Tỉnh Ninh Bình bảo đảm an sinh xã hội - hiệu quả từ công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân
TCCS - Bảo đảm an sinh xã hội là chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta. Đây là một trong những chính sách nhân văn nhằm góp phần mang lại cho mọi người dân một cuộc sống tốt đẹp, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Một trong những giải pháp trọng tâm của tỉnh Ninh Bình để đạt được mục tiêu này là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua công tác giáo dục nghề nghiệp, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm để bảo đảm an sinh xã hội bền vững.
Đào tạo nghề: Cơ hội đổi mới
Dạy nghề, tạo việc làm cho lao động là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, từ đó góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Nhằm tạo cơ hội để người lao động hướng đến những nghề có kỹ thuật, bảo đảm nguồn thu nhập ổn định hơn, tỉnh Ninh Bình chú trọng triển khai đồng bộ các giải pháp từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng được với nhu cầu của thị trường lao động, mạng lưới các cơ sở giáo dục ngày càng được củng cố. Hiện nay, tỉnh Ninh Bình có 27 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, có 2 trường chất lượng cao, có 23 nghề trọng điểm, 6 nghề cấp độ quốc tế, 7 nghề cấp độ khu vực ASEAN, 10 nghề cấp độ quốc gia được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phê duyệt. Cơ cấu ngành, nghề đào tạo đã từng bước được điều chỉnh gắn với nhu cầu sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động, như cơ khí, điện tử, may công nghiệp,… được đưa vào chương trình giảng dạy không chỉ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn mà còn giúp người lao động dễ dàng tự tìm kiếm việc làm sau khi hoàn thành khóa học…
Năm 2023, với việc chủ động triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, chương trình, đề án, chính sách về lao động, giải quyết việc làm, trợ giúp xã hội, giảm nghèo,… nhiều chỉ tiêu, kế hoạch đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra: 80% nông dân sau khi học nghề có thu nhập khá, 10% nông dân sau khi học nghề đã chuyển đổi nghề; các địa phương, đơn vị đã tổ chức tuyển sinh đào tạo nghề cho trên 170 nghìn lao động. Thông qua hoạt động đào tạo nghề đã nâng cao tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn của lao động, góp phần tạo thêm nhiều việc làm với mức thu nhập ổn định cho người lao động. Người lao động đã đổi mới cách làm, mở rộng sản xuất, kinh doanh hoặc tìm được việc làm mới có thu nhập cao hơn, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống và tích cực đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng của địa phương theo tiêu chí nông thôn mới.
Hiện nay, tỉnh Ninh Bình đang triển khai các hoạt động đào tạo nghề theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Để công tác đào tạo nghề hiệu quả, phù hợp với tình hình mới, tỉnh Ninh Bình ban hành những chính sách phù hợp nhằm đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về quy mô đi đôi với chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp theo từng cấp trình độ. Từ đó, tạo sự đột phá trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực khu vực nông thôn, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở các địa phương.
Các hình thức đào tạo cũng được đa dạng hóa phù hợp với các đối tượng học nghề. Bên cạnh định hướng, lựa chọn nghề phù hợp, chú trọng trang bị kiến thức về công nghệ thông tin cho người lao động, giúp người lao động có sự tương tác trực tiếp trong tiếp cận cơ hội việc làm, tìm được chỗ đứng trên thị trường lao động… Tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh Ninh Bình đạt 69,5% vào cuối năm 2023, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn từng bước được nâng cao, các ngành, nghề được tổ chức đa dạng, phong phú giúp cho lao động nông thôn lựa chọn nghề phù hợp với điều kiện sản xuất của gia đình; các lớp đào tạo nghề được tổ chức rộng khắp tại các vùng trong toàn tỉnh Ninh Bình.
Hoàn thành mục tiêu giải quyết việc làm cho hơn 20.000 lao động
Năm 2023, tỉnh Ninh Bình đã giải quyết việc làm mới cho 20.486 lao động, vượt 5,6% kế hoạch năm, trong đó, xuất khẩu lao động đạt 2.036 người (vượt 45,4% so với kế hoạch hằng năm), tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,27%. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Ninh Bình thu thập thông tin, nhập dữ liệu về nhu cầu tìm kiếm việc làm của 7.000 người lao động và 1.500 phiếu nhu cầu tuyển dụng lao động của 750 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình lên trang web lưu trữ cơ sở dữ liệu việc làm của Cục Việc làm theo quy định; tổ chức 40 phiên giao dịch việc làm, trong đó có 11 phiên giao dịch việc làm hằng tháng, 21 phiên giao dịch việc làm online, 6 phiên chuyên đề, 2 phiên việc làm lưu động thu hút trên 1.300 lượt doanh nghiệp đăng kí chỉ tiêu tuyển dụng và trên 21.000 lao động tham gia giao dịch việc làm trực tiếp tại sàn. Thông qua các phiên giao dịch việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Ninh Bình đã tư vấn cho trên 35.000 lượt lao động, đạt 142,2% kế hoạch năm đề ra.
Qua hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm và hoạt động sàn giao dịch, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Ninh Bình đã giới thiệu việc làm cho trên 3.100 người, đạt 103,5% chỉ tiêu kế hoạch năm. Năm 2023, mức lương bình quân của người lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đạt mức bình quân trên 5,5 triệu đồng/người/tháng, tăng 9% so với năm 2022.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, trong năm 2024, tỉnh Ninh Bình đặt mục tiêu tạo việc làm mới cho trên 19.400 lao động, trong đó xuất khẩu lao động là 1.400 người; tuyển sinh, đào tạo nghề cho trên 17.500 lao động, tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 71%; bảo đảm 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo đủ điều kiện được hưởng các chính sách ưu đãi của nhà nước về y tế, giáo dục, nhà ở…
Ngoài ra, cùng với nỗ lực khai thác thị trường lao động nội địa, tỉnh Ninh Bình triển khai kết nối, giới thiệu lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Ngày 27-6-2023, Đảng ủy khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh Ninh Bình ban hành “Kế hoạch số 114-KH/ĐUK Thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 12/12/2022 của Ban Bí thư về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới”” nhằm kịp thời cung cấp thông tin, dịch vụ tư vấn hỗ trợ pháp luật, chế độ chính sách, quyền lợi, trách nhiệm và các khoản phí, điều kiện tuyển chọn, điều kiện làm việc và sinh hoạt, thu nhập của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, từ đó thu hút người lao động tham gia và yên tâm lao động trong quá trình đi làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh đó, để hỗ trợ người lao động đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trước khi xuất cảnh, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Ninh Bình phối hợp với các doanh nghiệp được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp phép hỗ trợ một phần kinh phí, tạo điều kiện để người lao động được vay vốn ưu đãi tham gia vào thị trường lao động.
Tập trung thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030
Năm 2023, tỉnh Ninh Bình đạt được nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội: kinh tế duy trì phát triển, tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 7,27%, đứng thứ 8 trong vùng đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 22 toàn quốc; quý I/2024 tiếp tục tăng ở mức 8,02%. Từ năm 2022, tỉnh Ninh Bình thực hiện tự chủ về ngân sách (năm 2023 xếp 26/63, ước đạt 16.144 tỷ đồng); xuất khẩu xếp 23/63.
Từ một tỉnh thuần nông, đến nay, công nghiệp và dịch vụ đã chiếm tỉ trọng hơn 80% trong cơ cấu kinh tế. Công nghiệp thực sự đã trở thành động lực trong tăng trưởng. Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh và bền vững của tỉnh. Hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, nâng cấp, nhất là hạ tầng giao thông. Công tác xây dựng nông thôn mới được triển khai quyết liệt, đồng bộ, đạt được nhiều kết quả tích cực (đã có 100% xã và 100% huyện, thành phố của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới). Công tác bảo đảm an sinh xã hội được chú trọng, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 ở mức thấp (đến hết năm 2023 lần lượt là 1,86% và 2,27%; GRDP bình quân đầu người xếp 24/63). Giáo dục - đào tạo được quan tâm, chú trọng phát triển toàn diện cả quy mô và chất lượng. Quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; hoạt động đối ngoại được mở rộng...
Ngày 30-12-2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2239/QĐ-TTg “Phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Theo đó, xác định mục tiêu tổng quát: “Phát triển nhanh giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển đất nước trong từng giai đoạn”(1).
Trong quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 218/QĐ-TTg, ngày 4-3-2024, đã nêu rõ phương hướng phát triển ngành giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Ngày 1-4-2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình ban hành Kế hoạch số 73-KH-UBND “Thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045”(2) nhằm mục tiêu đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển địa phương trong từng giai đoạn... Mục tiêu cơ bản đến năm 2025 là bảo đảm quy mô, cơ cấu ngành, nghề đào tạo cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội địa phương; chất lượng đào tạo của một số nghề tiếp cận trình độ khu vực ASEAN-4; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30% - 32%. Mục tiêu cơ bản đến năm 2030 là nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề quốc gia; chủ động tham gia vào thị trường đào tạo nhân lực quốc tế; trong đó một số nghề tiếp cận trình độ các nước trong khu vực ASEAN; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35% - 40%. Tầm nhìn đến năm 2045 giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao tại địa phương, bắt kịp trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới, có năng lực cạnh tranh vượt trội ở một số lĩnh vực, ngành, nghề đào tạo.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, tỉnh Ninh Bình xác định đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất thiết bị và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo, phát triển đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong giáo dục nghề nghiệp là giải pháp đột phá. Đồng thời, gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động; thực hiện ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ; hướng nghiệp, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; chủ động và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế về giáo dục nghề nghiệp…/.
---------------------
(1) Xem: Quyết định số 2239/QĐ-TTg, ngày 30-12-2021, của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, https://datafiles.chinhphu.vn/cpp/files/vbpq/2022/01/2239.signed.pdf
(2) Xem: Kế hoạch số 73, ngày 1-4-2024, của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình về Thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, https://phobiengiaoducphapluat.ninhbinh.gov.vn/public/userfiles/vbpl_m%E1%BB%9Bi/v%C4%83n_b%E1%BA%A3n_m%E1%BB%9Bi_2024/kh73.pdf
Tỉnh Ninh Bình: Tăng cường bảo tồn thiên nhiên, gìn giữ đa dạng sinh học trong phát triển kinh tế - xã hội  (27/09/2024)
Nâng cao chất lượng đời sống văn hóa cho người dân tỉnh Ninh Bình  (26/09/2024)
Một số vấn đề về ứng phó với bão, lụt - góc nhìn từ tỉnh Ninh Bình qua cơn bão số 3  (25/09/2024)
Tỉnh Ninh Bình bảo tồn và phát huy các giá trị làng nghề truyền thống  (24/09/2024)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên