Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 02 đến ngày 08-7-2018
Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp
Báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành 6 tháng đầu năm 2018; phương hướng chỉ đạo, điều hành 6 tháng cuối năm của Chính phủ nhấn mạnh quan điểm Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp.
Chính phủ đã ban hành 2 nghị định cắt giảm, đơn giản hóa hơn 700 điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành thuộc ngành Công Thương, Y tế. Riêng lĩnh vực an toàn thực phẩm đã cắt giảm trên 95% thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với thực phẩm nhập khẩu, 90% sản phẩm doanh nghiệp được phép tự công bố, tiết kiệm 7,7 triệu ngày công, tương đương trên 3.100 tỷ đồng. Lĩnh vực khoa học, công nghệ đã chuyển 91% nhóm sản phẩm hàng hóa sang áp dụng cơ chế hậu kiểm.
Qua website Chính phủ với người dân, Chính phủ với doanh nghiệp, đã tiếp nhận 389 kiến nghị của doanh nghiệp, đã chuyển 256 đến các cơ quan có thẩm quyền, có 180 kiến nghị được trả lời doanh nghiệp; tiếp nhận và chuyển 113 kiến nghị của người dân đến bộ, cơ quan, đã xử lý có kết quả 96 kiến nghị. Hầu hết, người dân và doanh nghiệp hài lòng với kết quả giải quyết của các bộ, cơ quan.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp, triển khai thi hành Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5. Hỗ trợ hình thành và phát triển toàn diện hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia. Thành lập Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Ban hành 7 nghị định về cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, đổi mới cơ chế quản lý vốn và tài sản nhà nước.
Trong giải quyết thủ tục hành chính, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, gắn kết giữa cải cách thủ tục hành chính với xây dựng Chính phủ điện tử. Mô hình một cửa, một cửa liên thông được triển khai mạnh mẽ, đã có 30 Trung tâm hành chính công được thành lập hiện đại với 2 mô hình (trực thuộc UBND tỉnh hoặc Văn phòng UBND tỉnh).
Kết quả 11 cuộc kiểm tra của Tổ công tác của Thủ tướng
Báo cáo kết quả 11 cuộc kiểm tra của Tổ công tác của Thủ tướng cho biết, từ đầu năm tới ngày 30-6, có tổng số 12.295 nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan, địa phương. Trong đó, có 5.058 nhiệm vụ đã hoàn thành, 7.237 nhiệm vụ chưa hoàn thành (gồm 7.098 nhiệm vụ trong hạn và 139 nhiệm vụ quá hạn, chiếm 2,6%, giảm 0,2% so với cùng kỳ năm trước).
Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2018, Tổ công tác đã tiến hành 11 cuộc kiểm tra. Trong đó, có 4 cuộc kiểm tra về việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và việc thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng của năm 2018 tại 3 bộ, địa phương và 1 Tổng công ty nhà nước; 7 cuộc kiểm tra chuyên đề đối với 16 bộ, cơ quan trong việc cải cách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập và việc rà soát, đơn giản, cắt giảm các điều kiện kinh doanh còn chồng chéo, bất hợp lý, không cần thiết, gây cản trở đến hoạt động kinh doanh, gia nhập thị trường của doanh nghiệp.
Kết quả kiểm tra của Tổ công tác đem lại hiệu quả rất cụ thể, tạo chuyển động thực sự về kỷ luật, kỷ cương hành chính. Việc thực hiện nhiệm vụ giao được thực hiện nghiêm túc và tiếp tục có chuyển biến tích cực. Trong 6 tháng đầu năm 2018, số nhiệm vụ quá hạn chỉ chiếm 2,6%, giảm 0,2% so với cùng kỳ năm trước và giảm 22,5% so với trước khi Tổ công tác được thành lập.
Đặc biệt, các cuộc kiểm tra chuyên đề về cải cách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và việc rà soát, đơn giản, cắt giảm các điều kiện kinh doanh đã tạo hiệu ứng, lan tỏa mạnh mẽ, tích cực đến các bộ, cơ quan, địa phương.
Hầu hết các bộ đã xây dựng được phương án đơn giản, cắt giảm các điều kiện kinh doanh còn chồng chéo, bất hợp lý, không cần thiết và đang khẩn trương xây dựng Nghị định sửa nhiều Nghị định liên quan đến điều kiện kinh doanh, với tỷ lệ đơn giản, cắt giảm đạt từ 43% - 55,1%.
Về tồn tại hạn chế, các bộ, cơ quan, địa phương được kiểm tra chưa có giải pháp tích cực, hiệu quả trong việc thực hiện nhiệm vụ giao, nhất là các bộ quản lý, kiểm tra chuyên ngành (13 bộ) đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và các bộ, cơ quan (16 bộ, cơ quan) có ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Sau nhiều cuộc kiểm tra chuyên đề về kiểm tra chuyên ngành với nhiệm vụ giao cụ thể nhưng đến nay, nhiều hạn chế, bất cập liên quan đến hoạt động kiểm tra chuyên ngành chưa được các bộ khắc phục triệt để. Tỷ lệ cắt giảm danh mục sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành chưa đạt tỷ lệ theo yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Công bố xếp hạng Chính phủ điện tử năm 2017
Theo Báo cáo “Đánh giá và xếp hạng Chính phủ điện tử Việt Nam 2017” của Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam), ở hạng mục xếp hạng cấp bộ và cơ quan ngang bộ, việc cung cấp dịch vụ công của các cơ quan này chỉ ở mức trung bình với tỷ lệ dịch vụ có hồ sơ trực tuyến là 46,06%. Trong đó, Bộ Tài chính đi đầu với hơn 20 triệu hồ sơ được giải quyết trực tuyến. Tiếp đến là Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Bộ Tài Nguyên và Môi trường...Đứng cuối bảng xếp hạng là Bộ Công Thương, Ủy ban Dân tộc và Thanh tra Chính phủ.
Ở hạng mục Cơ quan thuộc chính phủ, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam là đơn vị đi đầu trong việc ứng dụng chính phủ điện tử. Tiếp đến là Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam…
Ở hạng mục tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Huế là đơn vị đi đầu cả nước trong việc triển khai chính phủ điện tử. Tiếp sau đó và Đà Nẵng, Lâm Đồng, Quảng Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh. Thủ đô Hà Nội đứng thứ 12 trong bảng xếp hạng. Hiện nay, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại các tỉnh, thành phố chưa cao và còn khoảng cách khá lớn giữa các tỉnh trong việc phát triển chính phủ điện tử.
Theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ, cả ba nhóm chỉ số cơ bản của hệ thống Chính phủ điện tử là số lượng dịch vụ công trực tuyến, hạ tầng viễn thông và nguồn nhân lực trong thời gian qua đều đã được nâng lên. Hiện tổng cộng đã có thêm 13.909 dịch vụ cấp độ 3 và 4 được các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương xây dựng, vận hành. Như vậy, các bộ, cơ quan ngang bộ và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã cung cấp tổng cộng 1.551 dịch vụ công trực tuyến. Tại các địa phương, con số này là 45.374 dịch vụ.
Chỉ số hạ tầng viễn thông cũng có sự gia tăng đáng kể, tỷ lệ người dùng internet chiếm 54,2% dân số Việt Nam, mật độ thuê bao cố định là 4,9 thuê bao/100 dân, mật độ thuê bao di động là 129 thuê bao/100 dân, thuê bao băng thông rộng cố định là 12 thuê bao/100 dân, thuê bao băng rộng di động là 48,4/100 dân.
Theo Sách trắng về công nghệ thông tin và truyền thông do Bộ Thông tin và Truyền thông phát hành, nhiều dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các bộ, ngành, địa phương hoạt động rất hiệu quả, tiếp nhận và giải quyết lượng hồ sơ rất lớn. Tiêu biểu trong số này là Bộ Công An (8,8 triệu hồ sơ), Bộ Công Thương (772.000 hồ sơ), Bộ Giáo dục và Đào tạo (270.000 hồ sơ), Bộ Giao thông Vận tải (144.000 hồ sơ), thành phố Hà Nội (225.173 hồ sơ), tỉnh Lâm Đồng (110.000 hồ sơ)...
Trà Vinh: Thực hiện nghiêm các quy định, quy chế về công tác cán bộ
Theo Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh Trần Trí Dũng, thực hiện việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức, bộ máy và tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khoá XII), đến nay, tỉnh Trà Vinh đã hợp nhất văn phòng cấp ủy phục vụ chung các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy; 4/9 đơn vị cấp huyện đã thực hiện việc nhất thể hóa chức danh Trưởng Ban Tuyên giáo kiêm Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện; giảm 8 phòng chuyên môn thuộc sở, 16 đơn vị sự nghiệp thuộc và trực thuộc sở, 2 phòng thuộc đơn vị sự nghiệp, 2 tổ chức hội đặc thù cấp huyện, 14 cấp trưởng, 10 cấp phó. Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã trình Trung ương thẩm tra, phê duyệt 153 đối tượng tinh giản biên chế…
Một trong những nhiệm vụ được xem là khâu đột phá là xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín. Do vậy, tỉnh Trà Vinh thực hiện nghiêm các quy định, quy chế về công tác cán bộ, đặc biệt là công tác đánh giá cán bộ; thường xuyên củng cố, kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Kinh tế 6 tháng đầu năm 2018 của tỉnh đạt mức tăng trưởng 7,39%. Trong số 15/25 chỉ tiêu Nghị quyết năm 2018 được đánh giá, có 10 chỉ tiêu đạt và vượt; trong đó, các chỉ tiêu đạt cao như thu ngân sách nội địa tăng 18,7%, giải quyết việc làm đạt trên 76% kế hoạch. Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã giải quyết việc làm cho trên 16.800 lao động và đưa hơn 100 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Tỉnh ủy Trà Vinh đề ra nhiều giải pháp nhằm hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội năm 2018. Theo đó, để tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 12% và Trà Vinh trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2020, từ nay đến cuối năm và cuối nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, Trà Vinh tập trung tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính; thu hút đầu tư, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn…
Bắc Ninh: Ứng dụng Zalo trong cải cách hành chính
Chiều 06-7, UBND tỉnh Bắc Ninh khai trương ứng dụng Zalo trong cải cách hành chính. Để đến "gần" người dân, UBND tỉnh Bắc Ninh chọn zalo - ứng dụng nhắn tin được 80% dân số Bắc Ninh sử dụng là kênh thông tin chính thức với tên gọi “Chính quyền điện tử tỉnh Bắc Ninh” trên ứng dụng Zalo. Ngay sau khi người dân hoàn tất việc lập hồ sơ thủ tục hành chính, chính quyền điện tử tỉnh sẽ chủ động gửi xác nhận qua tin nhắn Zalo, kèm theo tin nhắn điện tử bằng hình ảnh trực quan, sinh động. Thông qua tin nhắn Zalo, người dân được thông báo tình trạng hồ sơ từ khâu vừa tiếp nhận đến khi hồ sơ đã xử lý xong.
Ngoài ra, người dân chỉ cần mở Zalo và quét mã QR trên biên nhận để dễ dàng cập nhật trạng thái xử lý hồ sơ ở mọi lúc, mọi nơi. Sau khi hoàn tất việc trả hồ sơ, chính quyền điện tử tỉnh sẽ gửi tin nhắn Zalo mời người dân, doanh nghiệp đánh giá kết quả giải quyết công việc và thái độ của nhân viên trung tâm hành chính công. Khi có câu hỏi của người dân, doanh nghiệp gửi đến cổng thông tin điện tử hệ thống Zalo sẽ gửi tin nhắn đến lãnh đạo đơn vị có trách nhiệm để kịp thời trả lời người dân, doanh nghiệp. Khi câu hỏi của người dân, doanh nghiệp được cơ quan của tỉnh trả lời, chính quyền điện tử tỉnh sẽ gửi tin nhắn, kèm hình ảnh và nội dung trả lời đến chính xác người dân đặt câu hỏi thông qua ứng dụng Zalo.
Phát biểu tại lễ khai trương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tiến Nhường nhấn mạnh: Các địa phương, đơn vị cần đẩy mạnh công tác cung cấp, quán triệt cán bộ, người dân sử dụng mạng Zalo, các đơn vị chức năng làm tốt công tác quản trị, cung cấp thông tin để các hệ thống triển khai hiệu quả an toàn, đáp ứng yêu cầu của cơ quan nhà nước và nhân dân. Các cơ quan chức năng mở rộng thêm các chức năng mới như giấy phép điện tử; xử phạt an toàn giao thông; tin nhắn thông báo hóa đơn tiền điện, tiền nước. Từ đó phấn đấu xây dựng thành phố thông minh với thủ tục hành chính ngày càng tinh gọn, đơn giản, minh bạch; giao tiếp giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền ngày một thuận lợi, nhanh chóng.
Cà Mau sẽ cắt giảm ít nhất 10% biên chế
Giai đoạn 2015-2021, tỉnh Cà Mau đặt mục tiêu sẽ sắp xếp, tinh giản, cắt giảm ít nhất 10% biên chế, nhằm tinh gọn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy tổ chức chính trị ở địa phương.
Tỉnh ủy Cà Mau xác định, công tác sắp xếp, tinh giản, cắt giảm biên chế là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, đòi hỏi sự quyết tâm cao, đầy trách nhiệm của các cấp, ngành trong tỉnh. Do vậy, giải pháp trước mắt, tỉnh Cà Mau đẩy mạnh tuyên truyền, qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, viên chức tại các cơ quan, đơn vị.
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục thực hiện rà soát, đánh giá, phân loại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức sát, đúng thực chất; mạnh dạn đưa ra khỏi tổ chức, biên chế đối với những trường hợp có trình độ chuyên môn chưa phù hợp, chưa đáp ứng yêu cầu, hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực hoặc không hoàn thành nhiệm vụ, sức khỏe yếu không đảm bảo được công việc, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh thực hiện tái cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức, tuyển những người có đức, có tài, có triển vọng vào đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh.
Quá trình sắp xếp tinh giản, cắt giảm biên chế ở Cà Mau vừa đáp ứng yêu cầu, mục tiêu đề ra, vừa đảm bảo việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị.
Kết quả thẩm định của Bộ Nội vụ cho thấy, giai đoạn 2015-2021, Cà Mau cần tinh giản, cắt giảm 2.650 biên chế. Đến nay, tỉnh đã cắt giảm được hơn 1.000 biên chế, đạt 3,8% chỉ tiêu đề ra. Do vậy, trong 3 năm tới, tỉnh cố gắng tinh giản, cắt giảm gần 1.650 biên chế.
Thời gian qua, đối tượng thực hiện tinh giản chủ yếu trên tinh thần tự nguyện của cán bộ, công chức, phần lớn là người đã lớn tuổi, gần đến tuổi nghỉ hưu... dẫn đến số lượng tinh giản biên chế của tỉnh Cà Mau đạt thấp. Bên cạnh đó, trong chỉ đạo thực hiện ở một số cơ quan, đơn vị chưa thật chủ động, quyết liệt, chủ yếu trên tinh thần tự giác của cán bộ, công chức, viên chức. Một số đối tượng còn có tâm lý trông chờ tinh giản vào những năm cuối của giai đoạn 2015-2021, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện tinh giản, cắt giảm biên chế ở Cà Mau./.
Tổng công ty Điện lực miền Bắc: Tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ các tháng cuối năm 2018  (09/07/2018)
Tổng công ty Điện lực miền Bắc: Tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ các tháng cuối năm 2018  (09/07/2018)
Chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh: Bài học về nghệ thuật chỉ đạo và điều hành chiến tranh cách mạng  (09/07/2018)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo  (08/07/2018)
Xung đột thương mại Mỹ-Trung: Tìm lối thoát cho xuất khẩu Việt Nam  (08/07/2018)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên