Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 09 đến ngày 15-7-2018
Tinh giản những người làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ
Trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ với các địa phương và phiên họp thường kỳ tháng 6-2018, Chính phủ yêu cầu Bộ Nội vụ tích cực triển khai quyết liệt các Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) về: đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập. Khẩn trương trình Chính phủ Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) về: cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Đẩy mạnh hoạt động kiểm tra công vụ tại các bộ, ngành, địa phương. Khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chỉ tiêu biên chế năm 2019, trong đó giảm 2% biên chế công chức so với số giao năm 2015; giảm 2,5% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với số giao năm 2015. Trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính; đẩy mạnh công tác kiểm tra công vụ tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình; nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ, công chức; thực hiện tinh giản biên chế theo quy định, đặc biệt là tinh giản những người làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu kém về năng lực, phẩm chất đạo đức.
Xây dựng, hoàn thiện thể chế cơ bản phục vụ cho việc xây dựng Chính phủ điện tử
Để xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới nền kinh tế số, xã hội số trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế cơ bản phục vụ cho việc xây dựng Chính phủ điện tử, như: kết nối, chia sẻ dữ liệu; xác thực điện tử; lưu trữ điện tử; triển khai các giải pháp công nghệ, hoàn thành các cơ sở dữ liệu quốc gia, thiết lập hệ thống thông tin nền tảng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Điều chỉnh cơ chế đầu tư phù hợp với đặc thù lĩnh vực công nghệ thông tin; dành nguồn lực thích đáng kết hợp với huy động nguồn lực xã hội cho xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử. Thay đổi phương thức làm việc, giải quyết công việc dựa trên việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, đặc biệt là có cơ chế bảo đảm thực thi và tạo sự đồng thuận. Trong đó, Văn phòng Chính phủ là cơ quan đi đầu trong việc thực hiện văn phòng điện tử không giấy tờ.
Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2018-2020, định hướng đến 2025. Trước mắt, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử thông qua hệ thống phần mềm kết nối liên thông với Văn phòng Chính phủ; triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông và xây dựng các dịch vụ công trực tuyến theo đúng lộ trình.
Gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 28/2018/QĐ-TTg về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước. Theo đó, việc gửi, nhận văn bản điện tử phải thực hiện theo nguyên tắc quy định tại Điều 5 của Luật giao dịch điện tử và phải tuân theo các quy định khác của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, an ninh, an toàn thông tin và văn thư, lưu trữ. Văn bản điện tử đã ký số theo quy định của pháp luật được gửi, nhận thông qua hệ thống quản lý văn bản và điều hành quy định tại Quyết định này có giá trị pháp lý tương đương văn bản giấy và thay cho việc gửi, nhận văn bản giấy.
Văn bản điện tử phải được bảo đảm tính xác thực về nguồn gốc, sự toàn vẹn, an toàn thông tin, dữ liệu trong quá trình gửi, nhận, xử lý và lưu trữ.
Quyết định nêu rõ, văn bản điện tử phải được gửi ngay trong ngày văn bản đó ký ban hành, chậm nhất là trong buổi sáng của ngày làm việc tiếp theo. Văn bản điện tử đến sau khi được tiếp nhận, nếu bảo đảm giá trị pháp lý phải được xử lý kịp thời, không phải chờ văn bản giấy (nếu có).
Trường hợp văn bản điện tử thuộc loại khẩn phải được đặt ở chế độ ưu tiên, ghi rõ mức độ khẩn, gửi ngay sau khi đã ký số và phải được trình, chuyển giao xử lý ngay sau khi tiếp nhận.
Quyết định quy định về đầu mối cơ quan đơn vị gửi, nhận văn bản điện tử như sau: Văn phòng Chính phủ gửi, nhận văn bản điện tử thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và theo Quy chế làm việc, Quy chế tiếp nhận, xử lý, phát hành và quản lý văn bản của Văn phòng Chính phủ.
Văn phòng bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ gửi, nhận văn bản thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và theo Quy chế làm việc, Quy chế tiếp nhận, xử lý, phát hành và quản lý văn bản của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi, nhận văn bản điện tử thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và theo Quy chế làm việc, Quy chế tiếp nhận, xử lý, phát hành và quản lý văn bản của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ 06-9-2018.
Thủ tướng chỉ thị tăng cường cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về tăng cường cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh.
Thủ tướng yêu cầu trước ngày 15-8-2018, các bộ, cơ quan ngang bộ hoàn thành việc ban hành theo thẩm quyền và trình cấp có thẩm quyền các văn bản để thực thi phương án cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh bằng hình thức một văn bản sửa nhiều văn bản theo quy trình, thủ tục rút gọn.
Văn bản thực thi phương án cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành phải đáp ứng yêu cầu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành; danh mục hàng hóa, sản phẩm kiểm tra chuyên ngành phải gắn mã HS; một sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chỉ do một bộ, cơ quan ngang bộ hoặc một đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ chịu trách nhiệm quản lý; phương thức quản lý chuyển từ chủ yếu tiền kiểm sang chủ yếu hậu kiểm gắn với nguyên tắc quản lý rủi ro, đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của tổ chức, cá nhân; không áp dụng hình thức kiểm tra đối với từng lô hàng, trừ kiểm dịch.
Văn bản thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh phải đáp ứng yêu cầu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 50% điều kiện kinh doanh; phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh phải thực chất, không gộp nhiều điều kiện thành 01 điều kiện theo kiểu cơ học hoặc chỉ thay đổi tên gọi.
Cải cách hành chính sẽ “đụng chạm” đến nhiều cá nhân, tổ chức
Làm việc tại Bộ Công Thương sáng 12-7, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ nhận định cải cách hành chính là việc làm rất khó, “đụng chạm” đến nhiều cá nhân, tổ chức.
Báo cáo tình hình triển khai và kết quả thực hiện cải cách hành chính năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018 của Bộ Công Thương, Chánh Văn phòng Bộ Công Thương Trần Hữu Linh cho biết, Bộ Công Thương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành về cải cách hành chính với trọng tâm là cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả hoạt động của ngành công thương, hướng đến hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội được giao.
Riêng năm 2018, số văn bản Bộ Công Thương phải trình và ban hành theo thẩm quyền là 49 văn bản. Đến nay, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ 4 Nghị định (trong đó 2 Nghị định đã được Chính phủ ký ban hành) và ban hành được 15 Thông tư. Các văn bản còn lại đã và đang được Bộ Công Thương triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ.
Bộ Công Thương cũng đã rà soát cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2017 - 2018; theo đó, tổng số điều kiện đầu tư, kinh doanh được bãi bỏ là 675/1.216 điều kiện của 27 ngành, nghề thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương (chiếm tỷ lệ 55,5%).
Năm 2017, Bộ đã cắt giảm và đơn giản hóa 183 thủ tục hành chính (trong đó cắt giảm 49 thủ tục hành chính, đơn giản hóa 134 thủ tục hành chính). Năm 2018, Bộ Công Thương có phương án bãi bỏ, đơn giản hóa 54 thủ tục hành chính thuộc 10 lĩnh vực được quy định tại 19 văn bản quy phạm pháp luật (10 Thông tư, 1 Thông tư liên tịch, 1 Quyết định Thủ tướng và 7 Nghị định).
Đến thời điểm này, Bộ đã thực hiện đơn giản hóa, bãi bỏ được 14 thủ tục hành chính, các thủ tục hành chính còn lại đã và đang được thực hiện đảm bảo tiến độ đã đề ra.
Tổng số thủ tục hành chính Bộ Công Thương đang quản lý là 457 thủ tục hành chính. Tất cả các thủ tục hành chính này đều được công bố và cập nhật công khai đầy đủ, đúng hạn trên cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, trên Cổng thông tin điện tử của Bộ và tại trụ sở trực tiếp tiếp nhận, xử lý thủ tục hành chính liên quan.
Hiện, Bộ Công Thương có 35 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 118 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đều được tích hợp trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Đáng chú ý, xếp hạng chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của Bộ Công Thương cũng tăng một cách ngoạn mục từ xếp hạng 12/19 năm 2016 đã tăng lên hạng 5/19 vào năm 2017. Đây được coi là bước chuyển biến đáng ghi nhận của Bộ Công Thương trong công tác cải cách hành chính.
Đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác cải cách hành chính của Bộ Công Thương thời gian vừa qua, tuy nhiên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, nhận định rằng, đây là việc làm rất khó, “đụng chạm” đến nhiều cá nhân, tổ chức.
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa cũng thẳng thắn chỉ ra 4 nội dung tồn tại mà Bộ Công Thương cần phải khắc phục. Đó là, một số nhiệm vụ triển khai còn chậm, không ít đơn vị chưa nhận thức tầm quan trọng của cải cách hành chính; nhiều văn bản quy phạm pháp luật chưa hoàn thành; công bố thủ tục hành chính còn chậm; chưa có phương án rà soát đơn giản hóa thủ tục hành chính về kiểm tra chuyên ngành cũng như tiến độ chất lượng yêu cầu đối với FTA.
Lào Cai: Hợp nhất Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng
UBND tỉnh Lào Cai vừa ban hành Quyết định số 17/2018/QĐ-UBND quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Giao thông vận tải - Xây dựng tỉnh Lào Cai.
Theo đó, Sở Giao thông vận tải - Xây dựng tỉnh Lào Cai là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai; thực hiện chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về: Kết cấu hạ tầng giao thông; vận tải; an toàn giao thông; phương tiện và người điều khiển phương tiện giao thông, phương tiện, thiết bị xếp dỡ, thi công chuyên dùng trong giao thông vận tải (trừ phương tiện phục vụ vào mục đích quốc phòng, an ninh và tàu cá) và trang bị, thiết bị kỹ thuật chuyên ngành giao thông vận tải; quy hoạch xây dựng, kiến trúc; hoạt động đầu tư xây dựng; phát triển đô thị; hạ tầng kỹ thuật đô thị và khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao; nhà ở; công sở; thị trường bất động sản; vật liệu xây dựng và các dịch vụ sự nghiệp công thuộc ngành, lĩnh vực theo quy định của pháp luật.
Sở Giao thông vận tải - Xây dựng có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng; chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai, đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng. Trụ sở đặt tại Phường Nam Cường, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai.
Sở Giao thông vận tải - Xây dựng tỉnh Lào Cai có 26 nhiệm vụ và quyền hạn.
Về cơ cấu tổ chức bộ máy, Sở Giao thông vận tải - Xây dựng có Giám đốc và không quá 3 Phó Giám đốc.
Sở Giao thông vận tải - Xây dựng Lào Cai có 10 phòng chuyên môn, nghiệp vụ gồm: Văn phòng; Thanh tra; Phòng Kế hoạch - Tài chính; Phòng Phát triển đô thị và Hạ tầng kỹ thuật; Phòng Quản lý giao thông; Phòng Quy hoạch - Kiến trúc; Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái; Phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản; Phòng Quản lý xây dựng; Phòng Kinh tế và Vật liệu xây dựng.
Sở có 1 tổ chức thuộc Sở là Chi cục Giám định xây dựng và có 6 đơn vị sự nghiệp thuộc Sở gồm: Ban Quản lý các Bến xe khách tỉnh; Ban Quản lý Bảo trì đường bộ; Ban Quản lý dự án xây dựng đô thị; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh; Trung tâm tư vấn giám sát và quản lý dự án xây dựng; Viện Kiến trúc quy hoạch xây dựng.
Sở Giao thông vận tải - Xây dựng tỉnh Lào Cai có 1 đơn vị sự nghiệp thuộc Chi cục là Trung tâm Giám định chất lượng xây dựng và 2 đơn vị sự nghiệp thuộc Phòng là Trạm Quản lý vận tải cửa khẩu Quốc tế và Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động tỉnh Lào Cai.
Biên chế công chức, số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập của Sở Giao thông vận tải - Xây dựng được UBND tỉnh giao trên cơ sở Đề án vị trí việc làm, gắn với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động và theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ./.
Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam dự Diễn đàn Sao Paulo tại Cuba  (16/07/2018)
Tiếp tục hoàn thiện chính sách ưu đãi người có công, thiết thực thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc  (16/07/2018)
Thượng đỉnh Trump-Putin: Cơ hội tháo gỡ thế đối đầu Nga-Mỹ  (15/07/2018)
TP. Hồ Chí Minh: Hơn 60.000 sinh viên tham gia Chiến dịch Mùa hè xanh  (15/07/2018)
Tổng thống Mỹ tuyên bố ý định tái tranh cử nhiệm kỳ thứ hai  (15/07/2018)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay