Nhìn lại 18 năm cầm quyền của Tổng thống Nga V. Pu-tin
TCCS - Kết quả cuộc bầu cử ngày 18-3-2018 để chọn ra người lãnh đạo cao nhất của nước Nga không nằm ngoài dự đoán của dư luận ở Nga cũng như trên thế giới: V. Pu-tin, ứng cử viên độc lập và là người cầm quyền trong gần 18 năm qua với ba nhiệm kỳ tổng thống (2000 - 2004, 2004 - 2008, 2012 - 2017) và một nhiệm kỳ thủ tướng (2008 - 2012), đã giành thắng lợi thuyết phục và trở thành Tổng thống Nga nhiệm kỳ thứ 4 (2018 - 2024). Cuộc bầu cử này diễn ra trong thời điểm có ý nghĩa bước ngoặt: nước Nga đang đứng trước vô vàn thách thức cần hóa giải cũng như rất nhiều cơ hội cần khai thác để tiếp tục phát triển như là một cường quốc có ảnh hưởng ngày càng lớn và đóng vai trò là một trong những trụ cột then chốt của nền hòa bình và an ninh thế giới.
Những thách thức nghiệt ngã đối với nước Nga sau khi Liên Xô giải thể
Sau khi Liên Xô bị giải thể, nước Nga tiếp tục đứng trước vô vàn thách thức cực kỳ phức tạp và nghiệt ngã cho dù có lựa chọn con đường phát triển theo định hướng nào, bởi Mỹ và các nước phương Tây vẫn chủ trương theo đuổi chính sách làm cho nước Nga tan rã thành các quốc gia nhỏ hơn, hoàn toàn xóa sổ Liên bang Nga trên bàn cờ chính trị thế giới.
Chủ trương này xuất phát từ một học thuyết địa - chính trị ra đời ở Anh do nhà nghiên cứu H. Mác-kin-đơ (Halford Mackinder) khởi xướng vào năm 1904. Theo học thuyết này, để giành quyền bá chủ thế giới, đế quốc Anh cần kiểm soát một vùng địa - chính trị vô cùng quan trọng trên lục địa Á - Âu với hạt nhân là nước Nga. Cũng trong thời gian đó, các chuyên gia nghiên cứu chiến lược ở Mỹ, đứng đầu là Brúc A-đam (Brooks Adams), cũng đưa ra dự báo Mỹ sẽ là đế chế toàn cầu tiếp sau đế chế Anh. Theo B. A-đam, để giành được vị thế bá chủ thế giới, đế chế Mỹ sẽ phải kiểm soát toàn bộ không gian địa - chính trị Á - Âu với trung tâm là nước Nga (1).
Tư duy địa - chính trị của giới tinh hoa chính trị ở Anh và Mỹ là cơ sở luận chứng cho chiến lược toàn cầu của Oa-sinh-tơn trong hai cuộc chiến tranh thế giới trong thế kỷ XX (Chiến tranh thế giới thứ nhất và Chiến tranh thế giới thứ hai) và Chiến tranh lạnh. Việc phát động hai cuộc chiến tranh thế giới trong thế kỷ XX với toan tính sẽ đưa nước Mỹ vươn lên vị thế bá chủ toàn cầu đã không thành do sự xuất hiện của nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới là Liên Xô cũng như thắng lợi của Liên Xô đánh bại phát-xít Đức(2).
Ngay sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ đứng đầu các nước phương Tây phát động Chiến tranh lạnh không chỉ nhằm làm sụp đổ Liên Xô mà còn là làm tan rã nước Nga. Ngày 17-7-1959, Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật số PL 86-90 với tên gọi “Về các dân tộc bị nô dịch”, còn được gọi là “Đạo luật nhằm làm tan rã nước Nga”, trong đó xác định: “Mỹ sẽ làm tan rã Liên Xô thành 22 quốc gia, trong đó có U-crai-na, Bê-la-rút ... để biến cư dân ở đó thành nô lệ và khai thác miễn phí tài nguyên thiên nhiên của họ”. Đạo luật này đến nay vẫn còn hiệu lực(3). Một nhà lãnh đạo phương Tây còn nói “... Để làm điều này, dân số Nga chỉ cần duy trì ở mức 50 - 60 triệu người”(4). Chính vì thế mà Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) vẫn tiếp tục được mở rộng sau Chiến tranh lạnh, còn Mỹ không ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây, chia rẽ họ với nước Nga; lôi kéo các nước Đông Âu và các nước trong không gian hậu Xô-viết gia nhập NATO, đơn phương rút khỏi Hiệp ước phòng thủ tên lửa ký với Liên Xô để xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa trên phạm vi toàn cầu, chuẩn bị cho đòn tấn công phủ đầu chớp nhoáng nhằm vào Nga trong tương lai.
Trong khi đó, trong chuyến thăm Mỹ đầu tiên và phát biểu tại Quốc hội Mỹ ngày 17-6-1992, Tổng thống Nga B. En-xin tuyên bố rằng, nước Nga đã “chôn vùi chủ nghĩa cộng sản và lựa chọn con đường phát triển tự do và dân chủ kiểu Mỹ” với hy vọng sẽ tạo ra kỷ nguyên phát triển thịnh vượng cho nước Nga. Thực hiện chủ trương này, B. En-xin đã mời nhiều cố vấn kinh tế và chính trị của Mỹ tới Mát-xcơ-va để giúp Nga tiến hành công cuộc cải cách trong những năm 90 của thế kỷ XX. Theo chỉ dẫn của các cố vấn Mỹ, Chính phủ Nga khi đó đã thực hiện cái gọi là “liệu pháp sốc”: tiến hành tư nhân hóa ồ ạt nền kinh tế và cải cách toàn bộ hệ thống chính trị, quân sự, an ninh, giáo dục, văn hóa và khoa học - công nghệ với hy vọng quá trình “cải cách” này sẽ tạo ra “sự phát triển thần kỳ” cho nước Nga(5). Tuy nhiên, kết quả thực tế lại hoàn toàn trái ngược. Theo Chủ tịch Ủy ban Quản lý tài sản quốc gia Nga V. Pô-lê-va-lốp, trong quá trình “cải cách” đó, Liên bang Nga đã giải thể 250 xí nghiệp và nhà máy lớn của ngành công nghiệp quốc phòng, hủy hoại tổ hợp công nghiệp quốc phòng của Nga và làm suy yếu đáng kể các lực lượng vũ trang Nga, làm phá sản hàng nghìn xí nghiệp công nghiệp hiện đại từng là niềm tự hào của Liên Xô trước đây và gần như hoàn toàn xóa sổ ngành nông nghiệp Nga. Năm 1984, lượng dự trữ quốc gia trong ngân khố của Nga vào khoảng 1.300 tấn vàng và 15 tỷ USD; đến năm 1992, tất cả khối lượng tài sản đó đã “không cánh mà bay”! Xét theo nhiều chỉ số kinh tế, vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước, nước Nga chỉ xếp ngang hàng với các nước kém phát triển, như Dim-ba-bu-ê hay Ôn-đu-rát. Thiệt hại vật chất của Nga từ năm 1992 đến năm 1998 lớn gấp 2,5 lần tổng thiệt hại của Liên Xô trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Trong lĩnh vực quân sự, mượn cớ thực hiện Hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược Mỹ - Nga START-1 (năm 1991) và START-2 (năm 1993), phía Mỹ không thực hiện các cam kết của mình nhưng lại buộc Nga tiêu hủy hàng nghìn đầu đạn hạt nhân và phương tiện mang (tức tên lửa đường đạn xuyên lục địa, tàu ngầm, máy bay ném bom). Đồng thời, các chuyên gia quân sự Mỹ được phép thanh sát 620 cơ sở tuyệt mật về vũ khí chiến lược của Nga. Trong lĩnh vực chính trị, hàng chục tổ chức phi chính phủ ồ ạt “đổ bộ” vào Nga, sử dụng đồng USD để mua chuộc, lôi kéo, dụ dỗ, tuyên truyền và tổ chức các hoạt động phá hoại. Cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn ở Cộng hòa tự trị Tre-sni-a của Nga bùng phát, từ đó tạo ra làn sóng xung đột sắc tộc và ly khai khiến nước Nga tan rã từ bên trong, không để Nga tồn tại như một quốc gia có chủ quyền(6).
Như vậy là, chủ trương của Tổng thống B. En-xin dựa vào Mỹ và phương Tây để phát triển nước Nga đã hoàn toàn bị phá sản và đặt toàn bộ sự nghiệp chính trị của ông trước nguy cơ đổ vỡ. Vì thế, nhiệm vụ quan trọng số 1 khi đó của Tổng thống Nga B. En-xin là tìm người kế vị, vừa bảo vệ tính mạng ông, vừa cứu được nước Nga. Ngày 8-8-1999, Tổng thống B. En-xin ký quyết định bổ nhiệm V. Pu-tin - Cục trưởng Cục An ninh Liên bang Nga (chức vụ tương tự Chủ tịch Ủy ban An ninh quốc gia Liên Xô), làm Thủ tướng Nga. Quyết định này chính thức đưa ông V. Pu-tin bước lên vũ đài chính trị của Nga. Chỉ bốn tháng sau, ngày 31-12-1999 đi vào lịch sử nước Nga và thế giới không chỉ là thời khắc cuối cùng của thế kỷ XX mà còn đánh dấu một sự kiện chưa từng có trong lịch sử Liên Xô trước đây cũng như lịch sử nước Nga từ xưa tới nay: B. En-xin - vị tổng thống đầu tiên của nước Nga sau khi Liên Xô giải thể, hoàn toàn tự nguyện trao quyền lãnh đạo tối cao của quốc gia cho Thủ tướng Nga V. Pu-tin - một người vừa mới bước vào chính trường Nga với tên tuổi còn ít người biết đến.
Để cứu nước Nga đang lâm vào tình trạng khủng hoảng toàn diện trong những năm 90 của thế kỷ trước, ông V. Pu-tin phải đối mặt với vô vàn thách thức. Trước hết là các hoạt động khủng bố đang lan rộng ở Cộng hòa Tre-sni-a và bùng phát ở nhiều nơi khác trên lãnh thổ Liên bang Nga. Do vậy, quyết định đầu tiên và cấp bách nhất của quyền Tổng thống Nga khi đó là tiếp tục chiến dịch chống khủng bố mà ông đã khởi xướng sau khi được bổ nhiệm chức thủ tướng vào cuối năm 1999; theo đó, ông tập hợp một lực lượng vũ trang tinh nhuệ và trực tiếp chỉ huy để đánh bại các lực lượng khủng bố đang hoành hành ở Đa-ghe-xtan và Tre-sni-a. Thắng lợi quan trọng đó có ý nghĩa đầy sức thuyết phục đối với công chúng Nga cũng như thế giới về V. Pu-tin. Chính vì vậy, trong cuộc bầu cử ngày 26-3-2000, ông V. Pu-tin đã giành được số phiếu ủng hộ cao nhất trong số 10 ứng cử viên(7).
Định hướng con đường phát triển của Liên bang Nga
Vấn đề của mọi vấn đề và có ý nghĩa quan trọng hàng đầu mà ông V. Pu-tin phải giải quyết sau khi nhậm chức tổng thống vào đầu năm 2000 là định hình con đường phát triển của nước Nga. Trên thực tế, ông V. Pu-tin đã xác định con đường phát triển đó sau khi ông được Tổng thống B. En-xin bổ nhiệm chức thủ tướng Nga trong một bài viết có tựa đề “Nước Nga trước khi bước sang thiên niên kỷ mới” được đăng tải trên các báo của Nga vào ngày 30-12-1999, một ngày trước khi ông được trao quyền tổng thống. Trong bài viết này, ông V. Pu-tin đã đề xuất nội dung cơ bản của luận thuyết về tư tưởng Nga và định hướng con đường phát triển của Liên bang Nga trong tương lai theo 5 nội dung cơ bản sau.
Một là, sự đồng thuận xã hội. Trong giai đoạn lịch sử mang tính bước ngoặt sau khi Liên Xô tan rã, để đưa đất nước phát triển thì nhiệm vụ cực kỳ quan trọng đối với nước Nga là phải đạt được sự đồng thuận xã hội về những vấn đề căn bản, như mục tiêu phát triển, các giá trị cần duy trì, các mốc xác định mức độ phát triển... Một trong những điểm tựa để tạo nên sự đồng thuận xã hội là các giá trị truyền thống của nước Nga, trong đó có cả các giá trị thời Xô-viết.
Hai là, chủ nghĩa yêu nước. Chủ nghĩa yêu nước Nga được hình thành từ niềm tự hào về Tổ quốc Nga, về lịch sử và các chiến công vĩ đại của nước Nga, là khát vọng làm cho nước Nga phát triển nhanh hơn, thịnh vượng hơn, giàu có hơn, mạnh hơn, hạnh phúc hơn; chủ nghĩa yêu nước Nga hoàn toàn xa lạ với tham vọng đế chế. Một khi đánh mất chủ nghĩa yêu nước, người Nga sẽ tự đánh mất mình là một dân tộc đã từng lập nên những chiến công vĩ đại trong lịch sử.
Ba là, nước Nga có vị thế cường quốc. Nga đã từng và sẽ vẫn là một cường quốc xuất phát từ những đặc điểm về địa - chính trị, kinh tế và văn hóa; vị thế cường quốc được thể hiện trong tình cảm và suy nghĩ của người dân Nga và trong chính sách của nhà nước Nga trong suốt chiều dài lịch sử; vị thế cường quốc của Nga không chỉ được thể hiện ở sức mạnh quân sự mà còn dẫn đầu trong quá trình phát triển và áp dụng các công nghệ tiên tiến nhất để tạo ra sự thịnh vượng và mức sống cao cho người dân, bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia và lợi ích quốc gia của Nga trên thế giới.
Bốn là, vai trò quyết định của nhà nước. Ở Nga, nhà nước, các thể chế và cơ cấu của nhà nước luôn đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong cuộc sống của đất nước và của người dân; một nhà nước mạnh mẽ đối với người Nga không phải là một điều gì đó khác thường, không phải là cái gì đó mà người dân phải chống lại, mà trái lại, nhà nước là nguồn gốc và là sự bảo đảm trật tự, là người khởi xướng và là động lực chủ yếu của bất kỳ sự thay đổi nào; xã hội Nga hiện đại không đánh đồng một nhà nước hiệu quả và mạnh mẽ với một nhà nước chuyên chế; người Nga đã biết cách hiểu được giá trị của dân chủ, nhà nước pháp quyền và tự do cá nhân; xã hội Nga rất cần một nhà nước mạnh, đóng vai trò định hướng và quản lý ở mức độ cần thiết xuất phát từ truyền thống lịch sử và bối cảnh hiện nay; nhà nước Nga đóng vai trò quyết định trong đời sống chính trị của đất nước, gắn kết lợi ích của người dân với lợi ích của nhà nước; nước Nga đang ở vào giai đoạn phát triển mà trong đó, bất kỳ một chính sách kinh tế - xã hội nào cũng sẽ có sự xáo trộn nếu các cơ quan quyền lực của nhà nước yếu kém; chìa khóa để phục hưng và phát triển nước Nga, trước hết và chủ yếu là khôi phục và xây dựng nhà nước Nga mạnh, không phải là nhà nước chuyên chế mà là nhà nước dân chủ.
Năm là, sự đoàn kết xã hội. Thực tế lịch sử chứng tỏ, ở Nga khát vọng hướng tới các hình thức hoạt động tập thể và chủ nghĩa tập thể luôn chiếm ưu thế trước các hình thức cá nhân và chủ nghĩa cá nhân; sự cải thiện vị thế cá nhân của người Nga không chỉ xuất phát từ các nỗ lực cá nhân mà còn được gắn với sự giúp đỡ, động viên và khuyến khích của xã hội và nhà nước(8).
Trên cơ sở luận thuyết về tư tưởng quốc gia, ông V. Pu-tin đã xác định con đường phát triển của nước Nga. Định hướng phát triển của nước Nga được thể hiện trong lời tuyên bố của V. Pu-tin: “Những ai không thấy luyến tiếc về sự tan rã của Liên Xô, đó là người không có trái tim. Còn những ai muốn quay trở lại thời Xô-viết như cũ, người đó không có khối óc”. Như vậy, theo V. Pu-tin, con đường phát triển của nước Nga sau khi Liên Xô bị giải thể sẽ dựa trên cơ sở kế thừa những giá trị trong truyền thống Nga, trong đó có cả những giá trị Xô-viết không thể bác bỏ để định hướng mô hình phát triển trong điều kiện mới. Vì thế, Tổng thống V. Pu-tin đã thông qua các đạo luật xác định sẽ tiếp tục sử dụng lá cờ đỏ của Hồng quân Liên Xô, tiêu ngữ ngôi sao Xô-viết và Quốc ca Liên Xô (được sửa chữa lời nhưng giữ nguyên nền nhạc). Kế thừa những giá trị tốt đẹp truyền thống trong lịch sử, nước Nga dưới thời cầm quyền của ông V. Pu-tin đã lựa chọn mô hình phát triển: xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội có sự quản lý của nhà nước, theo đó sự phát triển kinh tế theo cơ chế thị trường gắn chặt với việc đáp ứng các nhu cầu xã hội của người dân, chính sách xã hội trở thành yếu tố cấu thành hệ thống kinh tế quốc dân. Mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội của nước Nga hiện nay kế thừa kinh nghiệm từ mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội được áp dụng thành công ở nhiều nước châu Âu, khởi đầu từ Cộng hòa Liên bang Đức từ những năm sau Chiến tranh thế giới thứ hai(9).
Năm 2015, nhân dịp tròn 15 năm cầm quyền của Tổng thống Nga V. Pu-tin, Hãng thông tấn Nga TASS thực hiện đề án mang tên “Mười lăm năm của Pu-tin: Mở đầu kỷ nguyên mới” để đánh giá toàn diện về những đóng góp của Tổng thống V. Pu-tin đối với nước Nga trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quốc phòng, khoa học - công nghệ, giáo dục và văn hóa. Dù xuất phát từ quan điểm chính trị nào, dư luận cũng như giới phân tích trong và ngoài nước Nga đều đánh giá cao, không thể không thừa nhận những đóng góp to lớn, vô cùng quan trọng của Tổng thống V. Pu-tin đối với nước Nga trong những năm cầm quyền của ông(10). Những đóng góp đó được thể hiện qua những con số rất ấn tượng: hệ thống chính trị ổn định; nền kinh tế vươn lên vị trí thứ năm trên thế giới; GDP tăng từ 2.059 tỷ USD năm 2000 lên 3.745 tỷ USD năm 2016; nợ công giảm 22,7 lần, từ 69,1% năm 2000 xuống còn 3,1% năm 2016; nợ nước ngoài giảm từ 138 tỷ USD vào năm 1999 (chiếm 78% GDP) xuống mức 54,881 tỷ USD vào năm 2014, chỉ còn chiếm 8,4% GDP - mức nợ thấp hơn rất nhiều so với nhiều nước phát triển ở phương Tây; lạm phát giảm từ 20,2% năm 2000 xuống mức 2,5% trong năm 2017; tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 10,6% năm 2000 xuống còn 5,2% năm 2017; dự trữ ngoại tệ tính theo giá trị vàng tăng 30 lần, từ 12 tỷ USD năm 2000 lên tới 378 tỷ USD vào năm 2015; Nga giành lại quyền khai thác và sử dụng 256 mỏ khoáng sản trước đó bị rơi vào các nhà đầu tư nước ngoài (hiện chỉ còn ba mỏ chưa thu hồi được); số người sống ở mức nghèo khổ giảm 2,5 lần từ những năm 90 tới năm 2015; nước Nga trở thành nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu và có uy tín nhất thế giới, trong đó đã xuất khẩu vũ khí tới 65 nước và ký hiệp định hợp tác kỹ thuật - quân sự với 89 nước; nền nông nghiệp vươn lên vị trí hàng đầu thế giới: sản lượng ngũ cốc tăng từ 64,4 triệu tấn năm 2000 lên 140 triệu tấn năm 2017; đầu tư cho khoa học từ ngân sách liên bang tăng 20 lần; chỉ số phát triển con người tăng từ 0,691 năm 2000 lên tới 0,788, từ vị trí 62 vươn lên vị trí 55 của thế giới; tuổi thọ trung bình của người Nga tăng thêm gần 7 năm, năm 2017, tuổi thọ trung bình của người Nga là 72,6; tổ hợp công nghiệp - quân sự Nga được phục hồi và phát triển trên cơ sở cơ chế kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước, Nga trở thành quốc gia được xếp hạng là cường quốc quân sự hùng mạnh thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ (11).
Tuy nhiên, những thách thức đối với Tổng thống Nga trong nhiệm kỳ mới cũng rất lớn. Theo Hãng thông tấn Sputnik (Nga), tại “Diễn đàn hành động” của Mặt trận Nhân dân Nga, ông V. Pu-tin đã đề cập những thách thức lịch sử, đó là “tích lũy và tăng trưởng của dân tộc ta, là việc tạo ra một nền kinh tế mới, phát triển Bắc Cực Viễn Đông, Xi-bê-ri, cũng như tất cả các khu vực đất nước rộng lớn chúng ta”(12). Nga phải đối mặt với các thách thức của tương lai - một cuộc cách mạng về công nghệ, y học, giáo dục. Nga phải khôi phục lại năng lực, phải là những người đi đầu về tri thức, trí tuệ, sự phát triển xã hội và văn hóa, “nước Nga luôn luôn trong số các quốc gia dẫn đầu mà không thể tranh cãi”. Và, để vượt qua thách thức đó, ông V. Pu-tin nhấn mạnh, “nước Nga phải bảo vệ danh tính của mình và dựa vào những truyền thống tốt đẹp nhất. Nga không nên đi lệch ra khỏi con đường đã lựa chọn, nếu không tất cả sẽ phải bắt đầu từ đầu”.
Hướng tới một trật tự thế giới mới bình đẳng, công bằng hơn
Chủ trương xây dựng trật tự thế giới mới công bằng hơn được V. Pu-tin - nguyên thủ quốc gia đầu tiên trên thế giới, đề cập tới trong bài phát biểu rất nổi tiếng và thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận tại Hội nghị an ninh quốc tế ở Mu-nich (Đức) năm 2007. Trong bài phát biểu này, Tổng thống Nga V. Pu-tin tuyên bố không chấp nhận trật tự thế giới đơn cực hình thành sau Chiến tranh lạnh, bởi theo ông, trật tự đó trái với nguyên tắc dân chủ mà chính Mỹ và các nước phương Tây vẫn cổ xúy.
Tổng thống Nga V. Pu-tin nhận định, trật tự thế giới đơn cực không có bất kỳ lý do nào để tồn tại và nhân loại sẽ phải xây dựng một trật tự thế giới mới, trong đó các quốc gia cần tôn trọng lợi ích của nhau, an ninh của mỗi quốc gia là an ninh của toàn thế giới và an ninh của thế giới cũng là an ninh của từng quốc gia. Nước Nga sẽ đi đầu trong cuộc đấu tranh để xây dựng trật tự thế giới mới bình đẳng, công bằng, tính tới lợi ích của tất cả các quốc gia, dù giàu hay nghèo, dù mạnh hay yếu, dù lớn hay nhỏ. Với sự khẳng định công khai và mạnh mẽ đó, bài phát biểu của Tổng thống Nga tại Hội nghị an ninh quốc tế ở Mu-nich được đánh giá là “cương lĩnh chính trị của nước Nga trong thế kỷ XXI” và là sự kiện chính trị quốc tế nổi bật nhất năm 2007(13).
Không chỉ đề xuất quan điểm hay ý tưởng, Tổng thống Nga V. Pu-tin còn đưa ra nhiều chủ trương xây dựng cấu trúc kinh tế và chính trị thế giới mới. Điển hình là sáng kiến xây dựng Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) gồm Nga, Bê-la-rút, Ca-dắc-xtan, Ác-mê-ni-a và Cư-rơ-gư-xtan; đề xuất liên kết EAEU với Liên minh châu Âu (EU) để xây dựng không gian kinh tế thống nhất trên lục địa Á - Âu. Ngoài ra, Nga cùng với các nước trong Nhóm các nước có nền kinh tế mới nổi - BRICS (gồm Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Bra-xin và Nam Phi) - đang xây dựng hệ thống kinh tế - tài chính mới nhằm hạn chế tác động tiêu cực của hệ thống kinh tế thế giới dựa trên quyền kiểm soát của Mỹ. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết về chống khủng bố của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Tổng thống Nga V. Pu-tin đã phát động và chỉ đạo chiến dịch quân sự ở Xy-ri theo đề nghị của tổng thống nước này, ông Ba-sa An-Át-xát, để chống lại các tổ chức khủng bố, đứng đầu là tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, góp phần quyết định và rất quan trọng trong cuộc đấu tranh nhằm loại bỏ hiểm họa khủng bố ra khỏi đời sống quốc tế.
Những quan điểm cơ bản của Tổng thống Nga V. Pu-tin về chính trị quốc tế và trật tự kinh tế thế giới mới phản ánh quy luật phát triển của thế giới trong thế kỷ XXI. Nhận định về Hội nghị an ninh quốc tế Mu-nich năm 2018, giới phân tích cho rằng, tiên đoán của Tổng thống Nga V. Pu-tin về sự cáo chung tất yếu của trật tự thế giới đơn cực đang trở thành hiện thực với sự rút lui dần của Mỹ khỏi vai trò lãnh đạo thế giới dưới thời cầm quyền của đương kim Tổng thống Mỹ Đ. Trăm(14).
Có thể khẳng định, nắm quyền lãnh đạo nước Nga trong một giai đoạn lịch sử có tính bước ngoặt, Tổng thống V. Pu-tin đã có những đóng góp rất lớn và đóng vai trò có ý nghĩa quyết định trong việc giữ vững nền độc lập cũng như chủ quyền quốc gia và dần đưa nước Nga lấy lại vị thế một cường quốc, hướng tới trật tự thế giới công bằng, bình đẳng hơn, hợp tác cùng phát triển dựa trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Tạp chí Forbes của Mỹ bốn năm liền bình chọn Tổng thống V. Pu-tin là “người quyền lực nhất thế giới”, còn các cử tri Nga đã dành cho ông tỷ lệ phiếu ủng hộ cao kỷ lục trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 18-3-2018. Báo Granma, Cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Cu-ba, trong bài viết với tiêu đề “Nước Nga: Chiến lược của Pu-tin”, nhận định: “Công lao lớn nhất của nước Nga hiện nay cũng như Tổng thống V. Pu-tin là đã và đang ngăn chặn nguy cơ bùng nổ Chiến tranh thế giới thứ ba trong điều kiện nước Nga bị bao vây, cấm vận buộc Mát-xcơ-va phải có hành động đáp trả thích đáng”(15)./.
--------------------------------------------------------
(1) F. William Engdahl: Full Spectrum Dominance: Totalitarian Democracy in the New World Order, Paperback, October 10, 2009
(2) Как американские банкиры развязали Вторую мировую войну, http://www.warandpeace.ru/ru/analysis/view/34556/
(3) Закон o “порабощённых нациях” (PL-86-90) от 17-7-1959 г, http://voprosik.net/zakon-o-poraboshhyonnyx-naciyax-pl-86-90-ot-17-07-1959-g/
(4) Владимир Лисичкин, Леонид Шелепин: Третья мировая информационнопсихологическая война, https://www.ozon.ru/context/detail/id/1369111
(5) Речь Ельцина в Конгрессе США, https://graniru.org/Politics/Russia/President/m.261806.html; Все законы и указы 90-х в Россию привозили из США на английском языке. https://www.novorosinform.org/articles/11934
(6) Владимир Лисичкин, Леонид Шелепин: Третья мировая информационнопсихологическая война, https://www.ozon.ru/context/detail/id/1369111/
(7) Россия на рубеже тысячелетий (1997 - 2000), http://www.ng.ru/politics/1999-12-30/4_millenium.html
(8) Россия на рубеже тысячелетий: Tài liệu đã dẫn
(9) Социально-рыночная модель экономики России, http://bibliofond.ru/view.aspx?id=487612; Социально-рыночная модель экономикu в России: вектор развития, https://research-journal.org/economical/socialno-orientirovannaya-ekonomika-v-rossii-vektor-razvitiya/
(10) 15 лет Путина начало новой эры, http://putin15.tass.ru/
(11) Как изменилась страна за 18 лет президен-тства Путина, https://cont.ws/@chetverikova/824850
(12) Tổng thống Putin nói về “những thách thức định mệnh” đối với Nga, https://vn.sputniknews.com/russia/201712194505659-putin-thach-thuc-nga/
(13) Выступление и дискуссия на Мюнхенской конференции по вопросам политики безопасности, http://kremlin.ru/events/president/transcripts/24034
(14) 10 лет “мюнхенской речи”: в чем оказался прав Владимир Путин, http://tass.ru/politika/4010454
(15) Главная газета Кубы подчеркнула заслугу Путина в предотвращении мировой войны, http://vz.ru/news/2015/1/24/725964.html
Rực rỡ pháo hoa chào mừng kỷ niệm 43 năm Ngày Giải phóng miền Nam  (30/04/2018)
Chế độ tiền lương mới gắn với sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị  (30/04/2018)
Bốn tháng, thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt hơn 8 tỷ USD  (30/04/2018)
Mỹ-Hàn-Triều có thể tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh ba bên vào mùa Hè  (30/04/2018)
Tổng thống Nga-Pháp ủng hộ duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran  (30/04/2018)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên