TCCSĐT - Ngày 15-6-2015, tại Quảng Ninh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị Hợp tác phát triển du lịch giữa tỉnh Quảng Ninh và một số tỉnh, thành phía Bắc với Thành phố Hồ Chí Minh.
Với vai trò là một ngành kinh tế tổng hợp, mang tính liên ngành, liên vùng và mang tính xã hội hóa cao, du lịch ngày càng nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Chất lượng, tính cạnh tranh của du lịch là những vấn đề nhận được nhiều sự chú ý và thảo luận. Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Lê Quang Tùng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh cho biết: thời gian qua, với mục tiêu xây dựng Quảng Ninh trở thành một trung tâm du lịch quốc tế, một trọng điểm du lịch có hệ thống, có bản sắc, có năng lực cạnh tranh với khu vực và các nước trên thế giới, Quảng Ninh đã chú trọng thực hiện 3 khâu đột phá: đổi mới phương thức phát triển kinh tế từ “nâu” sang “xanh”; quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có quy hoạch tổng thể phát triển du lịch; cải cách thủ tục hành chính.

Thực hiện chủ trương đồng hành với doanh nghiệp, Quảng Ninh đã tập trung nguồn lực, đầu tư triển khai các dự án lớn, mang tính chất động lực nhằm phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông, như các dự án đưa lưới điện ra đảo Cô Tô và các xã đảo thuộc huyện Vân Đồn; dự án xây dựng đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng; dự án Cảng hàng không Quảng Ninh..., góp phần thay đổi bộ mặt du lịch của tỉnh. Năm 2014, mặc dù còn nhiều biến động, du lịch Quảng Ninh đạt 7,5 triệu lượt khách. Tổng doanh thu từ du lịch đạt 5.500 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, nhìn nhận thẳng thắn, du lịch Quảng Ninh phát triển còn khiêm tốn, chưa xứng đáng với tiềm năng và lợi thế. Mức đóng góp nguồn thu của du lịch còn khiêm tốn, tính liên kết chưa cao giữa các vùng, ngành, lĩnh vực. Tỷ lệ khách du lịch từ các tỉnh khu vực phía Nam đến với Quảng Ninh còn ít. Tính chuyên nghiệp chưa cao, các tour, tuyến dù đã được đổi mới nhưng chưa thực sự phong phú, đa dạng...

Tại Hội nghị, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Văn Tuấn cho biết, sau sự kiện giàn khoan 981, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam sụt giảm đáng kể. Hiện, dịch bệnh MERS tại Hàn Quốc cũng gây ra nhiều ảnh hưởng đến lượng khách du lịch của quốc gia này đến Việt Nam. Trong bối cảnh này, chưa bao giờ Đảng và Nhà nước dành nhiều quan tâm đến du lịch như thời gian qua. Từ cuối tháng 12-2014 đến nay, liên tiếp trong nhiều kỳ họp đã có nhiều văn bản, nghị quyết liên quan đến du lịch. Riêng đối với Quảng Ninh, chúng ta đang chứng kiến một bức tranh sống động với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp tầm cỡ trên địa bàn, và chắc chắn trong thời gian tới sẽ góp phần thay đổi căn bản diện mạo, chất lượng du lịch của Quảng Ninh.

Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, hiện nay, liên kết trong phát triển du lịch đang trở thành một xu thế tất yếu và nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp, địa phương. Hiện nay đã hình thành nhiều liên kết, như liên kết vùng, tiểu vùng (ví dụ như Dự án EU hỗ trợ liên kết 3 tỉnh phía Trung, phía Bắc, phía Nam), hoặc chuỗi 8 tỉnh phía Bắc, mô hình diện rộng ở Thành phố Hồ Chí Minh. Với tư cách là tâm điểm, động lực, Quảng Ninh đề xuất một mô hình du lịch mới có tính liên kết tầm rộng, kế thừa mô hình liên kết vùng, tiểu vùng và tầm xa. Vì thế, cần có nhiều biện pháp để đưa liên kết không chỉ là thông điệp, khẩu hiệu, mà còn là kết quả cụ thể. Vì vậy, cần tăng cường vai trò của chính quyền, của lãnh đạo trong liên kết đa ngành, liên kết vùng.

Tổng Cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn cũng gợi ý một số giải pháp nhằm tăng cường tính liên kết vùng du lịch, đó là: việc liên kết phải thực chất, có chiều sâu có trọng tâm, trọng điểm. Mỗi địa phương cần lựa chọn những sản phẩm, điểm đến tiêu biểu; liên kết trên các tuyến như đường không, đường bộ; việc quảng bá xúc tiến trong liên kết: cần kết nối chung những sự kiện ngoài nước, hoặc trong nước, cần có trách nhiệm tham gia cùng nhau trong mọi hoạt động; vấn đề quản lý điểm đến có vai trò quan trọng, cần bảo đảm các yếu tố như sản phẩm, hạ tầng, dịch vụ, kiểm soát vấn đề an ninh an toàn.

Hội nghị cũng nghe một số ý kiến đóng góp của lãnh đạo các tỉnh, thành phố nhằm làm rõ thêm một số định hướng, biện pháp để tăng cường tính liên kết trong phát triển du lịch giữa các vùng, làm cho hoạt động liên kết mang tính chiều sâu và đạt hiệu quả cụ thể.

Cũng tại Hội nghị, các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Lạng Sơn đã thống nhất ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch với quan điểm: Hợp tác bình đẳng, các tỉnh, thành phố trong liên kết cùng có lợi trên cơ sở khai thác và phát huy những tiềm năng, thế mạnh và đặc thù của mỗi địa phương để cùng phát triển. Hợp tác trên tinh thần tự nguyện, bình đẳng, gắn kết, tương trợ, cùng nhau hợp tác phát triển của các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp; có bước đi thích hợp theo từng giai đoạn, mục tiêu cụ thể trên cơ sở lựa chọn những nội dung, lĩnh vực thiết thực, trọng điểm cho phát triển du lịch của các địa phương. Nội dung hợp tác phải được xây dựng thành các đề án, dự án, chương trình, kế hoạch cụ thể, thời gian và kinh phí thực hiện.

Mục tiêu chung là phấn đấu hằng năm tăng từ 2% - 5% tỷ lệ khách du lịch từ Thành phố Hồ Chí Minh ra các tỉnh phía Bắc trong liên kết và khách du lịch từ các tỉnh phía Bắc trong liên kết đến Thành phố Hồ Chí Minh. Xây dựng được các sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn tại các địa phương; nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, nguồn nhân lực phục vụ du lịch tại các địa phương tham gia chương trình liên kết. Kết nối tour, tuyến du lịch giữa các địa phương, tạo thành sản phẩm đặc trưng, hấp dẫn khách du lịch./.