bố đã gửi công hàm tới Chính phủ Mỹ yêu cầu tiến hành “một cuộc điều tra toàn diện” về việc sử dụng “vũ khí không sát thương” hướng vào lãnh thổ Mexico. Trước động thái trên của Mexico, Tổng thống D. Trump lên tiếng biện hộ cho việc lực lượng an ninh nước này sử dụng hơi cay để giải tán người di cư ở biên giới với Mexico. Phát biểu tại một hội nghị bàn tròn ở Missisippi, Tổng thống D. Trump nhấn mạnh lực lượng an ninh Mỹ sử dụng hơi cay khi bị một số người xô đẩy thô bạo. Ông nhấn mạnh, điểm mấu chốt là không ai được vào nước Mỹ nếu không phải là vào một cách hợp pháp.
Tuyên bố của Tổng thống Mỹ Trump cảnh báo sẽ đóng cửa biên giới vĩnh viễn với Mexico nếu cần thiết được cho là sẽ tạo thêm áp lực cho chính quyền Mexico trong bối cảnh nước này đang phải giải quyết dòng người di cư, ước tính đã vượt qua con số 10.000, từ khu vực Trung Mỹ đổ qua Mexico để tìm cách vào Mỹ. Những phản ứng khá gay gắt của Tổng thống D. Trump một lần nữa cho thấy chính sách cứng rắn trong vấn đề người di cư. Nhà Trắng cho phép các binh sĩ Mỹ đóng quân dọc biên giới với Mexico được can thiệp kiềm chế bạo lực có thể bùng phát khi dòng người di cư tìm cách vượt biên. Hiện có khoảng 5.800 binh sĩ Mỹ đang đóng quân dọc biên giới với Mexico nhằm ứng phó với dòng người di cư, song tình hình hỗn loạn tại đây vẫn tái diễn.
Thực tế cho thấy, từ trung tuần tháng 10 vừa qua, những đoàn người di cư bắt đầu hành trình dài 4.300 km, xuất phát từ thành phố San Pedro Sula của Honduras đến Tijuana của Mexico. Đa số những người di cư này đến từ các quốc gia thuộc “Tam giác phía Bắc” của Trung Mỹ, gồm El Salvador, Guatemala và Honduras, muốn trốn tránh nghèo đói và bạo lực tại quê nhà và tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn tại Mỹ. Với quan điểm cứng rắn coi dòng người di cư Trung Mỹ là “mối đe dọa” đối với an ninh quốc gia khi cho rằng, nhiều phần tử khủng bố Trung Đông đã trà trộn vào những nhóm người này, Tổng thống D. Trump nhiều lần đưa ra những tuyên bố cảnh báo và đe dọa nhằm vào Mexico. Tổng thống D. Trump từng chỉ trích quốc gia láng giềng Mexico “kiếm lời” từ dòng người di cư bất hợp pháp khi nước này cho phép các đoàn người di cư từ các nước Trung Mỹ đi qua lãnh thổ Mexico để vào Mỹ. Đây cũng là một trong những lý do khiến Tổng thống D. Trump kêu gọi Quốc hội Mỹ cho phép cấp ngân sách xây dựng bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico, dù kế hoạch gây tranh cãi này đã khiến quan hệ giữa hai nước bị rạn nứt.
Những diễn biến căng thẳng liên quan đến vấn đề người di cư Trung Mỹ trong thời gian qua cho thấy vấn đề này sẽ tiếp tục làm “đau đầu” chính quyền của Mexico, nhất là khi các bên cho tới nay chưa triển khai được toàn diện những giải pháp hiệu quả liên quan tới nguyên nhân gốc rễ đẩy người dân các nước Trung Mỹ phải di cư. Chính vì vậy, các chuyên gia phân tích cho rằng, chính quyền Mỹ và chính quyền Mexico cần phải tìm kiếm một giải pháp lâu dài về vấn đề người di cư Trung Mỹ, trong đó việc tập trung giúp đỡ các nước này phát triển kinh tế, xã hội được xem là giải pháp then chốt./.
Mít tinh phát động Tháng hành động Quốc gia về Dân số và ngày Dân số Việt Nam 26-12 năm 2018  (03/12/2018)
Tăng cường phát hiện, chấm dứt kỳ thị với người nhiễm HIV và các bệnh liên quan đến AIDS  (03/12/2018)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ thăm chính thức Hàn Quốc  (02/12/2018)
Tập trung hoàn thiện thể chế phục vụ Chính phủ điện tử  (02/12/2018)
Các hoạt động Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2018  (02/12/2018)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên