Nắm vững quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới
TCCS - Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam. V.I. Lê-nin, người thầy vĩ đại của cách mạng thế giới đã chỉ rõ: “Một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nào nó biết tự vệ”(1). Trải qua các giai đoạn cách mạng, cùng với đường lối xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, Đảng ta luôn đặt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ chiến lược sống còn.
Trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, quy luật dựng nước đi đôi với giữ nước được biểu hiện tập trung ở hai nhiệm vụ chiến lược có mối quan hệ gắn bó hữu cơ với nhau là xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Từ nhận thức đúng đắn vị trí, tầm quan trọng của hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong các kỳ đại hội, nhất là qua gần 30 năm đổi mới, tư duy xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Đảng ta có sự phát triển và đổi mới mạnh mẽ. Chúng ta ngày càng nhận thức đầy đủ, sâu sắc và toàn diện hơn về hai nhiệm vụ chiến lược, cũng như những chủ trương, biện pháp tạo nên sức mạnh tổng hợp của đất nước. Đại hội IX của Đảng và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa IX về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” đã nêu nhận thức mới về nội hàm bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong điều kiện toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế: Bảo vệ Tổ quốc là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và nền văn hóa; giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình, phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” tiếp tục kế thừa nội hàm bảo vệ Tổ quốc đã được nêu trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa IX; đồng thời chỉ rõ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo về bảo vệ Tổ quốc là: Giữ vững sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, không ngừng củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội là lợi ích cao nhất của đất nước; đồng thời luôn nêu cao cảnh giác, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá, xâm lược của các thế lực thù địch; không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...
Phương châm chỉ đạo về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc được Đảng ta xác định rõ là kiên định về mục tiêu, nguyên tắc chiến lược; linh hoạt, mềm dẻo về sách lược; kiên trì giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế; tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân trong nước, dư luận quốc tế; phân hóa, cô lập các phần tử, các thế lực thù địch ngoan cố chống phá Việt Nam; lấy việc giáo dục, thuyết phục, phòng ngừa là chính, đi đôi với giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm pháp luật; chủ động đấu tranh với các âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, không để hình thành tổ chức chính trị đối lập dưới bất kỳ hình thức nào...
Mối quan hệ biện chứng giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã được Đảng ta nhìn nhận toàn diện và sâu sắc hơn. Mục tiêu kết hợp giữa hai nhiệm vụ chiến lược là phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng; là sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, giữa quốc phòng với an ninh, kinh tế, đối ngoại và các lĩnh vực khác, bảo đảm kinh tế - xã hội phát triển ổn định, bền vững; quốc phòng, an ninh được tăng cường. Sự ổn định và phát triển bền vững mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội là nền tảng vững chắc của quốc phòng - an ninh. Phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh; bảo đảm quốc phòng, an ninh trở thành một trong những mục tiêu trọng yếu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; kinh tế phát triển, các vấn đề xã hội được quan tâm giải quyết, đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao, thực hiện tốt công bằng xã hội, quốc phòng, an ninh được bảo đảm, đối ngoại được mở rộng sẽ tạo ra sức mạnh vật chất và tinh thần to lớn, mạnh mẽ để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Phương thức kết hợp giữa hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng được đổi mới và hoàn thiện theo hướng chủ động gắn kết xây dựng với tự bảo vệ; kết hợp theo quy hoạch, kế hoạch của từng địa phương, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của Trung ương; kết hợp theo khu vực, vùng lãnh thổ, ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn quốc; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh trong các dự án đầu tư, quy hoạch phát triển các vùng, các ngành kinh tế, nhất là các vùng kinh tế trọng điểm, các địa bàn chiến lược, các ngành kinh tế quan trọng.
Cùng với việc tiếp tục khẳng định vấn đề tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh cả về tiềm lực và thế trận; xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững mạnh, tiếp tục phát triển quan điểm Đại hội X, Đại hội XI của Đảng khẳng định: “Xây dựng thế trận lòng dân vững chắc trong thực hiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc”. Đây là sự kế thừa, vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của nhân dân trong lịch sử; nâng lên tầm cao mới truyền thống, bài học kinh nghiệm “lấy dân làm gốc”, huy động sức mạnh toàn dân tộc trong lịch sử dựng nước, giữ nước hào hùng của cha ông. Đảng ta đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Để xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, Đảng ta đặc biệt chú trọng trang bị cho cán bộ, đảng viên và nhân dân kiến thức về quốc phòng, an ninh, đồng thời cung cấp những thông tin về âm mưu, hoạt động chống phá, nhất là chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch cũng như những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” từ bên trong; các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống. Kiến thức về quốc phòng, an ninh cần được giáo dục, bồi dưỡng thường xuyên trong mỗi cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư. Đại hội XI của Đảng nhấn mạnh: “Tăng cường tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc, trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia và kiến thức quốc phòng, an ninh, làm cho mọi người hiểu rõ những thách thức lớn tác động trực tiếp đến nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới, như chiến tranh bằng vũ khí công nghệ cao, tranh chấp chủ quyền biển, đảo, vùng trời, “diễn biến hòa bình”, bạo loạn chính trị, khủng bố, tội phạm công nghệ cao, tội phạm xuyên quốc gia”.
Để chủ động phòng ngừa tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, Đảng ta nhấn mạnh cần chăm lo xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh; chủ động vận dụng tư tưởng, lý luận cách mạng để đánh bại tư tưởng, lý luận phản động; lấy chính nghĩa và sự thật đánh bại sự xuyên tạc, bôi nhọ, vu cáo; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; sử dụng sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng để phòng, chống “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Trong công tác bảo đảm an ninh chính trị nội bộ, phải quán triệt phương châm “chủ động phòng ngừa, giữ vững bên trong là chính”; “giữ vững bên trong” là nội dung cốt lõi của công tác bảo vệ chính trị nội bộ, nâng cao khả năng “tự bảo vệ” của từng cơ quan, tổ chức, khả năng “tự đề kháng” của mỗi cán bộ, đảng viên trước tác động của “diễn biến hòa bình” cũng như mặt trái của cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế. Đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong tình hình mới. Mọi âm mưu, thủ đoạn thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của các thế lực thù địch, phản động sẽ bị vô hiệu hóa, nếu nội bộ các cơ quan, tổ chức, đoàn thể đoàn kết, thống nhất, thật sự trong sạch, vững mạnh; nếu mỗi cán bộ, đảng viên vững vàng bản lĩnh chính trị, “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.
Đảng ta luôn kiên định nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội nhân dân và Công an nhân dân. Bảo vệ và giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là vấn đề có ý nghĩa quyết định bản chất giai cấp công nhân của Quân đội nhân dân và Công an nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Lịch sử 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân và Công an nhân dân cho thấy, Đảng lãnh đạo là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, được nhân dân thương yêu, đùm bọc và giúp đỡ, Quân đội nhân dân và Công an nhân dân ngày càng phát triển, trưởng thành, luôn một lòng, một dạ tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đoàn kết, tận tụy trong công tác, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững hòa bình, ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Quân đội nhân dân và Công an nhân dân thực sự là chỗ dựa tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân; làm tốt vai trò tham mưu với Đảng, Nhà nước về các chủ trương, đường lối, chiến lược bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; chủ động phòng ngừa, tấn công làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của đất nước.
Để bảo đảm lực lượng vũ trang luôn là công cụ sắc bén, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng chỉ rõ: “Tiếp tục xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, nâng cao sức mạnh chiến đấu, thực sự là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, lực lượng nòng cốt bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường quan hệ phối hợp giữa lực lượng Công an nhân dân với Quân đội nhân dân và các ngành, các địa phương trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Theo đó, cần tiếp tục chăm lo, nâng cao phẩm chất, đạo đức cách mạng, trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân; đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh; tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật, bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần để Quân đội nhân dân và Công an nhân dân đủ sức hoàn thành tốt yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.
Lịch sử đã chứng minh, quy luật phát triển của đất nước ta là dựng nước luôn luôn đi đôi với giữ nước, xây dựng luôn luôn đi đôi với bảo vệ Tổ quốc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc ta đã giành được độc lập, tự do, thống nhất đất nước và có vị thế ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta nhất định sẽ giành thắng lợi trong công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng thành công nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội như sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn./.
---------------------------------------
(1) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1977, t. 37, tr. 145
Tiếp tục đẩy mạnh công tác xuất bản, phát hành báo, tạp chí cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn năm 2015  (16/01/2015)
Công tác văn thư, lưu trữ phải tập trung phục vụ tốt nhất Đại hội Đảng  (16/01/2015)
Triển lãm về Hoàng Sa, Trường Sa và bằng chứng lịch sử, pháp lý  (16/01/2015)
Phiên họp thứ 34 Ủy ban thường vụ Quốc hội tập trung xây dựng luật  (16/01/2015)
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay