TCCS - Quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, bên cạnh chú trọng lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng luôn xác định xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, trong đó đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là yêu cầu bức thiết, vừa bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, vừa phát huy tính chủ động, sáng tạo của các tổ chức trong hệ thống chính trị, khắc phục sự chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, góp phần tinh giản biên chế... Vì vậy, trong những năm qua Đảng bộ tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch nhằm nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và tổ chức đảng các cấp. Việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế đã đạt được nhiều chuyển biến tích cực.

Bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ khi triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng

Việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đảng có nhiều đổi mới, các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch... của các cấp ủy đảng được ban hành đều thể hiện tinh thần ngắn gọn, cụ thể, sát thực tế, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện. Đẩy mạnh cải cách hành chính trong Đảng, giảm thời gian hội họp, tăng cường các cuộc họp, hội nghị trực tuyến, nhằm tiết kiệm thời gian, ngân sách. Tăng cường bám sát cơ sở với phương châm “Tỉnh bám xã, huyện bám thôn, tổ dân phố, xã bám sát từng hộ dân và khu dân cư” để theo dõi, giám sát, thu thập, phát hiện những vấn đề bất cập để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp. Đổi mới hoạt động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể hướng mạnh về cơ sở, thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; đề cao trách nhiệm và quyền hạn của người đứng đầu trong mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân, giữa cấp ủy với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường. Sinh hoạt chi bộ có nhiều chuyển biến tích cực; chất lượng hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp được nâng lên. Việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Toàn hệ thống chính trị tham gia đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của cả hệ thống tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy, yêu cầu đặt ra là phải sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy theo hướng tinh giản biên chế. Trên cơ sở hướng dẫn của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng đã vận dụng và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện, cụ thể:

Một là, về tổ chức đảng: Tiến hành rà soát, giải thể một số đảng bộ(1); chuyển giao một số tổ chức đảng khối doanh nghiệp về các huyện, thành ủy. Sắp xếp các tổ chức đảng Khối đảng, đoàn thể và chính quyền cấp huyện (theo Hướng dẫn số 38-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương). Kiện toàn, sắp các tổ chức cơ sở đảng Khối các cơ quan tỉnh theo hướng tinh gọn. Thực hiện mô hình bí thư đồng thời là chủ tịch hội đồng nhân dân (cấp huyện 10/12 địa phương thực hiện, cấp xã 133/147 địa phương thực hiện) và thí điểm mô hình bí thư đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã (có 14/147 địa phương thực hiện).

Hai là, về tổ chức bộ máy: Thực hiện hợp nhất một số đơn vị sự nghiệp cấp huyện và sắp xếp các đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh, qua đó giảm đáng kể số lượng đơn vị sự nghiệp cả cấp tỉnh lẫn cấp huyện, tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ(2). Sau khi hợp nhất, sáp nhập, tổ chức bộ máy và biên chế của các đơn vị được tinh gọn, giảm bớt bộ phận hành chính và trung gian, hoạt động hiệu quả hơn. Ngoài ra, tỉnh đã chỉ đạo sắp xếp, sáp nhập một số phòng, ban thuộc sở, ban, ngành cấp tỉnh để giảm bớt đầu mối trực thuộc cấp sở; sáp nhập một số thôn, tổ dân phố (từ đầu năm 2017 tới nay đã sáp nhập và giảm 32 tổ dân phố). Các cấp, các ngành đã chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy, biên chế. Về cơ bản, tổ chức bộ máy bảo đảm đúng quy định và thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao; các đơn vị sự nghiệp được tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Đội ngũ cán bộ các cấp và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và thôn, tổ dân phố hiện nay cơ bản phát huy tốt tinh thần trách nhiệm...

Những kết quả đạt được

Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương, cụ thể là: 1- Trong nhiều năm qua, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội cơ bản đạt và vượt kế hoạch; 2- Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư nâng cấp; 3- Môi trường đầu tư được cải thiện, thu hút đầu tư tăng, nhất là trong nông nghiệp và du lịch dịch vụ, Lâm Đồng trở thành tỉnh đi đầu trong cả nước về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 4- Đời sống nhân dân được cải thiện và nâng lên; 5- Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 50 triệu đồng/năm; 6- An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ổn định; 7- Vai trò lãnh đạo của Đảng được phát huy; 8- Tổ chức bộ máy được kiện toàn theo hướng chủ động và hoạt động có hiệu quả. 9- Những chuyển biến đó là động lực, tạo sức lan tỏa đến các cấp, các ngành và niềm tin trong nhân dân.

Những hạn chế và vấn đề đặt ra

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng ở một số địa phương còn những hạn chế và một số vấn đề đặt ra như sau:

- Ở một số nơi việc ban hành nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch còn rập khuôn, máy móc, hình thức, chưa có sự vận dụng sáng tạo phù hợp với điều kiện, yêu cầu thực tế.

- Hiệu quả hoạt động của một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa cao; việc thực hiện quy chế, các nguyên tắc tổ chức của Ðảng ở một số nơi chưa nghiêm.

- Việc sắp xếp, bố trí cán bộ có nơi chưa hợp lý, còn nặng về cơ cấu.

- Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng và định hướng lý luận xã hội, công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chưa thường xuyên; trách nhiệm một số cấp ủy viên chưa cao.

- Tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa cao, còn chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ.

- Việc tinh giản biên chế ở nhiều cơ quan, đơn vị còn chậm, chưa gắn với rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; số lượng biên chế làm việc trong bộ phận phục vụ (hành chính, văn phòng) còn lớn; biên chế khối sự nghiệp còn vượt so với chỉ tiêu.

- Tiến độ xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là lĩnh vực y tế và giáo dục còn chậm. Ðội ngũ cán bộ, công chức các cấp và người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ở thôn, tổ dân phố còn đông...

Nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong thời gian tới

Để tiếp tục đẩy mạnh đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo các nghị quyết của Trung ương, nhất là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, thời gian tới, Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng xác định một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm như sau:

Thứ nhất, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở, chi bộ. Đổi mới việc xây dựng, ban hành nghị quyết, vận dụng sáng tạo, linh hoạt các quy định của Đảng, Nhà nước phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, chú trọng vào những lĩnh vực trọng tâm, những khâu đột phá, những vấn đề mới phát sinh, bảo đảm ngắn gọn, dễ hiểu, tính khả thi cao, dễ triển khai, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện; đồng thời, làm tốt công tác quán triệt, cụ thể hóa nghị quyết trong Đảng và tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân để nghị quyết đi vào cuộc sống. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nêu cao vai trò và xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy trong thực hiện nhiệm vụ; tiếp tục bổ sung, hoàn thiện Quy định phân cấp quản lý cán bộ, Quy chế đánh giá cán bộ, Quy định về tiêu chuẩn cán bộ theo phân cấp quản lý, Quy chế bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử... trên cơ sở các quy định, hướng dẫn của Trung ương, tăng cường công tác quản lý, phân công nhiệm vụ cho đảng viên. Ðổi mới phương thức hoạt động, phát huy tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân; thường xuyên tổ chức đối thoại trực tiếp với nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp để kịp thời giải quyết dứt điểm các vấn đề nổi cộm, bức xúc ở cơ sở. Ðẩy mạnh cải cách hành chính trong Ðảng, hệ thống chính quyền. Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, với tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao nhất, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo Bác, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng từ cơ sở, từ cán bộ, đảng viên, nhất là kỷ luật, kỷ cương của Đảng, tinh thần trách nhiệm, vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên...

Thứ hai, đổi mới công tác cán bộ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức: Rà soát, bổ sung các chính sách, quy chế, quy định về công tác cán bộ; làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ; tăng cường luân chuyển cán bộ từ tỉnh xuống huyện, huyện xuống xã và ngược lại. Chú trọng tạo nguồn cán bộ ở địa phương, cơ quan, đơn vị. Thực hiện tốt thí điểm thi tuyển cán bộ lãnh đạo cấp sở, phòng cấp tỉnh, huyện để rút kinh nghiệm và nhân rộng đến tất cả các cơ quan, đơn vị trong tỉnh. Thí điểm sát hạch cán bộ, công chức, viên chức các cấp làm cơ sở thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy, gắn với chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức.

Thứ ba, tiếp tục sắp xếp lại tổ chức bộ máy từ tỉnh đến cơ sở theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị và Đề án vị trí việc làm của tỉnh, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, giảm bớt đầu mối, biên chế, khâu trung gian, cụ thể:

- Ðối với cấp tỉnh: Xây dựng Ðề án và thực hiện mô hình (trong năm 2018) Văn phòng Tỉnh ủy phục vụ chung cho các ban xây dựng Đảng và Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; Ðề án hợp nhất văn phòng Ðoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh. Rà soát các phòng, ban trực thuộc sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể theo hướng: các phòng, ban dưới 5 người sẽ không tổ chức phòng, ban mà thực hiện theo chế độ chuyên viên; các phòng, ban có từ 5 người trở lên chỉ bố trí tối đa 1 cấp phó. Nghiên cứu mô hình một cơ quan tham mưu, phục vụ chung cho khối Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cấp tỉnh, có giải pháp đồng bộ để khắc phục xu hướng hành chính hóa trong hoạt động. Thực hiện thí điểm Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh trong nhiệm kỳ tiếp theo; nhất thể hóa các cơ quan, đơn vị có nhiệm vụ tương đồng khi có điều kiện (Ban Tổ chức Tỉnh ủy với Sở Nội vụ; Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy với Thanh tra tỉnh...).

- Ðối với cấp huyện: Xây dựng Ðề án thực hiện mô hình Văn phòng Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân cấp huyện phục vụ chung cho các phòng, ban chuyên môn của ủy ban nhân dân huyện; từng bước hợp nhất văn phòng cấp ủy và văn phòng hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân phục vụ chung cho khối Ðảng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và khối chính quyền ở những nơi có điều kiện; đối với các phòng, ban cấp huyện, chỉ bố trí tối đa 1 cấp phó.

- Ðối với các xã, phường, thị trấn: Tiến hành rà soát lại các chức danh để xác định rõ số lượng cán bộ, công chức, từ đó bố trí, sắp xếp, tinh giản cho phù hợp. Thực hiện tốt và nhân rộng mô hình bí thư đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã. Rà soát các đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định về quy mô dân số, diện tích tự nhiên để thu gọn hợp lý. Tiếp tục sáp nhập các thôn, tổ dân phố có quy mô dân cư ít và địa bàn hẹp; tăng cường thực hiện chế độ kiêm nhiệm đối với cán bộ, công chức; thực hiện chế độ khoán kinh phí đối với cán bộ không chuyên trách ở cấp xã và cấp thôn.

- Ðối với đơn vị sự nghiệp công lập, xây dựng lộ trình đến năm 2021 giảm 10% đơn vị sự nghiệp công lập, giảm 10% số biên chế, phấn đấu có ít nhất 10% trở lên số đơn vị tự chủ về tài chính. Đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các đơn vị có điều kiện chuyển sang tự chủ, nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ.

Từ những chủ trương của Trung ương, cùng với điều kiện và kinh nghiệm thực tiễn, Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng đang tích cực triển khai cụ thể hóa và quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng và sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gắn với thực hiện tinh giản biên chế, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; quyết tâm xây dựng hệ thống chính trị của địa phương vững mạnh toàn diện./.

------------------------------------------------------------------------

(1) Đảng bộ Công ty Chè Lâm Đồng, Đảng bộ Tổng Công ty dâu tằm tơ Việt Nam, Ban cán sự đảng Ngân hàng Nhà nước tỉnh
(2) Hợp nhất các trung tâm thú y, bảo vệ thực vật, khuyến nông thành Trung tâm Nông nghiệp cấp huyện (giảm từ 36 trung tâm/12 huyện, thành phố, xuống còn 12 trung tâm); hợp nhất Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp, trung tâm Dạy nghề cấp huyện thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (giảm từ 18 trung tâm xuống còn 10 trung tâm); thành lập mới Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Lâm Đồng trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường trên cơ sở hợp nhất Trung tâm Thông tin - Đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường và 12 Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện (giảm được 12 đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện); sáp nhập Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng tại chức tỉnh vào Trường Chính trị tỉnh,...